Tuesday, November 2, 2010

BẦU CỬ Ở MỸ TÁC ĐỘNG RA SAO ĐẾN VIỆT NAM ? (BBC)

BBC
Cập nhật: 08:04 GMT - thứ ba, 2 tháng 11, 2010

Với chừng 30 ứng viên người Mỹ gốc Việt ra ứng cử các chức vụ khác nhau trong bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, kết quả bỏ phiếu sẽ có tác động đến quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam.
Một số người thạo tin cho rằng kết quả của cuộc bầu cử 2/11 sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chính sách của chính quyền Obama đối với Hà Nội, đến các dự luật liên quan đến Việt Nam trình tại Quốc hội Mỹ.
Ngoài ra, các hoạt động của khối người Việt tại Mỹ cũng tác động đến dòng kiều hối, gửi về trong nước.
BBC Việt Ngữ đã hỏi chuyện một số nhà báo và nhà hoạt động xã hội về tác động có thể của cuộc bầu cử lần này với quan hệ Mỹ-Việt.

Cộng đồng thắng lớn
Luật sư Phan Quốc Cường là Giám đốc Truyền thông và Giao tế của Tổ chức từ thiện Cứu người Vượt biển – Boat People SOS, trụ sở tại Virginia. Ông phấn khởi trước khả năng cộng đồng người Việt có thêm người đại diện tại Capitol Hill.
“Nếu cả hai ứng viên Trần Thái Văn và Cao Quang Ánh đều thắng ghế Hạ Viện, thì không những sức mạnh đại diện giá trị và quan điểm chính trị của cộng đồng tăng gấp đôi về số người mà ảnh hưởng sẽ tăng lên gấp nhiều lần bởi vì dân biểu Cao Quang Ánh sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ hai, có nhiều quyền lực hơn khi không còn là một dân biểu nhiệm kỳ nhất nữa (freshman congressman) và tự khẳng định mình với một chiến thắng vẻ vang.
“Trong khi đó, DB Trần Thái Văn sẽ gia nhập đồng viện người Việt của ông với bề dày họat động chính trị và kinh nghiệm sâu rộng về chính sách. Và đằng sau họ là một cộng đồng người Mỹ gốc Việt -- không chỉ bao gồm cộng đồng người Việt đông đảo tại quận Cam mà là cộng đồng tòan quốc, trở nên đòan kết hơn trong tinh thần và tích cực hơn trong họat động tổ chức. Điều này có thể được minh chứng qua con số các sự kiện gây qũy do người Việt khắp nơi tổ chức cho cả hai ứng cử viên.
 “Đó là chưa tính đến yếu tố chiến lược của quận hạt nơi họ đại diện (có thể nói chiến thắng tạo được cho Đảng Cộng Hòa tại bất kỳ một trong hai nơi đều khó có thể thực hiện được nếu ứng cử viên của đảng không phải là hai người Mỹ gốc Việt này) và tâm lý giới lãnh đạo chính trị và công chúng Hoa Kỳ nói chung sẽ nhìn cộng đồng ngừơi Việt với một sự tôn trọng và hiểu biết rõ ràng hơn. Do đó, số người đại diện lên gấp đôi, nhưng sức mạnh và ảnh hưởng thì lên gấp nhiều lần. Và dĩ nhiên, điều đó sẽ được thể hiện rõ ràng qua khía cạnh làm luật và chính sách đối ngọai, nhất là trong quan hệ Mỹ-Việt.”
Trong trường hợp hai ứng viên không gặp may và thất cử, cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn đạt được những thành quả gián tiếp, luật sư Phan Quốc Cường cho biết.
“Khi ấy cộng đồng sẽ trở nên trưởng thành, tự tin, tích cực và xông xáo hơn với kinh nghiệm “thử lửa” qua hai chiến dịch vận động lớn và khó khăn vào bậc nhất để nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp quốc gia (Quốc hội Hoa Kỳ). Do đó, tự nhìn lại chính mình là một cộng đồng tị nạn vì lý do chính trị, với số tuổi vô cùng non trẻ -- chỉ với 35 năm định cư tại Hoa Kỳ, trong đó hơn phân nửa dân số người Mỹ gốc Việt chỉ đến Hoa Kỳ sau năm 1990, tức là rất gần đây, vậy mà so với các nhóm di dân khác chúng ta lại chứng tỏ sự thành công vượt bậc trong hội nhập và trưởng thành về chính trị, thật là một yếu tố độc đáo và đáng tự hào.
“Do đó, chúng ta có thể thấy rằng đầu tư của cả hai chính đảng sẽ gia tăng đáng kể để lấy lá phiếu và đào tạo ứng cử viên tương lai Mỹ gốc Việt, rằng sẽ có nhiều ứng cử viên thuộc thế hệ trẻ nhập cuộc sau khởi đầu ngọan mục năm 2010 này, và dân biểu Loretta Sanchez, nếu may mắn giữ được chức của mình nhiệm kỳ này, sẽ tích cực và hiệu quả hơn trong việc đại diện cho nguyện vọng chính trị của cử tri Mỹ gốc Việt.
“Nếu với những lời tuyên bố hăng hái của mình DB Sanchez trong quá khứ được cử tri người Việt ủng hộ và khiến cho bà không được chính phủ Việt Nam cho phép vào nước, bà nhất định sẽ có những hành động tích cực hơn nhằm mang lại kết qủa cụ thể và hữu hiệu để đáp ứng mong đợi chính đáng của cử tri Mỹ gốc Việt trong chính sách đối ngoại với Việt nam.”
Và luật sư Cường nhấn mạnh: “Trong quá trình này, ứng cử viên có thể thua, nhưng cộng đồng luôn chiến thắng.”

Việt Nam và thế giới phải để ý
Đỗ Dzũng, ký giả của nhật báo Người Việt tin rằng bầu cử giữa kỳ lần này là bước tiến quan trọng của cộng đồng người Việt. Anh tin là kể từ nay chính trị gia thế giới và nước Mỹ sẽ thức tỉnh trước sức mạnh chính trị của người Mỹ gốc Việt.
“Bầu cử lần này rất quan trọng, đặc biệt đối với người Việt tại ba tiểu bang California, Louisiana và Texas. Lần này có tới 30 ứng cử viên. Đặc biệt lần này có hai người Việt ứng cử chức dân biểu liên bang.
“Dù muốn hay không sau ngày bầu cử, nước Mỹ và người Việt ở khắp thế giới khi ấy sẽ thấy cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt nhờ tranh cử tay đôi tại miền Nam California giữa dân biểu (tiểu bang) Trần Thái Văn với bà Loretta Sanchez làm cho thế giới và nước Mỹ chú ý rất nhiều. Tôi chắc là Việt Nam cũng biết đến cái tin này nữa.
“Sự lớn mạnh này không ít thì nhiều trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Giả sử sau ngày bầu cử Việt Nam có hai dân biểu trong liên bang, chắc chắn nó sẽ mạnh hơn là một dân biểu. Trong những chính sách giao thương với Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Mỹ, sẽ đạo đạt ý muốn của họ qua những vị dân cử của mình. Chúng ta biết những vấn đề từ trước đến nay cộng đồng bên này đòi hỏi, là tự do dân chủ và nhân quyền cho VN.
Ký giả Đỗ Dzũng cho rằng sự dấn thân chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng ảnh hưởng mạnh hơn trong nền chính trị tại Mỹ. “Nó sẽ chuyển từ cái mức địa phương lên mức quận hạt, lên mức tiểu bang và mức liên bang, bắt buộc các vị dân cử liên bang họ sẽ phải chú ý nhiều hơn nữa.”

Tác động đến chính quyền Obama
Kết quả của bầu cử giữa kỳ tại Mỹ có thể thay đổi chính sách của chính quyền Obama đối với Hà Nội, theo nhận định của ông Joe DoVinh, nhà báo, nhà kinh doanh tại quận Cam, California.
“Hiện nay chính phủ của tổng thống Obama đang có khuynh hướng xích lại gần với Việt Nam, bằng chứng là ngoại trưởng Hillary Clinton vừa thăm Hà Nội. Khuynh hướng đó có thể thay đổi nếu đảng Cộng hòa lấy lại đa số tại Hạ viện. Vì nó sẽ làm yếu đi chính phủ Obama, qua đó chính sách hiện tại chính phủ Obama đang theo đuổi có thể sẽ thay đổi ngay giữa kỳ.
“Bầu cử tại Mỹ có ảnh hưởng đến Việt Nam. Ít nhiều thì hai triệu người dân gốc Việt tại Hoa Kỳ, cũng là một cộng đồng nối dài với bên Việt Nam. Có nghĩa là sự thành công hay thất bại của người Việt tại hải ngoại cũng ảnh hưởng tới người Việt ở trong nước. Nói về kinh tế, nếu mà cộng đồng người Việt ở Mỹ yếu đi, hoặc bớt đi tiếng nói chính trị, thì những người ở trong nước sẽ bị ảnh hưởng.
“Chẳng hạn như dòng tiền gởi về trong nước sẽ ít đi, người Mỹ gốc Việt không về trong nước thăm viếng nhiều. Khi ấy sẽ khó vận động cho những cuộc tranh đấu ở trong nước. Không có đại diện của người Việt ở quốc hội thì cũng không lobby được gì cho Việt Nam. Những liên hệ đó rất là quan trọng. Ít nhiều đi nữa những sự thành công hay thất bại của người Việt ở hải ngoại sẽ ảnh hưởng đến người Việt trong nước.”

Chuyên đề về  Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ được cập nhật liên tục trên trang BBC Tiếng Việt và các trang BBC Tiếng Anh.
.
.
.

No comments: