BBC
Cập nhật: 11:46 GMT - chủ nhật, 14 tháng 11, 2010
Nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ của Miến Điện Aung San Suu Kyi kêu gọi hàng ngàn người ủng hộ bà không từ bỏ hy vọng, một ngày sau khi được trao trả tự do sau thời gian dài bị quản thúc tại gia.
"Không có lý do gì để đánh mất trái tim của mình", bà Suu Kyi nói với một đám đông bên ngoài trụ sở của đảng chính trị của bà ở Rangoon.
Bà đã được quân đội thả tự do sau khi án câu lưu của bà kết thúc vào ngày thứ Bảy.
Các nhà lãnh đạo thế giới và các nhóm nhân quyền đã hoan nghênh lệnh thả tự do này. Bà Suu Kyi đã chịu quản thúc tại gia hoặc tù giam trong 15 năm trên 21 năm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh việc trả tự do, trong khi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Thủ tướng Anh, David Cameron trong các thông điệp riêng rẽ, nói rằng bà Suu Kyi là một nguồn "cảm hứng."
Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi Miến Điện trả tự do tất cả các tù nhân chính trị.
Việc thả tự do cho bà Suu Kyi diễn ra sáu ngày sau khi Miến Điện tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong vòng 20 năm, trong đó đảng phải được quân đội hậu thuẫn lớn nhất, Liên minh Đoàn kết và Phát triển Đảng (USDP), đã giành thắng lợi.
Nhưng cuộc tổng tuyển cử đã bị quốc tế lên án rộng rãi như một sự gian lận.
Đảng phái của Bà Suu Kyi mà nay đã bị giải tán, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử cuối năm 1990, nhưng đã không bao giờ được phép nắm quyền lực. Bà đã bị quản thúc tại gia hay ở tù gần như liên tục từ đó tới nay.
Ngày thứ Bảy, luật sư cho biết không có điều kiện nào được đặt ra đối với việc trao trả tự do cho bà Suu Kyi. Nhưng hiện vẫn chưa rõ về vai trò chính trị nào mà bà có thể nắm.
Chính quyền quân sự từng hạn chế tự do đi lại và gặp gỡ của bà trong những đợt trao trả tự do ngắn cho bà trước đây, trong khi luôn yêu cầu bà từ bỏ chính trị.
"Đối xử tốt"
Đám đông quần chúng và những người ủng hộ đã bao quanh bà Suu Kyi, khi bà đi từ nhà riêng của bà tới văn phòng của NLD lần đầu tiên kể từ khi được thả tự do.
Bà đã gặp các thành viên của đảng và các nhà ngoại giao nước ngoài, và sau đó phát biểu trước một đám đông khoảng 4.000 người.
Người ta nghe thấy các tiếng hô vang: "Chúng tôi yêu Suu", giữa những tràng vỗ tay như sấm.
Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình nói tự do ngôn luận là cơ sở của nền dân chủ, nhưng bà cảnh báo với những người đi theo bà rằng nếu họ muốn có sự thay đổi thì phải tìm cách giành lấy quyền này một cách đúng đắn.
Bà Suu Kyi kêu gọi đám đông lên tiếng và cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ biết những gì mà họ muốn.
"Chúng ta phải làm việc cùng nhau," bà nói với họ. "Chúng ta, những người Miến Điện có xu hướng tin vào số phận, nhưng nếu chúng ta muốn thay đổi chúng ta phải tự làm điều đó."
Bà cam kết sẽ tiếp tục công việc của mình "với tất cả các lực lượng dân chủ" theo hướng hòa giải dân tộc, và không 'ghét bỏ' gì với những người từng giam giữ bà.
"Họ đối xử với tôi tốt. Tôi chỉ muốn họ đối xử với những người khác cũng như thế," bà nói, và cho biết thêm rằng hàng ngày, bà dành tới sáu tiếng đồng hồ để nghe các chương trình truyền thông.
Và trong một phát ngôn phiếm chỉ cuộc bầu cử tuần trước, bà nói với đám đông: "Không có gì có thể đạt được mà không có sự tham gia của nhân dân."
Tù nhân chính trị nổi tiếng, 65 tuổi mới được trả tự do, đã dành nhiều thời gian trong buổi tối thứ Bảy để thảo luận về tương lai của đảng NLD, vốn chính thức bị giải tán sau khi tẩy chay cuộc bầu cử, và bà kêu gọi người dân cho đảng của bà biết những gì mà họ muốn.
"Xin vui lòng cho chúng tôi biết những gì bạn đang suy nghĩ, những gì đang ở trong tâm trí của bạn. Tôi muốn biết trong sáu năm qua những thay đổi nào đã diễn ra trong nhân dân và những gì họ đang suy nghĩ," bà nói.
"Xin đừng từ bỏ hy vọng. Không có lý do để mất niềm tin," bà nói thêm. "Thậm chí nếu bạn không làm chính trị, chính trị sẽ đến với bạn."
'Sẽ còn tồn tại'
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo sau đó về tương lai của NLD, bà Suu Kyi nói rằng bà đã không thành lập NLD "chỉ như là một đảng phái".
"Tôi không lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ chỉ như là một đảng phái. Tôi thành lập nó như là một phong trào dân chủ, một tổ chức cho sự thay đổi. Một khi nhân dân còn muốn dân chủ tại Miến Điện thì tổ chức này sẽ còn tồn tại."
"Chúng tôi đang cố gắng để đạt được điều đó càng nhanh càng tốt, nhưng tôi không rõ sẽ mất bao lâu để có được dân chủ."
Bà cũng cho biết đã sẵn sàng để nói chuyện với các quốc gia phương Tây về việc gỡ bỏ các rào cản, trừng phạt Miến Điện, mà bà hậu thuẫn trước đây.
"Nếu người dân thực sự muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, tôi sẽ xem xét nó," bà nói. "Đây là thời gian mà Miến Điện cần được giúp đỡ."
BBC bị cấm đưa tin tại Miến Điện, nhưng một phóng viên tại Rangoon nói rằng không có sự hiện diện an ninh rõ ràng nào xung quanh văn phòng của đảng NLD, nhưng các nhân viên của chính phủ mặc thường phục dường như đã chen vai thích cánh với các nhà báo để chụp những tấm hình rõ nhất ghi lại các khuôn mặt trong đám đông.
Hiện tại, chính quyền đang cho phép mọi thứ được vận hành, nhưng chưa rõ việc này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như không rõ chính quyền sẽ chịu để cho không khí như hiện nay tới mức nào, bà nói thêm.
.
.
.
Thanh Hà - RFI
Chủ nhật 14 Tháng Mười Một 2010
Hôm nay, 14/11/2010, hàng ngàn người Miến Điện đã tập hợp trước trụ sở của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Rangun để theo dõi buổi nói chuyện đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, chưa đầy 24 giờ sau khi bà được trả tự do.
Trong cuộc phát biểu đầu tiên trước công chúng, nhà đối lập Miến Điện tuyên bố là bà tin tưởng « vào nhân quyền, vào luật pháp» và sẽ tiếp tục dấu tranh vì dân chủ. Để đạt được mục tiêu đó, bà Aung San Suu Kyi « sẵn sàng hợp tác với tất cả các lực lượng dân chủ ».
Gương mặt đối lập hàng đầu Miến Điện vừa được trả tự do hôm qua (13/11) sau hơn 7 năm bị quản thúc tại gia. Bà kêu gọi mọi người đoàn kết để cùng đạt đến mục tiêu sau cùng : Đó là đem lại tự do và dân chủ cho đất nước.
Về đối ngoại, bà Aung San Suu Kyi cho biết sẵn sàng đối thoại với cộng đồng quốc tế để chấm dứt chính sách cấm vận nhắm vào Miến Điện.
Nhìn lại hơn 7 năm bị quản thúc vừa qua, giải Nobel Hòa Bình 1991 cho biết đã được « đối xử tử tế ». Bà không hận thù những người đã giam giữ bà và hy vọng là chính quyền quân sự cũng đối xử tử tế với những người dân Miến Điện.
Theo Reuters, suốt đêm qua, lãnh đạo đối lập Miến Điện đã thảo luận với các cộng sự thân cận của bà về tương lai đảng Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị giải thể. Toàn cảnh chính trị tại Miến Điện đã có nhiều thay đổi trong 7 năm qua. Thành phần đối lập đang bị chia rẽ. Thách thức lớn nhất chờ đợi bà Aung San Suu Kyi, gương mặt đối lập hàng đầu, là phải đưa ra một cương lĩnh hành động phù hợp với nguyện vọng của những người luôn sát cánh với bà trên con đường chính trị.
Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok cho biết thêm về những thách thức đang chờ đợi bà Aung San Suu Kyi trong những ngày tới :
« Sau bảy năm bị quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, nhưng trên thực tế, bà được hưởng quyền tự do đó tới mức độ nào ? Chắc chắn một điều đó là hào quang của nhà đối lập Miến Điện này vẫn sáng chói. Bà là nhân vật duy nhất có thể vừa huy động được cả người Miến Điện lẫn các thành phần thuộc các sắc tộc thiểu số. 40% dân số Miến Điện thuộc các sắc tộc thiểu số.
Tuy nhiên bối cảnh chính trị tại Miến Điện giờ đây phức tạp hơn nhiều so với hồi năm 2002, khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do lần thứ nhì. Khi đó, tướng Khin Nyunt, người có đầu óc thực tế hơn những tướng lãnh cầm quyền khác trong guồng máy Nhà nước đã đem lại một chút hy vọng là chính quyền khép kín của Miến Điện từng bước mở cửa ra bên ngoài. Thế nhưng, kể từ năm 2004, nhân vật này đã bị quản thúc tại gia và bị loại ra ngoài các hoạt động chính trị của Miến Điện.
Một thách thức khác nữa, đó là bà Aung San Suu Kyi sẽ phải trực diện với sự chia rẽ trong hàng ngũ đối lập. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà lãnh đạo xưa kia đã bị giải tán vì đảng này tẩy chay cuộc tuyển cử vừa qua. Thêm vào đó còn có sự chia rẽ giữa các thành viên kỳ cựu trong đảng với các thành phần tương đối trẻ đang lên. Số này đã đứng ra lập một đảng mới để tham gia cuộc bầu cử hôm 07/11. Bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đứng ra làm trọng tài giữa hai bên, củng cố lại hàng ngũ đối lập và có thể phải hướng tới việc đưa ra một chiến lược đấu tranh mới ».
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh việc bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện phóng thích cho khoảng hơn 2000 tù chính trị tại Miến Điện.
Theo giới phân tích, việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi là bước đầu để các tướng lãnh Miến Điện đòi phương Tây xét lại chính sách cấm vận đối với chính quyền Naypidaw. Hơn nữa, các lãnh đạo Miến Điện cũng muốn đánh lạc hướng Âu Mỹ về kết quả bầu cử vừa qua, một cuộc tuyển cử bị phương Tây coi là một trò hề dân chủ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment