Wednesday, November 10, 2010

HOA KỲ NGHÊNH CHIẾN BA ĐẦU, SÁU TAY, và MỘT CÁI MÁY IN BẠC

NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune
November 05, 2010

Hôm Thứ Ba mùng hai, dân Mỹ đi bầu và về theo dõi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cùng lúc đó, giữa mắt bão là thủ đô Hoa Kỳ, mấy chục người kín đáo theo dõi biến chuyển thật của đời sống: hồ sơ kinh tế. Đó là các viên chức Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, ta hay gọi tắt là “Fed”.
Ngày hôm sau, Thứ Tư mùng ba, kết quả sơ bộ của bầu cử đã được thông báo. Đảng Cộng Hoà thắng lớn tại Hạ viện, sơ khởi là có thêm 61 Dân biểu, chưa kể kết quả của 11 đơn vị. Đảng Dân Chủ bị thua nhưng vẫn giữ được đa số tại Thượng viện. Tổng thống Barack Obama họp báo và nói nước đôi: kinh tế gây thất vọng cho cử tri, ông nhận trách nhiệm và sẽ cùng Quốc hội giải quyết.
Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo sẽ bơm thêm 600 tỷ Mỹ kim trong tám tháng tới để kích thích kinh tế qua biện pháp rất bất thường là “gia tăng mức lưu hoạt có định lượng” – “quantitative easing”. Nước Mỹ vừa có ba đầu sáu tay và... một cái máy in bạc chạy rần rần….

Xin nói về chuyện ba đầu sáu tay trước.

Quốc hội khóa 111 sắp mãn nhiệm chỉ còn hai kỳ họp rất ngắn, tổng cộng vài tuần, trước khi trao ấn tín cho Quốc hội khoá 112 tuyên thệ nhậm chức vào mùng ba Tháng Giêng năm tới. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ có ba cái đầu cùng lãnh đạo. Tổng thống Obama vẫn giữ quyền Hành pháp trong tay Dân Chủ, Hạ viện trong tay Cộng Hoà với tân chủ tịch là Dân biểu John Boehner. Ở giữa là Thượng viện chia hai, vẫn do đảng Dân Chủ cầm đầu nhưng phải tương nhượng với phe Cộng Hoà, nay có thêm ít ra là sáu Nghị sĩ. Trưởng khối Cộng Hoà tại Thượng viện là Nghị sĩ Mitch McConnell thì nói thẳng – và còn nhắc lại hôm Thứ Năm mùng bốn – rằng đảng Cộng Hoà đề ra mục tiêu là cho ông Obama làm Tổng thống một nhiệm kỳ!
Tức là cuộc tranh cử 2012 đã bắt đầu. Và ba cái đầu đang dàn trận cho màn tranh cử đó. Trong 15 tháng tới, cho đến vòng sơ bộ đầu tiên tại Iowa, trận chiến này mới là đáng kể. Vì vậy, ba cái đầu mới thò ra sáu tay tưng bừng xiết cổ nhau.
Trước hết là chuyện thuế khoá. Cuối năm nay hai đạo luật thuế vụ thời Bush (2001 và 2003) sẽ mãn hạn. Qua mùng một Tháng Giêng năm tới, thuế sẽ tăng đồng loạt – cho những ai đóng thuế. Quốc hội khóa 111 sẽ tính sao sau khi thấy phản ứng của cử tri? Tổng thống Obama sẽ làm gì? Hứa nghiên cứu lại và đành dung hoà theo thủ tục khẩn cấp? Khi gặp các lãnh tụ Quốc hội hôm Thứ Năm mùng bốn, ông Obama có nhá ra điều ấy.
Khẩn cấp nhất là ngân sách tài khóa 2010-2011 cho đến nay vẫn chưa được Quốc hội đệ nạp để thảo luận và biểu quyết. Đảng Cộng Hoà đòi giảm chi 100 tỷ trong ngân sách đó, Quốc hội sắp mãn nhiệm sẽ tính sao khi các dân biểu nghị sĩ cứ thích tăng chi đều đã bị đánh cho tơi tả? Obama có thực tâm giảm chi như ông nói không? Đó là trận đánh thứ hai.
Trận đánh thứ ba là giảm chi ngay trong ngân sách. Phe Cộng Hoà không chỉ đòi triển hạn việc giảm thuế của Bush mà còn đòi cắt thêm 100 tỷ trong ngân sách của tài khoá 2010-2011. Nếu không chấp nhận giảm chi, Hoa Kỳ sẽ không có ngân sách trang trải lương bổng và chi phí liên bang. Năm 1995, Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà vừa thắng cử đã già néo đứt dây khi phong tỏa ngân sách. Lần này, đảng Cộng Hoà sẽ rút kinh nghiệm thảm bại lần trước. Rồi sẽ ép tới đâu?
Vấn đề công chi thu là đề mục nóng nhất trong cuộc tranh cử. Đảng Dân Chủ giữ thế mạnh tại Hành pháp và hai viện Lập pháp trong các khoá 110 và 111, đã tăng chi ào ạt, làm ngân sách liên bang đang bị hụt tới 14,3 ngàn tỷ đô la – và sẽ còn tăng trong năm tới. Khi tranh cử, phe Cộng Hoà hài tội bội chi ngân sách và các ứng viên chủ trương tiết giảm bội chi đều thắng lớn. Sau khi giải quyết xong chuyện ngân sách và thuế khoá, trận đánh thứ ba này mới là một cuộc trường kỳ kháng chiến giữa ba cái đầu!
Đến ngày bầu cử, đa số dân Mỹ đều tỏ ý thất vọng về đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế vì chưa đem lại bảo hiểm cho hơn 30 triệu người không có bảo hiểm và chẳng tiết giảm chi phí y tế như hứa hẹn thì đã gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp – cả tiền bạc lẫn thời giờ giải quyết thủ tục hành chánh. Đảng Cộng Hoà tuyên bố trước là sẽ dàn trận để thu hồi đạo luật này, hoặc tu chính lại cho gọn nhẹ hơn. Vì hồ sơ này được đảng Dân Chủ coi là một thành tích, trận đánh về y tế sẽ khiến cả ba cái đầu cùng bật máu!

Và sáu tay cùng múa loạn.

Hãy nói đến cánh tay thứ sáu: kích thích kinh tế. Kế hoạch kích thích kinh tế gồm có hai đợt, hơn 180 tỷ năm 2008 thời Bush và hơn 860 tỷ năm 2009 thời Obama, đều không công hiệu. Tháng Bảy năm ngoái, kinh tế Mỹ ra khỏi trận suy trầm khởi sự từ tháng 12 năm 2007, nhưng đà phục hồi còn yếu ớt và thất nghiệp vẫn còn cao, cứ mấp mé gần 10% trong hơn một năm trời. Khi vận động tranh cử, cả Obama lẫn Quốc hội khóa 111 hết dám nói đến chữ “kích thích” nữa vì cái tội tầy trời là giữa những bấp bênh về kinh tế, việc làm và nhà cửa thì lại ưu tiên đi làm cách mạng cải tạo xã hội. Bây giờ, làm sao kích thích kinh tế đây?
Nếu thất nghiệp không giảm mạnh vào giữa năm 2012, Barack Hussein Obama Jr. chỉ là Tổng thống một nhiệm kỳ. Chẳng ai tái tín nhiệm một Tổng thống khi thất nghiệp còn cao hơn lúc ông nhậm chức. Với tỷ lệ thất nghiệp là 9,6% như hiện nay và trong hoàn cảnh ách tắc chính trị vì cái thế cài răng lược giữa hai đảng và ba cái đầu, thì phải có phép lạ mới làm thất nghiệp giảm được 0,5% mỗi tam cá nguyệt. Trong giả thuyết lạc quan ấy – mỗi năm giảm được 2% – thì phải mất hai năm tròn mới hy vọng thấy thất nghiệp xuống tới cỡ 5,6%.
Muốn tạo ra phép lạ thì phải kích thích kinh tế. Muốn kích thích thì phải giảm thuế, hoặc gia tăng đầu tư, nghĩa là lại tăng chi. Cả hai biện pháp này đều nan giải vì Dân Chủ ngại giảm thuế – cho nhà giàu – và Cộng Hoà chống tăng chi làm phình nở bộ máy công quyền. Vì vậy, chính trường ba đầu sáu tay mới gieo họa cho thị trường…. Trong kỳ trước, cột báo này đã nêu ra vấn đề ấy (“Sau Cơn Động Đất 2010”... Là Vụ Cháy Nhà 2012)
Còn lại có Ngân hàng Trung ương và cái máy in tiền nhãn hiệu QE – quantitative easing!

***
Trong khi cử tri và các chính khách đang loạn đả với lá phiếu, Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bàn tính về hồ sơ kinh tế và hôm sau, mùng ba Tháng 11, thông báo quyết định sẽ bơm thêm 600 tỷ Mỹ kim vào kinh tế. Một cách cụ thể thì điều này có nghĩa là gia tăng khối tiền tệ lưu hành bằng cách mua vào trái phiếu và trả ra bằng tiền ảo, là tiền in trên bảng kết toán tài sản. Nói cho dễ hiểu là cho chạy nhà máy in tiền.
Khi kinh tế suy trầm, người ta có thể kích thích bằng cách hạ lãi suất để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hoặc giảm thuế, và tăng chi để bơm thêm tiền vào kinh tế. Ngần ấy biện pháp tiền tệ và thuế khóa đều được áp dụng mà chưa thấy công hiệu. Lãi suất đã bò trên sàn, bằng số không, việc giảm thuế sắp hết hạn và tăng chi thì đã gây thiếu hụt ngân sách tới mức kỷ lục – trong có hai năm đã gấp đôi mức cũ vì vậy mới có trận động đất chính trị vừa qua.
Còn lại, chỉ có Ngân hàng Trung ương với cái máy in bạc. Định chế này vừa muốn thông báo cho thị trường biết, và yên tâm. Rằng Hoa Kỳ vẫn có khả năng kích thích kinh tế. Khi kinh tế bị suy trầm, biện pháp in bạc ấy đã nâng mức lưu hoạt thêm mấy ngàn tỷ, thực tế là nhân đôi khối tiền tệ lưu hành. Với quyết định vừa thông báo, dân chúng và các thị trường gần xa đều biết là trong tám tháng tới, Ngân hàng Trung ương sẽ bơm thêm 600 tỷ nữa.
Ra khỏi chính trường mà nhìn vào thị trường, biện pháp ấy có nghĩa là 1) kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, 2) lạm phát tiền tệ không là mối nguy, và 3) giới hữu trách vẫn còn khả năng tác động. Nghĩa là một biện pháp trấn an tâm lý.

Chứ tình thật thì 600 tỷ chỉ bằng con muỗi đốt gỗ!
Xin có đôi lời giải thích chuyện lắt léo này. Với nhịp độ bơm tiền như vậy thì trung bình mỗi tháng, kinh tế sẽ có thêm chừng 75 tỷ đô la. So với khối tiền tệ lưu hành hiện nay là 8.700 tỷ đô la, biện pháp kích thích chỉ tăng khối tiền tệ chừng 0,90% (chính xác là 0,86%), chưa có gì là vĩ đại, kiệt xuất. Mức trung bình trong suốt năm chục năm qua là gia tăng 0,55% mỗi tháng!
Nhưng đằng sau quyết định có định lượng này, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vừa nhắc thị trường đang sợ nạn ách tắc của chính trường ba đầu sáu tay là: “trăm điều hãy cứ trông vào một ta!” Nước Mỹ vẫn còn kỷ cương và có kẻ cầm chịch. Đó là nội dung của thông điệp kích thích kinh tế dù chỉ có vẻ như muỗi đốt gỗ.

***
Nhưng, Hoa Kỳ chỉ là trong gần 200 quốc gia trên địa cầu và mọi quyết định của nước Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới, và ảnh hưởng mạnh nhất. Lý do ư?
Nhiều lắm:
1) kinh tế Mỹ lệ thuộc vào tiêu thụ tới 70%; vì vậy,
2) thị trường tiêu thụ tới 11 ngàn tỷ Mỹ kim của Mỹ là nguồn sống cho nhiều xứ khác; trong khi
3) Mỹ kim là ngoại tệ giao hoán thông dụng nhất, được dùng để thanh toán các nghiệp vụ buôn bán thương phẩm, ít ra là hơn 40% luồng giao dịch toàn cầu; nên
4) trở thành ngoại tệ dự trữ chính yếu, chiếm tới gần 70% khối dự trữ ngoại tệ của toàn cầu. Trong hoàn cảnh ấy, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ in bạc để giải quyết vấn đề của Hoa Kỳ thì Mỹ kim sụt giá.
Mỹ kim mà sụt giá thì hàng Mỹ trở thành rẻ hơn dễ cạnh tranh hơn, còn hàng hoá và tiền tệ các nước khác thành đắt hơn và khó cạnh tranh hơn. Trong khi các quốc gia đang lưu giữ Mỹ kim trong khối dự trữ ngoại tệ sẽ bị... nghèo đi! Vòng vo như vậy chỉ để nhắc tới một sự thật mười mươi mà người Mỹ bình thường không thèm để ý:
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ gây vấn đề cho các nước khác!
Bây giờ ta mới bước ra khỏi lồng kính chính trị Hoa Kỳ mà nhìn qua xứ khác. Chỉ vì sau khi băng bó vết thương lòng, Obama sẽ lên đường Á du và tham dự Thượng đỉnh của khối G-20 tại Hán Thành vào hai ngày 11-12 tháng này.

***

Đấy là lúc phải nói đến việc Hoa Kỳ nhập trận.

Khi dân Mỹ chỉ nhìn thấy vấn đề kinh tế của mình thì ba cường quốc kinh tế kế tiếp nước Mỹ đều chóng mặt. Bài này xin miễn điểm báo về chuyện say sóng chóng mặt đó ở xứ khác. Trước hết, theo thứ tự về sức mạnh, là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Cả ba quốc gia đều đang cần xuất cảng. Các quốc gia khác, nhất là ở tại Đông Á và Mỹ châu La tinh, cũng thế: xuất cảng vào Mỹ là nguồn sống của cả triệu doanh nghiệp, của cả tỷ người, và xứ nào cũng mong là đồng bạc của mình không lên giá để bán hàng cho dễ.
Tuần tới, họ sẽ gặp nhau tại Hán Thành để bàn về chuyện này. Đúng một tuần trước đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ bật lên que diêm để xua tan bóng tối ở nhà, mà lại là một tín hiệu cháy nhà cho thiên hạ!
Bắc Kinh ghìm giá đồng Nhân dân tệ chăng? Nhật Bản bán đồng Yen để mua đô la chăng? Các xứ khác đều ít nhiều can thiệp vào thị trường hối đoái của mình để giữ cho đồng bạc khỏi tăng giá? Chỉ một cú hích rất nhẹ của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, mỗi tháng tăng mức lưu hoạt có 0,86% trong tám tháng tới, đã làm thiên hạ đảo điên!
Vì tiền Mỹ quá rẻ và lãi suất quá nhẹ tại Hoa Kỳ sẽ khiến tư bản vượt biên và thổi bong bóng đầu cơ tại các xứ khác! Nạn bong bóng là mối lo của nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc, nhất là Trung Quốc. Khi tiền Mỹ sụt giá, đồng tiền của các xứ khác đều tăng, nhất là đồng Yen của Nhật. Trong lúc gia cang bối rối ở nhà, Tổng thống Obama sẽ nhũn nhặn đi vái tứ phương và nhỏ nhẹ nói về việc hợp tác quốc tế để đẩy lui suy trầm và tránh phản ứng bảo hộ mậu dịch hay can thiệp vào thị trường hối đoái.
Nói là không làm gì nổi, kể cả một biện pháp đương nhiên và cần thiết vì đúng thời đúng chỗ là thông qua Hiệp định Tự do Ngoại thương đã ký kết từ mấy năm trước với Nam Hàn. Ông bị phe bảo hộ mậu dịch và các nghiệp đoàn trong đảng Dân Chủ cột tay ở nhà. Bây giờ, khi phó hội về chuyện kinh tế thì ông sẽ nói sao với các nước khác về những chuyện nhạy cảm đó?
Ngân hàng Trung ương đã đỡ lời cho ông bằng biện pháp tiền tệ! Nhìn từ Bắc Kinh hay Đông Kinh, Hán Thành, lãnh đạo các nước có thể nhớ đến một thành ngữ... Việt Nam: “nó lú nhưng chú nó khôn!”
Nhìn một cách lạnh lùng tỉnh táo hơn thì Hoa Kỳ là một siêu cường có những ưu thế bất công mà xuất chúng! Là một Tổng thống chống Mỹ, Obama không dám công nhận đặc tính xuất chúng – exceptional – của nước Mỹ. Nhưng khi chính trường Mỹ lâm vào cảnh ách tắc chính trị trong hai năm tranh cử sắp tới khiến ba đầu sáu tay sẽ cùng nhau loạn đả, định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương vẫn thừa khả năng nhá ra một tín hiệu: sẽ in bạc bơm tiền. Võ khí kỳ lạ chính là nhà máy in bạc nhãn hiệu QE!
Nếu tạm quên được những gấu ó ở nhà, ta nên theo dõi trận đánh này vào tuần tới… [NXN]
.
.
.

No comments: