Saturday, November 13, 2010

ĐOÀN VĂN NGHỆ DÂN TỘC LẠC HỒNG : 20 NĂM NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Nguyên Huy/Người Việt
Friday, November 12, 2010

Vào chiều tối hôm Thứ Bảy 6 tháng 11, Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng đã tổ chức buổi kỷ niệm 20 năm hoạt động của mình tại nhà hát “Saigon Performing Art Center trên đường Brookhurst thuộc thành phố Fountain Valley, Nam California.

Trên 700 ghế của nhà hát đã gần kín hết khán giả. Khán giả, không chỉ là những bậc lão niên hay giới cao niên thuộc thế hệ thứ nhất của người Việt ở Hoa Kỳ, mà có đến hơn 1/3 là khán giả trẻ trong mọi lớp tuổi. Loáng thoáng có cả những khán giả trẻ thuộc các dân tộc khác.

Có dịp được vào hậu trường sân khấu mới thấy được cảnh náo nhiệt trẻ trung đầy văn nghệ tính của tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại khi tham dự vào chương trình này. Hỏi ra được biết tất cả, có khoảng trên 100 em nam nữ đang tất bật sửa soạn trang phục và hóa trang cho những tiết mục trong chương trình, đều là thành viên của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. Những em kè kè nhạc cụ cổ truyền, khỏi hỏi cũng biết là các em thuộc ban nhạc cổ truyền của đoàn do Giáo Sư Nguyễn Châu hướng dẫn phụ trách, hay thuộc nhóm nhạc Thiếu Nhi của nhạc sĩ Hoàng Quân. Một vài em đang tụ lại chăm chú vào các bản nhạc khe khẽ xướng âm các điệu hò hát dân tộc với nhau. Ðó là những em của nhóm Chorus do nhạc sĩ Chính Mang phụ trách. Lại có cả những em nhỏ trên dưới 10 tuổi đang được các cô Thái My và Katherine Thảo Nguyễn săn sóc dượt lại cung cách trình diễn. Ðây hẳn là Nhóm Thiếu Nhi thuộc đoàn Ca Múa và Hát của Ðoàn Lạc Hồng. Và kìa, những bóng dáng quen thuộc vì dáng đi uyển chuyển của các thiếu nữ trong những bộ váy áo của đồng bào Thiểu Số VN. Không thể nhầm được khi đoán đó là những nữ vũ công của đoàn Việt Cầm và của đoàn vũ Lạc Hồng do vũ sư Ðình Luân huấn luyện và phụ trách. Những ban vũ này đã được hầu hết khán thính giả của các trung tâm băng hình lớn biết đến vì những màn phụ diễn trong những DVD thật giá trị.

Náo nhiệt nhất có lẽ là nhóm chị em trong quốc phục vàng tươi đang ríu rít chuyện trò, chụp hình kỷ niệm cùng với các đức lang quân. Bỗng nhận ra được trong nhóm này có ca sĩ Ngọc Quỳnh. Ngọc Quỳnh cho biết những chị em này đều là những thành viên của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, hầu hết đều có mặt từ ngày đoàn được thành lập. Ngọc Quỳnh nói: “Hai mươi năm trước chúng em mới chỉ là những cô bé, cậu bé trên dưới 10 tuổi. Ngoảnh lại, đã hai mươi năm qua chúng em ở trong đoàn và không thiếu mặt mỗi khi đoàn tổ chức.” À, thì ra đó là các cô trong Ban Hợp Xướng nổi danh của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. Ngọc Quỳnh cho biết tiếp: “Hầu hết những cô bé cậu bé ngày đoàn mới thành lập nay đều đã có gia đình. Nhưng dù bận bịu đến đâu chúng em không có ai bỏ được đoàn cả. Thứ nhất có lẽ vì ai nấy khi được học hỏi hướng dẫn ở trong đoàn thì đều mê say văn nghệ truyền thống dân tộc. Càng được học, được hiểu biết càng thấy dân tộc mình có nếp sống tình cảm thật phong phú và chúng em rất mong tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại sẽ có được nhiều dịp thưởng thức mà biết đến kho tàng văn nghệ quí báu của ông cha chúng ta.”

Tất bật công việc sắp xếp sân khấu, Giáo Sư Nguyễn Châu, một trong những người sáng lập Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trong Hội Phát Triển Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam, cũng dành cho chúng tôi ít phút. Giáo Sư Nguyễn Châu cho biết: “Ðến nay thì đoàn chúng tôi đã chuyển dần sang hình thức trẻ nghĩa là trẻ trung hóa tất cả, từ cách trình diễn, diễn viên cho đến nội dung các làn điệu câu hò tiếng hát truyền thống để cuốn hút tuổi trẻ Việt Nam không xa rời được dân tộc. Hai mươi năm qua chúng tôi đã chọn con đường này. Mỗi năm là một lần đoàn ra mắt đồng hương như một buổi báo cáo kết quả nỗ lực của hội chúng tôi. Nỗ lực ấy là quyết duy trì và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Không chỉ khô khan lập lại những làn điệu cũ mà nay nhiều nơi đã phai lạt, biến hóa đi ngay ở trong nước nữa. Phải có công nghiên cứu lại, sắp xếp sao cho thích hợp với tuổi trẻ khi giảng dậy, hướng dẫn và trình diễn để vừa làm sống lại những nét văn hóa đặc thù của dân tộc, mặt khác lôi cuốn được sự ham thích của tuổi trẻ. Ðến nay thì qua hàng trăm các lớp học, có thể nói chúng tôi đã hướng dẫn tới cả hàng ngàn em biết đến đủ mọi nhạc khí cổ truyền như đàn tranh, sáo, nhị, đàn bầu và các làn điệu khắp ba miền. Ðã đến lúc chúng tôi nhận thấy phải trao lại cho tuổi trẻ nhiệm vụ mà chúng tôi đã đeo đuổi bao năm nay. Ðiều rất vui là các em đã rất hoan hỉ đón nhận và đã thoát ra được khỏi sự ỷ lại vào thế hệ đi trước. Không những thế, các em còn làm được xuất sắc nữa.”

Một sáng lập viên khác của hội và Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, cô Nguyễn Thị Mai trong bài diễn văn chào mừng trong buổi kỷ niệm 20 năm này cũng nhấn mạnh đến mục đích và thành quả của Hội Phát Triển Văn Hóa Truyền Thống Dân Tộc. Cô nói: “Mục đích của Hội Phát Triển Văn Hóa Truyền Thống Dân Tộc là bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Ðến nay thì hội đã có đến hơn 100 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi hoạt động tích cực cho hội. Ðoàn đã đi trình diễn ở nhiều nơi và đến đâu cũng được đón nhận nồng nhiệt. Nay thì các em, thế hệ trẻ đã thay chúng ta gìn giữ được văn hóa Việt Nam ở hải ngoại và đã dần đưa được vào dòng chính.”

Những lời phát biểu của hai giáo sư đầu đàn của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng đã được chứng minh ngay sau đó qua 20 tiết mục trình diễn văn nghệ thật đặc sắc và phong phú. Hai MC vừa duyên dáng vừa kiến thức là Y-sa và Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng đã không chỉ là người giới thiệu chương trình mà là những người giải thích chương trình, khiến cho các tiết mục văn nghệ cổ truyền càng thêm màu sắc và ý nghĩa.

Với hai mươi tiết mục trình diễn của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, sân khấu nhà hát Saigon Performing Art Center không một phút giây nào không lôi cuốn được sự say mê theo dõi của khán thính giả. Ngay phút đầu tiên hai mươi em trong đoàn Lạc Hồng trình tấu bằng nhạc cụ cổ truyền cùng đoàn Lân của chùa Ðiều Ngự đã khuấy động không khí hoạt náo trong “Âm Ðiệu Giao Duyên” được Giáo Sư Nguyễn Châu soạn thảo và hướng dẫn trình diễn. Ðến những tiết mục cộng tác của các đoàn văn nghệ bạn như Korean Drum Dance, Chinese Silk Dance, khán thính giả đã không ngớt trầm trồ thích thú được thưởng thức những nét văn nghệ đặc thù của các dân tộc bạn. Mục đèn Cù với gần ba chục em nhỏ đã trình bày xuất sắc cuộc vui truyền thống dân tộc. Phải đến các tiết mục “Múa Nón” và “Dòng Máu Tiên Rồng” của đoàn vũ Lạc Hồng và đoàn Việt Cầm, chương trình trình diễn đã nổi lên thật rõ nét những tinh tế được hòa trộn giữa những nét văn hóa cổ truyền với những làn điệu múa hát hiện đại. Quả là một kỳ công soạn thảo và tập luyện trong những tiết mục này mà các vũ sư Lưu Hồng, Ðình Luân đã cùng các vũ công trẻ thực hiện được một cách xuất sắc.

Ðến khi sân khấu tràn ngập các ca diễn viên của Lạc Hồng trong màn trình diễn chót “Dòng Máu Lạc Hồng”, khán thính giả mới bàng hoàng nhận ra rằng bao lâu nay chúng ta đã quên lãng đi một kho tàng quí báu. Cũng may mà có Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Dân Tộc đã miệt mài bảo tồn và phát huy được qua Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.
.
.
.

No comments: