Tuesday, November 16, 2010

MỘT SỐ ĐIỀU KIỀU BÀO CẦN PHÒNG TRÁNH KHI VỀ VIỆT NAM

Phạm Trung Bách
15-11-2010 02:30

Thường trước chuyến du lịch tới Việt Nam của du khách nước ngoài, hay trước sự trở về quê hương của một bộ phận ”khúc ruột vạn dặm” thì thấy hay được khuyến cáo đối với vấn đề an toàn thực phẩm, cẩn thận khi tham gia giao thông, lưu ý nạn đeo bám, ăn xin móc túi v.v.
Thế nhưng, hiện nay các yếu tố rủi ro trên đã không còn là điều đáng quan ngại. Đơn giản, xã hội ngày một thay đổi, con người dù muốn hay không thì cũng văn minh, khôn dần ra theo qui luật tiến hóa và thực tế va chạm.

Nếu bạn thường xuyên về Việt Nam, về các thành phố lớn hòa chung hơi thở với đồng bào mình, chen lấn xê dịch trong dòng xe cộ chật cứng một thời gian thì bạn lại sẽ thấy lí thú. Bạn sẽ vui, yêu đời hơn khi phía trước, bên cạnh là những tấm lưng phụ nữ thon thả, cong cong đổ dài tròn trịa, phủ phục trên yên xe chờ đợi, điều mà ở phương Tây chẳng bao giờ có được. Khi bạn đi bộ sang đường, cốt yếu là đừng có hoảng loạn khi thấy xe máy, ô tô phầm phập lao đến phía bạn. Bạn mà vội chạy tránh chúng thì coi như …xong, rồi đời. Yên tâm, các lái xe ở Việt Nam rất điệu nghệ, họ tính toán, căn đường rất nhanh, rất chuẩn. Họ sẽ tự tránh bạn nếu bạn cứ giữ nguyên tốc độ di chuyển, sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Nếu bạn sợ hãi dòng xe cộ, bạn chỉ còn cách đợi đến khuya, hoặc thuê xe ôm thì may mới sang được đường. Nếu bạn xuống đường mà nổi hứng lịch sự nhường đường, hoặc tá hỏa ré chạy thì xin nhắc lại: ”Có thể toi!”, bởi bạn làm rối loạn sự dự đoán của người điều khiển phương tiện.

Về chuyện ăn uống, thường nghe nói là người ta vẫn dùng đồ quá hạn, nhiễm độc,… lại thêm đồ uống giả khiến khách hàng, nhất là những người vừa mới từ phương xa về, đang thèm khát ẩm thực Việt, vội vồ vập đánh chén thì dễ bị ngộ độc. Nhưng nếu bạn ban đầu tiếp cận từ từ, thăm dò dạ dày mình dần dần thì cũng không đến nỗi phải sợ hãi lắm. Với dân số gần cả trăm triệu người, lâu lâu mới có vụ ngộ độc, dù là tập thể đi chăng nữa thì cũng chưa phải là điều quá hoang mang.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện và tỉnh táo thì cũng nên cẩn thận đề phòng, ăn cái gì và ăn ở đâu. Nên vào những nhà hàng đông khách, để đảm bảo đồ ăn ở đó ít có khả năng quá hạn. Trước khi ngồi vào bàn hãy giả vờ đi vệ sinh, để có cái nhìn tổng quát từ bên trong nhìn ra. Nếu thấy bên trong mất vệ sinh, bát đũa chất đống thiếu nước rửa, hoặc tận mắt thấy cảnh mấy chú chuột cống đang trâng tráo nhá phao câu  gà luộc xếp lăn lóc bên trong như người viết bài này từng chứng kiến ở một quán hàng ở Mã Mây, phố cổ Hà Nội thì tốt nhất ”chuồn” khẩn cấp.

Bạn cũng không phải quá lo lắng về nạn móc túi, đeo bám ăn xin. Bạn cất tiền thật kĩ phía túi trong thì chẳng kẻ trộm nào móc được, chẳng ăn xin nào vòi được chút gì từ bạn. Đám du thủ du thực bạn sẽ dễ nhận biết để phòng tránh vì chúng hay len lỏi trong đám đông, mắt lấm lét dò xét. Đương nhiên không có nghĩa là bạn sao nhãng mất cảnh giác đặt lòng tin vào những kẻ ăn mặc sang trọng với nụ cười, cái bắt tay vồn vã chào mời, săn đón bạn qua những màn đón tiếp bởi các em chân dài, tiệc ăn nhậu hoành tráng. Bạn sẽ bị chúng móc hết nhẵn tiền khi bạn đang lâng lâng, cảm giác say sưa bay bổng. Không cẩn thận chính bạn lại sẽ tiếp tay cho chúng đi móc túi đồng bào nghèo khác.

Vẻ như hơi ”dạy cave vén váy” khi người viết mạo muội lướt qua một số chủ đề phía trên. Và vẫn còn hàng loạt vấn đề có thể viết ra đây, nhưng e ngại sẽ thừa khi bản thân Việt kiều, nhất là bà con Việt ” vỏ xanh, ruột đỏ” ở Đông Âu thời đại này cũng chả ngố và xênh xang như xưa. Thôi thì hi vọng một số điều dưới đây sẽ giúp ích phần nào cho những người lâu chưa về thăm Tổ quốc, hoặc giả dụ lơ đễnh quên.
Trước hết, khi ở Việt Nam bạn nên hết sức hạn chế đi lại ở các vùng nông thôn vào buổi tối. Nếu bạn có việc phải qua một làng quê nào đó, nhất là miền Trung vào ban đêm thì bạn chớ nên sử dụng xe máy. Ở các làng miền quê, do nạn mất trộm chó hoành hành nên người dân rất căm thù quân trộm chó. Bạn là người lạ nên dễ bị nhầm là cẩu tặc, đó là chưa tính đến khả năng thanh niên nghịch ngợm khát…trộm chợt la toáng lên :” Trộm chó bà con ơi!” .

Chẳng ai có thể cứu bạn khi đám đông hàng trăm người  hung hãn đổ xô ra. Nhân vật chó sói trong phim ”Hãy đợi đấy” khi bị đám rợ da đỏ đưa lên dàn thiêu còn được chú thỏ cứu chứ ”cẩu tặc” thật sự hay nhầm lẫn trong cơn thịnh nộ, say máu của đồng bào mình thì chả… cẩu nào cứu nổi. May chăng có điều thần kì: xuất hiện đám công nhân Trung Quốc từ Nghi Sơn, Thanh Hóa múa gậy xua đuổi đám dã dân Việt chạy re, té đái thì màn xử đồng loại giống thời trung cổ kia mới có cơ hội dừng.

Nếu bạn xa Sài Gòn đã lâu, nay bạn về lại, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của thành phố. Nếu bạn đeo đồ trang sức hớ hênh, cầm điện thoại, túi xách lỏng lẻo thì bạn có nguy cơ trở thành con mồi cho đám cướp giật. Đi dọc các đại lộ, hẻm phố ví dụ như dọc đường Phạm Ngũ Lão bạn chớ liếc ngang liếc dọc tò mò, dễ bị các ”hiệp sĩ đuờng phố”, những thanh niên không nằm trong biên chế nhà nước nhưng say mê bắt cướp để ý vì nghi bạn có âm mưu mờ ám. Nhẹ thì họ sẽ bám theo bạn, tạm xem bạn như đối tượng tội phạm cần để ý. Nặng, nếu như thấy bạn có những hình xăm, tướng bặm trợn, v.v.  thì các chàng sẽ yêu cầu bạn…xuất trình giấy tờ.

Khi bạn bắt gặp trên đuờng phố các ”hiệp sĩ đường phố” đuổi cướp thì tránh nhanh cho xa. Với tốc độ chạy xe kinh hoàng, bạt mạng cả cướp lẫn ”hiệp sĩ” rất dễ gây ra tai nạn chết người cho dân thường vô tội. Tất nhiên, đôi khi cảnh sát đuổi theo thanh niên không đội mũ bảo hiểm cũng ầm ĩ, náo nhiệt như săn bắt cướp khiến trẻ em cũng xanh mặt, cụ già cũng đứng tim, và hậu quả thì cũng thảm khốc kinh hồn, táng đởm.

Vẫn có sự khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Nhiều nơi, chính quyền luôn khuyến cáo người dân không tự ý bắt tội phạm, nên tìm cách tránh xa nhất là đối tượng có vũ khí bởi tồn tại nguy cơ đe dọa đến tính mạng mình. Người dân chỉ nên thông báo, hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết. Ở Đức, cảnh sát nhiều lần đuổi theo người Việt nghi chở thuốc lá lậu, thấy nghi phạm chạy xe bạt mạng cảnh sát đã không đuổi theo nữa. Họ lo ngại, kẻ lái xe manh động sẽ gây tai nạn cho anh ta cũng như dân thường vô tội khác. Còn ở Việt Nam, lấy dân làm gốc nên quần chúng luôn ý thức và vui vẻ đi tiên phong trong mọi lĩnh vực gian khó nhưng vinh quang.

Một điều cần hết sức lưu ý lại chính là điều lâu nay mọi người vẫn chủ quan nghĩ là bình thường, bởi nó xảy ra tràn lan mọi nơi, mọi chỗ, khắp các tầng lớp đó là chuyện mà nửa thế kỉ trước gọi là hủ hóa. Luật pháp Việt Nam vẫn luôn đề cao thuần phong mỹ tục, nghiêm cấm mọi hành vi quan hệ nam nữ bất chính. Ở đất nước ta không có hình phạt man rợ như ném đá đến chết giống ở một số quốc gia Hồi giáo cho tội quan hệ nam nữ phi truyền thống, nhưng hình ảnh riêng tư của bạn nơi phòng the cũng có thể bị công bố để dư luận có cơ hội ”ném đá” đến chết danh dự cá nhân bạn, nếu bạn không qua được ải mĩ nhân.

Gần đây, sự kiện Tiến sĩ họ Cù ban đầu theo truyền thông Việt Nam đưa tin bị tạm giữ hành chính cùng bà luật sư bán dâm tên Q. (vì nghèo?) với 2 chiếc bao cao su đã sử dụng là hồi chuông thức tỉnh và cảnh báo cho tất cả mọi người (trừ những nhà đạo đức người viết không dám đề cập ở đây). Đặc biệt, đối  với Việt kiều về Việt Nam ”xả hơi” hóng gió mới thì ý thức phòng tránh bệnh tật lây lan qua đường quan hệ  tình dục dù sao vẫn ở mức độ cao, và chính điều đó sẽ khiến bạn phải trả giá đắt khi ngây thơ tin vào lời quảng cáo giá trị của bao cao su OK.: ”To keep you save in the city!”.

Phạm Trung Bách
.
.
.

No comments: