Wednesday, November 24, 2010

CUỘC CHIẾN TRIỀU TIÊN KẾ TIẾP ? (Leslie H. Gelb, The Daily Beast)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
24.11.2010

Cuộc tấn công của Bắc Hàn vào hòn đảo của Nam Hàn chắc sẽ không dẫn đến một trận chiến tổng lực. Nhưng Vương quốc Ẩn dật này đang đẩy những quốc gia láng giềng và Hoa Kỳ đến hiểm hoạ.

Đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất trong vùng Bán đảo Triều Tiên kể từ khi thoả ước ngừng bắn chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên vào năm 1953. Đợt tấn công bằng đạn pháo của Bắc Hàn vào một hòn đảo đông dân cư ở Nam Hàn, làm thiệt hạt dân thường, đã tiêu biểu cho một tầm mức leo thang mới. Điều đáng lưu ý là Nam Hàn đã trả đũa - điều này đã gửi một thông điệp hợp lý và mạnh mẽ. Những kẻ điên tại Bình Nhuỡng chưa bao giờ tấn công thường dân như thế này trước đây. Nhưng họ cũng đã phóng ngư lôi vào một chiến hạm của hải quân Nam Hàn vào tháng Ba, giết chết 46 thuỷ thủ, và họ chưa từng khiêu khích như thế này trước đây. Cũng đừng quên rằng họ vừa đưa những nhà khoa học Hoa Kỳ đến thăm cơ sở làm giàu chất nguyên tử, có thể giúp tăng cường số lượng vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn lên đến con số 12. Liệu chiến tranh đang lại xuất hiện tại vùng bán đảo này? Tại sao Bình Nhưỡng lại có những hành động quân sự đầy báo động như thế? Nam Hàn và Hoa Kỳ có thể làm gì bây giờ?

Những câu trả lời ngắn là:

Trước tiên, Bắc Hàn và Nam Hàn chưa bao giờ tiến gần hơn đến chiến tranh từ năm 1953, nhưng gần không thật sự là quá gần vì những hệ quả chiến tranh cho cả hai phía.
Thứ hai, Bình Nhưỡng không muốn cả gan chọc tay vào mắt của Nam Hàn và Mỹ nếu chính quyền này không muốn đòi hỏi điều gì. Và điều thú vị là đây có thể là lòng mong muốn có những thương thảo mới của họ - hoặc việc này có thể liên quan đến vũ điệu chuyển giao quyền lực đang diễn ra.
Thứ ba, SeoulWashington không có được những lựa chọn tốt như thường lệ, nhưng họ không thể chỉ ngồi yên. Đối diện với hai cuộc tấn công của Bắc Hàn, uy tín của đồng minh đang được thử thách.

Trước đây Bắc Hàn từng hành xử một cách điên cuồng và nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ lại quá rõ rệt như hiện nay. Mặt khác, tân Tổng thống Nam Hàn, Lee Myung-bak, đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không nhẫn nhịn trước những khiêu khích như thế và sẽ cứng rắn hơn so với những người tiền nhiệm. Trên tất cả là quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn đang "ấm dần," Evans Revere, một trong những chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về khu vực này nói. Sự nồng ấm này chắc chắc sẽ làm Bình Nhưỡng mạnh mẽ hơn. Và chính quyền Obama vừa qua đã điều lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đến vùng biển châu Á nhằm gửi đến Bắc Kinh một thông điệp về việc giương cơ bắp của họ. Những điều này đã dẫn đến tình trạng bùng nổ hiện nay.

Nhưng thực tế nổi bật tại khu vực bán đảo này là chiến tranh chẳng có ý nghĩa gì cả. Cả hai bên đều biết điều này qua tranh chấp. Đây là những gì sẽ xảy ra nếu chiến tranh bùng nổ: một nửa dân số Nam Hàn nằm trong vòng 50 dặm của kho vũ khí Bắc Hàn gồm 12 nghìn khẩu pháo và tên lửa. Những vũ khí này thừa sức để phá huỷ hầu hết những gì Nam Hàn đã tạo dựng được trong vòng nửa thế kỷ nay. Đối với Bắc Hàn, một cuộc không tập và tên lửa của Hoa Kỳ sẽ phá huỷ những gì còn lại của đất nước này và khiến kẻ lãnh đạo độc tài phải tìm chỗ nương náu. Vì thế, chiến tranh sẽ tàn phá cả hai phía, và cả hai đều không thể đương đầu với chiến tranh. Các chính trị gia đứng đầu của Hoa Kỳ muốn tỏ vẻ cứng rắn chắn chắn sẽ đề xuất một vài hành động quân sự không cụ thể, nhưng may mắn thay, họ sẽ không được toại nguyện. Bất cứ trò chơi ăn thua đủ để giữ thể diện sẽ tuỳ thuộc vào đồng minh Nam Hàn của chúng ta.

Chắc chắn là Bình Nhưỡng hiểu rõ tất cả những điều này. Vì thế khi họ tăng cường mức độ nguy hiểm, họ làm thế vì một lý do khác. Giải thích số 1 là việc nã pháo này là một phần của vấn đề khó khăn của Bình Nhưỡng trong việc chuyển giao quyền lực. Sức khoẻ của lãnh tụ tối cao Kim Jong-Il đang suy sụp. Dường như ông đã bỏ qua người con trai thứ hai và chủ ý trao quyền lực cho người con thứ ba. Người con thứ ba này, Kim Jong-Un, đang có những chức danh quân sự đầy cao quí và có thể anh ta đang đưa ra những hành động quân sự đầy nguy hiểm để chứng tỏ sự cứng rắn của mình. Nhưng cũng có thể có một giải thích khác. Các chuyên gia về châu Á nghĩ rằng Bình Nhưỡng đang đưa ra những hành động này như một phương cách duy nhất để đánh động sự chú ý đầy đủ của chúng ta. Và họ cho rằng điều Bình Nhưỡng muốn là qua lại những thương lượng thường ngày - mối quan tâm của chúng ta về chương trình hạt nhân của họ và họ mong muốn có thêm những viện trợ kinh tế. Trên thực tế, đây chính là thông điệp mà Bắc Hàn đã thầm lặng đưa ra trong vài chuyến thăm gần đây của các tổ chức tư nhân Hoa Kỳ.

Thật công bằng để hỏi tại sao Bình Nhưỡng lại chọn việc đe doạ chiến tranh để gây sự chú ý của chúng ta trong khi còn có những phương pháp khác. Trên quan điểm và kinh nghiệm của họ, Washington chỉ lưu ý đến họ khi có những tín hiệu cảnh báo. Quan điểm này của họ có phần đúng. Nhưng đấy không phải là toàn bộ câu chuyện. Chính quyền Obama có thể chỉ sẵn sàng thương thuyết nếu họ cảm thấy có những triển vọng thật sự. Nhà Trắng không chỉ muốn nói suông. Và điều quan trọng hơn nữa vào thời điểm này, họ tin rằng không thể nói chuyện được với Bình Nhưỡng sau những cuộc tấn công quân sự vừa qua vì điều này làm cho Hoa Kỳ có vẻ nhân nhượng trước áp lực của Bắc Hàn và tưởng thưởng cho sự điên rồ của họ. Và ở đây thì Nhà Trắng hoàn toàn có lý.

Vậy thì Hoa Kỳ cần lựa chọn chính sách nào? Trên tất cả, hiện đang có một sự đồng thuận trong chính quyền, cũng như trước đây, rằng Mỹ phải đi theo sự dẫn đầu của Nam Hàn. Đây là đất nước của họ, và chính họ là người phải chịu nguy hiểm nhất. Hầu như chắc chắn là Seoul và Washington sẽ đồng ý tăng cường sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ, và đây là một hành xử quân sự cứng rắn. Thêm vào đó, Seoul sẽ ra tay chấm dứt những chuyến tàu chở gạo và phân bón cho miền Bắc. Sau đấy, Seoul sẽ cùng Hoa Kỳ đến Liên Hiệp Quốc. Dù Liên Hiệp Quốc vốn đã trở thành một ổ gà trong vài năm qua, nhưng đây là lựa chọn ngoại giao tốt đẹp hơn là phải kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ. Bắc Kinh đơn giản sẽ không chống lại Bắc Hàn, cho dù họ làm gì đi nữa, vì e rằng chính thể Cộng sản này sẽ sụp đổ và để cho Trung Quốc phải dọp dẹp những tàn dư. Đương nhiên, Hoa Kỳ cũng sẽ cần phải tham khảo với những đồng minh khác trong khu vực, chủ yếu là Nhật Bản.

Vì thế, than ôi, con đường chính sách ngoại giao của Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ là Liên Hiệp Quốc, và mục đích sẽ là tăng cường sự cấm vận kinh tế chống lại Bình Nhưỡng. Những cấm vận hiện tại vốn đã làm cho Bắc Hàn phải trả giá đắt - đúng ra là những người dân Bắc Hàn đang trả giá đắt. Những đảng viên Cộng sản và giới quân đội chắc chắn sẽ lo kiếm ăn cho mình. Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối, hoặc ngay cả bác bỏ những cấm vận nặng nề hơn. Nhưng cũng đáng để thuyết phục Trung Quốc làm việc này để nhằm chỉ ra sự trơ lì của Bắc Kinh trước cái đúng vài cái sai trong vùng bán đảo này. Điều quan trọng là những kẻ xấu ở Bình Nhưỡng không có những lựa chọn tốt hơn, ngay cả Nam Hàn và Mỹ cũng thế. Tin mừng là những kẻ lãnh đạo ở Bình Nhưỡng sẽ nhận ra điều này nếu chúng ta đứng vững và thấy rằng nếu họ thật sự muốn chúng ta chú ý và quay lại thương thảo, họ phải đưa ra một vài điều tích cực. Chỉ cho đến lúc ấy, thì mọi bên đều có thể bước ra khỏi con đường chiến tranh và quay lại thương thảo. Đừng trông đợi nhiều, những cũng đừng trông đợi chiến tranh.
.
.
.

No comments: