Friday, November 5, 2010

BẤT NGỜ VỚI ỨNG CỬ VIÊN GỐC VIỆT (RFA)

Việt Long, phóng viên RFA
2010-11-04

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã kết thúc. Tại quận Cam - California, kết quả bầu cử cho các ứng viên gốc Việt có nhiều bất ngờ.
Kết quả ấy ra sao, và nguyên do của những bất ngờ đó là gì?  Việt Long phỏng vấn nhà báo Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, một tờ báo có số phát hành cao nhất trong các báo Việt ngữ ở hải ngoại.

Tỉ lệ thất cử cao
Việt Long: Ông vui lòng tường trình sơ lược kết quả bầu cử đối với các ứng cử viên gốc Việt ở quận Cam trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Thiện Giao: Có tổng cộng 19 ứng cử viên gốc Việt, và 13 người thất cử, 6 người đắc cử, theo kết quả đếm phiếu sơ khởi. Điều quan trọng là hai chức vụ lớn, dân biểu liên bang hạt 47 và dân biểu tiểu bang California, thì cả hai ứng viên Việt Nam đều thua khá xa so với đối thủ của mình. Ở chức vụ thị trưởng thành phố Westminster, là thành phố thủ phủ của người Việt Nam lớn nhất tại hải ngoại, thì cũng không rơi vào tay người Việt, mà người được tái cử là bà Margie Rice, thị trưởng đương nhiệm.
Về các chức vụ nghị viên thành phố, thì Westminster là thành phố duy nhất trên nước Mỹ có ba nghị viên gốc Việt trên tổng số 5 nghị viên của Hội đồng thành phố. Nhưng cuộc bầu cử ngày hôm qua, đến giờ này, cho thấy là có thể chỉ còn tối đa là hai người gốc Việt trong tổng số 5 nghị viên.
Có một điều xin nhấn mạnh ở đây, là một người gốc Việt tuy chỉ đắc cử vào ghế nghị viên của một thành phố kế bên Westminster, là Fountain Valley, nhưng đây là lần đầu tiên sau 35 năm một người gốc Việt đắc cử ở nơi này, nơi láng giềng của thành phố mà chúng tôi đang làm việc.
Đây là một gợi ý khá thú vị theo nhận xét  của cánh nhà báo chúng tôi cũng như người Việt ở đây, là liệu giới chính trị người Việt có nên nhìn sang những thành phố khác, nơi số cư dân người Việt đang gia tăng, hay không?
Việt Long: Fountain Valley thì đó là Michael Võ...
Thiện Giao: Vâng. Anh nhắc tới Michael Võ, thì có hai người Việt tranh cử ở nơi này, là Michael Võ và Duy Nguyễn, thì anh Võ cho đến bây giờ đang đứng thứ ba, các phòng phiếu đã được đếm xong, còn một số phiếu khiếm diện chưa đếm. Nếu không có gì thay đổi kết quả vì số phiếu khiếm diện thì anh Michael Võ sẽ là người Việt Nam đầu tiên trở thành nghị viên của Fountain Valley.
Xin được nhắc thêm, ứng viên Michael Võ có một cái business trong thành phố Westminster gần nơi tòa báo chúng tôi đang làm việc, ông từng tuyên bố là khi đắc cử nghị viên ông sẽ hiến hết số tiền lương nghị viên của ông cho thành phố.
Việt Long: Còn một thành phố kế bên Westminster nữa, là Garden Grove, cũng có một người Việt Nam đắc cử Hội đồng thành phố là cô Dina Nguyễn...
Thiện Giao: Cô Dina Nguyễn đã tái đắc cử một cách dễ dàng vói số lượng phiếu 40%. Tôi nghĩ là vì số người Việt Nam sống ở Garden Grove rất đông. Mặc dù người ta sang Westminster làm việc, dân số người Việt nơi đó khá cao, Garden Grove có vẻ như là một căn cứ vững chắc cho người Việt Nam, vì người Việt Nam của thế hệ thứ nhì làm nghị viên đầu tiên ở đó là ông Trần Thái Văn. Từ chức vụ đó ông Văn đã đắc cử dân biểu tiểu bang địa hạt 68 của California. Những nhà dân cử Việt NamGarden Grove có vẻ như thường thắng cử hay tái cử khá dễ dàng, không phải ‘quảng cáo’ nhiều.
Việt Long: Trở lại Westminster thì tôi thấy ứng cử Hội đồng thành phố có hai ông Trí Tạ và Andy Quách...
Thiện Giao: Westminster hiện có ba nghị viên gốc Việt, ông Taylor Diệp Miên Trường, ông Andy Quách, và thứ ba là ông Trí Tạ. Kỳ này ông Diệp Miên Trường không phải tranh cử lại, vì nhiệm kỳ 4 năm, ông mới tại chức có hai năm thôi. Hai người phải tranh cử là hai ông Andy Quách và Trí Tạ.
Việt Long: Và chúng tôi thấy hiện giờ ông Trí Tạ, tức là Tạ Đức Trí, đã vượt lên qua cả bà Mỹ Penny Loomer, dẫn đầu bảng với 5,680 phiếu, bà Penny Loomer 5,152 phiếu trong khi nghị viên đương nhiệm Andy Quách chỉ kém bà ấy có 82 phiếu. Còn những phiếu khiếm diện nữa, thì cục diện sẽ ra sao? 
Thiện Giao: Một trong những khuynh hướng của cử tri người Việt Nam là bỏ phiếu khiếm diện khá nhiều. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng kết quả cuối cùng liên quan đến Tạ Đức Trí và Andy. Quách còn là một dấu hỏi.

Vấn đề hội nhập
Việt Long: Nói về phiếu khiếm diện và bầu tạm thì ban tham mưu của ông Trần Thái Văn nói là còn tới 25 ngàn phiếu khiếm diện và phiếu bầu tạm, như vậy hy vọng cho ông Trần
Thái Văn để lật ngược tình thế có lớn không?
Thiện Giao: Bài toán này có một số ẩn số. Thứ nhất, cách biệt giữa hai ứng viên là bao nhiêu? Số phiếu khiếm diện là bao nhiêu? Con số 25 ngàn phiếu khiếm diện là do văn phòng của ông Trần Thái Văn đưa ra, con số thực tế thì phải check với văn phòng tranh cử mới biết được chính xác, hiện nay chưa biết được. Xin nhắc lại là người Việt ở khu vực này có khuynh hứơng bầu khiếm diện khá nhiều. Những phiếu khiếm diện đến hôm qua vẫn gửi vào, người ta còn phải đếm lai rai qua tuần tới. Ẩn số thứ hai là sự cách biệt giữa Loretta Sanchez và Văn Trần hiện là bao nhiêu...
Việt Long: Số liệu chúng tôi có được là bà Sanchez hiện được 32,613, 50.9%, VAN TRAN 27,013 42.1%.  tức là chênh lệch phiếu 5 ngàn 600 phiếu, và gần 9%.
Thiện Giao: Vậy thì nếu số phiếu gửi vào nhiều hơn 5 ngàn phiếu và người ta bầu cho ông Văn Trần cũng nhiều hơn số chênh lệch hơn 5 ngàn phiếu, thì ông Văn mới lật được thế cờ.
Dĩ nhiên kết quả chính thức là phải cho đến khi số phiếu đó được đếm xong, hoặc là một bên concede, chấp nhận thua cuộc. Hiện giờ phía bà Sanchez chưa chính thức nói mình thắng cử, và phía ông Trân Thái Văn chưa chính thức nói mình thua cuộc, trong khi nhiều phiếu chưa đếm xong, thì chúng ta chưa có kết luận nào chính thức cho cuộc đua vào dân biểu liên bang địa hạt 47 cả. 
Việt Long: Cử tri người Việt tại quận Cam có khuynh hướng dồn phiếu cho người Việt không? 
Thiện Giao: Một câu hỏi hay. Trước đây người Việt thường nghe nói rằng người Việt Nam thì bỏ phiếu cho người Việt Nam. Nhưng trong cuộc bầu cử này lời phát biểu rằng người Việt Nam  bầu cho người Việt Nam lại là câu nói gây chia rẽ. Có người cho là chỉ có người Việt Nam phải bầu cho nhau vì chỉ có vậy mới lo cho nhau, trong khi những người khác, thậm chí là người Việt, cử tri người Việt Nam, lại không đồng ý với điều đó, bởi vì hãy nhìn vào những gì mà người dân cử làm cho mình trong quá khứ để thấy không phải chỉ người Việt mới làm được gì cho người Việt.
Đó là chưa kể có ý kiến rằng khi đang sống trong một môi trừong đa chủng tộc như tại Mỹ thì một ứng cử viên nên có khả năng thuyết phục được nhiều nhóm chủng tộc thay vì chỉ dựa trên nhóm chủng tộc của mình mà thôi. Câu hỏi của anh Việt Long là câu hỏi mà mấy hôm nay nhiều cử tri gốc Việt đang bàn với nhau, là vì sao người Việt Nam thua lớn đến như vậy.
19 người thì rớt hết 13, cả những chỗ quan trọng như dân biểu liên bang LouisianaCalifornia cũng đều rớt cả. Vậy câu hỏi đặt ra là người Việt có nên bầu cho người Việt hay không, hay cộng đồng Việt Nam  đang có vấn đề gì, hay chính những ứng cử viên gốc Việt không được người Việt Nam ủng hộ?
Vậy đâu là lối thoát, đâu là kênh cho người Việt Nam hội nhập vào dòng chính Hoa Kỳ. Đây là vấn đề rất đáng để người Việt chúng ta đem ra thảo luận.
Việt Long: Sau cùng anh có điều gì muốn nhắn gửi với thính giả của đài Á Châu Tự do về cuộc bầu cử tại Mỹ cùng với những cuộc bầu cử tại Việt Nam ?
Thiện Giao: Theo tôi, bây giờ không nói riêng về cụôc bầu cử ở địa phương này mà nói chung trên toàn quốc, thì điều “nhiệm màu” là khi người dân Mỹ muốn thay đổi, họ có thể thay đổi được.
Ta thấy cách đây hai năm Tổng thống Obama lên nắm quyền hành pháp. Bên lập pháp thì cả hai viện Quốc hội đều do đảng Dân chủ nắm giữ. Giới báo chí ví von rằng đó là chế độ độc đảng khi cả hành pháp lẫn lập pháp đều do một đảng nắm giữ. Sau đó với nền kinh tế như thế này cộng với nhiều khó khăn trong cuộc sống, người dân Mỹ thấy họ cần thay đổi.
Thay đổi như thế nào? Thay đổi để chắc chắn rằng chính quyền Mỹ phải được “checking balance”, nghĩa là các ngành (trong tam quyền phân lập) kiểm soát lẫn nhau. Cuộc vận động đó được tiến hành từ hai năm nay, càng ngày càng tăng cao trào lên cho đến ngày bầu cử, thực tế là người Mỹ đã thay đổi được. Đảng Cộng hoà chiếm được thế thựong phong kiểm soát được Hạ viện trong khi họ thu nhỏ được sự kiểm soát của đảng Dân chủ ở Thượng viện. Chính phủ Mỹ không còn là chính quyền độc đảng nắm cà hành pháp lẫn lập pháp được.
Điều quan trọng là khi dân Mỹ họ muốn thì họ có thể làm được sự thay đổi quyền kiểm soát của một đảng nào đó trên một nhánh công quyền nào đó. Thử nhìn lại Việt Nam, tôi cho rằng khó có thể thấy được điều đó trong một tương lại trước mắt cũng như tương lai dài tại Việt Nam, khi vẫn chỉ có một đảng nắm quyền.
Việt Long: Xin cám ơn nhà báo Thiện Giao.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: