Monday, November 15, 2010

HÌNH ẢNH, VAI TRÒ của PHỤ NỮ TRONG "NGÀN GIỌT LỆ RƠI"

GS TRẦN THỦY TIÊN 
Việt Báo Thứ Hai, 11/15/2010, 12:00:00 AM


Nhà văn nữ Yung Krall (trái) và GS Trần Thủy Tiên.


(LTS: Buổi giới thiệu tác phẩm Ngàn Giọt Lệ Rơi của nhà văn Đặng Mỹ Dung tại Dallas, Texas, tuần qua đã thành công mỹ mãn. Sau đây là bài nói chuyện của GS Trần Thủy Tiên.)
Kính Thưa Quý Vị,
Trong thời gian giới hạn hôm nay, để giới thiệu một tác phẩm đặc biệt có tính cách lịch sử, như Ngàn Giọt Lệ Rơi (NGLR) của nữ văn sĩ Đặng Mỹ Dung (cô Yung Krall), một cuốn truyện về những đời người phải liên tục đấu tranh và hy sinh cho một lý tưởng của dân tộc, hoặc cho sự sống còn của các cá nhân và gia đình mình, trong giai đoạn lịch sử đau buồn của đất nước, trước và sau năm 1975, đã được dàn trải mênh mông trên 500 trang sách, tôi xin phép chọn một trong những khía cạnh nổi bật nhất, để trình bầy hôm nay. Đó là Hình Ảnh và Vai Trò của Người Phụ Nữ Miền Nam trong tác phẩm. Hình ảnh và vai trò nầy đã được thể hiện thật sắc nét và độc đáo qua Cuộc Chiến Tranh Quốc Cộng 20 năm (1954-1975) để chống lại Cộng Sản Miền Bắc bạo tàn, bảo vệ Tự Do và Nhân Quyền cho đồng bào Miền Nam.
***
Trước hết, tôi xin nêu lên hình ảnh người phụ nữ thứ nhất trong tác phẩm, mà tôi rất kính phục và ngưỡng mộ. Đó là thân mẫu của tác giả. Bà có những nhận thức giản dị nhưng sâu sắc, cách quyết-định khôn khéo lại đầy tình người, ngay trong những tình-huống cực kỳ căng thẳng nguy nan, trong suốt cuộc đời. Đây cũng là một hình ảnh điển hình thật sự của đa số phụ nữ Miền Nam trước năm 1975: Bình thường thì họ hiền thục nhẹ nhàng, nhưng khi cần thiết, họ tỏ ra rất dứt khoát giữa Tình và Lý; đồng thời cương quyết chọn lựa giữa Chánh và Tà, giữa sự Trung Thành với dân tộc hay Phản Bội đất nước, để có thể bảo vệ Chân Lý và Sự Sống Còn của bản thân và các con mình, trong hoàn cảnh lâm nguy của tổ quốc.
Thân mẫu của cô Mỹ Dung tên là Trần Thị Phàm. Bà sống trong một gia đình ở Cần Thơ, Miền Nam, có truyền thống yêu nước và kháng chiến chống Pháp. Chồng của bà tên là Đặng Quang Minh, sinh trưởng ở Vĩnh Long, đã là bạn cùng chí hướng của các anh chị ruột của bà, vì chồng và các anh của bà đã từng bị Pháp nhốt tù tại đảo Côn Sơn. Thương chồng, bà đã từng dắt díu con cái theo ông sống trong vùng “kháng chiến” của Việt Minh, nên bà biết rất rõ Cộng Sản ra sao. Cũng thương chồng, nhưng nặng tình thương con hơn, một cách sáng suốt, vì không muốn các con trưởng thành trong ngu dốt tối tăm, nên sau Hiệp Định Genève (Geneva Agreement ngày 20/7/1954), , bà đã nói thẳng với chồng, tức là ông Đặng Quang Minh, vào năm 1954, lúc đó được Việt Cộng (VC) cho chức Bí Thư Tỉnh Ủy Cần Thơ từ năm 1945, như sau:
“Tôi sẽ không theo anh tập kết ra Bắc, con tôi sinh ra để tôi nuôi dạy, tôi không muốn nhà nước Cộng Sản của anh, dạy các con tôi”.
Lời xác quyết nầy, như vết dao chém vào đá, cho thấy bà tuy là một phụ nữ chưa bao giờ đặt chân đến Trường Trung Học, nhưng nhờ biết quan sát (observation), có sự tỉnh thức (clear awareness), và kinh nghiệm sống thực (real life experience) với VC, nên bà vẫn nắm vững được các khái niệm chính trong hai bộ môn Đại Học ngày nay, là: Xã Hội Học (Sociology) và Chính Quyền (Government): Vì bà chưa bao giờ lầm lẫn giữa Lòng Yêu Nước và Đảng Cộng Sản (CS).
Trên thực tế, hai khái niệm nầy hoàn toàn khác nhau và tách rời xa nhau: Yêu Nước không cần có liên hệ gì với Đảng CS; nhưng ác hại thay, lại được Đảng Cộng Sản Việt Nam tinh-ma cho khai thác triệt để, bằng cách gắn liền hai phạm-trù thành một. Họ luôn luôn phát động tuyên truyền: Yêu Nước là Yêu Chủ Nghĩa CS. Nó như một cái bẫy lập lờ, quái ác, đã bắt lừa được thần-trí của nhiều dân lành và cả những người có bằng cấp nhưng chưa bao giờ sống trực tiếp với VC, nên không biết rõ tính tráo-trở muôn mặt và phi-nhân của Đảng CS, cho đến khi chung sống với chúng, thì quá trễ. Bởi vì ai đã biết bộ mặt thật của CS rồi mà ly khai hoặc chống lại, thì chúng sẽ tìm mọi cách ám sát, thủ tiêu, để bịt miệng và tiếp tục tuyên truyền, che giấu tội ác của chúng. Cách phổ biến nhất là cho xe cán chết người, một dạng tai nạn xe cộ thông thường, như trường hợp ông Đinh Bá Thi ở Sàigòn. Theo lời vợ ông kể lại, một buổi sáng sớm, một đảng viên CS gọi điện thoại, báo cho ông biết là sắp có người đến nhà, đưa một công văn cho ông ký tên. Khi ông mở cửa, ra ngoài, liền bị xe đâm chết, cách nhà vài thước...

Trong buổi giới thiệu sách, nhà văn nữ Yung Krall và cộng đồng.


Bây giờ xin tiếp tục vai trò phụ nữ của thân mẫu chị Mỹ Dung: Chính vì quyết định sáng suốt Không Theo Chồng Đi Ra Bắc của bà, mà chị Mỹ Dung, hình ảnh người phụ nữ thứ nhì trong tác phẩm, sau người mẹ, đã được sống và lớn lên ở miền Nam, trong sự bảo bọc thương yêu của bên ngoại, và như nhiều người khác, đã biết thế nào là Tự Do và Nhân Quyền, từ trường học cho đến trường đời.
Làm sao có thể quên được câu nói của Bà Ngoại khi chị Mỹ Dung hỏi, “Tại sao ra vườn, ngoại không mang dép?” Bà Ngoại trả lời, “Phải đi chân đất, con mới thấm và cảm được đất đai của ông bà tổ tiên để lại, con ơi!”
Ở đây, Bà Ngoại chính là hình ảnh phụ nữ thứ ba của tác phẩm NGLR. Câu trả lời bộc lộ tình yêu ngàn đời cho mảnh đất quê hương từ giới cao niên của phụ nữ Miền Nam. Một cách tự nhiên, không những họ có ý thức về các giá trị truyền thống của dân tộc, như quý trọng và bảo vệ căn nhà, mảnh đất, khu vườn được kế thừa; mà còn giáo dục con cháu biết lễ nghĩa, kính trọng tổ tiên và ông bà. Trong khi người phụ nữ bị ở lại Miền Bắc, sau 1954, thì liên tục bị bứng gốc ra khỏi gia đình và nguồn gốc tổ tiên. Họ thường xuyên bị Đảng CS di chuyển đi khắp nơi, theo lệnh Đảng, phục vụ cho nhu cầu xâm lăng Miền Nam của bộ đội CS Bắc Việt. Nói một cách khác, người phụ nữ Miền Bắc phải gánh chịu số phận vong thân: Họ bị huấn luyện để tuân lệnh Đảng và lãng quên ý thức Dân Tộc. Họ bị vắt kiệt thân xác, tinh thần, và tình cảm, để phục vụ bộ đội Việt Cộng (VC) xâm lăng chính dân tộc họ, và họ bị bắt buộc phải quên đi sự gắn bó thiết-thân với làng xóm và gia đình. Thực vậy, Đảng CSVN thường tuyên bố, “Dân yếu để cho đảng mạnh.”
Trở lại với hình ảnh và vai trò của người phụ nữ thứ nhì và thứ ba, tác giả NGLR và thân mẫu: Chúng ta thấy chỉ có sống với Tự Do ở Miền Nam, cô Mỹ Dung mới có câu trả lời ngây thơ nhưng rất thành thật, lúc còn là một bé gái 10 tuổi, nhưng đã biết suy nghĩ và lý luận rất thực tế và đạo đức, khi đáp lại lời rủ rê “làm việc cho kháng chiến” của dì ruột và các chị em họ: “Đã không theo các ông cha xứ ở nhà thờ để được lên thiên-đường thì đâu có ngu gì nghe theo… Việt Cộng để phải xuống địa ngục!” Tại sao theo Việt Cộng thì phải xuống địa ngục? Vì giết người thì có lúc phải đền mạng, quan niệm đạo đức đơn giản và công bằng của dân tộc ta là vậy. Việt Cộng đào đường, đắp mô, đặt mìn... đâu có giết được nhiều lính Mỹ như họ khoe khoang khoác lác, mà chỉ toàn thấy mìn nổ trong trường học, nhà dân trong thành phố, vào xe lam xe đò ở Miền Nam, làm đàn bà, con trẻ Việt bị chết tan xác hoặc sống tàn tật… Như vậy,  đúng như cô bé MD 10 tuổi đã nói, “theo VC thì phải xuống địa ngục”, chứ còn đi đâu nữa !
Khi được 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trung Học, cô Mỹ Dung, người con thứ 5, cần phải đi làm, phụ mẹ nuôi các em. Khi xin việc làm đầu đời tại Phòng Tâm Lý Chiến Quân Khu IV  ở  Miền Nam, chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chị MD đã thành thật nói với người chỉ huy của mình, tức là Nhà Văn Đại Uý Nguyễn Đạt Thịnh, về lý lịch bản thân, cha ruột là ai, không mảy-may che giấu. Tin vào sự thẳng thắn này, nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh đã không bao giờ phải hối tiếc quyết định của mình, khi chấp nhận để con gái của một Cộng Sản gộc, làm việc trong Phòng Tâm Lý Chiến Chống Cộng của Quân Khu IV - VNCH. Nên nhớ việc nầy chỉ có thể có ở Miền Nam dễ dãi và cởi mở của sự Tự Do trước năm 1975 !
Cũng chính thân mẫu chị Mỹ Dung đã khuyên chị nên thẳng thắn nói sự thật về mình, với ông Đại Úy Trưởng Phòng An Ninh Quân Đoàn IV, lúc chị gặp khó khăn (bị một ông Trung Úy kêu lên điều tra nhiều ngày trong giờ làm việc, vì ông nghi chị là đặc công VC). Bà mẹ cho rằng, có thể ông Trung Úy mong lập công bắt được một đặc công VC, để được lên lon, nên khó dễ với con; vậy con nên xin gặp cấp trên. Nghe theo lời mẹ, chị Dung đã xin gặp và nói thẳng với ông Đại Úy, cấp trên của ông Trung Úy, “Cha tôi là cộng sản, chị em bà con của tôi là cộng sản, dì ruột tôi là cộng sản. Như vậy, trở nên người cộng sản là việc quá dễ dàng với tôi, nhưng ông tin tôi đi, tôi đã và sẽ không bao giờ muốn trở thành một người cộng sản.” Lý luận đầy thuyết phục này đã giúp chị thoát khỏi gian nan lúc đó.
Chúng ta cũng ít thấy có người vợ nào thương chồng như thân mẫu chị MD. Bà đã hy sinh tuổi thanh xuân, một mình chịu trăm ngàn cay đắng nuôi dạy con, để cho chồng ra đi, thỏa nguyện niềm tin và ước mơ sai lầm “làm cách mạng CS giúp dân giúp nước”. Dù trong lòng, bà hy vọng một ngày nào đó, chồng bà sẽ ý thức là, với đảng cộng sản, niềm tin bị bẻ gẫy và ước mơ bị phản bội. Nhưng ngày đó đã không bao giờ đến, bởi vì chồng bà vẫn mù lòa tin theo Đảng và chủ nghĩa CS quốc tế, ngoại lai, xâm nhập vào nước Việt, từ Liên Sô và Trung Cộng. Sau hơn 20 năm chia cách, trong lần đoàn tụ thứ hai với vợ ở Luân Đôn, nước Anh, năm 1977, khi ông khuyên bà theo ông về Việt Nam sinh sống, bà đã hỏi thẳng: “Anh nói thật cho tôi nghe, nếu tôi theo anh về Việt Nam sống, thì đảng của anh làm gì tôi? Bỏ tù tôi, vì tôi theo các con, ‘ôm chân đế quốc Mỹ’, chứ gì?” Và ông cũng “thẳng thắn” với bà: “Không đâu, không có ai bỏ tù em cả, các anh ấy... chỉ mời em lên… ‘nói chuyện’... ít ngày thôi…” Bà đã trả lời ngay: “Gọi lên để chửi, chứ chuyện trò gì… Nói thật với anh, tôi thương nước Việt Nam hơn cái ông Hồ của anh nhiều, và anh Ba Duẩn của anh (Lê Duẩn, đảng viên CS cao cấp ở Hà Nội), đâu có yêu dân Việt bằng tôi và gia đình tôi… Anh nói với tôi là đất nước đã thống nhất rồi, nhưng xin anh trả lời cho tôi là, ai vẫn đặt dòng sông Bến Hải chia cắt gia đình chúng ta?  Thôi, tôi ở với các con ở hải ngoại, anh về Việt Nam với đảng của anh đi…”
Rõ ràng và dứt khoát, thân mẫu chị MD đã thật sự chấp nhận mất vĩnh viễn người chồng cho Đảng Cộng Sản. Đó không còn là người chồng đã đi cưới bà trước kia, người chồng đã cùng với bà có 7 người con, mà chỉ là một đảng viên đã được huấn luyện phải luôn luôn đặt đảng CS lên trên gia đình ruột thịt.
- Đảng CS có đạo lý nào khi cấm đoán, không cho con trai (anh Khôi, anh của chị MD) gặp mẹ ở Mỹ, sau 20 năm xa cách, vì sợ anh ta sẽ không trở về thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa-Việt Nam nữa?
- Tình cảm con người ở đâu khi chính cha của chị Mỹ Dung… đã rụt rè yêu cầu chị MD “đừng công khai nhận hai người là cha con” trong lần gặp nhau đầu tiên tại Nhật, cuối Tháng 7, năm 1975, sau hơn 20 năm xa cách?   
***
Sau cùng, vào khoảng 42 năm trước đây, khi trái tim của chị MD đang xao xuyến và đôi chân chị còn luống cuống trước “đôi mắt còn xanh hơn cả nước biển Thái Bình Dương” của anh John Krall, lúc đó là Đại Úy Phi Công của Hải Quân Hoa Kỳ, và sau đó đã lên chức Trung Tá, thì mẹ chị đã cho chị một lời khuyên đẹp nhất, mà một người mẹ có thể nói với con gái, khi ngầm chấp-thuận tình yêu của con, trong hoàn cảnh “gái Việt không nên lấy chồng Mỹ“ lúc đó. Bà nói: “Nếu con không lấy chồng vì tiền, thì không ai có thể chê trách gì con hết”…
Thưa quý vị và thưa chị Mỹ Dung, 42 năm sau và bây giờ, tôi tin rằng lúc nào anh John Krall cũng dõi mắt nhìn theo con đường Hướng Về Dân Tộc mà chị đang đi, theo sự hướng dẫn của bà ngoại và thân mẫu, và anh luôn giúp chị thực hiện niềm tin son sắt, thủy chung, vào lá cờ vàng VNCH tươi đẹp tình người và đầy chính nghĩa cho quê hương.
Xin kết thúc và xin cám ơn tất cả quý vị.
Buổi Giới Thiệu Sách NGLR, tại Trụ Sở CDNV Dallas, Texas, ngày 7/11/2010
GS Trần Thủy Tiên – M.S., M.A.

-------------------------------

Lê Quế Lâm
Đăng ngày 11/06/2010 lúc 03:09:45 EDT

Việt Luận Phỏng Vấn Chị Đặng Mỹ Dung, tác giả :Ngàn Giọt Lệ Rơi”
Vietluanonline
.
Ngàn Giọt Lệ Rơi - Câu Chuyện Của Một Nữ Điệp Viên CIA Người Việt
Một câu chuyện thật nhưng ly kỳ như trinh thám về cuộc đời của nữ điệp viên CIA Đặng Mỹ Dung được bà kể lại trong 412 trang sách của cuốn tự truyện A Thousand Tears Falling (Ngàn giọt lệ rơi)
.
Câu chuyện của một điệp viên CIA người Việt
Đinh Nam
5.1.2006
.
Viết Về " Nghìn Giọt Lệ Rơi "
Vân Hải, Pháp 24/11/2005
.
NGÀN GIỌT LỆ RƠI
30 tháng Tư – 31 năm sau, Chuyện đời thành tiểu thuyết – Tiểu thuyết thành chuyện phim
Giao ChỉSan Jose 2006
Thursday, April 20, 2006

.
YUNG KRALL (tức ĐẶNG MỸ DUNG) CHỌN LỰA GIỮA HAI CHIẾN TUYẾN QUA TÁC PHẨM "NGHÌN GIỌT LỆ RƠI"
Vũ Uyên Giang
.
.
.

No comments: