Friday, November 5, 2010

HOA KỲ : HAI NĂM TRANH HÙNG SẮP TỚI (Ngô Nhân Dụng)

Ngô Nhân Dụng
Thursday, November 04, 2010

Cuộc bỏ phiếu vừa qua đã thay đổi bàn cờ chính trị ở Mỹ. Ngay sau ngày dân Mỹ bỏ phiếu, Tổng Thống Barack Obama đã lùi một bước trước cơn sóng Cộng Hòa đang tràn vào Quốc Hội. Ngày hôm qua, ông Obama cho biết không cần phải thúc đẩy việc thông qua dự luật về bảo vệ môi trường của đảng Dân Chủ.

Dự luật này, thường được gọi tên là Hạn chế và Trao đổi (Cap and Trade) là một món ăn được đảng Dân Chủ ghi trong thực đơn tranh cử năm 2008, và được bày ra ngay trong năm sau đó trên bàn tiệc nghị trình Hạ Viện. Theo dự luật thì các xí nghiệp thuộc mỗi ngành kỹ nghệ sẽ bị đặt giới hạn số khí thải mà họ được phép thả vào không khí (Cap) nếu có tác dụng hâm nóng bầu khí quyển. Xí nghiệp nào thải ra ít khí sẽ được phép “bán” giấy phép thả khí của mình cho xí nghiệp khác (Trade). Dự luật được đa số Dân Chủ trong Hạ Viện thông qua, vì họ và ông Obama muốn đền ơn (hay trả nợ) các nhóm cổ động việc bảo vệ môi trường đã hô hào mọi người dồn phiếu cho họ. Các đại biểu Cộng Hòa phản đối dự luật đó, vì cho là nó sẽ đặt thêm luật lệ hạn chế tự do của giới kinh doanh, mà trong lúc kinh tế suy yếu thì cần phải cho họ tự do để đầu tư thêm. Mặt khác, luật mới này sẽ làm cho giá điện tăng, vì các nhà sản xuất điện dùng dầu và than sẽ tốn thêm tiền để thi hành luật. Các công ty chế hóa tất nhiên là chống dự luật đó, vì họ không muốn phải tốn tiền.

Nhưng sau khi được Hạ Viện thông qua rồi, lên tới Thượng Viện thì dự luật này bị “ngâm” không đem ra bàn. Vì không đủ 60 phiếu để thông qua, khi có những nghị sĩ đảng Dân Chủ cũng không đồng ý. Các nghị sĩ bao giờ cũng thận trọng trong việc nghiên cứu các hậu quả của một dự luật hơn các dân biểu; đó là lý do nước Mỹ có hai viện.

Vấn đề người dân Mỹ phải cùng nhau cân nhắc là giữa nhu cầu bảo vệ môi trường sống và nhu cầu kinh tế phát triển, nên đặt nhu cầu nào là ưu tiên, cái nào là thứ yếu. Trong Hạ Viện trước đây, đảng Dân Chủ chiếm đa số và họ chọn việc bảo vệ môi trường sống là ưu tiên. Nhưng chắc đa số dân chúng không cảm thấy đó là mối lo lớn nhất. Kỳ bầu cử vừa qua, đảng Dân Chủ thua, khi cử tri thấy các đại biểu không lo giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới mặt đất, mà lại đi lo chuyện không khí “trên trời!” Trong số 50 dân biểu đảng Dân Chủ bị mất ghế trong ngày Thứ Ba vừa qua, có 30 người đã từng bỏ phiếu ủng hộ dự luật “Cap and Trade” mà bên Cộng Hòa đổi tên là “Cap and Tax” (Hạn chế và Ðánh thêm thuế)!

Bây giờ đảng Cộng Hòa đắc thắng ở Hạ Viện, lại chiếm thêm ghế ở Thượng Viện, Ông Obama biết phải bỏ qua ý định ban hành đạo luật mới bảo vệ môi trường. Ông cho biết sẽ không cần luật mới nữa; chỉ cần cho cơ quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) thi hành những đạo luật cũ cũng được. Cơ quan này vốn chỉ có quyền hạn chế các “chất làm ô nhiễm” chứ không có nhiệm vụ bảo vệ nhiệt độ khí quyển. Nhưng năm 2007, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã phán rằng các thứ khí gây hậu quả hâm nóng bầu khí quyển cũng bị coi như là những chất gây ô nhiễm! Từ đó đến nay, cơ quan EPA chưa bao giờ sử dụng quyền hạn mới này. Cho nên chính phủ Obama chỉ cần đem áp dụng luật cũ cũng đủ đạt được mục tiêu họ muốn.

Tất nhiên các đại biểu Cộng Hòa mới thắng thế sẽ tìm cách ngăn cản ý định của ông tổng thống. Họ sẽ ngăn cản bằng cách làm một luật mới không cho áp dụng phán quyết năm 2007 của Tối Cao Pháp Viện (ở Mỹ, chính Quốc Hội làm ra luật, ngành Tư pháp chỉ có quyền giải thích luật mà thôi). Nhưng thông qua được một đạo luật như vậy cũng khó, chắc chắn không đủ phiếu ở Thượng Viện. Cho nên các đại biểu Cộng Hòa sẽ tìm cách ngăn cản cơ quan EPA bằng các cuộc biểu quyết về ngân sách, các vụ bổ nhiệm nhân viên, để làm áp lực gián tiếp trên cơ quan này, không cho làm việc hăng hái quá!

Ðây chỉ là một trong nhiều cuộc tranh luận và “đấu chưởng” giữa Hành pháp và Lập pháp Mỹ trong hai năm tới. Và đó cũng là một tranh chấp nhỏ. Còn rất nhiều hồ sơ trên bàn giấy Tổng Thống Obama sẽ bị đưa lên bàn cân để xem có nên tiếp tục thúc đẩy tiến tới hay không. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa sẽ mở cuộc tấn công với những dự luật mới đưa ra các chương trình của họ.

Hai vấn đề sẽ gây xung đột mạnh nhất là Thuế và Ðạo luật Cải tổ Y tế.

Vấn đề Thuế là di sản của thời Tổng Thống Gorges W. Bush. Hai đạo luật năm 2001 và 2003 đã cắt giảm tỷ lệ đánh thuế lợi tức (gọi là thuế suất, tax rate) cho dân Mỹ. Những người giầu thuộc 5% dân số được giảm thuế nhiều nhất. Ðạo luật này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, bởi vì nếu muốn làm thành một đạo luật vĩnh viễn thì cần một tỷ lệ ưng thuận cao hơn, mà năm đó đảng Cộng Hòa không đủ phiếu.

Trong năm qua, đảng Dân Chủ đã đề nghị sẽ làm luật mới giữ nguyên tỷ lệ đóng thuế đã được cắt giảm trên đây, trừ những người có lợi tức trên 250,000 hay 300,000 đô la một năm. Những “người giầu” này sẽ phải đóng theo thuế suất trước năm 2001. Ðảng Cộng Hòa ngược lại, muốn gia hạn đạo luật của Tổng Thống Bush, với ý hướng sẽ gia hạn mãi mãi. Ðó là điểm đối nghịch chính giữa hai đảng. Trong năm qua, đảng Dân Chủ có thể đem dự luật này ra bàn và thông qua. Nhưng họ không dám làm vì sợ sẽ bị đối thủ gán cho nhãn hiệu “tăng thuế” trong mùa tranh cử. Bây giờ, bầu bán xong rồi, hai đảng sẽ đưa vấn đề này lên bàn mổ và cuộc tranh luận sẽ rất hào hứng.

Tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ đang kiểm soát có thể sẽ đưa dự luật của họ ra, tức là chỉ đổi suất thuế của các người giầu trở lại thời trước 2001 mà thôi. Ðảng Cộng Hòa sẽ đem ra thảo luận một dự luật của họ tại Hạ Viện mà họ chiếm đa số. Phía Cộng Hòa có thể đề nghị một dự luật giản dị: Gia hạn các luật cũ thêm 10 năm nữa! Họ không thể lờ đi không làm gì cả; vì nếu không có luật mới thì đến cuối năm nay các đạo luật cũ thời ông Bush sẽ tự động chấm dứt.

Trong cuộc đấu về thuế này, cả hai đảng đều có khả năng ngăn chặn dự luật của đảng kia. Cho nên, thế nào cũng phải tìm cách thỏa hiệp. Các cuộc tranh cãi trong nghị trường và trên các phương tiện truyền thông sẽ diễn ra gay go, vì cả hai đảng sẽ dùng cơ hội này để tranh lấy cảm tình của cử tri. Phía Cộng Hòa sẽ tố là bên Dân Chủ tăng thuế. Phía Dân Chủ sẽ thanh minh chỉ tăng thuế của những người giầu nhất nước mà thôi. Bên Cộng Hòa sẽ phản đối là dù tăng thuế cho dưới 5% số dân Mỹ nhưng trong lúc kinh tế suy thoái thì tăng thuế bất cứ ai, dù một đồng thôi cũng bất lợi, khiến cho kinh tế khó tăng trưởng trong lúc này. Bên Dân Chủ sẽ biện minh rằng nếu không tăng thuế nhà giầu thì ngân sách sẽ ngày càng khiếm hụt hơn. Khiếm hụt là một điều mà cả nước Mỹ đều lo lắng. Ông Obama mới nhắc nhở mọi người rằng: “Từ năm 2001 đến 2009 chúng ta đã cắt thuế rất nhiều, mà nhìn bây giờ xem, kinh tế có tăng trưởng gì đâu? Nhưng có dấu hiệu ông Obama có thể nhượng bộ, ông sẽ chấp nhận không bắt các người giầu phải trở về suất thuế trước 2001, trong thời hạn 2 năm thôi!

Nói đến ngân sách khiếm hụt, trong hai năm tới hai đảng sẽ tranh luận làm cách nào để bớt thâm thủng, và hai bên sẽ đưa ra các phương cách khác nhau. Cả hai sẽ đề nghị giảm chi (chống chính phủ chi nhiều tiền) nhưng Cộng Hòa sẽ không đồng ý với Dân Chủ là nên giảm chi ở chỗ nào. Cả hai bên sẽ không bên nào đụng tới ngân sách quốc phòng, an sinh xã hội và chương trình y tế cho người về hưu (medicare). Nhưng Cộng Hòa sẽ đề nghị cắt nhiều chương trình xã hội, trong khi Dân Chủ sẽ thuyết phục dân Mỹ là nên tăng thuế lợi tức những người kiếm ra nhiều tiền.

Cuộc tranh luận gay go nhất và lớn tiếng nhất sẽ là vấn đề đạo luật Cải tổ Y tế được ban hành năm qua. Sau này lịch sử nước Mỹ sẽ ghi tên Tổng Thống Obama gắn liền với đạo luật này, cũng như ghi tên Tổng Thống Bush bên cạnh hai đạo luật cắt thuế. Trong cuộc tranh cử vừa qua, đảng Cộng Hòa đã thành công khi kích thích những người ủng hộ họ chống đạo luật Cải tổ Y tế khắp nước Mỹ đi bỏ phiếu cho đông.
Dân Biểu John Boehner, người sẽ lên làm chủ tịch Hạ Viện trong năm tới, đã hứa sẽ thúc đẩy một dự luật “xóa bỏ” đạo luật Y tế trên; như đã hứa với các cử tri. Nhưng chúng ta không chắc ông Boehner sẽ nhanh nhẹn thực hiện lời hứa đó; vì nếu ông nhẩn nha, từ tốn ông có lợi hơn!
Trước hết, một dự luật thủ tiêu đạo luật Cải tổ Y tế sẽ khó lòng được thông qua. Dù có đi qua cửa Hạ Viện rồi, lên tới Thượng Viện sẽ bị đa số Dân Chủ ngăn lại. Ví thử phe Cộng Hòa có thuyết phục được đủ 60 nghị sĩ đồng ý, thì cuối cùng Tổng Thống Obama vẫn có quyền phủ quyết; và sẽ không đủ số phiếu để bác bỏ việc phủ quyết này.
Trên thực tế, nếu ông Boehner có đem một dự luật ra bàn, thì cũng chỉ là tạo cơ hội cho dân chúng nghe chuyện khác mà thôi. Vì đảng Cộng Hòa sẽ có lợi nếu kéo dài câu chuyện đạo luật Cải tổ Y tế này cho tới năm 2012, khi dân Mỹ đi bầu tổng thống! Ðã biết có một nửa dân Mỹ chống đạo luật này, và một nửa ủng hộ, thì đây chính là một đề tài rất tốt để đảng Cộng Hòa dùng là tiêu điểm nhắm bắn vào ông Obama trong kỳ tranh cử sắp tới! Khi đó, đảng Cộng Hòa sẽ không đem bàn chi tiết về những điểm hay hoặc dở của đạo luật trên. Họ chỉ cần nêu lên một điều thôi cũng đủ tác động tâm lý có lợi cho họ. Họ sẽ mô tả đạo luật này là một luật tiêu biểu cho chủ trương của đảng Dân Chủ, tức là gia tăng quyền hạn của guồng máy nhà nước, can thiệp vào đời sống của người dân! Mà điều này thì có thật, dù chưa bàn xem nó lợi hay thiệt cho ai! Một lời tố cáo như vậy lúc nào cũng có hiệu quả đối với cử tri Mỹ. Người dân thường không quan tâm đến chi tiết!

Cho nên, Tổng Thống Obama có thể sẽ khuyến khích, nếu không phải là sẽ thách đố cho bên Cộng Hòa tiến tới, đưa ra dự luật xóa bỏ đạo luật Cải tổ Y tế, như họ đã hứa. Khi có một cuộc bàn cãi rộng rãi, sôi nổi và cặn kẽ, thì người dân sẽ được nghe nhiều khía cạnh, lợi hại, hay dở, của đạo luật này. Khi đó, đảng Dân Chủ hy vọng sẽ cho nhiều người thấy cuối cùng chính họ được lợi khi đạo luật được thi hành đầy đủ. Nếu không, thì đạo luật sẽ tiếp tục bị mất cảm tình vì cho nhãn hiệu “chính phủ bự!” Nếu đảng Cộng Hòa chấp nhận cuộc thách đố của ông Obama thì không khí chính trị sẽ hào hứng hơn nhiều, vì người dân sẽ được thông tin đầy đủ hơn trên cả hai mặt về đạo luật này.

Trong khi không hy vọng hủy bỏ cả chương trình Cải tổ Y tế của Tổng Thống Obama, đảng Cộng Hòa vẫn có rất nhiều vũ khí tạo trắc trở khi thi hành. Nhiều luật bổ túc khác sẽ phải được làm thêm, nhiều ủy ban phải được thành lập, phải bước thêm nhiều quãng đường để thực hiện chương trình cải tổ Y tế trong đạo luật trước. Khi chiếm được đa số trong Hạ Viện, đảng Cộng Hòa có khả năng ngăn cản bên Hành pháp trên các quãng đường sẽ phải đi qua. Tất nhiên họ sẽ phải tránh không để mang tiếng là “tiêu cực,” nhưng họ sẽ tạo được áp lực để buộc bên Hành pháp phải nhượng bộ trên nhiều điểm. Họ sẽ theo lối “đánh du kích” không giàn mặt trận lớn. Khi có một dự luật được đem ra bàn về y tế, bên Cộng Hòa có thể yêu cầu thêm một tu chính án nhỏ, thí dụ, đòi hạn chế việc phá thai, hoặc yêu cầu không được ép các công ty dược phẩm phải bán thuốc rẻ. Chiến thuật này sẽ trì hoãn việc thi hành đạo luật và tạo áp lực để đạt được những điều mà đảng Cộng Hòa muốn thay đổi.

Trên đây chỉ là một vài đề tài “nóng hổi” nhất trong cuộc tranh hùng giữa hai đảng trong hai năm sắp tới. Kết quả trận đấu sẽ được dân Mỹ tuyên bố trong cuộc bỏ phiếu năm 2012.
.
.
.

No comments: