Tam Viet
November 17, 2010
November 17, 2010
Tôi nghe thấy có người than rằng Virginia càng ngày càng giống Cali, có nghĩa là cộng-đồng mình năng động quá nên vào một cuối tuần có nhiều sinh-hoạt chen chân nhau quá, người yêu văn nghệ có muốn đi dự cũng đôi khi cảm thấy khá khó xử khi đứng trước một sự lựa chọn giữa hai sinh-hoạt giá trị như nhau. Đó là một trường-hợp như ta thấy ngày hôm nay.
Tuy-nhiên, trong một nghĩa nào đó thì tôi lại rất vui là chúng ta có tình-trạng này. Nó tỏ rõ là cộng-đồng chúng ta vẫn còn nhiều tin tưởng, vẫn lạc-quan về văn-học Việt-nam ở xứ người. Đây nhé, ta thử nghĩ xem. Nếu mỗi cuối tuần chúng ta có hai vụ ra mắt sách thì một năm ta đã có đến 104 cuốn sách tiếng Việt được giới-thiệu đến độc-giả rồi không. Đó là dùng một con số trung-bình thôi chứ tính một cách sít sao thì như cuối tuần trước, ta đã có tới 6 cuốn sách được giới-thiệu trong hai ngày, từ nghiên cứu về Truyện Kiều đến sách dạy tiếng Việt theo một phương-pháp mới, từ một tập truyện sáng-tác đến biên-khảo về tư-hữu trong chiến-tranh VN. Rồi ta lại có sách về ảnh nghệ-thuật và nay là tạp-ghi của Huy Phương.
Cứ xem đó thì rõ ràng là sách tiếng Việt của ta ở hải-ngoại khá phong phú. Cứ thử tưởng tượng, nếu ta chăm đọc và một năm đọc được 100 cuốn sách tiếng Việt thì chắc chắn cái vốn liếng chữ nghĩa và hiểu biết của ta cũng giàu lên hẳn, và mười năm ta cũng đọc được đến 1000 cuốn, nghĩa là đúng chữ “thiên kinh vạn quyển” của các cụ ngày xưa khi nói về một con người thuộc loại “thông kim bác cổ.”
Cũng đừng nghĩ khoảng 100 cuốn sách ta được thấy ra mắt trong vòng một năm ở một địa-phương (như Washington ) đã là hết sách hải-ngoại trong năm ấy. Chẳng nói gì xa, trong năm biết bao nhiêu sách ta nghe thấy ra mắt rầm rộ ở vùng khác mà chưa thấy ra mắt ở vùng mình đủ tỏ là độc-giả miền Đông cũng chưa được giới-thiệu đầy đủ các sách nổi tiếng đã xuất bản trong năm. (Tỷ như mấy cuốn sách dầy cộm của tác-giả Lâm Lễ Trinh hay hai cuốn cuối cùng và bán rất chạy của tác-giả Nguyễn Tiến Hưng, người ở ngay vùng mình.)
Thành thử ta phải coi như một phép lạ là 35 năm sau khi mất miền Nam, người viết bị bứng ra khỏi môi-trường thiên-nhiên của nó, tức thị-trường sách báo ở trong nước, mà chữ nghĩa VN vẫn còn “sống hùng sống mạnh” (trong một nghĩa nào đó) như thế này ở hải-ngoại, đó là chuyện đáng để cho chúng ta nghiên cứu và mổ xẻ.
Để cho một cuốn sách có sức sống của nó, không thể chỉ có tác-giả mà đủ. Nó đòi hỏi phải có thính-chúng của nó nữa, nghĩa là sách phải có độc-giả. Có nghĩa là không những chỉ tác-giả còn tin ở chữ nghĩa VN, muốn nuôi dưỡng nó, đắp vào truyền-thống văn-học nước nhà mà còn có nghĩa là có một thính-chúng ở ngoài kia, một số độc-giả nào đó còn tìm đọc sách tiếng Việt, thưởng thức những cái hay cái đẹp tìm thấy trong sách Việt, và do đó nuôi giữ một nền văn-học hải-ngoại khác với ở trong nước và biết đâu đó, đó lại có thể là nển văn-học tiên-phong trong tiếng Việt hôm nay.
Ta chỉ cần nhìn vào một thí-dụ mới đây thôi ở nước người để hiểu tôi đang nói gì. Mới gần đây thôi, Bộ Giáo-dục của Liên-bang Nga cho in lại cuốn Quần-đảo ngục-tù (“The Gulag Archipelago”) của Solzhenitsyn dưới dạng paperback để đưa vào chương-trình trung-học ở Nga. Nói về cuốn này, Thủ-tướng Nga Putin cho rằng đây là một cuốn sách học-sinh cần đọc và phải đọc nếu muốn hiểu lịch-sử cận-đại của Nga, và có người khác còn nói, nếu dân-tộc Nga không muốn lập lại những lỗi lầm khủng khiếp của thời Stalin, thời Cộng-sản. Nên nhớ, cuốn Quần-đảo ngục-tù là một sản-phẩm của văn-học Nga lưu vong, viết ra sau khi tác-giả của nó, ông Solzhenitsyn, bị đẩy ra khỏi nước.
Văn-học H.O.
Có điều lạ là không ít sách mới ra và nổi tiếng sau này lại đến từ những ngòi bút H.O. Đó là trường-hợp của Hồi ký Võ Long Triều (mới ra tập I do Người Việt xb), của Nửa thế kỷ Việt Nam của Song Nhị (nhà xb Cội Nguồn ở San Jose), của Việt Nam trong chiến tranh tư hữu của tác-giả Nguyễn Cao Quyền (nhà xb Tiếng Quê Hương ở Virginia) và hôm nay, của Hạnh phúc xót xa của Huy Phương (nhà xb Nam Việt).
Không hiểu đây có phải vì sự kiệt quệ hay ít nhất cũng mỏi mệt của các tác-giả sang đây lớp trước, hoặc đã nghỉ hẳn viết hoặc chỉ còn viết cầm chừng, nghĩa là viết mà không còn cái gì mới nữa để nói.
Trái lại, lớp nhà văn H.O., mới được cầm bút trở lại từ khi ra hải-ngoại vào đầu thập niên 1990 cách đây 20 năm thì coi bộ vẫn còn sung sức lắm. Không những thế, cái nhìn của họ xem chừng cũng sâu sắc hơn nhờ kinh-nghiệm ở tù CS, phải đấu tranh nhiều năm, hàng ngày, hàng giờ trong âm thầm, không nói ra được, với cái chế-độ dã-man, tồi tệ không thể tưởng-tượng nổi (đối với chúng ta là những người may mắn không phải kinh qua những kinh-nghiệm kia) là cái chế-độ ngục-tù của CSVN.
Thành thử không chỉ những người ra ngoài này có cái nhìn bén nhậy, sâu sắc hơn người thường (sau khi được chứng-kiến cả hai chế-độ), ngay cả ở những nhà văn chọn ở lại trong nước sau khi ra tù CS như Thụy Long hay Văn Quang, ta cũng thấy cái nhìn phong phú hơn hẳn ngòi bút của họ khi xưa. Ngòi bút của họ trước khi CS vào thành có thể lãng mạn bay bướm hơn nhưng sau kinh-nghiệm CS, nhất là sau kinh-nghiệm tù đày, thì văn họ sắc lạnh hơn nêu không muốn nói là đôi khi “cynic” hơn.
Tính “nhân-bản”
Nãy giờ, Quý Vị nghe tôi chắc cho là hôm nay NNB lạc đề mất rồi. Bảo là ra mắt sách Hạnh phúc xót xa của Huy Phương mà sao chưa thấy nói gì về cuốn sách. Đó là vì cuối cuốn sách chúng ta đã có một bài viết rất chính-xác, viết thật kỹ càng về ngòi bút Huy Phương mang tên “Tính nhân bản trong những tác phẩm tạp ghi của Huy Phương.” Tác-giả bài viết, Tiến-sĩ Nguyễn Kim Quý, bút-hiệu Kim Thanh, ở Portland, Oregon, đã:
Một, đi vào lịch-sử lối viết những bài ngăn ngắn mà đầy ắp tình người trong cả truyền-thống văn-học Tây-phương lẫn VN. Đó là những “essai” của Montaigne ở Pháp hay là “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ ở xứ ta.
Hai, đưa ra những tỷ-dụ rất cụ-thể về văn-phong của tác-giả Huy Phương trong bốn tập tạp-ghi trước đây của ông, mấy cuốn Nước Mỹ lạnh lùng, Đi lấy chồng xa, Ấm lạnh quê người, và Nhìn xuống cuộc đời. Nói cách khác, ông Nguyễn Kim Quý viết theo một quy-cách rất tiêu-chuẩn học-thuật, viết đến đâu là “nói có sách, mách có chứng” đến đó, nói như người Mỹ thường mô-tả, “quoting chapter and verse.”
Ba, định nghĩa rất rõ ràng quan-niệm “nhân-bản” (“humanisme”) mà ông xem như một đặc-trưng của ngòi bút Huy Phương.
Bốn, nêu ra được tính-cách phổ-cập, bao quát trong những đề-tài của tác-giả Huy Phương mà ta có thể coi như một thế-giới phong phú không kém cả nghìn trang của Balzac trong “Hài kịch nhân thế” (“La comédie humaine”) của ông.
Năm, làm nổi bật “tấm lòng nhân hậu trùm lắp” của tác-giả Huy Phương, làm cho ông xót xa trước những nghịch-lý của cuộc đời, mà vẫn biết trách những điều bất cập, lố lăng của ngay chính chúng ta, dành sự nghiêm khắc nhất cho người CS hiên đang làm tan nát quê hương, con người Việt-nam.
Tóm lại, tác-giả bài viết, ông Nguyễn Kim Quý, đã thâu tóm rất đầy đủ một số chính những điều đáng nói về nhà viết “tạp ghi” Huy Phương, kể cả tại sao ông gọi những tiểu-phẩm của ông là “tạp ghi.” Thành thử tôi thấy có đi vào những chi-tiết của cuốn sách ra mắt ngày hôm nay, cuốn Hạnh phúc xót xa, cũng bằng thừa, không nói được gì thêm hơn những điều ông Nguyễn Kim Quý, một độc-giả chi ly, đã nói.
Một lối viết của thời-đại
Do vậy mà tôi xin đến với tác-phẩm và tác-giả bằng một cách tiếp cận khác. Đó là vì sao ta có lối “tạp ghi” và tại sao lối “tạp ghi” ngày nay lại thịnh-hành như vậy?
Chữ “tạp ghi” nghe thật mới, vì nếu tôi không lầm, có lẽ trước Huy Phương ta chưa thấy ai mô-tả những bài viết của mình như vậy. Chính vì thế mà mới đây, trên show của cô, Victoria Tố Uyên cũng đã xin ngay tác-giả một định nghĩa cho hai chữ đó vì cô sợ tuổi trẻ VN chưa quen với từ ngữ ngày.
Trong văn-học ta đã từng nghe đến những cách viết gọi là “tùy bút,” để cái ngòi bút hay cái bút lông (ngày xưa) cứ theo tư tưởng ta mà dàn trải. Sau này, khoảng hơn nửa thế-kỷ nay, ta nghe nhiều người mô-tả cách viết của họ là “bút-ký” (như “bút-ký” chiến-tranh của Phan Nhật Nam) hay thậm chí chỉ ngắn gọn là “ký.” Ngày xưa, Vũ Phương Đề có cuốn “Công-dư tiệp-ký” (“Ghi vội trong lúc thảnh thơi, không phải lo việc công”).
Ngày nay, ta giở một tờ báo Việt-ngữ ra, không riêng gì ở hải-ngoại, ta sẽ thấy vô số những bài ngăn ngắn, đôi ba trang viết khổ 8 rưỡi 11 này, có thể đọc trong mươi mười lăm phút về một đề-tài nào đó. Đó là những cột báo như của Ngô Nhân Dụng trong Người Việt, Bùi Bảo Trúc trong Viet Tide, và Huy Phương trong Thời-báo ở Toronto, Canada. Đó là những tác-giả đã thành danh, có hẳn một số người đọc mến mộ, khi cầm tờ báo lên những người này tìm ngay đến những cột báo ấy. Đó cũng là lý do tại sao một tờ báo thường chỉ có hai ba tác-giả thuộc loại này.
Lối viết này là phó-sản của một đời sống tất bật trong đó ta không có nhiều giờ để nghiền ngẫm một tác-phẩm dài, kiểu trường-thiên. Như tôi được biết, Đô-đốc Elmo Zumwalt, một người rất yêu VN và đã có thời làm đến bộ-trưởng hải-quân Mỹ, chia ngày làm việc của ông ra thành từng khúc 15 phút một. Nghĩa là mỗi 15 phút, ông phải xong một việc gì. Đó, cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay, nhất là ở Mỹ, nó dễ bị cắt vụn ra thành như thế.
Trong khi đó thì chúng ta bị tràn ngập thông tin, từ chuyện chiến-tranh hòa-bình đến chuyện linh tinh, ai yêu ai, ai bỏ ai, ai ngủ với ai, rồi chó cắn xe, xe cán chó… Vấn-đề là làm sao lọc được ra cái hay, cái quan-trọng trong một mớ thông tin hỗn độn như thế? Đó là lý-do tại sao ta cần có những người giúp ta tập trung vào những chuyện quan-trọng. Vì vậy mà ta tìm đọc những người có thể có những suy nghĩ giống ta hay ít nhất cũng thuyết phục đối với chúng ta.
Đụng chạm văn-hóa
Nhưng tại sao một người như tôi, một người có đầy đủ khả-năng đọc cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, lại đi tìm đọc những bài của Ngô Nhân Dụng hay Huy Phương? Thưa vì như một người đọc, tôi có nhu-cầu, vì bối-cảnh văn-hóa của tôi (tôi là một người như đa-phần chúng ta ở đây, có ít nhất hai nền văn-hóa), tôi có nhu-cầu làm cho cuộc sống được hài-hòa giữa cái giáo-dục Đông-phương mà tôi nhận được từ hồi nhỏ hay trong gia-đình và cái môi-trường Tây-phương mà tôi đang sống ở trong đó. Đọc một Ngô Nhân Dụng hay một Huy Phương, tôi thấy gần gũi những quan-tâm của tôi hơn là thuần-túy đọc một bình-luận-gia người Mỹ, dù như người này có thể nổi tiếng là uyên bác. Đó, đó chính là cái thú mà tôi tìm thấy trong khi đọc Hạnh phúc xót xa và những tác-phẩm khác của Huy Phương.
Thành thử theo tôi, đọc Huy Phương ta có những cái lợi như:
Một, được đọc những bài gọn ghẽ, đầy đủ ý tưởng về một vấn-đề nào đó trong một thời-gian không đòi hỏi quá nhiều sự đầu tư thời-gian của ta trong một ngày túi bụi, tất bật.
Hai, duyệt lại cái nhìn của ta về những đề-tài đó từ một quan-điểm song hay đa-văn-hóa, so sánh cái nhìn đó với lối nhìn, lối xét sự việc của tác-giả. Tỷ-dụ như trong bài “Hey, Brian Đoàn!” là vấn-đề người nghệ-sĩ được quyền tự do đến đâu? Hay bài “Gọi người yêu dấu” đặt ra vấn-đề có nên hay được quyền “đem tên ông bà, cha mẹ, chú bác ra mà gọi” con chó trong nhà chỉ vì ta thương nó không? “Đối với người Việt chúng tôi, chuyện ấy không thể chấp nhận được,” tác-giả Huy Phương viết một cách khẳng-định. Liệu bao nhiêu người trong chúng ta đồng-ý?
Ba, tìm được ra ít nhất một giải-pháp, một thái-độ dứt khoát trước nhiều việc nhức óc trong cộng-đồng như chuyện có nên làm từ thiện ở VN lúc này hay không, hoặc ta nên đối-xử với người già, người thân trong gia-đình như thế nào khi họ đã đến tuổi ta khó lo liệu được cho ông bà, cha mẹ?
Bốn, ta nên có thái-độ như thế nào dựa trên cái quá-khứ chính-trị và văn-hóa của ta? Ta có quay lưng vào quê hương chỉ vì hôm nay ta đã sang đến Mỹ và có thể coi như là “cắt đứt mọi dây dưa” với quê hương, dân-tộc ta ở quê nhà chăng? Ta có thể dửng dưng được với những tệ-nạn ngập trời, ngập đất ở VN chỉ vì người CS đã thắng, đã lên cầm quyền ở VN được không? Và nếu không thì ta cần định nghĩa chỗ đứng và thái-độ của ta đối với quê nhà như thế nào? Dửng dưng hay quan-tâm? Mà nếu quan-tâm thì làm được gì?
Phải nói, tác-giả Huy Phương hiểu rất rõ khả-năng của mình. Ông đủ thực-tế để biết, cũng như chúng ta thừa biết, là sống trong một môi-trường văn-hóa mà căn-bản rất khác với nhiều điều chúng ta được học trong quá-khứ, chúng ta khá bất lực, không bẻ ngược được lại những điều “trái tai gai mắt” ta chứng-kiến chung quanh ta. Do đó dù không đồng-ý, chúng ta cũng không cấm cản được nhưng cũng không ai cấm được ta có thái-độ, một thái-độ tự-trọng vì ta chung thủy, không phản phúc, không “qua sông đấm bòi” như một thành-ngữ của VN đã mô-tả một cách rất hình-tượng và linh-động.
Do đó nên ông dành những bài đanh thép nhất mắng thẳng vào những kiểu trí-thức hèn hạ như Nguyễn Hữu Liêm đã vì chút danh hão mà quay ra ca tụng “kẻ thù của dân-tộc” là chế-độ ở quê nhà.
Như vậy, nói đến ngòi bút Huy Phương là nói đến một ngòi bút dứt khoát, một ngòi bút kiểu Nguyễn Đình Chiểu, chính tà phân minh, không khoan nhượng. Ông đáng yêu cũng ở chỗ đó, chính vì vậy mà tôi thẳng thừng gọi ông là một ngòi bút Quốc gia—không mặc-cảm, không ngượng ngập. Vì sao? Vì tôi biết là ngày mai, sau khi cái họa CS không còn nữa trên đất nước quê hương tôi, người ta sẽ đọc Huy Phương, như người Nga ngày hôm nay đọc Solzhenitsyn, mà vất vào sọt rác những bài ca tụng CS của một người vô liêm sỉ kiểu Nguyễn Hữu Liêm.
Đó là lý do tại sao 35 năm sau khi chúng ta đi lưu vong vẫn còn những nhà văn viết tiếng Việt, vẫn còn những độc-giả đọc tiếng Việt như hầu hết chúng ta ngồi đây, và văn-học tiếng Việt của chúng ta ở hải-ngoại vẫn còn chỗ đứng vững mạnh của nó như trong hiện-tại. Đây cuối cùng là sản-phẩm của một niềm tin, niềm tin vào ngôn ngữ và chính-nghĩa bất diệt của chúng ta.
Và khi chính-nghĩa đó được viết ra bằng một ngòi bút, hay nói đúng hơn là “ngòi”(?) computer, tài-hoa như của Huy Phương thì chúng ta có được những tác-phẩm để đời.
Tâm Việt
Đọc trong buổi ra mắt Hạnh phúc xót xa ở Mason District Government Center,
Annandale, Virginia, Ngày 31 tháng 10 năm 2010
Annandale, Virginia, Ngày 31 tháng 10 năm 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment