Tuesday, November 23, 2010

NHẬN ĐỊNH NHỮNG THUẬN LỢI CỦA "ĐỐI LẬP DÂN CHỦ" (Việt Hoàng)

Việt Hoàng
Đăng ngày 23/11/2010 lúc 13:14:46 EST

Trong bài trước, tôi đã nêu ra những khó khăn và thách thức mà phong trào “đối lập dân chủ” cần nhìn rõ để kiểm điểm lại bản thân và tổ chức để có những đối sách thích hợp cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Bên cạnh những khó khăn đó thì thời cơ thuận lợi để lịch sử mở sang trang mới cũng rất cận kề. Nếu chúng ta không nhìn nhận và nắm lấy cơ hội thì đất nước lại tiếp tục trễ chuyến tàu đi vào tương lai.

1.Những thuận lợi khách quan

– Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ và chỗ dựa cho chính quyền Việt Nam bao năm qua đang mất dần ảnh hưởng trong chính nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Nguyên nhân chính là do sự tham lam, hiếu chiến và ngang ngược của Bắc Kinh, thể hiện rõ nét nhất là thái độ của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngay cả ông Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước, người có tiếng nói quan trọng trong Đảng cũng đã “trở cờ”, không muốn dây dưa với Bắc Kinh. Ngoài việc lấn át Việt Nam trên Biển Đông, các vấn đề khác “cực kỳ nghiêm trọng” với Trung Quốc mà Việt Nam vẫn chưa có cách giải quyết:

1. Khai thác bô-xít trên Tây Nguyên.
2. Cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn sát biên giới.
3. Thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc quá lớn.

Nếu không giải quyết tận gốc 3 vấn đề này thì quan hệ Việt-Trung sẽ sóng gió lớn bởi sự phản đối ngày càng gay gắt của người dân Việt Nam, vì đây là sự tồn vong của dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vấn đề then chốt này không thể “thỏa hiệp” dưới bất kỳ hình thức nào.

– Sự lớn mạnh của Trung Quốc đi kèm với chủ nghĩa độc tài toàn trị, cùng với những hành động và thái độ “ngang ngược” của giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã khiến cả thế giới lo ngại. Nổi bật nhất là thái độ lấn lướt của Trung Quốc đối với Nhật Bản qua vụ tàu đánh cá Mân Tấn Ngư của Trung Quốc cố tình va chạm với tàu tuần tiễu Yonakuni của Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) đang tranh chấp. Nhật Bản là cường quốc số 1 ở Châu Á nên sau vụ này Nhật Bản đã phải thay đổi mạnh mẽ đường lối đối ngoại để đối phó với “nguy cơ Trung Quốc”. Cùng với đó là việc Mỹ, siêu cường của thế giới dân chủ đã chính thức “quay lại” Đông Nam Á. Mỹ, Nhật và các quốc gia dân chủ đồng minh trong khu vực và trên thế giới đã chìa tay ra cho Việt Nam. Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: Hoặc là ngã hẳn vào vòng tay Trung Quốc để trở thành một nước chư hầu như Bắc Triều Tiên; Hoặc là hội nhập với thế giới văn minh để xây dựng đất nước phú cường. Trong trường hợp “làm bạn” với Mỹ và phương Tây thì Việt Nam phải có những thay đổi bắt buộc về chính trị mà cụ thể là phải tôn trọng nhân quyền, cải cách chính trị, nếu Việt Nam không làm như thế, Mỹ vẫn có thể tìm các đối tác khác ở Đông Nam Á để “cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc”.

– Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước sự chia rẽ và bất đồng sâu sắc. Không đảng viên cộng sản nào còn tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự giàu có đến kinh ngạc của tầng lớp đảng viên cộng sản lãnh đạo hoàn toàn trái ngược với đời sống khốn khó của đa số đảng viên cộng sản không có quyền chức, những người không có cơ hội tham nhũng. Sự đồng thuận về tư tưởng trong đảng không còn nữa mà thay vào đó là sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích hoặc mafia, tức là các sứ quân. Các sứ quân này sẽ nhanh chóng tập trung quyền lực và của cải vào tay mình và chính quyền trung ương tất nhiên sẽ yếu đi vì trở thành bù nhìn. Sự gắn kết trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam bây giờ chỉ bởi quy luật "kim tiền", nó không còn chất keo “lý tưởng” và nó sẽ bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Khủng hoảng “nhân sự lãnh đạo” cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với đảng cộng sản. Bài viết
“Ủy viên Bộ Chính Trị-Ông là ai?” đã nêu bật vấn đề này.

– Tham nhũng ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, lộ liễu và không cần che dấu. Không có tiền “bôi trơn” thì không có công việc nào được làm đến nơi đến chốn. Tham nhũng làm mất đi niềm tin của người dân vào chính quyền. Cuộc đời thì “có vay có trả”, khi có điều kiện thì người dân sẽ “đòi lại” những gì đã từng là của họ. Tham nhũng mở đường cho các tổ chức tội phạm hình thành và phát triển. Đất nước sẽ hỗn loạn khi chính quyền rơi vào tay các sứ quân và các băng nhóm mafia. Tham nhũng làm tăng sự nghèo khó của người dân và cùng với đó là sự bất mãn ngày càng tăng cao.

– Tầng lớp trung lưu và trí thức Việt Nam sau một thời gian dài im lặng và hưởng thụ sẽ đến lúc phải lên tiếng. Giàu có và thành đạt, ăn chơi và hưởng thụ mãi rồi cũng nhàm chán. Đã đến lúc họ hiểu rằng tự do và các quyền của con người, danh dự và nhân phẩm cũng quan trọng không kém so với “cơm ăn áo mặc” hàng ngày. Kiến nghị dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của giới trí thức, đặc biệt là có cả những cựu quan chức cao cấp của chính quyền. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước. Việc làm của bà Nguyễn Thị Bình đã mang lại danh dự cho bà: Không chỉ ngay từ bây giờ, mà cả sau này, người dân có thể đã quên đi hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; nhưng người dân sẽ nhớ đến bà Nguyễn Thị Bình, người cựu quan chức cao cấp của chính quyền đã ký tên vào bản kiến nghị “Dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên” kêu gọi giữ gìn giang sơn nước Việt.

– Xã hội dân sự Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Dễ thấy nhất là thái độ của giới trí thức “lề trái”. Giới blogger ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ với những phản biện sắc sảo trong mọi vấn đề của đời sống. Chỉ vì bắt giữ nhà báo Hương Trà, chủ trang blog “Cô gái Đồ Long” mà hai viên tướng công an phải lên báo thanh minh. Việc nhà nước lấy tiền thuế của người dân tiêu xài vô tội vạ xưa nay vẫn là chuyện “thường ngày ở huyện”, nhưng giờ đây việc chi tiêu cho đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đang bị công luận qua các đại biểu quốc hội chất vấn liên tục và gay gắt khiến cho lãnh đạo Hà Nội và các bộ liên quan rất lúng túng. Việc bắt giữ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một trí thức “con ông cháu cha” đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ trong nước đến quốc tế. Tất cả đã lên tiếng công khai bác bỏ các cáo buộc và sự vu khống của các cơ quan báo chí “lề phải”. Một sự kiện khác cũng đã chứng tỏ sự lớn mạnh của xã hội dân sự Việt Nam đó là chuyện hai cô gái điếm bị các công an viên bắt lập biên bản, quay video clip rồi tung lên mạng. Những hành vi xúc phạm nhân phẩm đầy phản cảm, thiếu đạo đức, vô học, láo xược… của những người “thi hành công vụ” đã bị dư luận mạnh mẽ lên án.

– Làn gió dân chủ đang thổi đến Việt Nam qua ngã Trung Quốc. Nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho dân chủ Lưu Hiểu Ba đã được cả thế giới vinh danh với giải thưởng Nobel Hòa Bình cao quí. Cùng lúc là những lời kêu gọi cải cách dân chủ từ hàng ngũ lãnh đạo cao cấp Trung Quốc: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và những người khác như Trung tướng Lưu Á Châu. Họ đã khẳng định một điều “dân chủ là mong muốn, là khát vọng không thể cưỡng được của người dân. Kẻ nào thuận theo lòng dân kẻ đó sẽ chiến thắng và kẻ nào đi ngược lại sẽ thất bại”.

2. Những thuận lợi chủ quan

– Sau 65 năm sống dưới chế độ cộng sản người dân đã biết thế nào là chiếc “bánh vẽ”. Bây giờ đảng có vẽ ra bao nhiêu loại bánh đi nữa thì cũng không còn ai tin. Ông bà đã nói “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” hay câu thành ngữ “Mất tiền là mất ít. Mất bạn là mất nhiều. Mất niềm tin là mất tất cả”. Rõ ràng là người dân không còn tin vào những hứa hẹn từ phía chính quyền, nếu họ thấy một tổ chức chính trị đứng đắn, lương thiện và minh bạch thì họ đương nhiên sẽ ủng hộ. Một chế độ dân chủ có tồi dở hay bất ổn (như Thái Lan) vẫn tốt hơn ngàn lần một chế độ độc tài và tham nhũng (như Việt Nam).

– Văn hóa Khổng Giáo tuy có nhiều bất lợi cho tiến trình dân chủ nhưng vẫn có một điểm “tích cực” đó là việc người dân dễ dàng thích ứng với các “chế độ mới”. Những người Việt sống trong nước thì quen với kiểu lãnh đạo, kiểu sống của chế độ độc tài (ví dụ sống chung với tham nhũng), nhưng khi ra nước ngoài sinh sống họ cũng dễ dàng thích nghi với nề nếp của các nước văn minh (ví dụ dễ thấy đó là sự tôn trọng luật giao thông). Người Việt có tài “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Họ dễ dàng “thay đổi” bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh theo kiểu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nhìn bề ngoài thì thấy xã hội Việt Nam có vẻ cam chịu và chấp nhận hiện tại nhưng bên trong luôn là những cơn “sóng ở đáy sông”, khi có thời cơ thì sóng ngầm sẽ biến thành bão tố. Người dân Việt Nam không thờ ơ với chính trị, họ có quan tâm. Nhưng sự quan tâm của họ chưa được động viên để đến đúng chỗ.

– Lòng hận thù và phẫn uất của người dân Việt Nam (nhất là những người Việt hải ngoại ra đi từ miền Nam) cũng được thời gian chữa lành vết thương. Tuy vẫn còn những người chống đối chế độ một cách cực đoan (họ có lý do để làm như vậy) nhưng phần lớn người con dân Việt đã muốn hướng về tương lai. Một tương lai có thể chấp nhận cho tất cả mọi người. Một tương lai hòa giải-hòa hợp thật sự: Những người bị oan ức hay bị thiệt thòi do chế độ cộng sản gây ra sẽ được đền bù và trả lại công bằng. Những người phục vụ chế độ cộng sản cũng sẽ không bị trừng phạt hay truy tố. Một nhà nước mới sẽ không truy tố bất cứ ai, mọi kiện tụng của các cá nhân bị oan ức hay tố cáo người hãm hại sẽ được xét xử bởi những tòa án độc lập với án dân sự. Sẽ không có các bản án chính trị.

– Sau 35 năm, một thời gian cũng dài để những người đấu tranh cho phong trào dân chủ nhận ra sự cần thiết phải thay đổi trong phương pháp đấu tranh của mình. Đó là phải có Tổ Chức. Không có tổ chức thì đối lập dân chủ sẽ luôn là những chiếc đũa và dễ dàng bị chính quyền bẽ gẫy. Mọi thành phần, mọi giai cấp đều cần những tổ chức cho chính mình. Mọi tiếng nói độc lập và mọi sự “tấn công” vào thành trì của chủ nghĩa toàn trị cần được ủng hộ và chia sẻ. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta phải luôn nhắc nhở nhau rằng: Tầng lớp lãnh đạo chủ chốt của phong trào “đối lập dân chủ” phải bắt buộc là thành phần trí thức và có hiểu biết. Tầng lớp nông dân, công nhân hay tôn giáo không thể dẫn dắt và chỉ huy phong trào dân chủ. Bài học xương máu của lịch sử Việt Nam năm 1945 đó là người dân đã “chọn” những người cộng sản lên nắm quyền. Đa số trong số họ đều là những kẻ thất học, xuất thân từ thành phần thấp kém nhất trong xã hội, tri thức thì thiếu mà sự tham lam và ngu muội thì lại có thừa. Điều đó đã dẫn đến cuộc “cải cách ruộng đất” và sau cuộc “cách mạng” này thì những thành phần có học thức và hiểu biết còn sót lại trong bộ máy chính quyền đã bị loại bỏ hoàn toàn.
Trong nước thì do hoàn cảnh luôn bị theo dõi và đàn áp nên các “tổ chức chính trị” đối lập không thể công khai danh tánh, những tổ chức đối lập thật sự sẽ bị đàn áp ngay tức khắc. Nếu có tổ chức đối lập nào đó không bị chính quyền động đến đều có vấn đề, và cần đặt dấu hỏi. Ở hải ngoại có hai tổ chức chính trị nổi bật đó là Việt Tân và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Hai tổ chức chính trị này tương đối lớn và có tổ chức bài bản. Việt Tân có điểm mạnh về phương tiện, số lượng thành viên và tài chính cũng như quan hệ tốt với các chính quyền dân chủ. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì có điểm mạnh là xây dựng được một “cơ sở tư tưởng”, tức một Dự Án Chính Trị chỉ ra con đường tranh đấu đến thắng lợi cuối cùng và đồng thời cũng đưa ra phương án canh tân đất nước khi Việt Nam không còn chế độ cộng sản. Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là kết tinh của kinh nghiệm thực tiễn, dựa trên những giá trị tiến bộ thay vì bất cứ một chủ nghĩa nào. Dự án này thật sự đơn giản dễ hiểu và hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã xây dựng cho mình được một đội ngũ cán bộ nòng cốt, có hiểu biết, có lương tâm và trách nhiệm. Điểm nổi bật của đội ngũ cán bộ trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đó là sự đa dạng về thành phần và xuất thân, bao gồm cả những người thuộc chế độ cộng hòa cũng như chế độ cộng sản, người miền Nam cũng như miền Trung hay miền Bắc và đủ mọi giới như trí thức, văn nghệ sĩ, kỹ sư, doanh nhân…
Tuy vậy ảnh hưởng của hai tổ chức này vẫn chưa thực sự nổi bật, tại Việt Nam thì Việt Tân được biết đến nhiều hơn nhờ sự “quảng bá” của chính quyền qua việc chụp mũ Việt Tân là “khủng bố”. Còn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì vẫn chỉ được biết đến nhiều trong tầng lớp trí thức ở quốc nôi. Thế nhưng, tầng lớp trí thức Việt Nam vẫn chưa dành cho “Dự Án Chính Trị” một tình cảm và thái độ cần có. Vì vậy “Cương lĩnh Chính trị” của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn chưa đến với được đa số người dân. Có lẽ là do suy nghĩ của mọi người cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị hàn lâm! Không phù hợp với suy nghĩ và hành động của người dân Việt Nam? Thật ra Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chỉ đề nghị một phương pháp đấu tranh mới, như cách làm trong khoa học đó là hãy “nêu ý kiến–đề nghị, phân tích, thảo luận, phản biện” cho thật chu đáo mọi vấn đề trong để tạo sự đồng thuận cao trong dư luận dân chúng, và khi thời cơ chín muồi thì hành động và chắc chắn phải đạt thắng lợi. Chúng tôi cho rằng: Mọi hành động đều phải được dẫn dắt bởi những quyết định đã tính toán, cân nhắc và đồng thuận từ trước. Người dân có thể tin rằng chúng tôi sẽ biết cách và dứt khoát một cách thành tâm để mang lại dân chủ thật sự cho Việt Nam. Vì vậy chúng tôi mong mỏi nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Không có sự ủng hộ của nhân dân thì chúng tôi cũng sẽ không thành công cho dù chúng tôi có cố gắng đến đâu đi chăng nữa.

Có thể hình dung rằng khi đông đảo trí thức và người dân công khai lên tiếng ủng hộ chủ trương và cương lĩnh chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì tình thế sẽ biến chuyển khác, lúc đó đảng cộng sản phải tìm cách đàm phán và thỏa hiệp để tồn tại, kéo theo sự thay đổi cục diện chính trị tại Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam phải nên biết rằng chỉ có “bắt tay” với phong trào “đối lập dân chủ” để xây dựng lại thể chế chính trị thì họ mới có thể có chỗ đứng trong tương lai, một chỗ đứng bình đẳng và danh dự. Mọi con đường khác, mọi cuộc “cách mạng” khác đều (có thể) gây ra đổ vỡ và hỗn loạn cho Việt Nam.
Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
© Thông Luận 2010

--------------------------------

Việt Hoàng
Đăng ngày 18/11/2010 lúc 15:48:24 EST
.
.
.

No comments: