Thursday, November 11, 2010

BẦU CỬ MỸ : BẨN và THẤT THIỆT ? (Vũ Ánh)

(11/08/2010)

Trong suốt hai ngày qua, kể từ sau chiến thắng long trời lở đất của đảng Cộng Hòa đêm 2 tháng 11, điều mà nhiều nhà truyền thông cũng như các nhân vật Cộng Hòa khi được hỏi ý kiến đều nêu ra một vấn đề sau đây: Liệu có thể bỏ luật cải tổ y tế được không? Hiện nay, chưa có những dữ kiện để có thể nói chắc bỏ được hay không bỏ được, nhưng thông thường thủ tục hủy bỏ một đạo luật đã được Quốc Hội chấp thuận là một tiến trình hết sức phức tạp. Cho nên, mặc dù Dân Biểu John Boehner (Cộng Hòa-Ohio), người đang trông đợi trở thành Chủ tịch Hạ Viện nhìn nhận rằng chiến thắng của đảng Cộng Hòa giữa nhiệm kỳ đã mang lại cho ông nhiều ấn tượng rất mạnh về tương lai của nước Mỹ, nhưng ông luôn luôn cảnh giác các đồng viện Cộng Hòa của ông là không nên vội mừng vì còn rất nhiều khó khăn. Tuy chưa nói thẳng ra, nhưng Dân Biểu John Boehner cũng cho thấy chương trình làm việc của ông trước mắt là phải giải quyết vấn đề công ăn việc làm và giảm chi tiêu chính quyền. Đó là ưu tiên mà ông trông mong sẽ có sự hợp tác của đảng Dân Chủ để giải quyết.

Tuy không nói thẳng ra, nhưng vị dân biểu chủ tịch Hạ Viện tương lai của đảng Cộng Hòa tỏ ra ngần ngại khuynh hướng bảo thủ cực đoan do ảnh hưởng của đảng Trà (Tea Party) sau khi một số ứng cử viên của đảng Cộng Hòa được mô tả là đắc cử do ảnh hưởng của đảng này, một tổ chức chưa hẳn được coi là một chính đảng mà là phong trào quốc gia cực đoan. Khi Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), người chịu ảnh hưởng của đảng Trà tuyên bố rằng chiến thắng của những người Cộng Hòa phải bảo đảm được là biến Tổng Thống Barack Obama thành "tổng thống một nhiệm kỳ" và bãi bỏ luật cải tổ y tế, Dân Biểu John Boehner đã vội vã nhấn mạnh với báo chí vào ngày 4 tháng 11 rằng mục tiêu trước mắt của ông là làm sao tạm thêm công ăn việc làm và đưa nền kinh tế Hoa Kỳ thoát khỏi viễn cảnh ảm đạm hiện nay. Ông nhấn mạnh: "Ý kiến của Thượng Nghị Sĩ McConnell chỉ là ý kiến riêng của ông ta mà thôi".
Có lẽ khi đưa ra lời tuyên bố này, Dân Biểu John Boehner chỉ muốn trấn an những dân biểu Cộng Hòa mới đắc cử đừng có bị kích động thái quá mà có những lời lẽ có thể làm hỏng việc của những người Cộng Hòa khi họ tái kiểm soát Hạ Viện trong một tình thế cũng không khác chi tình thế của chính phủ Obama và Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát phải đương đầu trong hai năm nay: tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao 9.6%, hai cuộc tranh chưa giải quyết, nạn khủng bố bằng bom gia tăng khiến Yemen đang trở thành vấn đề nóng bỏng, giảm thuế vẫn còn đang là vấn đề đau đầu vì lấy tiền đâu ra để giảm thuế, cắt giảm chi tiêu để các cơ cấu chính phủ phải thu nhỏ hơn, trừ phi lại "thiến" không thương tiếc các phúc lợi của người nghèo, người già, người có cuộc sống "không giầu mà cũng không hẳn quá nghèo" tại Hoa Kỳ. Lấy tiền của người giầu thì Cộng Hòa không dám rồi, vậy thì chỉ còn cách "cứa cổ" đám khố rách áo ôm là chắc ăn nhất?

Hiện nay, đảng Cộng Hòa đang ra sức tố cáo đảng Dân Chủ trong 2 năm qua "chơi một mình". Nhưng trên thực tế, liệu chúng ta đã thấy đảng Cộng Hòa chơi chung với Dân Chủ trong suốt hai năm qua chưa? Bằng chứng là khi phe Dân Chủ đưa ra dự luật cải tổ y tế thì người Cộng Hòa chỉ đưa ra một lý do mơ hồ khiến họ từ chối ủng hộ, thậm chí không thảo luận hay chỉ thảo luận lấy lệ. Đó là: Obama tiêu nhiều tiền quá, di hại cho con cháu về sau. Nhưng có điều trớ trêu là khi Tổng Thống Bush "người hùng" của Cộng Hòa phải vội vã tập hợp cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa để lấy gần 900 tỷ tiền đóng thuế của dân ra cứu vãn hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, những hệ thống kinh doanh tư nhân do làm ăn bê bối mà suýt lọt xuống hố khánh tận, thì không thấy việc làm này di hại cho con cháu về sau và trước mắt là di hại cho người đóng thuế.

Sao vậy? Láo toét vừa thôi. Bush ngồi ở ghế Tổng Thống đến 8 năm mà cuối cùng để lại một cái gia tài nát bét. Và đúng như lời Tổng Thống Obama, trong 8 năm ông Bush đào cái hố quá sâu, nay muốn lấp nó thì cũng phải có thời gian thì mới công bằng chứ? Khi tranh cử, ông Cộng Hòa nào cũng dùng cái bài khích động lòng giận dữ của cử tri đối với tỷ lệ thất nghiệp cao, ông nào cũng hứa là sẽ khai sinh công việc nhưng không nói khai sinh theo cách nào, mở miện ra là hứa giảm thuế, lại có ông hứng chí hay bị áp lực của các công ty lớn còn đòi bỏ thuế lợi tức của các công ty nữa mới ghê chứ và nhất là đòi bỏ luật cải tổ y tế. Dĩ nhiên, khi ra tranh cử thì dù Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng không thiếu những ứng cử viên thuộc gia đình họ Hứa. Cứ hứa đi rồi hạ hồi phân giải. Một năm sau là cử tri quên hết, lo gì! Chẳng hạn như hầu hết cả ứng cử viên ra tranh cử kỳ này đều hứa sẽ khai sinh thêm công việc, nhưng nếu có ai cắc cở hỏi ông khai sinh bằng cách nào thì tịt ngòi hay có nói thì cũng linh tinh.

Họa có là thánh thì may ra mới có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp 9.6% của nước Mỹ xuống mức 5.6% trong vòng mấy tháng hay thậm chí 1 năm. Có một câu chuyện khá vui trong kỳ bầu cử này do nhiều hãng thông tấn và các cơ quan truyền thông thuật lại. Đó là chuyện về mấy ông thống đốc đắc cử. Công ty Yahoo thuật lại một tin do một hãng thông tấn loan tải nói rằng "Dù thắng lợi long trời lở đất, mấy thống đốc mới đắc cử vẫn phải đối phó với một vấn đề khó giải quyết, đó là vấn đề thâm thủng ngân sách của nhiều tiểu bang". Truyền thông Mỹ khuyến cáo rằng đây là một thực tế mà ông thống đốc nào, dù Dân Chủ hay Cộng Hòa đều muốn giấu nhẹm. Vì sao? Chỉ vì mấy ông ấy thừa hiểu rằng trong lúc tranh cử thì nói cho nó sướng miệng, đòi Obama phải giải quyết công ăn việc làm ngay, cáo buộc ông tổng thống của đảng Dân Chủ là 2 năm chưa làm được việc gì, nhưng khi nhìn lại cái kho bạc của tiểu bang mình, hầu hết mấy ông này đều xanh mặt.

Theo cơ quan Trung Tâm Ngân Sách & Những Ưu Tiên Chính Sách (CBPP) một tổ chức nghiên cứu có văn phòng tại thủ đô Washington, hiện nay các tiểu bang đang phải đối phó với trên $140 tỷ thâm thủng ngân sách. Đây là số thâm thủng mà nhiều tiểu bang đã cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, loại bỏ những hoang phí, gian lận và lạm dụng để cố gắng cân bằng ngân sách hay chỉ để cho mức thâm thủng ít thôi.

Thống Đốc Rick Perry (Cộng Hòa-Texas), một người vừa được bầu một nhiệm kỳ thứ ba đã phải thú nhận: "Tháng Giêng tới đây đè nặng trên vai chúng ta. Có lẽ chúng ta phải sẵn sàng thực hiện những quyết định nghiêm khắc". Thâm thủng ngân sách của Texas hiện nay vẫn còn năm trong con số $2.7 tỷ sau khi đã làm mọi cách để cắt giảm. Nếu phải có thêm những quyết định như ông Rick Perry nói chỉ còn là cắt phúc lợi cho người nghèo mà thôi.
Nicholas Johnson giám đốc trung tâm Fiscal Project co văn phòng tại Austin nhận định rằng, nhiều thống đốc đắc cử sẽ rất khó sửa chữa tình trạng thâm thủng ngân sách vì trong lúc vận động tranh cử đã "lỡ hứa giảm thuế", "giảm chi tiêu chính phủ" hoặc đã vội vã tuyên bố "một phần ngân sách tiểu bang đang an toàn". Chẳng hạn như Thống Đốc Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) một người Cộng Hòa được đảng Trà hỗ trợ đã "cam kết" trong lúc vận động rằng đồng thời cắt giảm chi tiêu tiểu bang xuống mức của năm 2004 và bỏ thuế lợi tức công ty trong khi tiểu bang Florida của ông ta vẫn còn thâm thủng $2.5 tỷ sau khi đã làm hết cách để cắt giảm chi tiêu rồi.

Tại Wisconsin, với thâm thủng ngân sách lên tới $2.7 tỷ, Thống đốc đắc cử của đảng Cộng Hòa Scott Walker cho biết ông phải gặp các chuyên viên ngân sách ngay lập tức và sẽ kêu gọi Quốc Hội tiểu bang họp phiên khẩn cấp để....cắt giảm thuế! Rõ ràng Scott Walker là một kiểu thống đốc chỉ thích làm phát ngôn viên cho các công ty lớn và coi quyền lợi của dân đen là con số không to lớn. Tỷ lệ thất nghiệp của tiểu bang Wisconsin vẫn còn là 9.7%, nhưng ông chỉ lo giảm thuế trước. Để làm gì thì Scott Walker không cần giải thích.

Từ câu chuyện buồn cười và bực mình này cho nên Todd Perry chủ tịch Liên Minh Những Người Trả Thuế Wisconsin (WTA) mới tìm cách diễu cợt Scott Walker như thế này: "Walker sẽ phải nhận ra rằng ông ta tìm cách làm tròn lời hứa khi tranh cử  và đang cố gắng nén chiếc hamburger 5 pounds vào chiếc hộp chỉ có khả năng chứa 3 pounds mà thôi".

Ray Scheppach, giám đốc điều hành Hiệp Hội Quốc Gia Các Thống Đốc (NGA) nhận xét về Walker như thế này: "Mọi biện pháp dễ dàng, vừa phải hay khó khăn đã được các tiểu bang làm rồi để giảm khoảng cách thâm hụt ngân sách.  Cho nên bây giờ, các viên chức tiểu bang nghĩ rằng họ phải thay đổi sâu xa hơn những gì mà chính phủ đã làm". Nếu như thế chỉ còn cách thu nhỏ số trường học lại, tăng cường sĩ số cho một lớp học, giảm nhân số ở nhà tù có nghĩa là kết án nhẹ đi, bán tài sản nhà nước và những biện pháp khác.

Nói tóm lại, trong bất kỳ một cuộc bầu cử nào cũng có những "con ma nhà họ Hứa" kể cả bầu cử ở Hoa Kỳ, nơi có không ít những ứng cử viên rất cao hứng và mơ hồ lúc vận động. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này, cử tri nghe phần đông những ứng cử viên đều hứa khai sinh thêm công việc, nhưng lại không hề nói làm thế nào để khai sinh?

Cho tới hôm nay, các hệ thống truyền thông Mỹ vẫn còn đang phân tích mổ xẻ xem vì sao mà đảng Dân Chủ thua. Có cơ quan cho rằng Dân Chủ thua vì thất nghiệp cao. Có cơ quan cho rằng Dân Chủ thua vì cử tri da trắng sợ tinh thần xã hội của ông tổng thống da đen đầu tiên ở Mỹ. Họ đều mang những phân tích viên thượng thặng nhất lên màn ảnh truyền hình để tìm cách lý giải. Cuối cùng ông nào cũng tránh nói tới một điểm "cấm kỵ". Đó là đảng Dân Chủ thua lần này cũng chỉ bởi những người Cộng Hòa bảo thủ được đôi giầy thúc ngựa của các công ty lớn đẩy tới để trả thù người làm cho họ thảm bại năm 2008 và đang làm mất quyền lợi của họ tại nước Mỹ và trên thế giới là Barack Obama. Lòng ganh ghét ấy được biểu lộ qua cả việc mới đây Mike Hackabee và Dân Biểu Michele Bachmann (Cộng Hòa-Minesota) tấn công Obama bằng những tin vô căn cứ về chuyến công du của ông tới Ấn Độ. Hackabee lên tiếng trên đài Fox News hôm Thứ Ba là chuyến thăm Ấn Độ của ông mỗi ngày tốn $200 triệu. Sau đó Dân Biểu Cộng Hòa Bachmann, nổi tiếng bảo thủ cực đoan nhắc lại tin này trên chương trình "Anderson Cooper 360" của CNN, Bachmann còn khơi khơi phịa thêm rằng Obama đem theo 2,000 người, thuê 870 phòng khác sạn 5 sao tại Taj Mahal Palace Hotel.

Trên Fox News, cái nhà ông "ba lém" Glenn Beck lại còn thêm vào mấy cái chân của con rắn mà ông vẽ ra, đó là Tổng Thống Obama đã đem theo chuyến đi của ông tới 34 chiến hạm đậu ngoài khơi Mumbai vì lý do an ninh. Cơ quan truyền thông Mỹ này căn cứ vào đâu để có thể loan báo tin tức kiểu này? Điều tra thì hóa ra Fox News tin vào ông Hackebee, người được coi là đối thủ của Tổng Thống Obama trong cuộc tranh cử tổng thống 2012 và Dân Biểu cực đoan Bachmann lại tin vào Hackebee. Thế là cứ loạn xà ngầu lên và cuối cùng CNN phanh phui ra là Hackeebe cũng như Bachmann lấy nguồn tin này từ một báo mạng ở Ấn Độ tên là Press Trust of India và tin này lại được cũng một báo mạng khác là Drudge Report thuật lại. Cả hai tờ báo mạng không trưng ta được bằng chứng là họ lấy tin này từ nguồn nào. Bộ Quốc Phòng Mỹ thì đính chính còn một vài cơ quan truyền thông của Mỹ khác thì nhận xét nhẹ nhàng vì vấn đề đạo đức nghề nghiệp, nhưng đưa ra một so sánh rằng ngay cả chiến tranh Afghanistan đi nữa, Hoa Kỳ cũng chỉ tiêu dưới $190 triệu một ngày để hàm ý về sự sai lạc ngớ ngẩn mà hai nhân vật chống Obama hăng hái nhất của đảng Cộng Hòa sử dụng  để "chơi" lại đối thủ.

Truyền thông Mỹ mà còn chơi trò bẩn và loan tin mà không phối kiểm, sai lạc như thế vào thời đại tin học này thì thử hỏi vào thời chiến tranh Việt Nam, phương tiên thông tin phối kiểm còn thô sơ thì họ còn vẽ thêm biết bao nhiêu chân nữa bất lợi cho VNCH vào con rắn họ tưởng tượng ra?
Hiện nay còn quá sớm để có thể luận đoán là cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có thể làm việc với nhau tại Quốc Hội hay không. Nhưng cứ theo chiều hướng đang diễn ra ở Washington, chúng ta có lý do để lo sợ cho tương lai của Hoa Kỳ và của chính chúng ta. (V.A)
.
.
.

No comments: