Monday, November 8, 2010

CHIẾN DỊCH HẠT NHÂN của MOSCOW TẠI CHÂU Á (The Diplomat)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
02. 11.2010

Châu Á đói khát năng lượng cho Nga một cơ hội để tiếp xúc lại với châu lục này. Nhưng liệu chiến lược hạt nhân sẽ bảo đảm sự ảnh hưởng của họ?

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhận định rằng nhiều nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần trước đã bày tỏ việc muốn có được những kỹ thuật năng lượng hạt nhân của Nga, ông chỉ đã nhấn mạnh một hiện tượng đã quá rõ ràng - năng lượng hạt nhân và bán vũ khí hiện là hai nguồn cung cấp quan trọng trong ảnh hưởng của Moscow tại châu Á.

Việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã đến Hà Nội để tham dự hội nghị, cuộc họp thượng đỉnh Nga-ASEAN chính thức đầu tiên trong vài năm - đã nhấn mạnh mối quan tâm rộng hơn của Moscow trong việc củng cố vị thế của Nga như là một cường quốc châu Á.

Và trên quan điểm của Moscow, Hà Nội là một địa điểm lý tưởng cho một hội nghị ASEAN. Tìm cách tăng cường quan hệ với nước ngoài để giúp kềm chế Trung Quốc đang lên, vốn đang có tranh chấp về chủ quyền biển với Việt Nam, chính phủ Việt Nam đang mong muốn hồi phục mối quan hệ lâu dài với Nga cũng như xây dựng những quan hệ mới với Washington.

Bên lề hội nghị, Medvedev và các lãnh đạo Việt Nam đã ký kết một bản ghi nhớ cấp quốc gia để thừa nhận việc Nga sẽ xây cho Việt Nam nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với sản lượng 2,4GW. Theo Rosatom, tập đoàn quốc doanh độc quyền năng lượng hạt nhân của Nga, phí tổn để xây nhà máy gồm hai cơ sở này sẽ vào khoảng 5,5 tỉ Mỹ kim, được dự trù sẽ bước vào hoạt động vào năm 2020. Mặc dù các bên vẫn chưa thoả thuận một hợp đồng chắc chắn, các quan chức Nga đã cho biết rằng họ đang chuẩn bị để cho Việt Nam (vẫn là một quốc gia tương đối nghèo) vay một số vốn cần thiết để xây dựng nhà máy.

Ngày càng rõ ràng là Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Moscow trong khu vực Đông nam Á. Tập đoàn Dầu khí quốc doanh của Việt Nam, Petro Việt Nam, đã đang là một trong vài công ty nước ngoài được phép khai thác dầu hoả trong lãnh thổ Nga và liên doanh RusVietPetro (với 51 phần trăm cổ phần sở hữu bởi Zarubezhneft của Nga) đang thăm dò những quặng mỏ tại khu vực tự trị Nenets kể từ khi đăng ký thành lập vào năm 2008.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã bắt đầu mua những hệ thống vũ khí quan trọng của Nga. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm viếng Nga tháng Mười hai năm ngoái, ông đã ký một hợp đồng mua sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo cũng như những quân cụ tối tân khác. Trong khi đó, vào tháng Bảy năm nay, Việt Nam đã đồng ý để mua thêm 20 chiến đấu cơ Sukhoi.

Nhưng bên ngoài vấn đề vũ khí, chính nhu cầu năng lượng ngày càng cao tại châu Á đã là động lực chủ yếu thúc đẩy các quốc gia trong vùng xem Nga là một đối tác tiềm năng. Thu nhập ngày càng đi lên cũng như việc gia tăng dân số đã khiến những nước này có khả năng nhập khẩu dầu và khi đốt với số lượng lớn nhằm đa dạng hoá những nguồn năng lượng bên ngoài để giảm thiểu những nguy cơ phải dựa dẫm về kinh tế và an ninh trên chỉ vài quốc gia.

Năng lượng hạt nhân là lựa chọn thông dụng vì nó không chỉ cho phép các quốc gia đáp ứng những nhu cầu về thương mại và an ninh mà còn giúp các nước ASEAN giới hạn việc thải khí carbon và cắt giảm sự nương tựa vào điểm nghẽn trong giao thông đường biển của khu vực, vốn đang là yếu điểm đối với các lực lượng hải quân nước ngoài cũng như dễ bị gián đoạn bởi hải tặc và khủng bố. Riêng Việt Nam đã dự định xây dựng tám lò phản ứng hạt nhân trong hai thập niên tới, với ít nhất là một lò được dựng định bước vào hoạt động trong thập niên tới.

Nga không chỉ hấp dẫn về lĩnh vực hạt nhân. Các quốc gia ASEAN cũng đang quan tâm vào việc mở rộng sử dụng tiềm năng địa nhiệt điện và thuỷ điện - mặc dù bị giới hạn về tiềm năng, các nhà máy địa nhiệt điện và thuỷ điện thường có chi phí ít hơn các cơ sở điện hạt nhân và có thể đưa vào vận hành nhanh hơn. Các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của ASEAN có thể được chính thức vận hành trong vòng một thập niên, trong khi các hệ thống địa nhiệt điện và thuỷ điện có thể bước vào phục vụ chỉ trong vòng vài năm. Do đó Nga đã đề xuất hợp tác với các quốc gia ASEAN trong những dự án địa nhiệt điện và thuỷ điện cũng như nhà máy điện hạt nhân.

Những hợp đồng năng lượng này là một phần từ nỗ lực liên tục của giới lãnh đạo Nga, đặc biệt là Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin nhằm lợi dụng tài sản năng lượng để tăng cường kinh tế cũng như ảnh hưởng toàn cầu của Nga. Hôm tháng Ba, Putin đã đề ra một mục tiêu nhằm tăng cường thị phần của Nga trong thị trường nguyên tử quốc tế từ 16 phần trăm hiện nay lên đến 25 phần trăm. Một phần của mục tiêu này là nhằm lợi dụng mối quan tâm về năng lượng hạt nhân mới được hồi sinh trên thế giới, chính phủ Nga đã cùng Rosatom ký kết những hợp đồng nguyên tử với Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia khác. Nhưng để đuổi kịp mục tiêu cung cấp một phần tư thị trường nguyên tử toàn cầu, Nga bắt buộc phải nắm giữ được thị phần quan trọng trong thị trường nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng cũng như những dịch vụ hạt nhân khác đang phát triển ở châu Á.

Atomstroyexport, chi nhánh về xuất khẩu của Rosatom, đã hoặc sẽ sớm hoàn thành các hợp đồng xây dựng nhà máy năng lượng Bushehr với Iran, hai lò phản ứng song sinh Jiangsu Tianwan với Trung Quốc, và một nhà máy năng lượng nguyên tử đang được xây dựng tại Kudankulam với Ấn Độ. Thêm vào đó, Trung Quốc và Ấn độ cũng đã ký kết những thoả thuận với Atomstroyexport để xây thêm vài lò phản ứng tại Tianwan, Kudankulam và tại Haripur ở Tây Bengal. Nhờ hệ thống tài chính hào phóng của Nga, rất có triển vọng rằng Việt NamBangladesh cũng sẽ hoàn tất những hợp đồng của mình với Atomstroyexport để xây dựng những lò phản ứng hạt nhân.

Như một phần của hợp đồng được thoả thuận, thông thường Rosatom sẽ giúp khách hàng thiết kế, xây dựng và vận hành các nhà máy cũng như cung cấp việc đào tạo và đôi khi cho vay vốn. Ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, Moscow yêu cầu các công ty của mình cung cấp toàn bộ nguồn nhiên liệu hạt nhân được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nga. Chính sách của Nga cũng thường bắt buộc khách hàng phải hoàn trả những thỏi nhiên liệu đã sử dụng từ các lò phản ứng về lại Nga thay vì lưu giữ hoặc xử lý trong nước hoặc tại một quốc gia khác. Sau đó Nga có thể cất giữ những nhiên liệu đã sử dụng này và đến một lúc nào đấy, sẽ chiết xuất chất Plutonium từ chất thải hạt nhân nằm trong những thanh nhiên liệu đã xử dụng qua và dùng nó để tạo ra nhiên liệu hạt nhân mới. Bên cạnh những lợi thế về kinh tế mà các công ty Nga có được từ quá trình này, những qui định về cung cấp và "lấy lại" cũng mang chức năng hữu ích nhằm chống chạy đua hạt nhân.

Điều thú vị là Nga (và không phải là quốc gia duy nhất trong việc này) đối xử với Ấn Độ không khác gì với Trung Quốc, bất chấp Ấn Độ không được chính thức thừa nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bởi Hiệp ước Chống Chạy đua Vũ khí Hạt nhân (Trên thực tế Ấn Độ là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng các nhà lãnh đạo của nước này đã từ chối tham gia Hiệp ước Chống Chạy đua Vũ khí Hạt nhân, cáo buộc nó mang tính kỳ thị). Kết quả là Nga đang cung cấp nhiên liệu hạt nhân đã được làm giàu cho Kudankulam, và lại cho phép Ấn Độ xử lý những nhiên liệu đã sử dụng cũng như cất giữ lại chất Plutonium.

Những hoạt động thương mại về hạt nhân của Nga tại châu Á không chỉ giới hạn trong việc bán các lò phản ứng. Vào tháng Ba năm 2008, AtomEnergoProm, chuyên kiểm soát các thành phần hạt nhân phi quân sự của Nga, đã ký kết một thoả thuận khung với Tập đoàn Toshiba của Nhật để thăm dò khả năng hợp tác năng lượng nguyên tử trong những lĩnh vực như xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, các cơ sở làm giàu chất hạt nhân và những kỹ thuật nguyên tử tân tiến khác. Nếu những dự án khả thi này được hình thành, hai công ty cho biết là họ có thể thành lập một liên doanh chiến lược.

Chỉ vài tuần trước đây, chính quyền Nga đã chính thức ủng hộ một thoả thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân hoà bình ký kết với Nhật vào tháng Năm 2009. Thoả thuận này là một trong vài hiệp ước kinh tế song phương giữa hai quốc gia, vốn vẫn chưa ký kết hiệp ước hoà bình chính thức nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh năm 1945. Theo sau việc phê chuẩn của quốc hội Nga, thoả thuận này cho phép việc trao đổi thông tin về an ninh hạt nhân giữa hai nước.

Có thể sẽ có thêm những điều chỉnh trong chính sách xuất khẩu hạt nhân của Moscow. Đầu năm nay, Nga đã ký một hợp đồng nguyên tử với Thổ Nhĩ Kỳ trong đó Rosatom không chỉ sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ mà trong một dàn xếp chưa từng thấy, cũng sẽ sở hữu và vận hành cơ sở này để bảo đảm rằng Nga sẽ thu hồi lại số nợ lớn đã cho Thổ Nhĩ Kỳ vay. Để khắc phục khó khăn về việc Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ tiền để trả cho việc xây dựng nhà máy, công ty năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Tetas đã cam kết sẽ mua phân nửa năng lượng điện trong ít nhất 15 năm với giá cố định từ nhà máy do Nga sỡ hữu.

Rosatom cũng đang đi đầu trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên nước đầu tiên trên thế giới, một hệ thống mà Indonesia và những quốc gia phần đông là đảo (hoặc những quốc gia có những mạng lưới sông ngòi rộng lớn), có thể quan tâm đặt hàng. Vì nhà máy sẽ tự quản chế, việc hoàn trả nhiên liệu đã dùng qua sẽ dễ dàng, toàn bộ nhà máy sẽ được đưa về lại Nga sau khi đã sử dụng hết nguồn nhiên liệu bên trong. (Dù thế, phản đối về vấn đề môi trường vẫn còn mạnh mẽ, với việc các nhà sinh thái học cảnh báo về khả năng của một "Chernobyl trên nước").

Nhưng việc thống lĩnh nguyên tử của Nga tại châu Á không hoàn toàn là một bảo đảm - cũng như nhu cầu về năng lược hạt nhân sẽ vẫn tiếp tục. Ví dụ có thể là giá dầu và khí đốt sẽ đi xuống sâu đủ để giảm mạnh nhu cầu về năng lượng nguyên tử, hoặc một đột phá về việc sản xuất năng lượng mặt trời hoặc những nguồn nhiên liệu khác có thể được khám phá, làm cho giá thành quá cao ngay từ đầu để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trở nên ít được chấp nhận hơn.

Trường hợp xấu nhất đối với Nga là một tai nạn hạt nhân lớn, tương tự như Chernobyl, sẽ làm mất đi những hậu thuẫn rộng rãi cho năng lượng hạt nhân. Ngay cả hiện nay, những cuộc biểu tình sinh thái tại Haripur ở miền đông Ấn Độ đã khiến Rosatom phải yêu cầu các quan chức Ấn Độ cân nhắc việc cho phép Nga xây dựng nhà máy tại một khu vực khác.

Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với Moscow có thể là việc những quốc gia khác đang bắt đầu xé bỏ một trang trong cuốn tàng thư chiến lược của Nga. Nga hiện đã có những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ về kỹ thuật hạt nhân thương mại tại Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Thật vậy, trong cùng ngày Việt Nam ký kết bản ghi nhớ để mua hai lò phản ứng hạt nhân từ Nga, Hà Nội cũng đã ký một thoả thuận tương tự với Nhật, có nghĩa là Nga và Nhật sẽ trực tiếp cạnh tranh nhau trong những hợp đồng hạt nhân tại Việt Nam trong những năm sắp đến.

Nga cũng đã chứng kiến lợi thế của mình đang tuột dần trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Có thể họ cũng sẽ phải chứng kiến một viễn cảnh tương tự trong lĩnh vực hạt nhân của mình.
.
.
.

No comments: