Wednesday, November 17, 2010

CHÍNH PHỦ CẢNH CÁO QUỐC HỘI ? (BBC)


BBC
Cập nhật: 14:59 GMT - thứ tư, 17 tháng 11, 2010

Trang web của Chính phủ Việt Nam cho đăng loạt ba bài phê phán một số đại biểu quốc hội có dấu hiệu lạm quyền và gây hoang mang dư luận.

Ba bài viết của một tiến sỹ, một của một nhà báo, và một bài trích dẫn lời của một phó giáo sư, tiến sỹ kiêm nhà thơ đều chỉ trích các đại biểu quốc hội mà họ không nêu tên.

Bài của Tiến sỹ Đinh Thế Cường nói các đại biểu quốc hội "đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2010 rằng 'mặt tốt là cơ bản, xuyên suốt mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội".
Tác giả viết tiếp:
"Thật đáng tiếc đã có hiện tượng một số đại biểu đã có biểu hiện như muốn lạm dụng diễn đàn, đưa ra những nhận định hay thông tin nhiều màu sắc chủ quan, cảm tính, còn chưa được kiểm chứng hoặc về những lĩnh vực không phải chuyên môn sâu của mình nên khó có thể phán định chuẩn xác, thậm chí cả những kiến nghị không mang tính xây dựng, gây nên những dư luận không tốt trong xã hội.
"Đơn cử một thí dụ, đã có ý kiến cho rằng, hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỷ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Thế nhưng, sự thật là, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, theo các số liệu Bộ Tài chính nắm được của Hội đồng Quản trị Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30/6/2010 số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ đồng, nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin là 103.774 tỷ đồng.
"Như vậy, tiền vay đang nằm trong các tài sản, các dự án, chứ không phải đã tan thành mây khói tất cả."
Tuy nhiên bài báo không nói số tài sản của Vinashin do ai định giá, khả năng tự trả nợ mà không cần nhờ tới vốn ngân sách của Vinashin ra sao và tình hình kinh doanh lời lỗ của đại doanh nghiệp này như thế nào.
Và mặc dù bài báo không nêu tên bất kỳ đại biểu quốc hội nào, người ta có thể hiểu đối tượng được nhắm tới là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, người đã yêu cầu lập ủy ban của quốc hội để điều tra vụ Vinashin và sau đó bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và những người có liên quan trong vụ này.

Trả lời BBC hồi đầu tháng này,  Giáo sư Thuyết nói:
"Quốc hội bầu ra thủ tướng, Quốc hội phê chuẩn Chính phủ thì Chính phủ phải kiểm điểm trước Quốc hội và Quốc hội phải quyết định hình thức kỷ luật đối với các thành viên chính phủ.
"Và có thể nói rằng chỉ có Quốc hội mới có đủ thẩm quyền làm những việc ấy chứ còn không thể nào nói rằng cơ quan điều tra cũng có thể làm được những việc như thế."

'Đồng thuận ép buộc'
Loạt bài của trang web Chính phủ đã bị Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, phản bác.
Trong bài được đăng tải trên mạng, ông viết:
"Người ta hay nói muốn phát triển cần sự đồng thuận. Thực ra, nếu luôn luôn có sự đồng thuận thì xã hội không thể phát triển được.
"Cho nên xin đừng lạm dụng “sự đồng thuận” để trấn áp hay đe dọa những người có ý kiến khác mình.
"Sự đồng thuận đạt được theo cách như vậy chỉ là “sự đồng thuận ép buộc” và vì thế là giả hiệu và vô cùng tai hại cho sự phát triển của đất nước."

Tiến sỹ Quang A viết tiếp:
"Không ai, hay không cơ quan nào, không mắc sai lầm cả.
"Cái khác nhau là ở chỗ có người, có cơ quan biết lắng nghe để sửa chữa, hay tranh luận lại một cách xây dựng với những người phê phán mình để cả hai cùng hiểu đúng hơn, cùng làm tốt hơn công việc của mình.
"Đấy là cách tạo “đồng thuận” tốt nhất, nếu cần đến đồng thuận; và cũng là một nội dung cốt yếu của dân chủ: tranh luận công khai, tôn trọng ý kiến thiểu số."

'Bới lông, tìm vết'
 Bài của nhà báo Nguyễn Chính trên trang web Chính phủ Việt Nam thì viết:
"Đáng tiếc có một số đại biểu khi đưa ra những phát biểu mang nặng tính chủ quan và võ đoán của mình trên diễn đàn Quốc hội đã khiến các cử tri phải kinh ngạc vì ở đó không thể hiện một tinh thần khách quan, xây dựng; một sự hiểu biết thấu đáo vấn đề mình đề cập đến, mà chỉ cốt bày tỏ cho được thái độ chủ yếu phủ định đối với các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của cơ quan hành pháp hay các nhân vật có trách nhiệm theo phân công công tác.
"Thậm chí có những ý kiến, được hình thành trên những thông tin không chuẩn xác, chung chung, mang nặng tính hình thức hoặc chưa được kiểm chứng, nên đã mang màu sắc dân túy, nói lấy được, chứ không nhằm mục đích cùng kiến tạo hiệu quả đích thực cho công việc chung.
"Có đại biểu, tuy là trí thức nhưng khi phát biểu công khai lại không dựa trên các luận chứng khoa học mà chủ yếu lại nương theo tâm lý của một bộ phận mang nặng ác cảm với thực tế khách quan...theo kiểu mà dân gian thường lên án gọi là “bới lông, tìm vết”.
"Những phát ngôn như thế, kéo theo cách thông tin giật gân, câu khách của một số phương tiện thông tin đại chúng chuyên thổi phồng thông tin lên hoặc nói ngược mới ăn. Đó là một thực trạng rất đáng lo ngại, không nên để tiếp diễn."

Một cây viết khác,  Việt Hải, của trang web Chính phủ đã dẫn lời của Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Duy Thông, người cũng là nhà thơ, nhà báo nói:
"Có đại biểu cả khóa không một lần phát biểu nhưng có đại biểu kỳ họp nào cũng phát biểu, thậm chí thảo luận về vấn đề gì cũng phát biểu, đi rất sâu vào chuyên môn dù chuyên môn đó rất xa với chuyên môn gốc của họ.
"Trong khi phát biểu, một vài người còn đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ."

Một số  báo mạng trang điện tử của các địa phương cũng đã cho đăng lại các bài báo này.
Ba bài báo được đăng trên trang web Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam, khiến giới quan sát đặt câu hỏi phải chăng nó phản ánh quan điểm chính thức của nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trước Đại hội
Những chỉ trích không chính thức từ phía Chính phủ Việt Nam đối với Quốc hội diễn ra chỉ hai tháng trước Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang muốn tăng cường sự ủng hộ cho cá nhân ông trước kỳ đại hội này.
Ông Dũng và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang, hay những nhân vật như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, được xem là các ứng viên cho chức Tổng Bí Thư mà ông Nông Đức Mạnh sẽ để lại sau khi tại vị hai nhiệm kỳ .

Các nhà quan sát Việt Nam đưa ra những nhận định khác nhau về nhân vật sẽ là tổng bí thư kế tiếp.
 Chuyên gia David Koh ở Singapore nói nếu Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương không chấp nhận thay đổi tuổi phải rời khỏi Bộ Chính trị (hiện là 65) thì có nhiều khả năng ông Dũng và ông Sang sẽ nắm các chức vụ quan trọng nhất - Tổng Bí thư, Thủ tướng, hoặc Chủ tịch nước.
Trong khi đó  nhà báo Simon Roughneen của Asia Times hôm 18/11 trích lời Giáo sư Carl Thayer từ Úc nói "có rất nhiều người đồn đại rằng ông Nguyễn Phú Trọng được ủng hộ nhiều hơn để trở thành tổng bí thư kế tiếp một phần vì ông được Trung Quốc chấp nhận."

---------------------------------

Đe dọa hay tranh luận?   -  Nguyễn Quang A

Chất vấn và trả lời chất vấn phải có tình, có lý  - Chính phủ lại "dằn mặt" đại biểu quốc hội  (baodientu.chinhphu.vn)

TRANH LUẬN VÀ XÂY DỰNG?  -  Nguyễn Quang A

Đảng và nhà nước "dằn mặt" đại biểu quốc hội :
.
.
.

No comments: