Thursday, November 25, 2010

ĐẶC CÁCH : CĂN BỆNH TRẦM KHA (Trần Minh Quân)

Tháng Mười Một 26, 2010

Từ trước đến nay, mọi người đều hiểu rằng đặc cách là cách thức áp dụng chế độ đặc biệt cho một vài trường hợp nào đó có thành tích xuất sắc, có tài năng vượt trội trong học tập, thi cử, nghiên cứu, … so với đa số những trường hợp khác. Quyết định đặc cách được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường hợp này có cơ hội tiếp cận được với môi trường học tập tiên tiến, tiếp cận với nguồn tri thức cao hơn nhằm tận dụng và phát huy những khả năng vượt trội của mình.

Khi một người nào đó được xem xét đặc cách, tức là họ được xã hội kỳ vọng, gửi gắm niềm tin rằng họ sẽ là những nhân tài, sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của đất nước trong tương lai. Ngoài ra, đặc cách thường gắn liền với những ưu tiên, những lợi ích hay đặc quyền đặc lợi khác về mặt chính sách, tài chính, …

Đặc cách phải đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn, đồng thời phải được tiến hành công khai minh bạch, nếu không sẽ xảy ra nhiều hạn chế và hậu quả nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân của tình trạng ngồi nhầm chỗ, ngồi sai vị trí, bố trí công việc không phù hợp với khả năng của mình. Những người này được đặc cách thông qua những mối quan hệ cá nhân, được “lòng tốt” của một số người có chức có quyền ban phát một cách “vô tư” sai quy định.

Sự việc được báo chí phát hiện tại thành phố Hải Phòng xảy ra mới đây làm chấn động dư luận, trong đó, hàng trăm đối tượng học sinh được xem xét đặc cách vào lớp 10 các trường THPT công lập trái quy định. Không có gì bất ngờ khi các đối tượng này phần lớn là con cháu của một số người giàu có, gia đình quan chức, bởi đối tượng này thường được “quan tâm đặc biệt” trong những mối quan hệ vô cùng phức tạp đan xen nhau.

Có thể nói rằng, đây là một việc làm hết sức nghiêm trọng, lại xảy ra trong một thời gian dài, tuy nhiên dư luận lại nhận được những câu trả lời rất vô lý và vô trách nhiệm của những người liên quan. Theo ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD- ĐT Hải Phòng thì “Việc đặc cách trúng tuyển này ở Hải Phòng đã diễn ra nhiều năm nay, cá nhân tôi khó thay đổi lắm. Mọi việc đều xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố cả”. Chắc chắn rằng, nếu không có sự phát hiện của các cơ quan báo chí, của dư luận thì sự việc sẽ tiếp tục diễn ra và sẽ được xem như một quy luật rất đổi bình thường. Rất nhiều khả năng, hiện tượng này không chỉ diễn ra ở riêng Hải Phòng mà  có thể cũng là chuyện bình thường ở nhiều tỉnh thành khác?

Xét trên phạm vi rộng hơn, hiện tượng đặc cách này không phải là cá biệt, các trường hợp đặc cách tương tự vẫn xảy ra thường xuyên trong đời sống xã hội, được nhiều người xem là “chuyện thường ngày”. Không khó để nhận ra những trường hợp đặc cách nhờ sự “quen biết” tại các cơ quan hành chính, các nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhà đất, tại các bệnh viện, làm thủ tục hải quan, … Hơn thế, các trường hợp đặc cách này được những người có trách nhiệm thụ lý một cách “vui vẻ” và nhanh chóng, trong khi những người khác thì phải xếp hàng chợ đợi để được phục vụ theo phong cách “hành là chính”.

Đặc cách không đúng đối tượng sẽ tạo ra một hiện tượng ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ, sau đó nếu những người này tiếp tục được đặc cách làm lãnh đạo một cơ quan nhà nước nào đó thì sẽ gây ra những hậu quả rất lớn cho xã hội do ngồi nhầm ghế. Đồng thời, nếu một trường hợp đặc cách không đúng quy định cũng có nghĩa là xã hội vô tình đã cướp mất một cơ hội đáng lý ra được dành cho người khác phù hợp hơn. Từ đó dẫn đến hệ quả là một số đối tượng là con cháu của những người giàu có, đương chức đương quyền có tâm lý ỉ lại, không chịu cố gắng phấn đấu, trong khi một số người dân cảm thấy mất niềm tin nơi chính quyền, những người có trách nhiệm.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, đặc cách thường đi kèm với ưu tiên, lợi ích khác, do đó, nhiều người có thể lợi dụng sự việc này để trục lợi cá nhân, tạo ra những tác động xấu đến xã hội. Nguy hiểm hơn, nếu quá trình xem xét các trường hợp đặc cách không được công khai, tiêu chí để lựa chọn đối tượng đặc cách không rõ ràng thì đây là là mãnh đất màu mỡ cho những tệ nạn như tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách, …

Đáng nói nhất là sự thật đau lòng này đang được nhiều người xem như là điều hiển nhiên, là chuyện bình thường trong xã hội, từ người dân thấp cổ bé họng cho đến người đang nắm giữ chức quyền, kể cả những người đang làm trong ngành giáo dục. Tất cả họ đều biết rằng đang có một thực trạng như vậy xảy ra, tuy nhiên không ai dám nói hoặc không muốn nói, bởi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nói hoài cũng chán.

Mới đây, trả lời với các cơ quan báo chí, ông Vũ Văn Trà, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hải Phòng thật thà nói rằng “việc xét tuyển đặc cách đã làm nhiều năm ở Hải Phòng. Cụ thể là năm nào ông không nhớ”!? Chính lối làm việc vô trách nhiệm và thái độ vô cảm đối với vấn đề lớn của xã hội của những người như ông Trà đã âm thầm gặm nhấm làm mục nát con thuyền giáo dục hiện nay, hơn thế, chính những kẽ hở này cũng góp phần không nhỏ tạo nên một bộ phận cán bộ ngồi nhầm ghế. Với những người ngồi nhầm ghế này rồi sẽ đưa Việt Nam đi về đâu?
.
.
.

No comments: