Tuesday, November 23, 2010

ĐÔI NGHỆ SĨ của "PHONG CHÂU MỞ HỘI" II (Vũ Ánh)

(11/19/2010)

Hồi còn nhỏ, gia đình bố mẹ tôi sống ở Hải Phòng nhà nằm ngay ở trên đường Cát Cụt gần như đối diện với trường tiểu học Lệ Hải và trụ sở của Bảo Chính Đoàn Hải Phòng. Đi từ nhà tôi ngược lên chợ Sắt là những cửa tiệm bán phế phẩm mà người Tầu gọi là hàng lạc-xoong tối tăm, một số tiệm ăn nhỏ của người Hải Nam và các tiệm sâm bảo lượng và đặc biệt có một rạp xi-nê và một rạp hát chuyên trình diễn các tuồng Hồ Quảng trong đó, các đoàn hát thường là những đoàn hát nhỏ ở Hong Kong sang lưu diễn. Bố mẹ tôi chưa bao giờ cho chúng tôi vào rạp xi nê này chỉ vì, theo lời bố tôi, hàng đàn rệp ẩn mình trong các khe gỗ của những hàng ghế sẵn sàng tấn công bất cứ khách ngồi nào. Ông cụ thường gạt phắt đi mỗi khi chúng tôi đòi đi xem “Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ” cứ chiếu đi chiếu lại mãi ở cái rạp cũ kỹ này. Bố tôi nói: “Vào đó chỉ tổ rệp nó đốt cho sưng đít lên”.
Thế là anh em chúng tôi mỗi tối chỉ có giải trí bằng cách đi chọc ghẹo các gánh “hát xẩm”. Có lần chúng tôi chọc ghẹo hơi quá, cả một gánh hát xẩm bực tức vác đòn gánh đuổi chúng tôi về tận nhà. Họ vào mét bố mẹ tôi và dĩ nhiên cái giá của trò tinh nghịch là một trận đòn bằng roi mây nhừ tử. Rệp chưa đốt đít mà mông chúng tôi đã bị roi mây làm cho sưng vù. Thời tuổi nhỏ, chúng tôi chưa hiểu nguồn gốc của hát xẩm, nhưng năm này qua tháng nọ, anh em chúng tôi nghe riết rồi quen. Từ ngã tư Cát Dài-Cát Cụt cho mãi xuống đường Trại Cau-Hàng Kênh là nơi tập trung khá nhiều gánh hát xẩm. Khu này lại là nơi tập trung hàng rong buổi tối, nên thu hút đông giới bình dân. Vì thế, hát xẩm được mùa ở đây.
Gọi là gánh hát cho sang chứ thật ra mỗi “gánh” như vậy chỉ có khoảng từ 4 đến 5 người, có khi chỉ hai vợ chồng mù và một đứa con. Nhiều khi gánh xẩm này chỉ có một cây đàn nhị, trống hay phách. Những “gánh lớn hơn” có thể có cả một cây đàn mà thùng đàn vuông, cần đàn dài và dây tơ. Sau này khi vào trong Nam, lớn lên ở miền Nam đọc những bài nghiên cứu dân ca Miền Bắc đăng trên các tuần báo văn nghệ, tôi mới hiểu đó là cây đàn đáy.
Năm 1973, nghĩa là sau 8 năm làm phóng viên mặt trận cho hệ thống Truyền Thanh Quốc Gia (VTVN), tôi được nghỉ ngơi một thời gian để rồi sau đó phải coi sóc một sở khá quan trọng liên quan đến thời sự quốc tế và quốc nội cho đài phát thanh trung ương. Vào thời gian này, khi được văn phòng trưởng tại Saigon của công ty truyền hình Nhật Bản Tokyo Broadcasting System (TBS), K. Kuruda mời làm phụ tá cho ông, tôi đã có vài cơ hội bước vào cái thế giới của một nền văn nghệ ẩn dật thời bấy giờ. Tôi dùng chữ ẩn dật không biết có đúng không, nhưng vào những năm đầu của thập niên 70, tuy đài phát thanh Saigon cũng có những chương trình Chèo Cổ, Viện Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon cũng có dạy bộ môn dân nhạc và nhạc truyền thống nhưng cũng không đủ sức vực dậy một quá khứ vàng son của một nền âm nhạc phong phú và độc đáo của dân tộc Việt. Chúng tôi phải tìm đến nữ nghệ sĩ Hồ Điệp, nhà thơ Đinh Hùng và giáo sư Vũ Hoàng Chương để tham khảo hầu thực hiện hai ký sự, một nói về nghê thuật Ca Trù và một nói về hát Chầu Văn. Cuộc tiếp xúc đã dẫn chúng tôi tới một xóm Ả đào (hát cô đầu) phía sau khu hồ bơi gần rạp Cao Đồng Hưng bên Gia Định. TBS đã khá thành công trong việc thu hình các sinh hoạt ở đây và thu hình ở nhà riêng một số đào hát tuổi đã về chiều ở tư gia. Nhưng dường như sau đó không bao lâu thì xóm Ả đào này cũng tự tàn lụi bởi vắng những khách còn giữ lại được cái thú tao nhã của những thập niên đầu của thế kỷ 20. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho công ty truyền hình Tokyo, tôi còn nhớ nhà thơ Đinh Hùng đã nhận định: “…Thời đại đổi thay nhiều rồi, ca trù hay ả đào chỉ còn là những hình ảnh đầy tiếc nuối…”.
Khi chiến tranh chấm dứt, một cơ hội tốt nhất để những ai yêu thích dân nhạc có thể tìm hiểu thêm ngọn nguồn của nền nghệ thuật truyền thống này, nhưng tù đày và chế độ khắc nghiệt thời ấy không hề muốn tạo cho bất cứ ai những cơ hội để về nguồn. Hơn nữa, đối phó với miếng ăn hàng ngày trong đời sống thường đã khó rồi, nói chi đến chuyện nghiên cứu hát ả đào (Ca Trù), hát chầu văn, hát trống quân, ru con, ngâm Kiều, sa mạc, cổ phong…Cuối cùng chỉ còn là công việc đi mua băng sang lậu từ miền Bắc đưa vào, những cuốn băng cassettes không có lời giải thích, nhưng cứ nghe cho quen rồi lần mò vào những trang sách do người Pháp hay người Anh viết về nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể kéo dài công việc này. Trong bối cảnh dở khóc, dở cười từ những cảnh đời đổi thay, gánh nặng cơm áo đã nhận chìm mớ kiến thức dang dở ấy ngay cả khi tôi đặt được những bước chân đầu tiên tới vùng đất này.
Tưởng đã quên hẳn, quên bẵng ! Nhưng một hôm, có người bạn từ Washington DC đến thăm tôi ở đài VNCR (lúc Lê Đình Điểu còn sống và trụ sở ở góc đường Main và Acacia Parkway, G.G). Anh tặng tôi một CD và nói: “Mày nghe thử, cặp này được lắm”. Cặp nghệ sĩ “được lắm” ở đây chính là Nga Mi và Trần Lãng Minh.
Tôi không hoàn toàn tin vào trí nhớ của mình về những nhạc phẩm được ghi trong danh mục phía sau, nhưng tôi tin chắc một điều rằng tôi có nghe Trần Lãng Minh ngâm bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác (1881-1945) ghi âm trong CD này, nghe khá nhiều lần. Giọng của Trần Lãng Minh ấm, nhưng lồng lộng, thênh thang gây nhiều ấn tượng tốt. Gần như anh diễn tả được hết những ý thơ, sự lãng mạn của một lớp sĩ phu Bắc Hà trước thời cuộc đảo điên và thay đổi. Hơn nữa, bài thơ gắn liền với những kỷ niệm của một đời lưu đầy mà tôi từng trải qua. Năm nào cũng vậy vào mỗi dịp xuân về, chúng tôi thường lén lút tổ chức những buổi văn nghệ nhóm với nhau để hát tù ca, để ngâm thơ hay nói chuyện với nhau về văn hóa truyền thống. Vào những dịp ấy, ít khi nào tác giả Nguyễn Bá Trác lại thoát khỏi bị liệt kê trong chương trình. Khoảng thời gian đó, chúng tôi không rành lắm về các thể loại ngâm thơ, và thật tình cả đám tù chúng tôi làm sao mà biết được thế nào là cổ phong, thế nào là đường thi, cho nên giai điệu, tiết điệu và thể điệu cứ loạn cả lên. Nhiều “nghệ sĩ” bất đắc dĩ có thể đã làm chết cả kiệt tác trong văn đàn bán cổ điển Việt Nam như “Hồ Trường”, nhưng vào thời điểm ấy, khi bài thơ được ngâm trong ánh sáng bập bùng của những ngọn nến, trong cái rét buốt của đêm trừ tịch trong những láng giam im phăng phắc, nhiều tù nhân trong chúng tôi đã khóc.
Tôi nói về hoàn cảnh của bài “Hồ Trường” qua giọng ngâm của Trần Lãng Minh cũng chỉ là để tiếp nối những điều xảy ra ở trong đời sống của những cộng đồng Mỹ gốc Việt Nam ở hải ngoại, nơi Nga Mi cũng như Trần Lãng Minh được nhà báo Vũ Đình Trọng mô tả là hai nghệ sĩ “lội ngược dòng tìm ngọc”. Những ai biết nhiều về những hoạt động của Nga Mi-Trần Lãng Minh, tất sẽ hiểu cái lý do thúc đẩy hai nghệ sĩ này tìm về nguồn. Về nguồn giữa một cuộc sống luôn luôn bị thôi thúc bởi nhiều yếu tố khiến con người phải tiến tới nếu không muốn thua cuộc, về nguồn giữa một cộng đồng đầy lời tranh cãi chát chúa và si hận quốc cộng, về nguồn giữa một bối cảnh của một xã hội chưa quên hay không thể quên được cuộc chiến cũ là một điều không dễ dàng. Cô đơn, không có niềm tin và nợ áo cơm nặng nề thường làm cho những cuộc bơi ngược dòng về nguồn nếm trải nhiều thất bại.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vũ Đình Trọng cách đây cũng khá lâu, Trần Lãng Minh đã nhấn mạnh đến điều mà tôi vừa trình bày: “Những buổi trình diễn của chúng tôi (NM-TLM) dù sao cũng là những chương trình giới hạn người nghe…”. Câu nói này, theo Vũ Đình Trọng rõ ràng là một “giai điệu buồn cho những người đang gìn giữ một di sản văn hóa quí giá của dân tộc”. Trong kho tàng thi ca của nghệ thuật truyền thống Việt Nam như ca trù, chầu văn, hát xoan, hát ghẹo và ngay cả quan họ Bắc Ninh đi nữa... còn mấy ai biết thưởng thức, còn mấy ai say mê. Trong một bài viết khác, đã có lần Vũ Đình Trọng mang cái tâm sự khắc khoải của mình để nói về Nga Mi-Trần Lãng Minh: “Hình như trong cơn lốc xoáy của thời đại, dòng tân nhạc ngày càng xóa mờ hình ảnh của liền anh, liền chị với áo dài the, khăn đóng, áo năm thân, khăn mỏ quạ lúng liếng cặp mắt đưa tình qua những câu hát đối. Hình ảnh hội Xuân, hội làng chẳng lẽ chỉ còn trong tâm tưởng?”.
Nhưng trong những hoạt động văn nghệ không biết mệt mỏi, hai nghệ sĩ Nga Mi-Trần Lãng Minh vẫn tiếp tục tìm kiếm những viên ngọc truyền thống, chùi rửa những lớp bụi thời gian đi để mang ra trưng bày trước một công chúng sinh sống cách những điểm mốc của cái quá khứ lặng lẽ, lãng mạn của ông cha chúng ta nhiều ngàn năm.(V.A)
(Còn tiếp)
.
.
.
(11/20/2010)

Chữ “gian khổ” tôi dùng với nghĩa rất rộng, bởi tôi hiểu Nga Mi cũng như Trần Lãng Minh coi gian khổ chỉ là những trở ngại trong tiến trình đi tới việc hoàn tất một dự án. Đã là trở ngại thì có thể vượt qua miễn là con người còn nuôi dưỡng được niềm tin và sự say mê trong trái tim. Bởi niềm say mê đó mà tài chánh hai người kiếm được từ công việc kinh doanh dịch vụ những năm tháng trước đây sẵn sàng được rút ra để đề phòng trường hợp phải bù đắp cho những lỗ lã, hoặc để chi dụng cho những chuyến bôn ba giới thiệu với người Việt hải ngoại những cái nhìn mới của mình về âm nhạc truyền thống dân tộc.

Cách đây cũng vài năm, có lần dùng cơm tối với cặp nghệ sĩ này ở một quán ăn tại Falls Church, Virginia, tôi có hỏi về những chuyến anh cùng Nga Mi đi “tìm thầy học đạo”, Lãng Minh trầm ngâm một lát rồi mới trả lời: “Nghề chơi cũng lắm công phu anh ạ. Tụi này không qua quýt được, phải tìm thầy chính thống. Thời buổi này, bịp nhau cũng nhiều. Nhưng vấn đề là ở chỗ tìm được thầy chính thống rồi, liệu họ có bằng lòng chỉ bảo mình tới nơi tới chốn hay không. Về mãi tận quê hương Bắc Ninh để tìm hiểu về quan họ chẳng hạn, thì cũng phải có phương tiện để có thể ở lâu được. Vả lại dù có ở lâu được thì việc chỉ bảo tận tâm lại là một vấn đề khác. Thể loại nhạc truyền thống Việt Nam nào cũng vậy. Phải có thời gian, phải có suy tư, phải có say mê mới có thể thấm được”.

“Vô tri bất mộ”, cổ nhân đã chiêm nghiệm thực tế để nó trở thành một cái bảng đúc kết bài học cho ngàn sau. Một người bạn của bố tôi, những người thấm nhuần nền văn hóa Pháp, nhưng lại nghiên cứu nhạc Jazz từ những năm giữa của thập niên 50 khi ông bước chân vào Nam. Ông lại là người chỉ có nghe nhạc cổ điển Tây phương. Sự thay đổi này khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Mãi đến năm 1971, khi ông nhờ tôi mua giùm ông bộ sưu tập về Benny Goodman nhân chuyến tôi được đi quan sát ở nước ngoài, tôi mới có dịp hỏi ông về nguyên do thúc đẩy ông nghiên cứu khá kỹ về nhạc Jazz. Ông bạn của bố tôi cười và nói: “Vô tri bất mộ cháu ơi. Không hiểu rõ thì không thích, không mê được. Khi hiểu rõ nhạc Jazz, mới thấy thích Louis Armstrong. Tiếng trumpet và giọng khàn khàn của ông ta chính là thân phận bọt bèo, nổi trôi của những người nô lệ da đen. Nó là một nét văn hóa riêng của Phi châu da đen”.

Ba mươi bẩy năm sau, Trần Lãng Minh cũng nói với Vũ Đình Trọng đúng câu nói ấy: “Ngay như chúng tôi (Nga Mi-Lãng Minh), những người di cư vào Nam lúc đầu cũng thấy cải lương là bộ môn xa lạ nghe không thích. Nhưng dần dà nghe mãi nên tôi thích, đi sâu vào tìm hiểu thì mới thấy kho tàng vô giá. Những bộ môn nghệ thuật chúng tôi theo đuổi cũng mang số phận hẩm hiu. Mình theo đuổi nó giống như lội dòng nước ngược. Nhưng chúng tôi chấp nhận khó khăn vì cảm được cái hay cái đẹp, cái giá trị nghệ thuật của nó. Càng ngày chúng tôi càng yêu thích, càng say mê tìm hiểu”.

Nhưng có niềm tin về một tương lai tốt đẹp của công trình mà mình theo duổi thì mới kiên trì làm việc được. Cả hai người, Nga Mi và Trần Lãng Minh đều có niềm tin ấy, qua ánh mắt, công việc họ đang làm, trong sự tiếp tục nghiên cứu và học hỏi. Trong ánh mắt mơ màng sau làn kính cận, Trần Lãng Minh cho biết: “Nghệ thuật trình diễn đòi hỏi niềm tin ấy rất nhiều. Có niềm tin mới vượt qua được những thất bại và cũng chỉ có niềm tin, những người như chúng tôi mới dám xây dựng và thực hiện những mơ ước nghệ thuật…”. Tôi hiểu được bằng trái tim của mình rằng, niềm tin sắt đá đã tạo nên bề dầy của những thành tích mà cả hai đã đạt được trong những chuyến lưu diễn không những ở các tiểu bang Hoa Kỳ mà còn tại Canada, Nhật Bản, Pháp, Đức và Úc. “Những viên gạch nghệ thuật đặt xuống bằng cả tấm lòng mong muốn giới thiệu và đề cao giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống gắn liền lịch sử, văn hóa, sinh hoạt của người Việt từ nghìn năm nay. Giới thiệu đế giới trẻ người bản xứ để họ đến gần hơn hiểu biết và cảm nhận được nhiều hơn cái hay, vẻ đẹp của kho tàng âm nhạc phong phú của âm nhạc Việt Nam. Không ai biết phải cần bao nhiêu viên gạch mới xấy được một cái nền cho nghệ thuật truyền thống, nhưng những viên đầu tiên mà Nga Mi-Trần Lãng Minh đặt xuống ở một nơi cách xa đất nước ngàn dặm vẫn mang đậm cái hồn của một điệu ca trù hay hát xẩm…” (Vũ Đình Trọng-Lội ngược dòng tìm ngọc)

Tôi trích một đoạn khá dài lời Vũ Đình Trọng từ một cuộc phỏng vấn với Nga Mi và Trần Lãng Minh từ thời anh còn làm việc cho nhật báo Người Việt để có được một cái cớ quay lại với cá nhân Nga Mi và Trần Lãng Minh. Tôi không nghĩ rằng cái riêng tư này không ảnh hưởng đến cuộc đời hoạt động của hai người. Bởi vì như thiên tài Ray Charles chẳng hạn cho mãi đến khi gần qua đời, ông mới thú nhận người ảnh hưởng đến cuộc đời ca hát của ông nhất chính là ông giáo già dậy piano vô danh trong cái xóm da đen nghèo khó ở Memphis. Khi Ray Charles nhấn cái ngón tay trỏ đầu tiên lên phím chiếc piano cũ mèm của ông thầy trong một nhà kho, cậu bé 10 tuổi này biết rằng đời mình sẽ gắn liền với cây đàn. Có lẽ cũng vì thế mà Ray Charles nói rằng suốt cuộc đời ca hát của mình, hình ảnh ông thầy dạy piano đầu tiên bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mỗi khi Ray khởi sự một dự án nào.

Trần Lãng Minh hay Nga Mi không như thế. Ngược lại những bài dân ca, những câu hát xẩm, chầu văn, xoan… đã trở thành “một phần xương thịt của mình” chứ không phải chỉ có cảm hứng. Lãng Minh tâm sự: “Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình, các cụ trong nhà thường tổ chức những buổi ngâm thơ, hát chầu văn hay dân ca. Có thể những làn điệu dân tộc đó đã thấm vào tâm hồn tôi ngay từ nhỏ. Thế rồi nghe nhiều nên thích. Tôi học ngâm thơ và các điệu dân ca ba miền. Lớn lên, tôi để tâm nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc dân tộc. Càng nghiên cứu tôi càng yêu thích và nhận ra nhiều giá trị độc đáo của nền âm nhạc đã có từ hàng ngàn năm”.
Khi qua Mỹ, và có điều kiện, Lãng Minh đã bỏ thời giờ nhiều hơn vào việc sưu tầm những thể điệu nay đã thất truyền. Bằng cách nào? Trần Lãng Minh giải thích: “Tôi phải đi học những người biết những thể ngâm đã không còn được lưu truyền, chẳng hạn như nghệ sĩ Thanh Hùng ở Dallas, bà Giáng Kiều, một trong những Tứ Kiều của Tự Lực Văn Đoàn, cụ Phạm Đình Liệu cùng nhiều bậc trưởng thượng khác. Chúng tôi tìm đến hỏi ý kiến và thu thập những gì các cụ ấy còn lưu giữ. Thời gian gần đây, chúng tôi đã có cơ hội về Việt Nam , thăm những nghệ nhân còn sót lại của những bộ môn như ca trù, hát chèo, chầu ăn…Tôi đến tận nơi, hỏi chuyện nhờ các cụ hát rồi thu hình để làm tài liệu. Tôi đi Hà Nội, Hà Tây, Sơn Tây, Hải Phòng, Phú Thọ, Hoa Lư, Ninh Bình. Chuyến đi dự định có 6 tuần đã phải kéo dài đến 3 tháng”.

Nga Mi là “bạn đời đúng nghĩa nhất của Trần Lãng Minh”, theo cách nhìn của nhà báo Vũ Đình Trọng. Gia đình cô có một bà mẹ hát rất hay, nhất là quan họ Bắc Ninh. Nga Mi cũng học hỏi rất nhiều ở cụ nhất là lịch sử của của những bộ môn. Trước đây Nga Mi và cô em gái tên Nguyệt chỉ hát tân nhạc, nhưng Nga Mi thì lại mang tâm hồn nhạy cảm với dân ca ba miền và quan họ Bắc Ninh. Niềm say mê mạnh mẽ nhạc truyền thống của Trần Lãng Minh đã truyền cho Nga Mi thêm sức mạnh để hướng theo con đường theo đuổi nhạc dân tộc. Nga Mi nhận định: “Hát ả đào rất khó, nhiều khi chỉ một bài thôi mà phải tập luyện công phu cả năm trời mới hát được. Nếu không yêu thích, không thấy giá trị thực sự của bộ môn truyền thống này thì rất khó theo đuổi”. (VA)
(Còn tiếp)
.
.
.
(11/22/2010)

(3)
Trần Lãng Minh và Nga Mi giống như người đi khai quật những cổ vật của Việt Nam và đem trưng bày cho người đương thời. Bộ sưu tập của họ chưa đầy đủ bởi những giới hạn khách quan cũng như chủ quan. Tuy thế sàn diễn “Phong Châu Mở Hội” lần thứ hai là một tập hợp cũng sẽ tương đối đầy đủ theo như lời của Lãng Minh. Tôi hỏi tại sao, Lang Minh nói: “Vì những điều tụi này đưa ra có được một chút hơi thở của văn hóa hàng ngàn năm trước”. Anh giải thích thêm:

“Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi mà các vua Hùng đã dựng thành nước Văn Lang, quốc gia Việt Nam đầu tiên với kinh đô là Phong Châu. Thời điểm của cổ sử xa với như vậy, nhưng con cháu ngày nay khi đi qua nơi này, vẫn còn cảm nhận được cái hơi thở của cuộc sống hàng ngàn năm trước. Tại sao tụi này có thể nói như vậy được? Lý do cũng dễ hiểu thưa anh. Một trong những lý do có tính cách quyết định để những trang sử cũ còn sống mãi với đời sau là nền văn hóa văn học vào thời đại đó”.
Chẳng hạn như nếu không có hoàng tử Trần Quốc Định con vua Trần Nghệ Tông thì không có Hát Xẩm. Theo giải thích của các sử gia, vị hoàng tử tài hoa này đã dùng hát xẩm để tránh bị người em mình là Trần Quốc Toán truy đuổi sau khi ông bị bắt và bị hành hạ đến mù mắt, bị vất vào rừng cho chết. Tuy hoàng tử Định không chết nhưng ông muốn tránh bị diệt (vì người em muốn giết ông để mình được làm vua sau này) lẩn vào thường dân với hình hài tàn phế nghèo khổ. Là vị hoàng tử tài hoa, đa cảm cho nên những lời ca mà ông viết ra chạm đến chỗ sâu thẳm nhất của trái tim đại chúng. Người nghe những lời ca ấy không thể nào không nhỏ lệ khóc thương có những cảnh đời oan trái, nghiệt ngã. Vì thế sự xúc động cho cảnh ngộ của con người là nền tảng của hát xẩm chăng? Những lập luận về nguồn gốc của hát Xẩm cũng do đó mà thay đổi. Nhưng Trần Lãng Minh nhấn mạnh: “Dù nguồn gốc có ít chi tiết thay đổi theo thời đại, nhưng cái chung của hát xẩm là với những thể điệu, lời ca, với nhịp trống phách hòa cùng đàn bầu, đàn nhị nỉ non đã tạo thành những nét độc đáo, hấp dẫn cho người thưởng thức. Ngoài ra, hát xẩm còn gồm những bài trào phúng, châm biếm, hóm hỉnh, ví von nhẹ nhàng hay những gương anh hùng đáng đề cao. Có nhiều điệu hát xẩm như thập ân, huê tình, ba bậc…”

Ngay nay hát xẩm không còn lưu truyền nữa. Nhiều nhân chứng ở miền Bắc cho biết, từ sau năm 1954, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương không còn bóng dáng của gánh hát Xẩm nào. Người ta không biết lý tại sao, nhưng có người đoán là do tình hình kiểm soát văn nghệ sau khi người Cộng sản cai trị một nửa đất nước. Trong khi đó tại Miền Nam Việt Nam, cái hơi hướng hát xẩm do người miền Bắc di cư mang vào vẫn còn tồn tại ở Saigon, Đà Lạt một thời gian cũng khá dài. Trần Lãng Minh đưa ra một thông tin đáng chú ý và cũng là một lời khuyến cáo: “Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời khiến nghệ thuật, kỹ thuật, truyền thống hầu như đã thất truyền. Mặc dù cụ có truyền nghề cho các học trò, nhưng không ai sở đắc được. Trước đó, tôi là người có duyên gặp được cụ và được cụ truyền đạt cho một số tinh hoa của nghệ thuật hát Xẩm”.

Nếu có dịp ngồi với Trần Lãng Minh-Nga Mi để nghe cặp nghệ sĩ này giải thích những điệu hát dân ca miền Bắc nghe rất lạ tai, như hát Ghẹo và hát Xoan, chúng ta mới có thể nhìn thấu được phong cách của họ. Họ sống thật, say mê thật cứ không phải là lối sống làm dáng sau khi đã thành danh. Và quả như thế, “nghề chơi cũng lắm công phu”, Lãng Minh và Nga Mi đã góp đủ công phu để đạt được mục tiêu của mình chỉ để chứng tỏ một điều: nền văn hóa, văn học và văn nghệ của tiền nhân chúng ta đa dạng, phong phú và đầy chất lãng mạn. Trần Lãng Minh nhấn mạnh: “Hát Xoan thường được trình diễn vào mùa Xuân. Tiếng địa phương xưa đọc trại chữ Xuân thành Xoan. Hát xoan tổ chức theo từng phương hội. Người đứng đầu phường hát xoan là ông Trùm, mỗi phường khoảng 10, 15 người. Trai gọi là Kép, gái gọi là Đào. Y phục giống như quan họ Bắc Ninh: trai áo the, quần trắng đội khăn xếp, nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm đào, thắt lưng nhiều mầu, quần lụa, đeo xà tích”.

Theo năm tháng, kiến thức của Trần Lãng Minh về dân ca ba miền có những thay đổi nhanh chóng. Anh bước đi trên hành trình tìm lại những viên ngọc quí trong nhạc truyền thống dân tộc với một niềm tin vững vàng rằng những công khó của anh cũng như người bạn đời Nga Mi sẽ để lại những lợi ích cho những thế hệ sau này cũng như giúp trả lời một cách rõ ràng về văn hóa dân tộc. Những chữ nghĩa nghe rất lạ tai: hát xoan, hát ghẹo, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gái huê, hát đúm, đánh cá, ví đãi trầu, giọng sổng, sang giọng, ví tiễn chân... Nếu không có người tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu chắc cũng không ai biết đó là những nền tảng vững chắc khiến cho Việt Nam không hề bị đồng hóa dù phải trải qua ngàn năm Bắc thuộc.

Có lẽ cũng vì thế mà trước mỗi buổi trình diễn, bao giờ Trần Lãng Minh cũng dùng 15 phút để dẫn giải về nguồn gốc, lịch sử của từng làn điệu và từng thể loại nhạc truyền thống dân tộc để khán giả có thể hiểu hơn và qua đó có cảm nhận dễ hơn cái hay, cái đẹp và cái tinh túy trong những tiết mục mới trong những đêm trình diễn.

Nói một cách khác, “Phong Châu Mở Hội I” cũng như “Phong Châu Mở Hội II” đều là những sàn diễn của về một nền văn hóa đa dạng của dân tộc Việt từng hiện diện cả hàng ngàn năm trước trên quê hương cũ của chúng ta. Người mới nghe, có thể lạ tai không quen, nhưng người đã từng nghe một lần hay nhiều lần sẽ thấy say mê những giá trị nghệ thuật và học thuật cổ truyền của người Việt Nam từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang.
“Phong Châu Mở Hội” có được cái hồn của dân tộc, nhịp tim đập của tiền nhân cũng là nhờ những người còn giữ được tấm lòng, trong đó có Trần Lãng Minh, Nga Mi, những trí thức, những nhà nghiên cứu, những người làm văn học và những nghệ sĩ chấp nhận gian khổ để về nguồn. (V.A)

Nga Mi – Trần Lãng Minh: Phong Châu Mở Hội II
7PM Thứ Bảy, 27 Tháng 11, 2010
La Mirada Theatre, 14900 La Mirada Blvd., La Mirada, CA 90638
Hát Xoan, hát Xẩm, Ả đào, Chầu văn, Dân ca Bắc – Trung – Nam và Sắc tộc.
Nhạc ảnh vĩ đại, hùng tráng: Phong Châu Mở Hội, Chầu Văn Lên Đồng, Quang Trung Đại Đế Ca.
Vá bán tại:
Ban Tổ Chức: 714-724-1568
Tự Lực: 714-531-5219
.
.
.

No comments: