Trà Mi - VOA | Washington, DC
Thứ Tư, 24 tháng 11 2010
Thời gian gần đây, nhiều trang blog ăn khách mà “không theo lề phải” lần lượt bị tấn công, tiếp nối với các vụ bắt giữ blogger, khiến dư luận trong và ngoài nước cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế quan tâm. Trong số các trường hợp được lưu ý phải kể đến các trang blog của Tô Hải, Anh Ba Sàm, Boxitvn…, các blogger bị bắt giam chờ khởi tố như Anh Ba Sài Gòn, Phạm Kiến Quốc, Cô gái Đồ Long, và đặc biệt là blogger Điếu Cày, tới ngày mãn án vẫn tiếp tục bị giam giữ dù chính quyền không công bố lý do. Trong mắt các blogger trong nước, thực tế này nói lên điều gì và được hiểu như thế nào? Tình hình đang diễn ra có ảnh hưởng tới sinh hoạt blog của họ ra sao? Trà Mi mời các bạn chia sẻ cảm nghĩ với bốn blogger tại Việt Nam tham gia chương trình hôm nay là Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm; Linh, chủ nhân trang blog Bút Thép; Lê Bảo, bút hiệu LB; và Hùng, một công dân mạng quan tâm đến tình hình sinh hoạt blog trong nước.
Quỳnh: Chiến dịch trấn áp blogger đã xảy ra một thời gian dài rồi, chỉ có điều là mức độ của nó gia tăng càng lúc càng nhiều thôi. Mình đọc trên một số blog, họ đổ lỗi nguyên nhân là do các blogger chọn ngày 19/10 làm ngày Blogger Việt Nam, kêu gọi một phong trào cho những người viết blog trong nước. Nhưng với nhìn nhận của mình, đó không phải là lý do chính đáng. Bởi lẽ thật sự với sự bùng nổ phát triển thông tin hiện tại, nhà nước không thể nào kiềm chế việc nói lên tiếng nói và suy nghĩ của người dân. Cho nên, họ ra tay đàn áp giới blogger, một dấu hiệu cho thấy họ bị bất lực trước làn sóng phản kháng mới trên internet.
Trà Mi: Đó là ghi nhận của blogger Mẹ Nấm. Mời các anh chị khác chia sẻ ý nghĩ của mình.
Hùng: Tôi cảm thấy chuyện này không phải mới xảy ra. Vấn đề là nó dồn dập vào thời điểm này. Có lẽ chính quyền họ sợ dư luận vì thời gian gần đây xảy ra rất nhiều sự kiện ở Việt Nam, như dự án bauxite chẳng hạn. Cho nên, họ làm mạnh hơn. Lý do, mình nhìn thấy rõ, là họ muốn dằn mặt những người tạo ra được dư luận trên cộng đồng mạng. Từ trước tới nay, những trang mạng có nhiều người truy cập đều bị hạn chế hoặc bị chặn. Rõ ràng chính quyền muốn dẹp dư luận trước đại hội đảng sắp tới.
Trà Mi: Mời blogger LB và Bút Thép. Các bạn có ý kiến nào muốn bổ sung không?
Linh: Tôi cũng nghĩ rằng chính quyền sợ dư luận trên mạng về nhiều vấn đề xã hội quá tràn lan mà họ không đối phó nổi.
Trà Mi: Blogger LB có ý kiến nào khác hơn những gì các anh chị ở đây chia sẻ không?
Bảo: Hiện tại chính quyền không chỉ trấn áp các tiếng nói trong những vấn đề xã hội-chính trị mà cả trong các vấn đề kinh tế và cải cách. Theo mình, đây là một phần nhằm ổn định thể chế chính trị hiện tại trước thềm đại hội đảng. Những đợt trấn áp này sẽ tiếp tục diễn ra nếu blogger còn có những bài viết nêu đích xác những lỗ hổng của pháp luật như lỗ hổng của nền kinh tế. Ví dụ như, bác Tô Hải, một cựu đảng viên kỳ cựu trong đảng cộng sản và là một blogger nổi tiếng trong cộng đồng mạng. Dù không bị bắt, nhưng blog của bác cũng đã bị hack như blog Thông tấn xã Vàng Anh hay blog Anh Ba Sàm. Rõ ràng trong tình hình hiện tại, blogger ở Việt Nam đang nằm trong vòng nguy hiểm. Thế giới cũng đã xác nhận Việt Nam là một trong những nước gây nguy hiểm cho giới viết blog rất nhiều.
Trà Mi: Những gì đang diễn ra đó ảnh hưởng tới sinh hoạt của giới blogger ra sao?
Quỳnh: Blogger Anh Ba Sài Gòn và blogger Phạm Minh Hoàng nói về các đề tài xã hội và nhân sinh quan của họ. Còn vụ việc của blogger Hương Trà hoàn toàn có thể xảy ra ở một vụ án dân sự, không cần phải “bắt khẩn cấp”. Tại sao lại chọn blogger Hương Trà trong khi tin mà chị viết và lá thư nặc danh mà chị trích dẫn đã tung lên mạng và blog rất lâu rồi. Mình cho rằng cái đòn bắt Hương Trà đó cũng là một lời nhắn nhủ với blogger Việt Nam rằng luật pháp Việt Nam có thể bắt bất kỳ blogger nào theo đủ thứ tội danh họ đã chuẩn bị sẵn rồi. Mối nguy hiểm này blogger Việt Nam phải đối mặt thôi.
Trà Mi: Chị nói đó là “một lời nhắn nhủ”, thế lời nhắn nhủ ấy hiện giờ ảnh hưởng tới sinh hoạt của giới blogger trong nước ra sao, của chính các anh chị như thế nào? Có phần nào cản trở bớt ngòi bút, tiếng nói, và tư tưởng của các anh chị hay chăng?
Quỳnh: Mình cảm thấy nó không cản trở gì hết. Bởi vì ai đã chọn cách không im lặng để thỏa hiệp, blogger là người không có quyền lực trong tay, đương nhiên phải chọn cách rút lui tạm thời để được nói, được viết tiếp. Đây là một bước tiến khôn ngoan hơn trong cách nói, cách phát biểu quan điểm trên blog.
Trà Mi: Cảm ơn blogger Mẹ Nấm. Mời blogger Bút Thép.
Linh: Nhà nước bắt các blogger trong đợt vừa rồi cũng không làm ảnh hưởng tinh thần của giới blogger. Những bài viết của blogger Anh Ba Sài Gòn hay blogger Phạm Kiến Quốc chỉ mang tính bộc lộ những tư tưởng tiến bộ về mặt xã hội thôi, không phải là những bài viết phản động gì cả.
Bảo: Phong trào viết blog đã phát triển rất mạnh, từ thời Yahoo 360 độ, đến Multiply, Wordpress, hay Facebook như bây giờ. Dòng chảy vẫn cứ tự nhiên thôi. Việc bắt bớ hiện tại, đúng là có làm cho phong trào chùng xuống một thời gian. Nhưng trong xã hội hiện nay của mình, thế nào mọi người cũng sẽ lại viết tiếp thôi, một cách khôn ngoan hơn, chửi khéo hơn.
Hùng: Qua những vụ việc vừa rồi, mình thấy cộng đồng mạng nói chung xôn xao về những chuyện đó thì nhiều, chứ không giảm đi những bài viết. Mình nghĩ nhiều người Việt Nam suy nghĩ lệch lạc về khái niệm phản động. Theo mình, các bài viết này không có gì gọi là phản động cả. Ở Việt Nam, bạn viết về cái gì cũng vậy thôi. Họ muốn bắt dĩ nhiên họ sẽ có cớ để bắt. Cuộc chơi nào cũng có luật. Luật này không nằm trong tay blogger, mà nằm trong tay chính quyền. Mình không nghĩ là blogger sợ. Người nào đã dấn thân vào cuộc chơi thì biết luật, vì bây giờ nói tới bất cứ một chuyện gì ở Việt Nam đều cũng sẽ liên quan đến chính trị. Khi đụng tới chính trị thì người ta nói mình phản động. Nói chung dư luận bây giờ lớn quá nên họ phải dập nó đi. Cái đó chỉ ngắn hạn thôi, chứ về lâu về dài chả tác động được gì cả.
Trà Mi: Các anh chị có vẻ không ủng hộ việc bị kiểm soát về blog, về các luồng thông tin trên mạng internet, nhưng có ý kiến ngược lại cho rằng nếu không quản lý được thông tin thì khó kiểm soát tình hình an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Ý kiến của các anh chị ra sao?
Quỳnh: Việc chặn hay kiểm soát thông tin trên internet là chặn đứng sự tiến bộ của xã hội. Với những blogger đã chọn phương pháp công khai danh tính, họ chắc chắn sẽ có trách nhiệm với những bài viết của mình. Cho nên đưa ra lý do là kiểm soát xã hội bằng cách chặn đứng thông tin hay kiểm soát Facebook là lý do ngớ ngẩn nhất kiềm hãm sự phát triển của xã hội.
Trà Mi: Nếu có ý kiến cho rằng nếu không kiểm soát, ai muốn viết gì thì viết, đưa ra những thông tin lệch lạc, không có lợi thì đưa, làm loạn xã hội thì sao?
Quỳnh: Tất nhiên cuộc chơi nào cũng có luật. Mình không phản đối chuyện họ đưa ra những quy định về viết blog vì không thể để cho blog trôi nổi, không thể để cho những người ẩn danh dùng blog làm nơi chửi bới hoặc thỏa mãn sự bực tức của mình. Nhưng với những gì mà các blogger công khai đã trả giá thì chỉ thấy rõ ràng đây là sự kiềm hãm phát triển chứ không phải để kiểm soát xã hội.
Hùng: Kiểm soát blog nhằm ổn định xã hội thì đất nước nào cho dù tự do cách mấy cũng có cách quản lý. Ngay cả Mỹ cũng phải kiểm soát vì vấn đề khủng bố. Tuy nhiên, ở Việt Nam, họ quản lý trên quan điểm nào. Những trang blog là phản biện xã hội, như những mũi dùi tấn công vào những sai sót của chính quyền. Họ đứng trên quan điểm đó họ bảo là quản lý nhằm ổn định xã hội. Thực chất những bài viết đó nếu được áp dụng trong một xã hội tự do thì đó là một điều tốt cho xã hội chứ làm sao gọi là “làm loạn hay mất ổn định xã hội” được? Ở Việt Nam, không phải chỉ thế giới mạng mà ngay cả thế giới bên ngoài, họ cũng nhân danh ổn định xã hội để cấm cái này cái kia. Nhưng bản chất vấn đề không nằm ở chỗ đó mà ở chỗ khác.
Trà Mi: Xin mời LB hay anh Linh. Theo các bạn, ảnh hưởng, tác động tích cực hay tiêu cực của việc quản lý blog và các thông tin trên mạng đối với đời sống người dân và sự phát triển của xã hội ra sao?
Linh: Khái niệm quản lý mạng, tôi không hiểu quản lý như thế nào. Vì tôi nhận thấy rằng giới blogger có trách nhiệm, những ý kiến đóng góp, những bài báo phân tích trên mạng lại có tác dụng tốt đối với xã hội hơn là tác dụng xấu. Nói quản lý thông tin mạng để đảm bảo an ninh quốc gia là không thực tế và hơi mơ hồ. Từ mấy năm nay, mình nhìn kỹ những gì mà giới blogger trong nước viết, những bức xúc họ viết ra, những ý kiến phân tích, đóng góp về các vấn đề xã hội, họ đã bỏ công viết ra những vấn đề đó là góp ý không công cho nhà nước để xây dựng chính quyền, xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ hơn. Đó là tác dụng tích cực, chứ sao lại là tiêu cực? Chuyện phải quản lý blog cho đừng lộ thông tin, thì nước nào cũng vậy thôi. Ví dụ anh đang ở vị trí quan trọng đối với bí mật quốc gia mà anh tung lên mạng những thông tin đó thì anh phải chịu trách nhiệm. Còn những thông tin bình thường trên blog mà bảo là “an ninh quốc gia” thì tôi không hiểu “an ninh” cái gì ở đó.
Trà Mi: Tóm lại ý anh chị vừa nêu lên ở đây rằng đồng ý là quản lý, nhưng quản lý hầu bảo vệ cái gì. Đó là vấn đề đang đặt ra. Xin mời ý kiến của blogger LB.
Bảo: Quản lý hệ thống mạng, blog, hay website cá nhân cũng là một việc nên làm trong bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên, quản lý ở mức độ nào và những thông tin gì. Cái này cần phải đem ra bàn luận công khai và trực tiếp trước hết là ở nơi tạo ra luật để quản lý. Cần có sự đóng góp ý kiến của xã hội trên mạng và các nhà lập pháp về phương pháp quản lý ra sao, cụ thể những điều gì là vi phạm. Hiện tại chỉ nói chung chung là “an ninh quốc gia”. Còn cách hiểu thế nào, cách áp dụng, áp đặt, truy người ta vào những tội đấy thì lại rất mơ hồ. Luận điệu rằng quản lý để không cho xã hội loạn chẳng qua chỉ là cái cớ để hạn chế tiếng nói của người dân, của blogger trước những cái không hay không đẹp đối với chính quyền mà thôi.
Trà Mi: Thắc mắc của bạn là quản lý cái gì, quản lý thế nào. Nếu có câu trả lời rằng đơn giản thôi vì Việt Nam không chấp nhận báo chí tư nhân. Khi xuất hiện các nhà báo công dân ngoài tầm kiểm soát của nhà nước thì phải có những quy định kiểm soát để quản lý thông tin “theo lề phải”. Phản biện của các anh chị như thế nào?
Quỳnh: Như vậy thì phải sửa lại Hiến pháp. Việt Nam công nhận quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận của con người mà tuyên bố như thế thì tự vả vào mặt mình rồi.
Hùng: Blogger là những cá nhân trong xã hội, mà họ không được quyền nói, không có chỗ nào để bày tỏ thì phải bày tỏ qua blog thôi. Hạn chế cũng không được. Nếu một xã hội tốt, chả ai la làng lên cả. Khi người ta la làng, chính quyền cần phải xem lại xã hội như thế nào. Thực chất đây là việc vi phạm quyền của con người.
Trà Mi: Việt Nam quy định nội dung blog chỉ trong phạm vi những chia sẻ hoặc thông tin cá nhân, nôm na là một nhật ký cá nhân, không được lạm bàn các vấn đề xã hội-chính trị, vựơt ra khỏi quy định này ắt gặp rắc rối. Ý kiến của các blogger ra sao? Mời các bạn trở lại với Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tối thứ ba tuần sau để nghe phản hồi và tranh luận của các ngòi bút trong nước trước những quy định của chính quyền liên quan tới hoạt động blog và internet. Và dĩ nhiên, Trà Mi cũng xin mời bạn nghe đài khắp nơi thảo luận về đề tài này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com , phần ý kiến ở cuối bài. Các bạn đừng quên nếu có khó khăn truy cập trang web VOA, các bạn luôn có thể nghe và xem lại các chương trình của Tạp chí Thanh Niên trên trang Facebook, hoặc Yahoo 360 độ của đài VOA.
Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại quý vị và các bạn tối thứ ba tuần tới. Trà Mi thân ái kính chào quý thính giả.
.
.
.
No comments:
Post a Comment