Friday, November 12, 2010

FACEBOOK Ở VIỆT NAM : CHỈ CẤM ĐƯỢC VÀI NGƯỜI (The Economist)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
10.11.2010

Cuối tháng trước Facebook bắt đầu tìm kiếm nhân viên giúp mở rộng thị trường Việt Nam. Viên Giám đốc Phát triển sẽ "dẫn đầu việc tương tác của công ty với chính quyền và sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm sự truy cập vào trang này," bản thông báo cho biết. Như công ty này đã giải thích cho hãng tin AFP rằng: "Chúng tôi thường xuyên thuê các chủ thầu tạm thời tại các quốc gia khác nhau, bao gồm Ấn Độ, Nga và Brazil để giúp Facebook và Facebook Platform phát triển tại những khu vực mới, ngay cả khi chúng tôi không có văn phòng ở đấy." Nghe có vẻ như chuyện bình thường đối với một dự án đầu tư với tham vọng toàn cầu. Vấn đề là, Facebook đã đang bị ngăn chặn tại Việt Nam từ cuối năm ngoái.

Một tài liệu được cho là của chính quyền Việt Nam đã bị lọt ra ngoài, trong đó liệt kê 8 trang mạng bị ngặn chặn kể cả mạng xã hội Facebook. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã bắt đầu thi hành ngay sau đó với phong cách cẩu thả thường thấy. Cho đến cuối năm, trang này đã bị ngăn chặn, các tổ chức nhân quyền liền vào cuộc và hệ thống truyền thông nước ngoài đăng những tiêu đề với từ "bạn" mang tính châm biếm.
Nhưng không như điều luật về blog năm 2008 được truyền bá rộng rãi, trong đó cấm đoán những nhận xét chính trị, lần này chẳng ai trong chính quyền ngó ngàng đến việc thông báo cho người dân rằng Facebook thật sự đi ngoài lề. Sự im lặng của chính quyền tạo cho mọi người thấy rằng đây một sự cấm đoán nửa vời. Những kẻ ngăn chặn và những người bị ngăn chặn đều giả vờ rằng chẳng có điều gì xảy ra. Vì thế những công ty muốn đi theo con đường của Facebook cũng có thể làm việc này. Nokia đã đang quảng cáo việc truy cập chức năng "chat" của mạng xã hội này trong sản phẩm điện thoại C3 mới của mình trên khắp Hà Nội (xem ảnh http://media.economist.com/sites/default/files/imagecache/original-size/20101106_STP507.jpg ), hi vọng sẽ lôi cuốn vô số những người yêu thích việc nhắn tin nhanh trong quốc gia này.

Cả Facebook lẫn Nokia đang trông đợi vào tiềm năng của những khách hàng với khả năng sử dụng máy tính ngày càng cao. Các hệ thống máy chủ mang tên miền Việt Nam, vốn làm nhiệm vụ liên kết địa chỉ trang với thế giới mạng qua những địa chỉ IP, dường như không hoạt động được với Facebook. Nhưng chỉ một vài sửa đổi kỹ thuật đơn giản cũng có thể giúp một máy cá nhân sử dụng những địa chỉ của các máy chủ mang tên miền ở nước ngoài. (Ngay cả những người dân thiểu số ở vùng cao nguyên Việt Nam, vốn bị người dân trong nước xem là "lạc hậu", cũng biết cách đi vòng sự giới hạn này. Một tác giả trong một bài viết về du lịch đã hưng phấn kể chuyện hướng dẫn du lịch Thái Đen của mình trên trang Facebook.) Nếu Việt Nam ra tay cấm đoán hoàn toàn Facebook ở tầm mức giao thức liên mạng (Inernet Protocol) như Trung Quốc đã làm, thì để vượt qua bức tường này cần phải có những mạng lưới ảo đắt tiền hoặc phải đi qua những máy chủ ở nước ngoài. Nhưng, như một lập trình viên nói:
"Việc ngăn chặn thì đơn giản và hiệu quả để cản đại đa số dân thường truy cập Facebook. Nhưng để có một bức tường vững chắc hơn, chính quyền bắt buộc phải thừa nhận là họ đang chủ động ngăn chặn Facebook."

Điều này có thể gây bất bình trong tầng lớp trung lưu ngày càng đông lên ở Việt Nam, một tầng lớp có vẻ như ngày càng xem việc đăng tải những nhận xét của mình đối với hình ảnh của bạn bè hoặc những nhận định dí dỏm nhất thời (không có chủ ý chính trị) là một quyền không thể chối bỏ. Nhưng sự giới hạn rõ ràng vẫn là giới hạn. Một vài trang mạng trong nước đã tìm cách lợi dụng sự ngăn chận này để thu hút một số khách hàng của Facebook. Mạng Zingme đặc biệt phổ biến trong giới thiếu niên. Và vào tháng Năm, chính quyền đã thầm lặng khai trương mạng go.vn, trong đó yêu cầu người sử dụng phải liệt kê tên thật và chứng minh nhân dân. Nhà cầm quyền hi vọng trang này sẽ thu hút 40 triệu người.

Đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Quan điểm của chính quyền về tính vui nhộn thường đi ngược lại với giới trẻ trong nước. Những dự án của chính quyền sẽ gặp khó khăn để qua mặt sức quyến rũ thời thượng và nét toàn cầu đặc sắc của Facebook. Cấm hay không cấm, viên giám đốc phát triển của công ty này tại Việt Nam sẽ không phải than phiền rằng mình không đủ việc để làm.
.
.
.

No comments: