Thursday, November 25, 2010

"NGHIỆP VỤ CÔNG AN"?

Đăng ngày: 15:52 25-11-2010

1/ Gọi điện yêu cầu người tình nghi trong 1 vụ trộm đến trụ sở làm việc, nhưng giữ lại tra hỏi, bắt nhận là đối tượng trộm cắp. Khi người này không đồng ý, cả lãnh đạo Công an lẫn cán bộ chiến sĩ xúm vào đánh đập "kẻ cứng đầu" đến thâm tím người ngợm.
Vẫn "không chịu nhận tội", những Công an viên dùng khóa số 8, còng tay "kẻ cứng đầu" lên trần nhà và lại tiếp tục đánh, bắt nhận... Khi được hỏi, Trưởng Công an xã thản nhiên: "Chúng tôi chỉ dùng nghiệp vụ để tra hỏi" - Câu chuyện này xảy ra ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

2/ Người bệnh tên Khánh lặn lội từ Kon Tum ra thị trấn Tào Xuyên (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cắt thuốc chữa bệnh và rủ con trai bà lang bốc thuốc ra ăn cháo. Đang ăn, có 1 người đàn ông tự xưng là Công an đến yêu cầu anh Khánh xuất trình giấy tờ. Thấy không mang theo CMND, người đàn ông này gọi thêm 5 người khác đến và áp tải 2 người ăn cháo về trụ sở Công an thị trấn Tào Xuyên. Tại đây, Phó Công an thị trấn Lê Quang Long khám người anh Khánh, lấy đi 4,5 triệu với lí do "không mang theo giấy tờ tuỳ thân"...
Học tập tấm gương đạo đức của cấp trên, Công an viên Dương Công Thịnh cũng yêu cầu anh Ngọc phải đưa thêm 3 triệu đồng nữa, nếu không sẽ "đưa lên Công an huyện tạm giam". Mặc dù đang bị bệnh u hạch dây trên cổ, tình trạng sức khoẻ rất yếu, nhưng người bệnh vẫn phải cắn răng chấp nhận những "yêu cầu nghiệp vụ" của số Công an trên đưa ra...
Sự việc vỡ lở, Trưởng Công an thị trấn Tào Xuyên thừa nhận: “Việc Phó Công an Lê Quang Long và thuộc cấp Dương Công Thịnh lấy 7,5 triệu đồng của anh Khánh tại trụ sở Công an là có thật. Đã yêu cầu Công an tên Thịnh, Long đem tiền xuống nơi anh Khánh đang cắt thuốc để trả lại tiền và xin lỗi”.
Làm việc với PV, Thượng tá Hoàng Ngọc Liên, Trưởng Công an huyện Hoằng Hoá sau hồi thoái thác, đành chung chung: “Cám ơn đã sự phản ánh để giúp Công an xử lí cán bộ. Sẽ xác định làm rõ vấn đề rồi có kết luận sau”, cũng với lý do "yêu cầu nghiệp vụ"


  3/ Tổ công tác gồm 6 sĩ quan, chiến sĩ và 1 Học viên Cảnh sát thực tập tại Công an thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua 1 vụ bắt mại dâm... nổi tiếng.  Các cán bộ, chiến sĩ này mang cấp hàm cao nhất là Thượng úy, thấp nhất là Trung sĩ với các đơn vị công tác rất "thơm tho", "văn minh" là Đội Cảnh sát điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội (gọi tắt là Cảnh sát Hình sự cho nó dễ nhớ), Công an Phường. Rất trẻ và cũng được đào tạo rất chính quy, cơ bản nhưng xem trên clip, người ta cứ tưởng đó là lưu manh, cô hồn qua cách ăn mặc, làm việc và nhất là quát tháo, chửi bới, bắt 2 cô gái bán dâm trần thuồng phải dang tay, dạng chân để làm... đạo cụ cho điện thoại chụp hình.
Khi đoạn phim được đưa lên mạng, rất nhiều người đã băn khoăn "bọn phản động, chống phá dựng clip để nói xấu chế độ, bôi nhọ ngành Công an". Danh tính về 7 chiến sĩ Công an được công khai, thay vì việc chấn chỉnh những thuộc cấp hung thần "Ông Trời con", nhiều Tướng tá lại bênh chằm chặp với lý do "quay phim chụp hình là biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với đối tượng vi phạm" và hò nhau tìm "đối tượng đưa clip lên mạng để xử lý"...
Phải chăng, kiểu đối xử "đầu đường xó chợ, đầu trộm đuôi cướp" với người vi phạm đã ăn sâu vào máu của nhiều "chiến sĩ giữ trật tự an ninh" và cái gọi là "biện pháp nghiệp vụ" chẳng qua là cách hành xử theo kiểu thú vật, vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm người khác. Lẽ ra trong trường hợp này, phải tuyên dương người quay phim, đưa lên mạng bởi đã cung cấp cho dư luận sự thật đã bị che giấu từ lâu dưới cái mác "biện pháp nghiệp vụ" ...

4/ Một chú A ở cơ quan Nhà nước sắp được bổ nhiệm lên vị trí lãnh đạo cao hơn, mấy chú dưới quyền thấy cay mũi, sợ mất ghế nên tìm đến bạn thân làm Cảnh sát Hình sự, nhờ tính mưu triệt hạ. Y như rằng, mấy hôm sau cơ quan chú A nhận được thư nặc danh tố cáo chú A ăn tiền của doanh nghiệp. Đọc thư ngớ ngẩn, ai cũng cười bò "trò trẻ con". Thế nhưng cũng chỉ mấy hôm sau, 2 cán bộ của Phòng Cảnh sát Kinh tế (thân thuộc với Cảnh sát Hình sự) tìm đến cơ quan chú A, giơ Giấy Chứng nhận Cảnh sát nhân dân, xưng "Đội Chống tội phạm tham nhũng" đòi gặp lãnh đạo và trao đổi về "đơn thư tố cáo" chú A.
Lấy lý do "xác minh" để "rung cây" lãnh đạo cơ quan chú A chưa đủ, 2 cán bộ Cảnh sát Kinh tế này còn mời chú A lên tận trụ sở Công an để hỏi về lý lịch, họ tên vợ con và còn... đung đưa: "Anh có chơi với doanh nghiệp nào không? Có mâu thuẫn mới ai làm doanh nghiệp và trong cơ quan không?". Khi thấy chú A điên tiết vạch mặt cách làm việc mờ ám, các Công an đành thú thật: "Bị cấp trên chỉ đạo và đây cũng chỉ là 1 biện pháp nghiệp vụ thôi!".

5/ Đã là CSGT thì phải bắn tốc độ. Tuy nhiên, có trăm ngàn cách bắn tốc độ và đây được gọi là "các biện pháp nghiệp vụ". Thằng béo mình quen làm CSGT ở QL5 nặng gần 80kg kể mình nghe mọi cách "triển khai các biện pháp nghiệp vụ": Đậu xe ôtô ven đường và nằm trong đó bắn xe ngang qua, gọi bộ đàm cho chốt trên chặn bắt; đội nón ngồi trên cầu vượt bắn xuống; thậm chí, có hôm còn trèo cả lên cây bắn xuống, chó trong làng sủa rách mồm...
Mới đây, đi ngang Thanh Hóa, còn thấy các chú CSGT trên QL1A dựng ghế nhôm trong... lều vịt ven đường và vác máy bắn tốc độ các xe chạy ngang qua. Đấy là... nghiệp vụ CSGT!

*********

Nghề gì cũng phải có nghiệp vụ. Càng Công an, càng phải có nghiệp vụ. Thế nhưng những cách làm mờ ám, không trung thực, lén lút... mà cứ chụp lên đó cái mũ "biện pháp nghiệp vụ" thì bỗng nhiên, một số người đã tự cho mình quyền ông Trời con, được làm mọi cách để triệt hạ người khác. Hoặc một số người cứ mang cái gọi là "nghiệp vụ" để làm những việc cá nhân, phục vụ cho cá nhân - tư lợi, xâm phạm những quyền cơ bản của con người, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đi ngược với pháp luật... thì niềm tin vào sự bền vững của một chế độ "công bằng - dân chủ - văn minh" sẽ nhanh chóng mất đi và bị xói mòn.

Đơn giản nhất: Bây giờ, rất nhiều người không dùng từ "Chú Công an, anh Công an, cô Công an" mà gọi bằng "thằng", bằng "con". Trong khi bộ đội vẫn được gọi là chú, là anh. Một lực lượng được xem là cánh tay phải của chính thể, chế độ mà suốt ngày bị "nêu gương" bởi các vụ việc, cán bộ bị đình chỉ công tác, bị khởi tố, nhận hối lộ, liên kết với xã hội đen... thì chắc chắn, cái gọi là "biện pháp nghiệp vụ" trong công việc hàng ngày sẽ bị người ta đánh dấu hỏi to đùng về tính minh bạch, chân thật và khó xuất phát từ lợi ích chung...
.
.
.

No comments: