Monday, November 8, 2010

KINH NGHIỆM SỐNG CÒN CỦA DÂN TỘC QUA BÀI HỌC LỊCH SỬ (Nguyễn Đức Cung)

Nguyễn Đức Cung
Đăng ngày 07/11/2010 lúc 20:03:45 EST

LTS : Xin giới thiệu đến bạn đọc bài nói chuyện trong buổi ra mắt tác phẩm Sống Còn Với Dân Tộc, tác giả Hà Thúc Ký (1920-2008) do Đại Việt Cách Mạng Đảng và Đảng Tân Đại Việt tổ chức tại Houston, Texas, Hoa Kỳ ngày 31-10-2010.
---------------------------------

Cách đây hơn 20 thế kỷ, Marcus Tullius Cicero (106-43 trước CN) , một nhà hùng biện kiêm chính khách cổ La Mã, có nói một câu đáng lưu ý: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời.” (Historia magistra vitae). Câu nói này là một nhắc nhở thường xuyên cho nhân loại nhất là đối với những ai dấn thân phục vụ lý tưởng đời mình trong một đoàn thể chính trị quốc gia. Câu nói có một giá trị tổng quát và trường cửu có thể áp dụng cho nhiều người, nhiều thế hệ, trong mọi nơi và ở bất cứ thời đại nào. Đối với những ai hằng suy tư đến sự sống còn của một dân tộc, một đất nước thì lịch sử cung cấp nhiều bài học về lẽ hưng vong, suy thịnh để rút ra từ đó đường lối hành xử khôn ngoan đưa đến sự thắng lợi, trường tồn vinh quang hay cũng dẫn vào con đường bại hoại, thê lương và hủy diệt.

Trong những năm gần đây, khi nhà cầm quyền Cộng Sản tại Việt Nam đã có nhiều hành động đi ngược lại quyền lợi tối thiêng của đất nước như để mất nhiều đất đai trên bộ và dưới biển vào tay của Trung Quốc, cho TQ tự do khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, cho thuê đất trồng rừng ở các tỉnh Miền Bắc, nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi sách nhiễu, đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông, mọi người trong nước cững như hải ngoại đã lên tiếng phản đối bạo quyền CS và báo động về sự sống còn của dân tộc trước hiểm họa Bắc Phương. Việt Nam còn có thể đứng vững được không ? Những người vốn ưu thời mẫn thế thường nêu câu hỏi như vậy, và nếu câu trả lời là có thì nhân tố nào khiến cho đất nước VN đứng vững qua trường kỳ lịch sử ? Rồi nữa, trước các thách đố của bão táp lịch sử như hiện nay, khả năng của một chủ nghĩa chính trị như chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn liệu còn có được những đáp ứng thích đáng cho tình thế mới của đất nước hay không?

1.- Đi tìm nhân tố căn bản trong các cuộc vận hành của lịch sử đất nước

Trong cuốn hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc, tác giả Hà Thúc Ký đã khẳng định: “Con đường chông gai chúng ta đã đi từ mấy chục năm qua, kế tục truyền thống cách mạng của cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh, là con đường chính nghĩa.” (1) Con đường chính nghĩa này tất nhiên phải được xây đắp bằng một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc chứng minh qua từng trang lịch sử của dân tộc Việt Nam mà cố Đảng Trưởng đã cô đọng hóa tuy với những trang bút tích ngắn ngủi nhưng súc tích của chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn.

Cũng chính lúc này đây, khi mà sinh mệnh của một dân tộc đang ở trong tình trạng “sợi tóc treo nghìn cân”, chúng ta mới thấy được căn bản vận hành của lịch sử dân tộc và viễn kiến khả thi của một chủ nghĩa chính trị do Đảng Trưởng Trương Tử Anh đề ra mà bất cứ anh chị em đảng viên Đại Việt dù thuộc hệ phái nào cũng nghe được tiếng vọng từ trong tâm thức, hãnh diện với con đường đã đi nhưng cũng trăn trở lo toan trước những tình huống phức tạp hiện tại từ nhận thức tư tưởng đến phương pháp đấu tranh của một Việt Nam đang bồng bềnh trôi nổi giữa các thế chiến lược của hai đại cường Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Đọc lại lịch sử của bất cứ một quốc gia nào, ai cũng thấy rằng thành phần nhân dân là yếu tố then chốt trong việc hình thành và vận hành lịch sử một đất nước. Sự quan trọng của mọi tầng lớp nhân dân đọ sức với cỗ máy thời gian phản ánh rõ nét trong câu nói mang tính Việt Namquan nhất thời, dân vạn đại”. Việt Nam là một quốc gia theo nền văn minh nông nghiệp từ gần hai nghìn năm nay cho nên lực lượng nhân dân chuyên về các nghề lao động xưa nay vẫn là thành phần cốt cán của đất nước. Vả chăng bởi vì nghề nông là một nghề chính ở nước ta nên chính sách quân sự của các triều đại trước đây đều theo kế hoạch “ngụ binh ư nông” trong thời bình, hoặc chính sách “đồn điền” tức kế hoạch bán vũ trang trong thời mở nước cũng đều nói lên tầm quan trọng của vai trò người dân trong các chính sách cứu quốc và kiến quốc.

Các quốc gia Tây phương cũng như Đông phương đều đề cao ý kiến của người dân và coi đó là ý của Thượng Đế bởi vậy cho nên mới có câu “Ý dân là ý Trời” (Vox populi, vox Dei).

Dưới thời nhà Lý, trong bài Chiếu dời đô vào tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ (974-1028) có viết rằng: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh...” (2)

Lý Thánh Tông (1023-1072) là một ông vua nhân từ có tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép: “Mùa đông, tháng 10 [1055] đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ gian ngay, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (3) Việc làm này đã khiến cho sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá rằng: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân là việc đầu tiên của vương chính.” (4)

Trong giai đoạn nhà Trần, khi vua Trần Thái Tông (1218-1277) lên núi, định bỏ ngai vàng đi tu, dân chúng và triều đình muốn vua trở lại, Trúc Lâm Quốc Sư đã nói với vua rằng: “ Đã làm vua thì không còn có thể theo ý thích riêng mình được nữa. Phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân đã muốn vua về thì vua không về làm sao được.” (5)

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, sau hội nghị Bình Than, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn công bố bàiHịch tì tướng để khích động tinh thần yêu nước của tướng sĩ. Qua tác phẩm Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, các tác giả Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm viết: “Nhưng tinh thần quyết tâm chống giặc nếu chỉ hạn chế trong những người lãnh đạo, trong vương hầu bách quan, trong tướng lĩnh và chiến sĩ thì hoàn toàn chưa đủ. Muốn chiến thắng được quân khổng lồ và thiện chiến của Thoát Hoan và A-ric Kha-y-a, cần có sự tham gia chống giặc của toàn thể nhân dân. Vương triều Trần đã nhận thức được vai trò của nhân dân qua cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258. Cho đến nay, trước một cuộc chiến tranh mới, vương triều Trần đã tìm đến sự ủng hộ của nhân dân. Vào tháng chạp năm Giáp Thân niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1285), Thượng hoàng Thánh Tông đã triệu tập phụ lão trong nước về kinh đô Thăng Long, đặt tiệc ở thềm điện Diên Hồng, hỏi kế đánh giặc. Trả lời cho câu hỏi của vua Trần là nên đánh hay không, các phụ lão đã đồng thanh hô “Đánh”, vạn người cùng nói như từ một miệng”. (6)

Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh-Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh-Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng: “Thượng-phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào? “ Hưng Đạo Vương trả lời: “ Ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”. (7) Theo quan điểm Nho Giáo việc cướp ngôi vua hay làm việc soán đoạt ngai vàng là một trọng tội. Trong thời Nhuận Hồ, Hồ Qúy Ly sau khi cướp ngôi nhà Trần ba năm đã muốn nhường ngôi lại cho con thứ là Hán Thương. Hán Thương và em là Nguyên Trừng có mẹ là Huy Ninh công chúa, là con gái Trần Minh Tông. Trước kia Quý Ly vẫn có ý muốn lập Hán Thương nối ngôi nhưng chưa quả quyết, bèn ngụ ý vào cái nghiên đá, ra một câu đối cho Nguyên Trừng đối lại, để dò xét khí khái Nguyên Trừng: “Thử nhất quyền kỳ thạch, hữu thời vi vân, vi vũ, dĩ nhuận sinh dân.” (Viên đá nhỏ bằng nắm tay, có lúc làm mây, làm mưa, để thấm nhuần cho nhân dân). Nguyên Trừng đối lại: “Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống, tác lương, dĩ phù xã tắc” (Cây thông nhỏ chừng ba tấc, sau này làm cột, làm xà, để phù trì xã tắc). Ý Hán Thương nói tài mình chỉ đáng giúp nước, không đáng làm vua. Quý Ly bèn lập Hán Thương nối ngôi. Câu đối của Quý Ly có mấy chữ “dĩ nhuận sinh dân” cũng nói lên được tấm lòng của ông đối với con dân trong nước nhưng tiếc thay triều đại của ông quá ngắn trước nạn xâm lăng của Bắc phương. (8)

Tháng 9 năm ất dậu (1405), Hán Thương hội họp các quan văn võ trong kinh thành và ngoài các lộ bàn về kế hoạch nên đánh hay nên hòa. Lúc ấy có người khuyên nên đánh, nói: “Không nên để quân Minh kéo vào nước sẽ làm mối lo sau này.” Nguyễn Quân, trấn phủ Bắc Giang, cho rằng hãy nên tạm hòa, chiều theo ý muốn bên địch, để hoãn binh thì hơn. Tả Tướng quốc là Trừng nói: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi”. Quý Ly đem cái hộp bằng vàng ban cho Trừng. (9)

Tháng Giêng năm Ất Tị (1425), khi Bình Định Vương Lê Lợi đem binh về đánh thành Nghệ An, đi đến làng Đa-lôi ở huyện Thổ-du (bây giờ là huyện Thanh chương) dân chúng đưa trâu đưa rượu ra đón rước, già trẻ đều nói rằng: “Không ngờ ngày nay lại thấy uy nghi nước cũ.” Vương bèn xuống lệnh rằng: “Dân ta lâu nay đã phải khổ sở về chính trị bạo ngược của người Tàu, quân ta đi đến đâu cấm không được xâm phạm đến chút gì của ai. Những gạo thóc trâu bò mà không phải là của người nhà Minh thì không được lấy.” (10)

Trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trải đã viết thay Lê Lợi nhắc đến tình trạng người dân trong cơn quốc biến: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.” [11] Ở một đoạn khác của bài hịch này, Nguyễn Trải ca tụng tinh thần thương yêu giữa tướng sĩ, ba quân tất cả đều xuất thân từ quần chúng nhân dân: “Múa đầu gậy, ngọn cờ phấp phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc quân, chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử.” (12)

Trong trận ra Bắc phá giặc Thanh năm kỷ dậu (1789), Quang Trung sau khi quét sạch giặc Thanh, đã bắt được tờ mật-dụ của vua Càn-Long, thấy được ý đồ lâu dài của Trung Hoa, nên đem tờ mật-dụ đó bảo với Ngô Thì Nhậm rằng: “ Ta xem tờ chiếu của vua nhà Thanh chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để lấy nước ta đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất là lấy làm xấu hổ, chắc không chịu ở yên. Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh đao; việc ấy nhờ nhà ngươi chủ trương cho mới được.” (13)

Đọc đoạn văn này mới thấy sự khôn ngoan của người cầm quyền, biết ứng xử trong hoàn cảnh chính trị phức tạp.

Ý thức chính trị dưới thời phong kiến chắc hẳn mang đậm đà ảnh hưởng của Mạnh Tử khi ông nói rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, đã truyền đạt chân lý đó về sau cho đến đầu thế kỷ XX vẫn có người viết trong tác phẩm Diên Lộc Quận Công Đại Sự Ký những câu như sau:

Vả lại dân mới là cái gốc của nước, gốc vững thì nước yên, vậy nước trị vốn lấy việc được dân làm gốc, sai khiến dân đúng lúc thì dân yên ổn với cái sinh thú của họ. Dân có cơ chế sẽ yên với nghề nghiệp của mình, đã yên lại vui ắt đều mới biết đến cái ơn đức của quốc gia, thân mới người trên mà chết vì người lớn của mình, cho dầu có bị kẻ ngoài dụ dỗ cũng không bị chao đảo vì bên ngoài; hoặc lấy cái không thể thay đổi làm điều dựa cậy mà chẳng phải lo lắng gì cả thì cái đó tức là dân vậy.” (14)

Người dân Việt Nam quê mùa, chơn chất nhưng cũng có lúc đã bày tỏ sức mạnh của mình qua câu nói: “Quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan đi.” Lịch sử cũng xác quyết : “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong.”
Gạn đục khơi trong một số tư liệu dẫn ra trên đây để thấy rằng dù được dẫn dắc bởi các bậc vua quan thời phong kiến hay bởi hàng ngũ tầng lớp văn thân nho sĩ, quần chúng nhân dân vẫn là động lực chính của bánh xe lịch sử và là nhân tố tích cực xây dựng đất nước. Bỏ dân, xa lìa dân, thậm chí trở lại đàn áp dân chính là giơ chân đạp vào mũi chông dựng ngược, là tự đào hố chôn mình.

Cách đây hơn hai nghìn năm, Mạnh Tử đã nói: “Vua coi dân như tay chân, thì dân coi vua như lòng ruột. Vua coi dân như cỏ rác thì dân coi vua như kẻ thù.” Vị á thánh của Khổng giáo này còn nói một câu khác như là lời cảnh cáo bọn độc tài : “Một khi dân không sợ chết thì đừng lấy cái chết dọa dân.”

Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nói một câu rất thực tế, nói lên tấm lòng thương dân của mình: “Không có gì quý hơn nồi cơm của người dân”.

Ngày 3-10-2010, Ôn Gia Bảo, Thủ Tướng Trung Quốc đã nói với ký giả Fareed Zakaria qua một cuộc phỏng vấn: “Chính nhân dân và sức mạnh của nhân dân sẽ quyết định tương lai của quốc gia này và lịch sử. Không ai có thể ngăn cản nổi ước vọng và ý chí của nhân dân.”

Với luận điệu rất bịp bợm mị dân, trong một bài báo có tên Dân vận ký dưới bút danh X.Y.Z., được đăng lại trên Nhật báo Nhân Dân số 20132, ra ngày 15-10-1949), Hồ Chí Minh viết rằng: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốcx là công việc của dân...” (trích báo Sự Thật ngày 15-10-1949).

Người Cộng sản TQ hay VN nói vậy nhưng thực tế họ hành động cách khác. Họ coi dân là “khấu thù ” như lời nói của Mạnh Tử.

2.- Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn: thách đố và đáp ứng cần thiết cho tình hình đất nước hiện tại.

Một sử gia nổi tiếng người Anh, Arnold J. Toynbee trong bộ sử The Study of History gồm 12 pho xuất bản ở Luân-đôn và Nữu-ước từ năm 1934 đến 1961 và đã được David Churchill Somervell tóm lược dưới nhan đề History, an essay of interpretation đã đưa ra nhận định rằng: “Sự phát triển hay suy đồi của các nền văn minh bị chi phối bởi một định luật, định luật challenge và response, tức là sự đáp ứng trước những thách đố do môi trường thiên nhiên hay xã hội đưa đến. Có tiến bộ là nhờ ở một sự thách đố gây nên một đáp ứng thành công; sự đáp ứng này lại tạo nên một thách đố mới mà cần phải tìm một đáp ứng thỏa đáng khác...” (15) Nền văn minh của một xã hội cũng giống cuộc sống của một con người nghĩa là cũng có những giai đoạn lớn lên, phát triển, trưởng thành rồi hủy diệt. Văn minh của xã hội là phản ánh cảm thức của con người qua nhiều phương diện.

Trong một quốc gia, các tổ chức chính trị (chính đảng) cũng được xem như những thành tố của nền văn minh xã hội nên định luật thách đố và đáp ứng nếu đã đem lại lời giải đáp về sự tồn tại hay biến mất của một nền văn minh thì cũng có thể giải thích lý do tồn tại hay diệt vong của một chính đảng trong quốc gia thể hiện qua chủ nghĩa mình theo đuổi. Vả chăng sinh hoạt của chính đảng là gì nếu không phải là nỗ lực chung của một tập thể hướng về các mục tiêu tranh đấu trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Các chủ thuyết chính trị của một vài chính đảng quốc gia kỳ cựu còn tồn tại ở hải ngoại hay ở trong nước như Đại Việt hay Việt Quốc có đáp ứng được những thách đố cam go của đất nước hay không?

Chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn được thai nghén từ năm 1936 và công bố năm 1939 vào một thời điểm mà cái tên Việt Nam đã bị xóa trên bản đồ Đông Dương và chỉ còn có tên là Xứ Đông Pháp.

Trong bản Tuyên Ngôn Đại Việt Quốc Dân Đảng năm 1939 có vạch rõ rằng:

Chỉ có ta mới thực sự vì sự sống còn, vì hạnh phúc của ta mà thôi. Ỷ lại vào người, tin vào người là dắt nhau vào con đường diệt vong.” (16) Đây là một nguyên lý tuyệt đối trong ứng xử mà bất kỳ thời đại nào, bất cứ không gian nào cũng đều được tuân theo. Không ai lo cho sự sống còn của ta cho bằng chính bản thân ta. Không ai tìm kiếm hạnh phúc cho ta nếu mình không tự tìm lấy. Khi mạng sống của một con người bị đe dọa, khi vận mệnh của một dân tộc bị thử thách thì con ngươi đó, dân tộc đó phải tự đấu tranh để khỏi bị đe dọa, phải tự tìm kiếm con đường ra khỏi cuộc thử thách.

Năm 1558, trước âm mưu đe dọa thanh toán của anh rể là Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã cho người ra Hải Dương vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm và cụ Trạng Trình đã chỉ cho Nguyễn Hoàng một con đường để sống còn đó là “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng đã quyết tâm tìm vào Đàng Trong để xây dựng cho mình một sự nghiệp vĩ đại không ai sánh được trong lịch sử.

Châm ngôn của phương Tây có câu: “Anh hãy tự giúp mình đi rồi Trời sẽ giúp sau” (Aide-toi, le Ciel t’aidera) và tư tưởng này có khả năng đánh đổ tính ỷ lại hay thói quen dựa cậy vào người khác khiến cho con người mất sáng kiến cá nhân và vì vậy mất luôn cả ý thức tự do hành động hay xử trí công việc.

Nói đến tính ỷ lại vào người hay tin vào người thật ra cũng bao hàm nhiều lãnh vực thí dụ tiền bạc, tư tưởng, sáng kiến v.v...

Về tiền bạc, tính ỷ lại hay mánh khóe khai thác vốn là sở trường của Nguyễn Ái Quốc trong những năm của thập niên 20 thế kỷ trước khi ông nhận tiền lương của Đảng Cộng Sản Pháp, và khi trở thành nhân viên của Đệ Tam Quốc Tế làm việc cho Đông Phương Bộ của Liên Xô hoạt động tại Trung Quốc.

Trong bài viết có tên Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh đăng trong tác phẩm Hồ Chí Minh, Sự thật về Thân thế & Sự Nghiệp, tác giả Tôn Thất Thiện cho biết trong chuyến đi từ Pháp qua Mạc Tư Khoa năm 1923, Hồ Chí Minh “đã nhận của đảng Cộng Sản Pháp 1.000 quan để chi phí. Vào thời đó là một số tiền lớn (một sinh viên có thể sống trong năm tháng. Ở Đức nó lại càng trở nên lớn hơn vì lạm phát nhảy vọt hoành hành nước này.” (17) Trong tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, nhà sử học Tưởng Vĩnh Kính cho biết sự tài trợ của Cộng Sản Quốc Tế với Hồ Chí Minh như sau: “Rồi đến tháng 10 năm ấy (tức năm 1930), trong đại hội đại biểu kỳ I được cử hành tại Hương Cảng, tên đảng lại được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cơ sở tổng bộ được dời về quốc nội. Bí thư đầu tiên của đảng là Trần Phú (bí danh Lí Quí), người đã từng được huấn luyện ở Nga. Tháng 4, 1931, Trần Phú bị nhà đương cuộc Pháp-Việt bắt tại Sài Gòn, và đã chết trong tù. Lúc này, đảng ấy mới chính thức gia nhập Cộng Sản Quốc Tế, mỗi tháng nhận được 5.000 quan Pháp (tương đương 1.250 Mĩ kim) tiền trợ cấp.” (18) Nhận tiền của đảng Cộng sản Pháp, ngân khoản của đảng Cộng sản Liên Xô tức phải làm việc cho các tổ chức này. Họ Hồ có phương tiện sinh sống và đi nơi này nơi khác mà không phải lo toan về sinh kế nên trở thành công cụ của CS Pháp hay Mạc Tư Khoa trong khi các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Hải Thần, Đăïng Tử Kính, các thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm Xã v.v... phải lao đao vất vả mới sống được.

Về tư tưởng, Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn ỷ lại vào Quốc Tế Cộng Sản. Trong Đại Hội 2 đảng CSVN tổ chức vào tháng 2 năm 1951 tại Tuyên Quang với đảng danh mới là đảng Lao Động Việt Nam, Hồ chí Minh tuyên bố: “Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin... lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.” Ông Hồ đã nhiều lần tuyên bố với mọi người rằng: “Không, tôi không có tư tưởng nào ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin.” Vì tin tưởng các nhà lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc một cách cuồng tín, không dám đưa ra một lời phê phán nào, từ đó mất tính sáng tạo, thui chột tư duy, họ Hồ từng nói: “Ai đó thì có thể sai, chứ các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông thì không thể nào sai lầm được.

Về phương thức hành động, tổ chức và kinh nghiệm, Hồ Chí Minh vay mượn hoàn toàn của Quốc tế vô sản, bất chấp các hệ quả tai hại cho dân tộc và đất nước thí dụ việc cướp chính quyền năm 1945 và thanh toán các tổ chức chính trị đối lập, cuộc cải cách ruộng đất 1953-56, bỏ tù các thành phần dân, quân, cán, chính VNCH năm 1975, loại trừ MTGPMN, tiêu diệt và đàn áp các tôn giáo v.v...

Bằng một cái nhìn khái quát, chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn có thể được biểu trưng qua một tam đoạn luận như sau:

1.-Muốn sống còn phải tranh đấu;

2.-Muốn tranh đấu phải có sức mạnh;

3.-Muốn có sức mạnh phải đoàn kết.

Với những quan điểm dung dị đó, chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn đưa ra tiêu đề thứ nhất của tam đoạn luận, đó là “Muốn sống còn phải tranh đấu” bởi vì trường đời là một cuộc tranh đấu hay rõ hơn “Sống là tranh đấu” (Vivre c’est lutter). Có tranh đấu thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Tiền bạc do mình làm ra, do đầu óc hoặc tay chân mang lại chắc chắn có giá trị hơn tiền bạc bất ngờ nhặt được, tham nhũng, ăn cắp hay xin xỏ người khác. Tranh đấu để vượt lên tính ỷ lại, lười biếng, sân si, là một hành động tự giác, là hành vi vượt lên cái tôi nặng nề, đờ đẫn vì cảnh phù trầm của lợi danh. “Miệng đói thì đầu gối phải bò”, “ tay làm hàm nhai”là những câu nói mang tính thực tế nhưng rất Việt Nam lại cũng rất gần với chủ nghĩa thực tiễn Mỹ (pragmatism). Sinh tồn tức là sống và còn, sinh hoạt và tồn tại.

Với tiêu đề “muốn tranh đấu phải có sức mạnh”, chủ nghĩa đưa ta đến nội dung thứ hai của tam đoạn luận mà ý nghĩa cốt lõi nằm trong hai chữ sức mạnh. Theo triết lý nhị nguyên, dĩ nhiên ai cũng biết con người gồm có xác và hồn thì sức mạnh cũng bao hàm hai thể loại vật chất và tinh thần. Sức mạnh của tư tưởng, ngòi bút chắc chắn phải khác với sức mạnh của cái cuốc hay bắp cày.
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.

Các phẩm trật chức vị trong triều đình phong kiến ngày xưa cũng khiến người ta làm cuộc so sánh giữa văn quan và võ tướng tượng trưng cho hai lĩnh vực của cuộc sống.
Quan văn tứ phẩm đã sang,
Quan võ nhị phẩm phải mang gươm hầu.

Bởi vậy, có cách biệt là có ghen ghét, tị hiềm:
Trâu buộc thì ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.

Nhưng Mao Trạch Đông lại có một câu nói hết sức tàn nhẫn phũ phàng:” Trí thức không bằng cục phân.” sau khi phong trào “Bách hoa giai phóng, bách gia tề minh.” kêu gọi tầng lớp trí thức Trung Quốc góp ý với nhà nước đảng bị dẹp tan. (19) Tuy vậy, cũng có người đưa ra quan điểm: “Ngòi bút mạnh hơn lưỡi gươm” hay là “Sức mạnh của một ngòi bút có khi còn hơn cả một sư đoàn.

Câu nói của Tây phương ngày xưa “Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác tráng kiện” (Mens sana in corpora sano) nói lên khuôn mẫu của một con người mạnh mẽ, vững vàng. Từ cá nhân đến tập thể, từ gia đình đến xã hội, yếu tố sức mạnh luôn luôn là điều kiện cần thiết cho mọi sinh hoạt nhất là trong lãnh vực rộng lớn là dân tộc, quốc gia. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có cứng mới đứng đầu gió” hay câu ca dao:”Nước lã mà vả nên hồ, tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan” để khen những người có bản lãnh xây dựng nên sự nghiệp từ tay không.

Tiếp theo, tiêu đề “muốn có sức mạnh phải đoàn kết” trong tam đoạn luận của chủ nghĩa nêu ra một yêu cầu cao độ, một điều kiện tối cần mà một câu tục dao pháp lý của tiếng La Tinh nói rằng : “không có cái này thì không có cái kia ” (sine qua non).
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Người Mỹ có câu: “United we stand” (Hợp quần chúng ta mới đứng vững được). Lịch sử nước ta có biết bao trường hợp minh chứng sức đoàn kết của toàn dân đem lại chiến thắng cho đất nước mà ở phần trên chúng ta đã dẫn ra. Câu chuyện bó đũa trong cổ tích Việt Nam là tượng trưng cho tinh thần đoàn kết không ai phá vỡ được, rất cụ thể mà ai cũng biết. Chính sách “chia để trị” (divide ut regnes) thường được các nhà cầm quyền trên thế giới áp dụng trong thủ thuật cai trị, bằng chứng là thực dân Pháp trước đây đã chia VN làm ba kỳ, mỗi kỳ có một chính sách cai trị riêng. Tuy biết rằng có đoàn kết, có hợp quần mới có sức mạnh, mới có dồi dào khả năng để thực hiện một công tác nào đó như chống lại một cuộc xâm lăng chẳng hạn nhưng không phải là một việc dễ làm và ai cũng mau mắn nghe theo. Thuở sinh thời, Đảng Trưởng Trương Tử Anh từng nói: “Đoàn kết khó lắm, nhưng không có đoàn kết thì khó lòng có thể đánh lại được Cộng Sản.” (20)

Vào thời điểm năm 1936 là lúc chế độ thực dân Pháp còn tròng ách đô hộ trên toàn lãnh thổ Đông Dương, bản Tuyên Ngôn 1939 đã đưa ra được đường lối đấu tranh mà tính cách hữu dụng của nó đến nay cũng thấy còn có thể thực thi được như sau: “Hiện thời vấn đề cấp bách mà chúng ta phải giải quyết ngay là sự giải phóng cho dân tộc ta cả về mặt hình thức lẫn tinh thần cái ách ngoại tộc đè nén. Muốn đến đích, chúng ta không thể noi theo con đường nào khác là làm cho phát triển đến cực độ cái tinh thần quốc gia sẵn có rễ sâu cội chắc ở trong thâm tâm mọi người.

Giải phóng dân tộc về mặt hình thức, như bản Tuyên Ngôn vạch ra, đó là giải phóng khỏi chế độ thực dân Pháp ngày xưa mà ngày nay là loại trừ những thành phần trong đảng và nhà nước CSVN theo TQ, làm tay sai cho TQ, sẵn sàng cúi đầu trước ngoại bang.

Giải phóng dân tộc về mặt tinh thần, như bản Tuyên Ngôn vạch ra, đó là giải phóng toàn bộ đời sống xã hội, văn hóa VN khỏi nền văn hóa Trung Cộng, một nền văn hóa tàn độc đã thay đổi nội dung kể từ khi đảng CSTQ của Mao Trạch Đông lên cầm quyền tại Hoa Lục năm 1949 cho đến thời đại của tập đoàn Hồ Cẩm Đào – Ôân gia Bảo hiện nay, một nền văn hóa coi đồng bào, đồng loại như súc vật, bởi vì họ Mao đã từng là thủ phạm giết chết hơn 70 triệu đồng bào của y trong mấy chục năm Mao cầm quyền ở TQ không chút xót thương.

Chủ Nghĩa DTST không phải là một chủ nghĩa Dân Tộc cực đoan như trường hợp Việt Nam với Lê Duẩn sau ngày 30-7-1975. Nhà nghiên cứu Thân Tứ Long đã phân tích: “Sau khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước thắng lợi, lòng tự tin dân tộc của Việt Nam tiếp tục được tăng cường, tinh thần dân tộc chủ nghĩa càng dâng cao. Rốt cuộc thì một nước nhỏ và yếu ở châu Á đã đánh bại nước Mỹ – cường quốc số một trên thế giới. Điều đó cũng khiến cho tập đoàn thống trị Việt Nam bắt đầu phát trương đầu óc, tự kiêu tự đại, bắt đầu đi đến cực đoan. Lê Duẩn dù làm Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam nhưng trên thực tế lại là một nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Ông ta chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống không ngừng mở rộng biên giới lãnh thổ của các vương triều phong kiến Việt Nam lại kế thừa “y bát” Liên bang Đông Dương mà nhà cầm quyền thực dân Pháp xây dựng trước đó, nên về đối ngoại đã đẩy mạnh chủ nghĩa khuếch trương dân tộc Đại Việt, mang dã tâm khuếch trương đối với các nước Campuchia, Thái Lan, Lào, Trung Quốc.” (21)

Ngoài ra các định luật của chủ nghĩa DTST như cạnh tranh sinh tồnhỗ tương sinh tồn cùng xu hướng biến cải có khả năng đưa ra những đáp ứng thích đáng trước những thách đố của tình hình đất nước hiện tại thí dụ trước sức ép của ngoại bang thì dựa vào sức mạnh của toàn dân để làm một đối trọng (contre-poids) phản ứng lại (Cạnh tranh sinh tồn), liên kết các thế lực đồng minh bên ngoài để hóa giải sức ép của đối phương (Hỗ tương sinh tồn). Xu hướng biến cải của chủ nghĩa DTST là một kho vô tận các kế hoạch gồm chiến lược, chiến thuật nhằm ứng phó trong mọi hoàn cảnh để vô hiệu hóa các chiêu thức chính trị, quân sự, kinh tế của kẻ thù. Vấn đề quan trọng là những người thực thi chủ nghĩa có tấm lòng chân thực với quốc gia hay không.

Lời kết

Trong bài thơ Người Không Chết viết về Đảng Trưởng Trương Tử Anh năm 1950, nhà thơ Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy đã cô đọng lại mối tâm cảm của mình về tác giả chủ nghĩa DTST qua một đôi dòng xin trích lại xin làm kết từ của bài viết này như sau:
Kể từ lúc cả non sông Đại Việt
Đắm chìm trong khói lửa ngập lưng trời
Vì bàn tay đẫm máu của lũ người
Vô tổ-quốc và của loài xâm-lược
Anh đã vội băng mình lên phía trước
Để đàn em chậm chạp bước lần theo.
Bóng dáng Anh bỗng khuất dưới sương chiều
Và mất hút, không còn ai được thấy;
Nhưng đường lối Anh đi còn lại đấy,
Bọn chúng tôi theo mãi quyết không lùi
Vì trong tim, trong cân-não chúng tôi,
Cây “Sinh-tồn” đã đâm chồi nảy nhánh
Tung những hạt giống đầy mầm sống mạnh
Gieo khắp nơi trên dải nước non này.
Đời Anh đang sống với chúng tôi đây,
Nó sẽ sống với lớp người sẽ tới. (22)

Nguyễn Đức Cung
Philadelphia
CHÚ THÍCH:

1.-Hà Thúc Ký, Sống Còn Với Dân Tộc, Phương Nghi ấn hành 2009, trang 369.
2.- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập I, Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1998, trang 241.
3.- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển III, tờ 1 b, bản dịch của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1998, trang 270.
4.- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Sđd, trang 276.
5.- Toàn Thư, Sđd; Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau các cuộc thánh chiến tại Việt Nam, 1994, trang 54.
6.- Toàn thư, q.5, t. 44a; Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội 2003, trang 197.
7.- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nxb Tân Việt, bản in lần thứ bảy, Sài Gòn, 1964, trang 161.
8.- Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập một, Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 709.
9.- Cương Mục, Sđd, trang 723.
10.- Trần Trọng Kim, Sđd, trang 210.
11.-Trần Trọng Kim, Sđd, trang 229.
12.- Trần trọng Kim, Sđd, trang 230.
13.- Trần Trọng Kim, Sđd, trang 375.
14.- Nguyễn Đức Cung, Diên-Lộc Quận-Công Nguyễn Thân, Nxb Nhật-Lệ, 2002, trang 8.
15.- Nguyễn Thế Anh, Nhập môn phương pháp sử học, Sài Gòn 1974, trang 18.
16.- Tuyên Ngôn Đại Việt Quốc Dân Đảng 1939, bản in tại Ha Kỳ tháng 11-1985, trang 12.
17.- Nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, Sự thật về Thân thế & Sự nghiệp, Nxb. Nam Á [Sudasie], Paris, 1990, trang 62
18.- Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, (nguyên bản có tên Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả), Thượng Huyền dịch, Nxb. Văn Nghệ, 1999, trang 110.
19.- Ngô Vĩnh Long, Đàn áp để ổn định và phát triển: Mô hình Trung Quốc, Báo điện tử Thời Đại Mới, số 16, Tháng 7/2009.
20.- Bùi Diễm, Gọng kìm của lịch sử, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, trang 142.
21.- Thân Tứ Long, Qua diễn biến của chủ nghĩa dân tộc cận đại Việt Nam đến nay, nhìn nhận tác dụng hai chiều của chủ nghĩa dân tộc, Hồng Tuấn dịch, Báo điện tử Talawas, số mùa Thu 2009, chuyên đề “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?
22.- Đằng Phương, Thi tập Hồn Việt, tác giả xuất bản, bản in ở hải ngoại, do GS. Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa cung cấp.
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: