Thursday, November 18, 2010

CHẤT LƯỢNG SỐNG . . . CẠN THEO DÒNG NƯỚC (Tô Văn Trường)

TS Tô Văn Trường
18-11-2010

Rà soát xây dựng lại một tổ chức thống nhất đủ mạnh để quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông vì sự phát triển vững bền của đất nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới.


Nước và chế độ nguồn nước là yếu tố rất quan trọng cho cuộc sống của con người và các sinh vật. "Sức khỏe" của môi trường nước có thể nói là chỉ thị biểu hiện cho sức khỏe của môi trường và xã hội.

Chất lượng sống xuống theo con nước
Biến đổi khí hậu là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến những cuộc chiến tranh và nổi dậy trong 2.000 năm qua, cũng là khởi đầu cho sự sụp đổ của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Ngày nay, nguy cơ này vẫn còn hiện hữu và đe dọa nhiều khu vực trên thế giới.

Các triều đại lịch sử trên thế giới từ Đông sang Tây đã chứng minh sự thịnh suy, thậm chí sụp đổ do biến đổi của khí hậu, thời tiết. Vì nguồn lương thực, thực phẩm của con người phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, do đó bất cứ sự biến đổi cực đoan nào về thời tiết cũng có thể là mầm mống dẫn đến chiến tranh, xung đột. Trong thế giới hiện đại, những biến đổi khí hậu đặc biệt sự nóng lên toàn cầu và sự cạn kiệt nguồn nước làm những nguy cơ tiềm ẩn ngày càng bộc lộ ra.

Về lưu vực sông Mekong hiện có 2 tổ chức đang hoạt động:
(1)  Ủy hội sông Mekong (MRC) là tổ chức liên chính phủ bao gồm 4 nước vùng hạ lưu là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Riêng 2 nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar chỉ tham gia với tư cách quan sát viên.
(2) Sáng kiến hợp tác tiểu vùng Mekong (GMS) gồm 5 nước Myanmar, Thái Lan, Lào , Campuchia, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là chương trình phát triển kinh tế do Ngân hàng Á châu (ADB) thành lập.

Một trong những vấn đề được Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 2 mới diễn ra tại Hà Nội được quan tâm là sử dụng hiệu quả vững bền nguồn nước sông Mekong.

Sông Mekong dài khoảng 4.800 km (thứ 12 trên thế giới), diện tích lưu vực 795.000 km² không những là nguồn tài nguyên nước phong phú nuôi dưỡng khoảng gần 100 triệu người trong lưu vực mà còn tạo ra môi trường sinh thái đa dạng, không gian văn hóa có đặc thù của nền văn minh lúa nước.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, nằm ở hạ nguồn sông Mekong là vựa lúa, chiếm hơn 53% sản lượng lương thực, 65% lượng thủy sản và 70% lượng cây ăn trái của cả nước. Những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt đều liên quan đến nguồn nước từ dòng chẩy thượng lưu, điều tiết của Biển hồ và các tác động của con người vào tự nhiên.

Diện tích đất chua phèn ở ĐBSCL  1,4-1,6 triệu ha, hạn hán và thiếu nước ngọt 2 triệu ha, xu thế ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng hơn. 3 năm liên tiếp 2000-2002 có lũ lớn, 5 năm liền gần đây gặp hạn, đặc biệt hạn kết hợp dòng chảy kiệt trên sông Mekong vào các năm 2004, 2008 và 2010 làm cho nước mặn xâm nhập cao hơn, khắc nghiệt hơn.

Mùa lũ hằng năm ở ĐBSCL, mùa nước nổi, người ta được chứng kiến cảnh tượng hoành tráng, phóng khoáng và lãng mạn của thiên nhiên cũng như tính cách của người dân Nam bộ. Lũ thật sự là nguồn sống, niềm vui vì nước lũ không những mang phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng ruộng, mà nước lũ còn mang theo nguồn lợi thuỷ sản to lớn và cũng chính lũ là người "dọn dẹp môi trường": thau rửa đất chua phèn và vệ sinh đồng ruộng.

Chất lượng cuộc sống của con người cũng lên theo con nước, nhưng năm nay, 2010, ĐBSCL lại bị "đói lũ" một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

ĐBSCL chịu tác động kép từ phía biển và phía thượng lưu:
Về phía thượng lưu:
(1) Nạn phá rừng đầu nguồn để  khai thác gỗ, làm các dự án công nghiệp như thuỷ điện, khai thác quặng mỏ..v.v...đã làm diện tích rừng thu hẹp nghiêm trọng,
(2) Biến đổi khí hậu có tác động lên sự cạn kiệt nguồn nước và
(3) Tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, tận  dụng nguồn nước nhiều hơn ngày càng tác động trực tiếp đến dòng chảy của sông Mekong.
Trung Quốc đã và đang tiến hành xây dựng 8 nhà máy thủy điện ở thượng lưu sông Mekong. Các nước vùng hạ lưu như Thái Lan, Lào và Campuchia cũng tiến hành xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông nhánh và cả trên dòng chính. Khi xây dựng các nhà máy thủy điện lại phải phá thêm rừng để lấy mặt bằng và xây dựng hồ chứa.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trong lưu vực sông Mekong kể cả Việt Nam chưa có chiến lược quản lý dòng chảy bị kiệt một cách bài bản, khoa học. Ủy hội sông Mekong cũng chưa có chiến lược quản lý chung về  khô hạn.
Sau hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất năm 2009, đang kiến nghị xây dựng chiến lược và có khung hợp tác vùng về quản lý hạn.

Về phía hạ lưu: Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng lên hậu quả là triều cường, ngập mặn...ở nhiều nơi. Vì những lý do này, các nước trong lưu vực phải xây dựng tầm nhìn và hành động đa phương và đơn phương cho mỗi quốc gia. Trên cơ sở quản lý và hợp tác sử dụng sông Mekong, cần có Tầm nhìn chung:"Quản lý thiên tai hiệu quả, sử dụng tài nguyên khôn ngoan, ứng phó với biến đổi khí hậu-nước biển dâng một cách mềm dẻo, vì một Lưu vực sông Cửu Long kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững."

Từ tầm nhìn khu vực đến hành động quốc gia

Mỗi một  quốc gia trong lưu vực cần chủ động triển khai các hành động tuân thủ theo Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao về Mekong lần thứ nhất ở Hua Hin (Thái Lan) tháng 4/2010.
Phê chuẩn và thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên Quản lý tổng hợp tài nguyên nước; Tăng cường các nỗ lực để bảo vệ một cách hiệu quả cho người dân trước các nguy cơ lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng bao gồm thiết lập các hệ thống dự báo và cảnh báo trên toàn lưu vực; Hỗ trợ trong khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm khuyến khích vận tải và thương mại đường thuỷ;
Nghiên cứu và giải quyết các mối đe dọa đến sinh kế do biến đổi khí hậu và hợp tác với các đối tác ở vùng khác trong giải quyết ô nhiễm; Giám sát và áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng nước ở các khu vực ưu tiên của lưu vực; Sử dụng bền vững hiện tại và trong tương lai nguồn tài nguyên nước và tài nguyên liên quan, đa dạng thuỷ sinh, đất ngập nước và tài nguyên rừng trong lưu vực;
Xác định và đưa ra khuyến cáo về các cơ hội và thách thức của phát triển thuỷ điện và các cơ sở hạ tầng khác trong lưu vực, đặc biệt các rủi ro đối với nỗ lực bảo vệ an ninh lương thực và sinh kế;
Tiếp tục cải thiện việc thực hiện các thủ tục trao đổi và chia sẻ thông tin số liệu, thủ tục theo dõi sử dụng nước, thông báo, trao đổi trước và thoả thuận thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và hoàn tất thủ tục về chất lượng nước;
Tìm hiểu và xác định các cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại và đối tác phát triển hiện tại, đặc biệt trong giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước và thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH).

Các vấn đề trước mắt cần ưu tiên thực hiện trong hành động của quốc gia  là
(1) Phê chuẩn chiến lược phát triển lưu vực dựa trên Quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Phiên họp Hội đồng Uỷ hội lần thứ 17 dự kiến vào tháng 12/2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
(2)  Xem xét, đánh giá một cách khách quan khoa học vì quyền lợi chung của cả lưu vực  về các kiến nghị xây dựng thuỷ điện dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công, kể cả dự án thủy điện Xayabury của Lào; (
3) Hoàn thành phê duyệt các quy chế sử dụng nước;
(4)  Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong  theo hướng "ven sông hoá" và tự chủ tài chính vv...

Đối với ĐBSCL, để phát triển vững bền, phát huy tiềm năng và vị thế an ninh lương thực của cả nước, nhà nước cần quan tâm thích đáng trong chiến lược đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và chính sách đối với người nông dân.

Để ứng phó một cách chủ động, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của ĐBSCL là vùng đất thấp, xâm nhập mặn thường xuyên, cần hoàn thành sớm dự án quy hoạch tổng thể thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở cho các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn 5-10 năm.

Các số liệu cơ bản phải được cập nhật thường xuyên, bổ sung, xem xét, đánh giá trong bài toán hệ thống để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

Để đối phó với nạn hạn hán đã thấy rõ của năm 2011, ngay từ bây giờ, ĐBSCL cần khẩn trương hoàn thành gieo cấy vụ lúa Đông Xuân trong tháng 11 để chủ động nguồn nước, nạo vét các kênh rạch, trữ nước, chuyển đổi cây trồng thích hợp, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển vv...

Phát triển bền vững, tập trung và nâng cao lâu dài phồn vinh của xã hội theo thời gian không thể tách rời sự bền vững của nguồn nước. Ở nước ta hiện nay, việc quản lý lưu vực sông vẫn còn chồng chéo giữa 2 Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Thiển nghĩ, việc rà soát xây dựng lại một tổ chức thống nhất đủ mạnh để quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông vì sự phát triển vững bền của đất nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới 2011-2015
.
.
.

No comments: