Thursday, November 11, 2010

NƯỚC MỸ SAU NGÀY BẦU CỬ 2-11-2010 (Lê Duy Nhân)

Lê Duy NhânĐăng ngày 11/11/2010 lúc 08:50:16 EST

Sau khi choàng vòng hoa chiến thắng cho đảng Cộng Hòa và đảng Tea Party người dân Mỹ phải sống với thực tế gay go đang chờ đợi ở phía trước, những thay đổi mà hai đảng này có thể thực hiện như họ hứa hẹn trong lúc vận động bầu cử.

Về đối nội, chính quyền Obama sẽ bị Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát với đa số phiếu trấn áp sẽ đẩy chính quyền Obama vào thế thụ động nên không còn dám mạnh dạn với những biện pháp khôi phục kinh tế có tính cách mạo hiểm. Dân Mỹ dồn phiếu cho đảng Cộng Hòa và đảng Tea Party không phải vì hai đảng này đưa ra được những kế họach đột phá mà vì người ta tức giận đảng Dân Chủ không vực được kinh tế suy thoái, vì ghét Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi “với đủ mọi lý do”. Trưởng khối thiểu số Thượng Viện Mitch McConnell đã nói toạc ra rằng mục đích tối hậu của đảng Cộng Hòa là đẩy Tổng thống Obama ra khỏi Nhà Trắng. Trong khi mục tiêu của đảng Tea Party là giảm thuế, cắt giảm tối đa ngân sách Liên bang, thu nhỏ chính quyền Liên bang, mà không hề có chính sách tăng công ăn việc làm, giảm gánh nợ quốc gia, giảm thâm thủng ngân sách. Nên nhớ thâm thủng ngân sách và gánh nợ quốc gia là do chính sách giảm thuế, mở hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afganistan, ban hành luật bảo hiểm thuốc (Medicare Prescription Drug) của chính quyền Bush. Chính Phó Tổng thống Dick Cheney từng lập lại tuyên bố của Tổng thống Reagan rằng « thâm thủng ngân sách không quan hệ gì » (Deficits don’t matter) nhưng ngày nay đảng Cộng Hòa lại dùng thâm thủng ngân sách quốc gia là đề tài tranh cử chính.

Đảng Cộng Hòa sẽ cắt những khoản nào trong ngân sách quốc gia, Medicare, Medicaid, quốc phòng, giáo dục, ngoại viện? Giảm thâm thủng ngân sách, giảm gánh nợ quốc gia nhưng lại giảm thuế thì phải chờ phép lạ mới thực hiện được. Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CNN tối ngày 09/11, khi được hỏi rằng đảng Tea Party sẽ cắt các ngân khỏan nào thì Paul Randy , TNS mới thắng cử của tiểu bang Kentucky nhờ sự hỗ trợ của Tea Party, chỉ nói chung chung là sẽ cắt toàn bộ ngân sách. Còn Dick Armey, Chủ tịch FreedomWorks, ngoại vi của Tea Party thì nói sẽ bãi bỏ ngân sách dành cho National Endowment for the Arts mà ngân sách này chỉ chiếm có 1% của thâm thủng ngân sách 1,3 tỉ tỉ (trillion).

Đảng Cộng Hóa sẽ có kế hoạch nào để giải quyết thâm thủng ngân sách? Sẽ ngưng chính sách giảm thuế của cựu Tổng Thống Bush? Cắt bớt quyền lợi của người già và người nghèo như Medicare và Medicaid? Hay cắt chi tiêu quốc phòng 17 tỷ dollars? Hay cắt tất cả các ngân khoản cứu trợ cho các nước nghèo?
Ngay sau khi thắng thế ở Hạ Viện và chiếm đa số ghế thống đốc, các nhà lập pháp chống di dân đã nhanh chóng công bố chủ trương chống di dân và nhiều tiểu bang “hứa hẹn” sẽ theo gương tiểu bang Arizona ban hành luật di trú riêng để trục xuất di dân bất hợp pháp. Không chỉ đời sống của trên 12 triệu cư dân bất hợp pháp bị đe dọa mà nông nghiêp và nhiều ngành kỹ nghệ sẽ gặp khủng hỏang nhân lực. Không chỉ cư dân bất hợp pháp tắt niềm hy vọng về một đạo luật Cải Tổ Di Trú mới mà tương lai của di dân hợp pháp cũng không sáng sủa mấy. Người ta quên đi những đóng góp to lớn mà người di dân đóng góp cho sự thịnh vượng của nước Mỹ vì cho rắng tình trạng thất nghiệp hiện nay là do người di dân hợp pháp cũng như bất hợp pháp cướp đoạt từ người bản xứ.

Không chỉ riêng người Mỹ, các quốc gia đồng minh cũng như thù địch của Hoa Kỳ cũng thấp thỏm trông đợi thay đổi chính trị ở Hoa Kỳ sau ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Trung Quốc e ngại rằng với thế thượng phong ở Hạ Viện, đảng Cộng Hòa sẽ ép Tổng thống Obama cứng rắn hơn về xuất khẩu kỹ thuật, hợp tác về năng lượng sạch, chính sách bao cấp kỹ nghệ sản xuất quốc doanh của Trung Quốc (đẩy kỹ nghệ sản xuất của Hoa Kỳ vào thế không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc) và tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ (quá thấp).

Hòa bình ở Trung Đông sẽ bị chính quyền Obama tạm quên để dành mọi nội lực đối nội. Thế giới Hồi giáo e ngại Tổng thống Obama sẽ mất tiềm năng (momentum) hòa giải giữa các nền văn hóa khác biệt trên thế giới.

Các nỗ lực ngăn chặn buớc chân bá quyền Trung quốc của Việt Nam và khối ASEAN sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước làn sóng Cộng Hòa trên chính trường Mỹ? Từ Clinton tới Bush, rồi Obama, Hoa Kỳ đã nhìn thấy “quyền lợi cốt lõi” của Mỹ ở châu Á. Hoa Kỳ chặn Trung Quốc tại biển Đông không phải vì không muốn Trung Quốc trở thành siêu cường, cũng không phải vì bênh vực các nước bị Trung Quốc uy hiếp mà chỉ vì quyền lợi tự thân của nó. Không riêng Việt Nam mà cả Nhật Bản, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Úc châu đều đi tìm sự liên kết với Hoa Kỳ để kìm chân Trung Quốc. Hoa Kỳ không thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng để duy trì địa vị bá chủ của mình.

Từ nay đến ngày bầu cử Tổng Thống năm 2012, Tổng Thống Obama sẽ gặp thử thách to lớn. Đảng Cộng Hòa phải chấp nhận những yêu sách “vĩ cuồng” của Tea Party để được tiếp tục ủng hộ cho kỳ bầu cử này nên không dám thỏa hiệp với Tổng thống Obama. Đảng Dân Chủ sẽ trở nên rụt rè hơn để không bị gán cho cái nhãn cực tả mà mất phiếu. Quốc Hội Mỹ càng trở nên bất lực trước sự đối đầu của hai đảng. Nhân dân Mỹ sẽ trút sự tức giận lên đầu ai?

Chính trị không phải là một khoa học chính xác mà là khoa học của “ai được, ai mất, mất gì, đuợc gì, tại sao và khi nào mất, được”
Lê Duy Nhân
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: