Tạp ghi Huy Phương
Saturday, November 13, 2010
Trong mục “Blog Bolsa” của Nhật Báo Người Việt ngày 5 tháng 11 năm 2010, có nói đến câu chuyện của một phụ nữ ở Việt Nam mới được con bảo lãnh sang Mỹ, vì giọng nói, cách dùng chữ và thái độ của bà, bà đã phải nhận kỳ thị, bị coi thường của đồng bào sang trước.
Bà cho biết bà là con của một quân nhân miền Nam trước năm 1975 ở Việt Nam, nhưng chỉ qua câu viết của bà: “Ba tôi là người lính Cộng Hòa suốt thời Diệm cho đến thời Thiệu” thì tôi e rằng bà đã không “thành thật khai báo”. Nếu thật sự bà là con của một cựu quân nhân miền Nam, bà đã không có cách nói tên Diệm và Thiệu cộc lốc như thế, mà bà phải nói là dưới “thời Ðệ I, Ðệ II Cộng Hòa” hay là dưới “thời Tổng Thống Diệm đến thời Tổng Thống Thiệu” như người miền Nam chúng tôi vẫn thường dùng... Cũng như trước đây chúng tôi có nhận được lá thư của một người nhận là thương binh VNCH ở Việt Nam viết sang xin giúp đỡ, nhưng trong thư người này nói là “đã đi lính cho chính phủ Saigon từ năm 1970 cho đến ngày giải phóng”. Những người lính miền Nam không có lối nói như thế.
Chính cách nói của bà đã đẩy bà vào cái thế, những người tỵ nạn Cộng Sản chạy sang đây coi bà như là gốc gác của những người thắng trận, đã đọa đày khiến chúng tôi phải bỏ nước ra đi. Phản ứng của họ phát xuất từ những đau khổ, tù đày, chia ly mà họ và gia đình phải gánh chịu sau ngày quân đội miền Bắc thắng trận và thi hành chính sách trả thù lên những người lính, người dân miền Nam.
Tôi biết đất nước chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn chia cắt, lòng người ly tán, phân biệt hay kỳ thị, lẫn nhau. Năm 1955 chúng tôi vào Saigon được đồng bào miền Nam coi là người Huế, chứ không phải là người “Diệt”.
Từ con sông Gianh thời Trịnh Nguyễn cho đến con sông Bến Hải thời Quốc Cộng là những dấu tích ô nhục khó rửa sạch, nhưng chính cái cách san bằng, thống nhất của nó lại càng ô nhục nghìn lần cho nghìn sau. Khi nghe một giọng nói mang âm điệu mà chúng tôi nhận ra là “Bắc kỳ 75” rất nhiều người không khỏi có phản ứng, lẽ cố nhiên là trong tình cảm, chứ không biểu lộ ra bằng hành động hay thái độ. Những giọng nói đó chúng tôi đã nghe qua đài phát thanh Hà Nội, chúng tôi đã nghe trong trại tù, chúng tôi đã nghe tại đồn công an. Nỗi sợ hãi ám ảnh nhiều người đến suốt đời. Ai cũng biết suy nghĩ cái đáng ghét là chế độ, là guồng máy cầm quyền chứ đâu phải là một giọng nói, một lối phát âm từ những người dân bình thường, vô tội trên những nỗi khổ đau của dân tộc, nhưng liên tưởng vẫn là một tâm lý khó gột rửa.
Cũng đôi khi chúng ta không “kỳ thị” với một giọng nói từ trong nước ra, nhưng lại bực mình vì thái độ thiếu văn minh của những người này. Tuần trước tại phi trường Boston, trong khi vợ chồng chúng tôi và vợ chồng một người bạn đang ngồi chờ giờ lên máy bay, thì một người Việt trung niên tiến tới trước mặt chúng tôi. Trong khi miệng y vội vã thốt lên câu hỏi “Các bác là người Việt Nam?”, chúng tôi chưa kịp phản ứng thì cả thân y chồm đến, y chìa tay ra bắt tay từng người một, kể cả hai người phụ nữ, một cách quá đỗi thân thiết. Mặc dầu khá ngạc nhiên vì thái độ suồng sã này, chúng tôi cũng chỉ có phản ứng chìa tay ra, nhưng không ai nói một lời, khiến cho người kia ngượng ngùng bỏ đi. Không nói thì quý vị cũng dư biết anh chàng kia đến từ đâu.
Chúng tôi biết các bạn cũng sẽ “dị ứng” nếu một buổi sáng nào đó gặp phải năm ba ông Việt Cộng, không giấu được căn cước của mình qua giọng nói, y phục và thái độ của họ trong một tiệm ăn ở Bolsa hay trong khu Eden hôm nay, hay buổi tối, vô ý bật phải băng tần của một đài truyền hình, có cô xướng ngôn viên từ bên nhà, và chương trình thì chiếu toàn bộ quảng cáo, sinh hoạt, chương trình thu sẵn bên Hà Nội mang sang. Chúng ta thực có đáng trách về sự “dị ứng” này hay không?
Tôi thông cảm với nỗi khó chịu của đồng bào trong nước ra ngoài có khi phải nhận chịu những đôi mắt lạnh nhạt, những thái độ thờ ơ hay những cử chỉ thiếu thân thiện. Nhưng tôi cũng hết sức thông cảm với những gì đã đưa đến những sự dị ứng như thế, cao hơn đôi khi còn là lòng hận thù. Ðó là những mất mát mà họ đã gánh chịu, sự gian truân họ đã trải qua, sự đau khổ mà họ đã phải chịu đựng vì chế độ Cộng Sản ở quê nhà, và nhất là những sự thất vọng về chính sách cố chấp, thù hận của những kẻ cầm quyền hiện nay ở trong nước. Chính sách ấy càng ngày càng đẩy xa những con người đã bỏ quê hương, càng ngày càng xa quê hương hơn, nó chỉ có tính cách chiêu dụ, trục lợi, giai đoạn mà không hề có sự thành tâm, chân thật. Phải chăng từ xưa, bản chất con người Cộng Sản vẫn trí trá như vậy.
Chính vì chế độ trong nước chưa thích ứng được với những người Việt hải ngoại, những đứa con xa quê hương, nên ở đây, đôi khi chúng ta vẫn còn thái độ dị ứng đối với những người mà chúng ta coi họ như những con người có liên hệ, gốc gác hay mang hình ảnh của chế độ ấy. Cái hố ngăn cách, chia rẽ, lạnh lùng và kỳ thị này là một nỗi đau chung của dân tộc chúng ta.
Trong phạm vi một bài viết nhỏ này, tôi cũng không thể đại diện được cho ai để ngõ một lời xin lỗi cho những người bị kỳ thị về giọng nói trên, vì thành thật mà nói, bản thân tôi cũng chưa gột rửa được sự dị ứng mỗi lúc tôi nghe phải một giọng nói như thế làm cho tôi mất vui. Chúng tôi biết đó là một điều không phải. Nếu nói là ghét Cộng Sản, vì sao người ta không ghét giọng nói, ví dụ, của một cán bộ Cộng Sản gốc Quảng Ngãi mà lại dị ứng với giọng nói của một người dân bình thường sinh sống tại Hà Nội, mà người đó có thể đã là nạn nhân của chế độ Cộng Sản. Ðó cũng là điều bất công. Cũng vì sao hải ngoại đã từng chịu nghe những giọng “Bắc 75” của những ca sĩ, những MC trong những băng nhạc hay trên sân khấu, cổ vũ họ bằng những tràng pháo tay, lại dị ứng với cũng giọng nói đó, của một người xa lạ trong một khu chợ hay ở một chỗ đông người.
Còn nói rằng chúng tôi “dị ứng với... dân tộc” thì không. Chế độ chỉ là nhất thời, dân tộc mới vạn đợi, xin quý vị đừng đồng hóa dân tộc Việt Nam với chế độ Cộng Sản. Vì không hề dị ứng với dân tộc mà mỗi năm chúng tôi đã gởi về 8 tỉ đô la cho đồng bào ruột thịt, bà con, họ hàng, và chúng tôi còn quan tâm đến sự đói nghèo, bệnh tật, khó khăn của đa số đồng bào thấp cổ bé miệng, vì từ ba mươi lăm năm nay, “cách mạng”, chỉ là một sự cướp quyền, đem thêm “đặc quyền, đặc lợi” cho một băng nhóm, cấu kết với nhau vì quyền lợi.
Hiện nay hải ngoại đã không ý thức, dần dà quen với thứ ngôn ngữ từ trong nước mang ra, qua các đài phát thanh, truyền hình, báo chí, vì lười biếng hay có chủ ý, “bê nguyên con” một bản tin viết sẵn từ trong nước. Ngôn ngữ này, trước nghe lạ, lâu ngày thành quen, dần dần chúng ta bị đồng hóa lúc nào không hay. Vậy thì rồi đây, giọng nói nào cũng thuận tai, trở thành quen thuộc, một thời gian nữa sẽ không còn “dị ứng”, nhất là đối với lớp trẻ lớn lên sau này, không có những kinh nghiệm chua chát, đắng cay với những gì đã xảy ra trên đất nước chúng ta trong thời gian năm mươi năm trở lại đây.
Nhưng tôi tin rằng, chế độ Cộng Sản và cung cách cai trị của những người Cộng Sản đối với đất nước, sẽ khó lòng hết “dị ứng” với những người đã không chấp nhận Cộng Sản, bỏ nước ra đi. Chỉ còn một con đường, một là chế độ sẽ suy tàn, hai là những người như chúng tôi không còn hiện hữu.
.
.
.
No comments:
Post a Comment