Monday, November 15, 2010

NGUYỄN GIA KIỂNG và THÂN HỮU Ở SYDNEY, ÚC CHÂU

Sơn Dương
Đăng ngày 12/11/2010 lúc 11:27:29 EST

Buổi tiếp xúc thân mật giữa ông Nguyễn Gia Kiểng, Thường Trực Ban Lãnh Đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và là tác giả cuốn Tổ Quốc Ăn Năn đã diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ Bảy 30-10-2010 tại hội trường Trung tâm Y tế Punchbowl NSW, Sydney, Úc châu, với sự tham gia của trên 100 thân hữu của Tập Hợp và đồng hương.

Trong bầu không khí thân mật và đơn giản, ông Sơn Dương thay mặt ban tổ chức chào mừng các thân hữu đến với buổi nói chuyện, giới thiệu tóm tắt thân thế và quá trình hoạt động chính trị của ông Kiểng từ thời là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris đến khi trở thành nhân vật lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trước khi mời ông Kiểng xuất hiện trước cử toạ.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, 11 năm trước đây, đã đến tiếp xúc với thân hữu và đồng hương Úc châu cùng với ông Vũ Thư Hiên. Nhưng lần này ông đến với thân hữu Úc châu trong chức vụ Thường Trực của Ban Lãnh đạo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.


Bằng phong thái tự tin của một người đã quen xuất hiện trước quần chúng, ông Kiểng trình bày và phân tích một cách khoa học và có hệ thống các biến chuyển mới nhất đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới. Ông đặc biệt chú trọng đến sự trở lại Việt Nam của Hoa Kỳ và những biến động chính trị ngoạn mục mới nhất tại Trung Quốc hiện nay. Ông liên kết với những biến chuyển trên chính trường quốc nội để đưa một thông điệp đầy hy vọng cho những người hằng quan tâm đến tương lai dân chủ hóa Việt Nam: tình hình Việt Nam đang đi vào một khúc quanh lịch sử bắt buộc trong đó quyền cai trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị thách thức nghiêm trọng.

Dù khoa khọc chính trị khác nhiều với khoa học thực nghiệm, nhưng như một định luật sinh động của nó, lịch sử sẽ được lặp lại khi những điều kiện để lịch sử lặp lại xuất hiện. Dù có thể không giống y như những gì đã xảy ra cho Liên Xô và khối Đông Âu trước đây, nhưng thay đổi sẽ diễn ra dưới một dạng tương tự. Người ta thường nghĩ một mẫu quốc như Liên Xô trước đây sụp đổ sẽ kéo theo những nước chư hầu lệ thuộc vào nó. Nhưng kinh nghiệm Đông Âu cho thấy chỉ cần mẫu quốc có những dấu hiệu lung lay, các nước chư hầu Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc đã sụp đổ. Trước khi Liên Xô chao đảo, một nhân tố chính trị đã xuất hiện, nhà trí thức đối lập Sakharov đã được Ủy ban Nobel Thuỵ Điển trao tặng giải Nobel hòa bình. Ít ai chú ý, hoặc người ta đã quên, nhưng chế độ cộng sản Liên Xô đã sụp đổ khởi đầu từ biến cố này.

Giải Nobel hòa bình, ông Nguyễn Gia Kiểng nhận xét, nếu được trao tặng cho những người đang cầm quyền, như tổng thống Mỹ Obama hiện nay hay thủ tướng Nhật Tanaka trước kia, chẳng có tác dụng bao nhiêu, nhưng nếu được trao tặng cho một nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nhất là khi người này đang bị chế độ trù dập, nó sẽ có một tác động rất lớn.

Tháng 10 vừa qua, ông Lưu Hiểu Ba ở Trung Quốc đã được trao tặng giải thưởng Nobel hòa bình. Trung Quốc hoàn toàn bị bất ngờ trước vinh dự không mong muốn này. Trong lúc Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn hiện tượng và hệ lụy Sakharov lặp lại thì một yếu tố bất ngờ khác xuất hiện khi thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố dân chủ là khát vọng của người dân không thể phủ nhận được. Những dấu hiệu lớn của một sự thay đổi chính trị đã xuất hiện tại Trung Quốc.

Chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đang bị đẩy vào những bế tắc không giải quyết được. Cố gắng vận động các đảng viên có thế lực trong đảng cộng sản để tìm một nhân sự lãnh đạo trong kỳ đại hội đảng lần thứ 11 sắp tới đang chia rẽ trầm trọng nội bộ đảng và có khả năng phá vỡ uy tín của Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Hai ông này có thể không áp đặt được Nguyễn Tấn Dũng vào chức tổng bí thư. Nhân vật có triển vọng thắng Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Phú Trọng, một người bảo thủ chẳng có thành tích gì, ngoại trừ thành tích hoàn toàn phủ phục Trung Quốc. Trương Tấn Sang có thể được chỉ định như một nhân sự bất đắc dĩ, một thế cờ thỏa hiệp giữa các phe phái trong đảng để kéo dài sự toàn trị trong lúc chờ đợi tình thế "sáng sủa" hơn. Tổng bí thư chờ đợi Trương Tấn Sang không có thành tích hoạt động nổi cộm nào trong chiến tranh hoặc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đảng cầm quyền ngoài những thành tích bê bối trong cuộc sống cá nhân, đang được ghi chép cẩn thận và sẽ được tung ra khi phe phái đối nghịch cần thay thế ông. Trong tình hình nhân sự tê liệt và chính sự nhiều bất trắc ngoài tầm kiểm soát của đảng cộng sản Việt Nam, nếu Trung Quốc có biến động hoặc cho thấy có chỉ dấu biến động, sẽ có những biến chuyển ngoạn mục xảy ra không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng nói đến lý do khiến cho phong trào dân chủ Việt Nam bế tắc như hiện nay. Ông cho là không phải vì cộng sản khống chế và trù dập người dân chủ mà vì người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam không có văn hóa tổ chức. Hoạt động chính trị đòi hỏi tổ chức, tổ chức và tổ chức, nhưng các tổ chức chính trị và nhiều nhân sĩ trong cộng đồng người Việt hải ngoại không có ý thức về văn hóa tổ chức. Sự vắng mặt của văn hóa tổ chức là nguyên nhân đưa đến nhiều thất bại đấu tranh với cộng sản lẽ ra không phải có như đã nhìn thấy.

Một lực lượng dân chủ mạnh, có tư tưởng chính trị chỉ đạo, được học tập văn hóa tổ chức, có dự án chính trị khả thi và có nhân sự quyết tâm sẽ nắm bắt lấy các điều kiện thuận lợi đang xảy ra để làm lịch sử. Lịch sử đang sang trang và sẽ không chờ đợi ai. Những người hằng quan tâm đến Việt Nam nên đứng vào hàng ngũ của những tổ chức có tiềm năng chính trị để cùng nhau lật một trang sử mới vinh quang hơn cho Việt Nam.

Buổi tiếp xúc giữa thân hữu và ông Nguyễn Gia Kiểng kết thúc vào lúc 5 giờ 20 chiều cùng ngày. Nhận xét chung của thân hữu là ông Nguyễn Gia Kiểng đã tranh thủ được cảm tình và đồng thuận của cử tọa. Ông Nguyễn Gia Kiểng đã thổi một luồng sinh khí mới vào sinh hoạt chính trị trong cộng đồng hải ngoại.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên qua sự trình bày của ông Kiểng xuất hiện như một tổ chức chính trị đầy tiềm năng, có văn hóa tổ chức, có tư tưởng chính trị dân chủ đa nguyên, có dự án chính trị khả thi và có đội ngũ cán bộ quyết tâm thực hiện dự án. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức hướng về tương lai và tập trung đấu tranh để thay đổi tương lai Việt Nam.

Kết thúc buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Gia Kiểng đã trình bày một hy vọng có cơ sở của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rằng nước Việt Nam và người Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một thay đổi chính trị vinh quang nhất trong lịch sử Việt Nam : chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên của tự do, dân chủ và hạnh phúc.
Sơn Dương
(Sydney)
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: