Sunday, November 14, 2010

HÀ SĨ PHU CẢM ƠN ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG

Hà Sĩ Phu
14/11/2010

Khi nhận được quà tặng, ta cảm ơn. Nhưng được nghe một lời nói thẳng chắt lọc, quý báu, còn hơn mọi thứ quà, càng đáng cảm ơn lắm.
Bài viết về Kiến nghị dừng khai thác bauxite của ông Lê Hiếu Đằng có gì mới?

- Trước hết, ông đề cập một thiếu sót trong nội dung bản kiến nghị: “Tôi muốn xin nhấn mạnh thêm về mặt an ninh quốc gia mà tôi nghĩ có thể vì sự “tế nhị” nào đó đã chưa được đề cập thỏa đáng trong Kiến nghị” ( hiện nay cứ tập trung vào tác hại đối với môi trường và hiệu quả kinh tế, ấy là một thiếu sót căn bản rất nguy hiểm).

- Lấy tư cách một người đã ký tên rất sớm vào hai lần Kiến nghị (lần thứ nhất do Gs Nguyễn Huệ Chi và toàn nhóm BVN khởi xướng, lần thứ 2 có 13 người khởi xướng vì ngoài nhóm BVN còn có 10 vị thuộc nhóm IDS cũ) , ông đặt câu hỏi tại sao không có báo nào đăng nguyên văn Bản Kiến nghị ấy với danh sách 13 người khởi xướng? Ông viết: “Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên?”
Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội?
Tôi xin thêm: Ngay bài phỏng vấn Gs Chu Hảo và nhà giáo Phạm Toàn rất có ích trong vấn đề Bauxite đang nóng bỏng cũng không một tờ báo chính thức nào đăng tải.

- Ông nhắn nhủ những nhà lãnh đạo tối cao “Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên

- Ông thúc giục tính tích cực và phê phán tính tiêu cực trong mỗi chúng ta: “Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, Đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc.

- Nhưng cuối cùng, điểm nhấn giá trị nhất của bài viết là chỉ ra cái điểm nút, giải thích hiện tượng vì sao CÁI TỐT CỨ CHỊU THUA CÁI XẤU. Tiêu điểm ấy là nỗi SỢ ! “Chúng ta không có gì phải sợ, vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp!”
Ông tự liên hệ bản thân: “[] tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: khi bị Toà án Vùng 3 Chiến thuật Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?”
Trước kia không sợ kẻ thù, mỉm trước cái chết, nhưng “cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình? Trước đây can đảm, bây giờ sợ sệt đã là điều lạ. Nhưng sợ ai, sợ chính “các đồng chí của mình” thì lạ quá, đau quá! Phải giải đáp cho ra ngọn nguồn là gỡ được cái nút của sự trì trệ.
Mình sợ hãi các đồng chí của mình, nhưng có đồng chí nào bắt mình phải sợ đâu? Trái lại đồng chí nào cũng giơ cả hai tay ca ngợi sự dũng cảm, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói hết sự thật, ghét nhất sự dối trá! Té ra đây là một nỗi sợ không văn bản! Không văn bản nhưng có hiệu lực bao trùm. Bí mật nằm ở đây.

Từ lâu trong mỗi người Việt Nam đã hình thành cái bản năng “tự kiểm duyệt”: Cứ thính tai thính mũi, ngửi trong gió xem thực chất người cầm quyền muốn gì, yêu gì, ghét gì để chiều theo, chớ dại nghe lời nói công khai bởi đã quá hiểu “nói dzậy chứ không phải dzậy”, phần lớn trường hợp cứ làm ngược lại là trúng “đáp số”!

Ông Lê Hiếu Đằng kết thúc bài viết bằng một câu hỏi day dứt “cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?”. Cớ gì? Cớ gì? Cớ gì?
Câu trả lời không khó, nhưng lời đáp là dành cho mỗi cá nhân. Tùy theo câu trả lời sáng sủa hay ấp úng mà mỗi người chúng ta tự xác định mình bằng sự hiểu biết, lòng trung thực và nhân cách !

11/11/2010
H. S. P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
------------------------------------

Bình luận : Có phải ông Lê Hiếu Đằng muốn chơi cái trò “trăm hoa đua nở” đây chăng? Hãy xem cái gương Cù Huy Hà Vũ sờ sờ trước mắt đấy.
.
.
.

No comments: