Friday, November 5, 2010

NỖI NHỤC MANG TÊN CỨU TRỢ (Liêu Thái)

Nỗi nhục mang tên ‘cứu trợ’
Liêu Thái/Người Việt
Thursday, November 04, 2010

Mỗi sáng ra quán cà phê ngồi một chút, nhạc mở xập xình muốn nhức cả tai nhưng vẫn nghe những bàn bên cạnh bàn tán huyên náo về chuyện họp Quốc Hội, chuyện bầu cử ở Mỹ, chuyện các quan tham, và lại chuyện cái nhục của cứu trợ!

Một đất nước mà cái ăn, cái mặc của người nghèo còn bị bòn rút, xén bớt, biển thủ đến mức lộ liễu và trơ trẽn như vậy, khiến cho người nông dân chân chất phải buộc miệng chửi thề thì e khó mà nói từ chỗ nào cho phải!
Cứu trợ là hành động đẹp, là nghĩa cử, sao lại nói là cái nhục?
Có lẽ cũng nên nghe ý kiến của mấy bác nông dân.
Theo như lời của bác Hai N. trong xóm tôi thì quả là chuyện nhục, nhục cho cả người nhận cứu trợ và người chuyển cứu trợ cũng như nhà cứu trợ!

Nhà cứu trợ
Xin loại trừ những nhà cứu trợ thành tâm, hành động xuất phát từ tiếng kêu của lương tri, của lòng yêu thương đồng loại, từ động cơ tình thương, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá te tua, lá te tua đùm lá mục...” trong những câu chuyện dưới đây.
Vì họ là những người cứu trợ chân chính, nên họ đáng kính và đáng noi gương.

Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều cú áp phe cứu trợ, rất nhiều cú rửa tiền trên nỗi mất mát, đau đớn của đồng loại nhằm lấy điểm, lấy tên.
Chẳng hạn như một công ty A nào đó trốn thuế quanh năm suốt tháng, trốn tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho công nhân, trốn luôn cả việc cung cấp phúc lợi xã hội tối thiểu cho công nhân như phân bổ giờ làm việc, giờ tăng ca và chế độ bồi dưỡng hợp lý,... nhưng khi nghe tin bà con miền Trung bị lũ lụt thì hô hào cứu trợ, cứu trợ... Vì nhân đạo!
Và việc đầu tiên công ty A làm là kêu gọi (đúng hơn là bắt buộc) công nhân trừ ra mấy ngày lương để ban giám đốc mua quà, mua thực phẩm cứu trợ. Quà họ mua thì khỏi phải bàn, họ đã có sẵn một đường dây những nhà máy sản xuất mì tôm để liên doanh mua - bán giá rẻ, bán hàng tồn kho. Và cứ thế, cờ xí, trống đánh, loa hô, băng rôn, biểu ngữ... Ðến vùng lũ, chọn chỗ nước sâu mà bơi ghe phát quà cứu trợ, mà quay phim!
Sau đó nhân danh việc cứu trợ, lại xin xỏ giảm thuế, rồi lại đăng báo, báo sẽ khen lòng nhân đạo của công ty, của ban giám đốc, sẽ là gương mặt điển hình... Cứ như vậy mà làm, mỗi khi có thiên tai, là lúc mất mát của bộ phận người dân này thì, cũng là lúc thừa nước đục thả câu (tên tuổi) cho kẻ khác.

Có lẽ chính vì vậy mà người dân vùng lũ bị hội chứng sợ mì tôm, ợ chua ra hơi mì tôm trong lúc nói chuyện, trả lời phỏng vấn. Còn các giám đốc đi cứu trợ thì có gương mặt buồn thảm, ê chề và rất từ bi trên truyền hình, trên mặt báo (cho dù với công nhân thì ông/y/hắn/lão ta... là người chẳng tốt lành, o ép và không sòng phẳng, nếu không nói là gian lận!) khiến dễ gây xúc động, dễ mến, dễ cảm phục.
Có lẽ cứ mỗi mùa thiên tai, được lợi nhất là công ty sản xuất mì ăn liền, thứ đến là các công ty cứu trợ và cán bộ địa phương. Người dân đói vẫn hoàn đói, nghèo lại nghèo hơn và thêm nặng nề tâm lý vì chuyện cứu trợ!
Cái dạng công ty A này đang đầy rẫy trên đất nước này!

Cán bộ địa phương, kẻ trung chuyển và “đề cử” danh sách cứu trợ
Chú Hai N. nói: “Năm ngoái nhà tôi bị tốc mái, tiêu chuẩn nhà tôi được 500 ngàn đồng, và nhiều nhà bị tốc mái như tôi cũng được vậy. Nhưng cho đến bây giờ tôi đâu có thấy gì ngoài 250 ngàn đồng của ủy ban xã phát trước và hứa sẽ trả tiếp. Khi có thanh tra, nhà báo đến xã điều tra thì bên ủy ban xã cho người xuống dặn vợ tôi trả lời là tiền đã về rồi, nhưng còn ngoài phòng tài chính, chưa đi nhận! Thật là nhục hết chỗ nói, ăn gì bẩn thỉu thế!”

Cũng trong vấn đề về lũ lụt, nếu nhà có người chết thì được nhà nước cấp cho hai triệu đồng, có nơi ba triệu, nhà có người già mất sức thì năm trăm ngàn đồng, chú Hai N. lại bực tức: “Cho cái khỉ gì đâu, tụi nó nuốt sạch ông ơi, nhà có người chết vì nước cuốn thì không thấy ma nào cho, nhưng nhà có quen biết, có người làm cán bộ, thôi thì có người chết vì bệnh tật cũng xếp vào chết lụt, chết trước và sau lụt năm mười ngày vẫn xếp vào diện đó. Rồi phát tiền, đương nhiên là có chia phần trăm cho người phát! Chán không gì bằng!”

Tôi hỏi tiếp về quà cứu trợ trong trận lụt năm ngoái, chú Hai N. trả lời: “Năm ngoái, nhà tôi được một phái đoàn từ thiện về cho 500 ngàn đồng, và một số dầu ăn, bột ngọt, mì... trị giá khoản 150 ngàn nữa. Còn chuyện nhà nước cứu trợ thì tỉnh nuốt, huyện nuốt rồi đến xã nuốt, thôn nuốt, có đâu tới mình ông. Nội chuyện sách vở, cũng năm ngoái, con tôi và một số học sinh nghèo học giỏi khác được phái đoàn ở Sài Gòn ra cho, xã thông báo đến trường nhận và dặn phụ huynh học sinh nhớ đi theo con em để mang giúp quà, phần quà nặng lắm...”
Ông nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp: “...Ðoàn phát xong thì ông S. phó chủ tịch xã biểu (bảo - nói theo giọng Quảng Nam) tập trung quà lại, chở hết về ủy ban để chia lại. Mấy người không biết cứ tập trung về đó, ngồi chờ mãi không thấy chia chác gì, cuối cùng đến năm nay cũng chẳng thấy chia gì. Tiêu rồi! May là cô Sáu nhà hàng xóm tôi liều, mang về luôn thì được. Nhục thật, bẩn, quá bẩn! Rồi chuyện đi nhận thay, mượn tên, ôi chao, là nhục!”

Tôi tìm hiểu thêm về chuyện thay tên, nhận thay thì được nhiều người cho biết là họ luôn được cán bộ xã xếp vào diện hộ nghèo đói, diện cứu trợ mỗi khi có đoàn nào về nhưng khi nhận thì phần lớn là người nhà của cán bộ đi nhận. Ðương nhiên là họ nhận giùm và được trả công với mức từ 20 đến 30 ngàn đồng cho mỗi lần nhận, nhận xong tập kết quà vào kho xã đội. Sau đó quà đi đâu không biết, và đương nhiên người có tên chẳng bao giờ nhìn thấy quà này!

Có người trong xóm tôi tên Phận, con một liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, cũng nằm trong diện nghèo đói và có tên mà không thấy quà như vậy, khi anh nghe hàng xóm chúc mừng về phần quà của mình mới ngớ người ra và chạy lên ủy ban xã hét ầm lên, cuối cùng, để im chuyện, bên ủy ban xã nhét túi anh ta hai trăm ngàn đồng và một thùng mì tôm. Những người khác thì không biết gì nên quà của họ cũng bốc hơi!

Ðó là chưa kể đầu năm 2009, vào Tháng Chạp, tại nhà chủ tịch ủy ban xã của một xã trong huyện tôi đã xảy ra vụ đánh nhau giữa chủ tịch xã và người hàng xóm vì ông chủ tịch đã ém mất phần quà cứu trợ anh ta để đi uống bia ôm. Và cũng ông chủ tịch xã này, mới cách đây vài ngày lại gây sự đánh nhau trong quán bia ôm vì giành gái. Khi tôi viết bài này, tôi có tất cả bằng chứng, nhân chứng và hình ảnh về sự vụ. Nhưng tôi nghĩ không cần thiết nêu tên “ông chủ tịch cao quí” này!

Trong một đơn vị xã nhỏ nhoi mà chuyện cứu trợ đã bị cắt xén như vậy, nếu tính rộng ra, so sánh số quà của những nơi khác cũng không hơn gì số quà cứu trợ của dân xã tôi, e rằng chuyện ăn chặn, cắt xén, biển thủ quà cứu trợ của bà con nghèo ở khắp nơi đã thành căn bệnh.
Một thứ bệnh hoạn của lòng tham, sự thấp hèn và vô văn hóa! Nói đến những cán bộ quản lý địa phương ở Việt Nam về vấn đề cứu dân, giúp dân, không thể tìm được một chữ gì ngoài chữ: Nhục, Bẩn Thỉu!
Và nâng tầm lên một chút, chắc gì cán bộ trung ương đã sạch, lành mạnh trong vấn đề này?! Khi mà mỗi lần đi cứu trợ của họ là kèn trống, cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ, nhà hàng, khách sạn và những buổi chiêu đãi ứ hự trong nhà hàng, cũng chính tại nơi vừa xảy ra thiên tai!

Người nhận cứu trợ
Họ hoàn toàn không có thông tin gì về đoàn cứu trợ, tổng số quà cứu trợ, giá trị phần quà, số đơn vị cứu trợ cũng như số người được nhận cứu trợ. Mặc dù để công bố thông tin này, chỉ tốn chưa đầy nửa giờ phát thanh trên những chiếc loa treo gốc mít ở khắp nơi trên đất nước này - loa dùng để tuyên truyền chế độ, để tán dương sự ưu việt của duy nhất một đảng Cộng Sản lãnh đạo...!
Và có rất nhiều người cam chịu, chấp nhận đi nhận quà giùm cho cán bộ rồi mang vào kho ủy ban, sau đó nhận tiền công ra về và tuyệt đối giữ bí mật chuyện mình đã làm. Dường như họ thấy đó là việc hiển nhiên, không có gì để bàn. Họ không hề ý thức hoặc cố bỏ qua ý nghĩ đó là tiếp tay cho tội ác!
Mỗi lần có chuyến hàng cứu trợ, những người dân chân lấm tay bùn nghèo khổ chỉ biết vâng dạ cán bộ để họ “thương tình” mà cho nhận quà đúng theo cái tên!
Sau mỗi chuyến thiên tai, người dân trở nên não nùng, ốt dột và thấp cổ bé họng hơn, không hơn không kém. Họ là những người ngậm bồ hòn chịu trận với thiên nhiên và với đồng loại nhiều nhất!
Và sau mỗi lần thiên tai, cán bộ địa phương lại sắm thêm đồ đạc, xây thêm nhà cửa, mặt mày mập ra, trơn tru và hách dịch. Ðó là hiện trạng dễ nhận biết nhất!

Và cuối cùng, tôi thấy gì? Tôi thấy một đất nước mang một bộ máy ô nhục bởi những con người làm lãnh đạo bẩn thỉu, hèn hạ, vô văn hóa và mang đậm thú tính, vô cảm với nỗi đau đồng loại!
Nói đến đây, không lẽ tôi lại thống thiết kêu gọi mọi người hãy dừng ngay cứu trợ. E rằng lời kêu gọi đó lại là tội ác khác phát sinh từ những tội ác trên!
.
.
.

No comments: