Wednesday, November 17, 2010

ĐÀO HẢI TRIỀU : 40 NĂM MIỆT MÀI NGHỆ THUẬT (Nguyễn Khoa Thái Anh)


Đào Hải Triều, một tên tuổi có lẽ không ai trong giới sành điệu mỹ thuật ở vùng Vịnh lại không biết đến. Bốn mươi năm mài miệt với nghệ thuật, họa sĩ Đào Hải triều đã tạo dựng cho mình một tiếng tăm quen thuộc trong làng hội họa không những với người Việt mà cả với dòng chính từ Nam đến Bắc Cali qua những lần triển lãm với những khách thưởng lãm tranh Việt cũng như dòng chính Hoa Kỳ.

Chiều Chủ Nhật, 7 tây tháng 11, bất kể mưa gió bão bùng, đã có trên 50 người tụ tập và ở nán lại (sau 5g30 chiều) ở phòng triển lãm sang trọng và ấm cúng: The Rose Garden Gallery, tọa lạc tại 1345 The Alameda thuộc  thành phố San José để thưởng ngoạn tranh và chung vui với người họa sĩ tài ba, đa dạng và người bạn đời hiền thục cùng cậu con trai 17 tuổi của anh chị. Khi đến nơi đến đã quá 5 giờ chiều, mà số khách quen vẫn còn những hàn huyên vui như mở chợ. Tuy phòng tranh sẽ chính thức đóng cửa vào ngày thứ Năm 11 tháng 11 tới đây, chiều Chủ Nhật vừa qua có lẽ là buổi bế mạc chính thức kết thúc gần bốn tuần lễ triển lãm tranh.

Trên một mặt bằng rộng trên 3,000 bộ vuông, phòng tranh là một khoảng không ấm cúng, nhộn nhịp với những tiếng cười nói của khách yêu nghệ thuật nhưng có lẽ sôi động và nhộn nhịp hơn cả là những gam màu đa dạng và phong phú, tất cả như nói lên một sức sống riêng của chúng. Thật vậy, khi bước vào phòng tranh – nếu không bị chi phối bởi người và cách bài trí tổng quan của cảnh vật, như chào đón của rượu và các món khai vị hay lời chào hỏi của người quen – người họa sĩ hay phu nhân khả ái của anh – quan khách sẽ bị thu hút bởi những màu sắc và hình ảnh rực rỡ, tẻ lạnh, nhẹ nhàng hay diệu vợi hoặc mạnh mẽ và sắc sảo, tùy theo sở thích hay xu hướng mỹ thuật của mỗi người.

Tuy rằng đã dự một số các buổi triển lãm tranh của Đào Hải Triều, tôi phải thú nhận hai điều: 1) tranh trừu tượng không thuộc sở trường hay sở thích của mình 2) tôi không được hân hạnh thưởng lãm một liều lượng lớn hay tổng thể các tác phẩm nghệ thuật của Đào Hải Triều, nhưng biết rằng anh sáng tác rất nhiều trên nhiều thể loại khác nhau. Thí dụ như ngoài tranh dầu, anh còn vẽ trên đá, đẽo và ghép đá thành tượng hình, cũng như các điêu khắc hay hình tượng bằng gỗ sắt hay tôn thép.

Duy tôi có thể khẳng định một điều, trong tiến trình nghệ thuật của Đào Hải Triều, nhất là khoảng mươi năm trở lại đây – khoảng thời gian tôi được cơ may làm quen với tác phẩm hội họa của anh, tôi nhận rõ bước tiến nghệ thuật không ngừng nghỉ của nhà họa sĩ thiện nghệ này. Không hiểu đối với một người thích tìm về chân thiện mỹ trong cuộc đời, nhận xét của một người như tôi trong một phạm trù không thuộc về chuyên môn của mình có phản ảnh đúng mức sự tiến bộ thích đáng của họa sĩ Đào Hải Triều trong sự nghiệp 40 năm miệt mài và phong phú của anh không? Đương nhiên đối với một người yêu mỹ thuật coi nó như lý lẽ của cuộc sống như anh không cần sự phê bình thiên về cảm tính như tôi. Ít ra giá chót trong an ủi của nghệ thuật đã nhắc cho tôi: “đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng, vì một ngày kia nếu ‘em’ cứ’ như trau dồi cách viết văn và thưởng lãm hội họa của mình thì ‘em’ sẽ biết rằng nghệ thuật nhiều khi được cảm nhận bằng con tim nhiều hơn khối óc!

Đào Hải Triều tuy rất khiêm nhường trong sự nghiệp hội họa của mình, anh cũng có một ít đồng cảm với tôi, một người phải tự nhận không phải nhà nghề trong việc phê bình. Sau đây là một ít trao đổi giữa Đào Hải Triều và người viết.

Hỏi: Không biết nhiều về tranh trừu tượng nhưng mình cảm nhận được sự say mê trong các tác phẩm của anh. Có phải cái đam mê đó đã mang lại cho anh những bước tiến rõ rệt trong nét vẽ và phối khí của màu sắc? Thí dụ như những bức tranh anh vẽ về cái nên thơ lãng mạn biểu hiệu cho người thiếu nữ Việt Nam, nét cọ của anh được mềm mại hơn, hài hoà hơn trong bố cục cũng như màu sắc so với những bức tranh năm xưa? Ngược lại kể cả những bức tranh vẽ lên biểu tượng thịnh nộ của biển khơi (một bức tranh nói lên sự vượt biên) có đúng là tâm trạng của anh vào lúc đó?
Đào Hải Triều: Đúng như vậy, anh. Nếu tôi không yêu nghề thì có lẽ nét vẽ của tôi cũng không đi xa hơn những năm trước bao nhiêu, nhưng trong sự miệt mài tôi nghĩ cái rung động của con tim nó đã giúp hướng dẫn tay nghề của mình.

Hỏi: Nghệ thuật anh rõ là đa đạng, tuy phần lớn các tác phẩm tôi được biết là tranh dầu, nhưng anh cũng vẽ trên đá, khắc tượng. Ngay trong tranh sơn dầu trừu tượng anh cũng vẽ đủ các thể loại khác nhau, nào là phái ấn tượng (impressionism) hay ảo ảnh (illusionism) tôi thấy anh có những gam màu ấm cũng như mát hay lạnh đó là chưa kể sáng tác trên môi trường khác như cubism trên đá và tượng đúc. Duyên cớ nào?
Đào Hải Triều: Có lẽ là do lòng yêu nghệ thuật và sự tìm kiếm những ngẫu hứng của mình, anh ạ. Nếu không thì có lẽ tôi đã sa đà vào nhiều ngõ cụt không lối ra.

Hỏi: Thí dụ như bức tranh thơ mộng với những màu sắc dịu dàng gây cho ta ấn tượng của các cô thiếu nữ Việt…
Đào Hải Triều: Tôi biết bức tranh anh nói, bức đó là một bức đã bán cho một ông Mỹ, ông ấy cũng mua bức này (Anh Triều chỉ cho tôi một bức tranh gần góc trái ở phía trước của gian phòng triển lãm, gần nơi chúng tôi đứng.

Hỏi: Bức đó cũng cùng một lối vẽ mềm mại và thơ mộng như bức kia, mình biết ngay gu (sở thích) của ông này… Trong 40 năm sự nghiệp, xin anh cho biết là anh bắt đầu vẽ từ năm nào?
Đào Hải Triều: Tôi là một người vẽ tranh tự học, bắt đầu vẽ từ 10 tuổi và có tranh từ năm 15 tuổi. Tính đến nay đã 40 năm.

Hỏi: Như vậy là anh vẽ trước khi qua Mỹ rất lâu. Gia đình anh qua Mỹ năm nào?
Đào Hải Triều: Tôi đến Mỹ năm 1987,làm nhiều nghề không liên quan đến ngệ thuật để sinh sống, thời gian còn lại là vẽ tranh, vẽ ngoài giờ làm việc (có lúc gián đoạn gần 10 năm).

Hỏi: Nghe chị Kim Anh (người vợ hiền, một bạn đồng hành kiên trường với anh) nói những năm mới vượt biên sang Mỹ anh chị rất cực nhọc, phải làm đủ nghề lao động để sống, có phải vì đó mà anh phải gián đoạn với tình yêu nghệ thuật của mình?
Đào Hải Triều: Đạ đúng, chúng tôi sang đây với hai bàn tay trắng và hai đứa con nhỏ, đời sống thật bấp bênh lúc ban đầu, tiếng Anh không có. Vợ chồng tôi phải tìm việc làm ổn định rồi sau đó tôi mới tiếp tục vẽ. Những năm đầu ở Mỹ tôi cũng có vẽ nhưng rất ít vì cuộc sống không cho phép.

Hỏi: Được biết anh chị đã chăm lo cho các cháu đến nơi đến chốn, học hành thành tài. Anh chị có thể nói qua về các cháu? Có cháu nào nối nghiệp nghệ thuật của cha không?
Chị Kim Anh: Chúng tôi có cả thày 4 con. Đứa lớn nhất là con gái, năm nay 31 tuổi (đã lấy chồng từ năm ngoái), tốt nghiệp Luật ở UOP (University of the Pacific) hiện làm việc cho một tổ hợp luật sư ở Santa Clara. Đứa kế là con trai, năm nay 28 tuổi đậu Ph.D. về Anh văn ở U.C. Davis, thích viết văn và thơ, may ra sẽ nối nghiệp cha. Một cháu gái nữa, năm nay 28 tuổi, đang học Political Science năm thứ tư ở U.C. San Diego. Còn câu con trai 17 tuổi này đây, Hè năm nay sẽ học xong trung học. Mấy đứa lớn cũng thường giúp đỡ cha mẹ và gia đình.
Đào Hải Triều: Các cháu đều yêu thích tranh, có nhiều gần gũi với tranh. Tôi nghĩ trong tương lai hy vọng sẽ có hai cháu vẽ vì hai cháu này có những cảm nhận khá sâu sắc về nghệ thuật hội họa.

Hỏi: Nghe nói tranh anh được nhiều người Mỹ chiếu cố mua rất nhiều tranh (người Việt cũng đang đuổi kịp) Cách bán tranh của anh rất đặc biệt, anh có thể cho biết thêm?
Chị Kim Anh: Nhiều năm nay, anh Triều vẫn biếu tranh cho gallery ở San José (hình như Wood Gallery ở đường số 1) anh Triều biếu cho họ trọn vẹn, 100%. Khi họ bán được họ cho biết tên tuổi người mua. Bạn bè ủng hộ mua tranh nhiều lúc anh Triều cũng bán tùy theo từng trường hợp cá biệt.

Hỏi: Tôi thấy các bài viết trên sách hội họa của anh, cũng như các phê bình trích báo có nhiều giáo sư các đại học hay các nhân vật tiếng tăm biết đến sáng tác của anh. Làm cách nào mà họ hoặc các người yêu tranh tìm đến tác phẩm của anh Triều?
Đào Hải Triều: Trước tiên phải nói tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng người Việt ở đây, từ các người đi trưởc như họa sĩ Trương Thị Thịnh, v.v.. các cơ quan truyền thông, được như hôm nay cũng nhờ những ưu ái, khích lệ của khách thưởng ngoạn ở địa phương và nhiều nơi trên thế giới.
Hiện nay có nhiều người có nhiều người tìm đến tranh của tôi qua trang web: www.paradiseartgarden.com/art   và tiêu biểu những vị sau đây đã giới thiệu tranh của tôi đến với các cộng đồng của họ cũng như các trường đại học: Giáo sư Tiến sĩ P. Peter Wm. Gays ở Baltimore, Maryland, USA; Linh mục, Tiến sĩ, Luật sư Kurt Richard Burnette; Linh mục, Tiến sĩ Charles Waddell O’ Perth, Australia; Cựu giáo sư Claudio Alfana, giáo sư nghệ thuật tại đại học IV Liceo Artistico A Caravillani, Rome, Italy; Cựu giáo sư tiến sĩ Susan Lenkey, giáo sư Nghệ Thuật tại Đại học Stanford, California.

Hỏi:  Ngoài các galleries ở Cali, anh chị có dự định triển lãm ở ngoại quốc không?
Đào Hải Triều: Lúc ở trại tị nạn Hồng Kông sang Philippines, tôi có triển lãm ở Manila. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội triển lãm tranh  ở những nơi khác tại Hoa Kỳ. Nói chung tôi chỉ là một người yêu hội họa mỹ thuật  không chú trọng… đúng ra không biết nhiều về cách thức quảng bá sáng tác của mình. Các con chỉ dẫn và giúp post ảnh lên website. Qua nhiều năm trưng bày, giới thiệu, tranh của tôi cũng được khá nhiều người biết đến và ủng hộ, cả cộng đồng Việt lẫn Mỹ. Đặc biệt trong cộng đồng người bản xứ, tranh được bán nhiều hơn như ở Mỹ, Canada, Úc châu. Có những gia đình hiện nay đã lưu giữ từ 4 đến 5 bức tranh của tôi.

Hỏi: Cám ơn anh, và chúc nghệ thuật của anh ngày càng tiến xa ở nhiều nơi trên hoàn cầu.


© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: