Sunday, November 14, 2010

BÀ SUU KYI "SẴN SÀNG GẶP TƯỚNG LÃNH MIẾN ĐIỆN" (BBC)

BBC
Cập nhật: 16:08 GMT - chủ nhật, 14 tháng 11, 2010

Lãnh đạo ủng hộ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói với BBC bà sẵn sàng gặp giới lãnh đạo quân đội để giúp hướng tới việc hòa giải dân tộc.
Một ngày sau khi được thả do mãn hạn quản thúc tại gia, bà cho biết đã đến lúc phải "giải quyết các bất đồng qua đối thoại”.
Bà Suu Kyi cũng cho biết bà dự định sẽ lắng nghe xem người dân Miến Điện và các ủng hộ viên quốc tế muốn gì để bà lên kế hoạch cho các bước tiếp theo của mình.

Bà Suu Kyi đã chịu quản thúc tại gia hoặc tù giam trong 15 năm trên tổng số 21 năm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh việc trả tự do, trong khi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói bà Suu Kyi tạo nguồn "cảm hứng" và kêu gọi Miến Điện trả tự do cho toàn bộ 2200 tù nhân chính trị đang còn bị giam cầm.

Việc trả tự do cho bà Suu Kyi diễn ra sáu ngày sau khi Miến Điện tổ chức cuộc bầu cử lần đầu tiên trong vòng 20 năm, trong đó đảng phái được quân đội hậu thuẫn lớn nhất, Liên minh Đoàn kết và Phát triển Đảng (USDP), đã giành thắng lợi tuy bị chỉ trích là có gian lận bầu cử.
Đảng của Bà Suu Kyi, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) từng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử cuối năm 1990, nhưng đã không bao giờ được phép nắm quyền lực.
NLD bị giới quân đội giải tán sau khi tổ chức này quyết định tẩy chay cuộc bầu cử vào tuần trước.

'Không sợ’

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của bà kể từ khi được thả, bà Suu Kyi nói qua điện thoại với phóng viên Alastair Leithead của BBC ở Bangkok là một trong những điều đầu tiên bà phải làm là "lắng nghe người dân có gì để nói".
"Tôi muốn lắng nghe xem người dân muốn gì. Tôi muốn lắng nghe những quốc gia khác muốn gì, họ nghĩ họ có thể làm được những gì cho chúng tôi và để tìm ra điều gì đó có thể chấp nhận được cho càng nhiều người càng tốt," bà Suu Kyi nói thêm.

Khi được hỏi bà sẽ hình dung vai trò của bà trong tương lai ra sao, bà nói: "Tôi chỉ nghĩ tôi là một trong những người hoạt động vì dân chủ, có lẽ là người được biết đến nhiều hơn những người khác ở Miến Điện, nhưng chỉ là một trong số người hoạt động vì dân chủ."
Bà Suu Kyi nói rằng bà đã chuẩn bị để hội đàm trực diện với giới lãnh đạo Miến Điện, tướng Than Shwe, để thảo luận về nhu cầu của phe đối lập và để giúp khởi động một tiến trình hòa giải dân tộc.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải giải quyết các bất đồng qua trao đổi với nhau, đồng ý về thực trạng có bất đồng, hoặc tìm ra lý do tại sao chúng ta không đồng thuận và cố gắng loại bỏ nguồn gốc của sự bất đồng của chúng ta,"
bà nói.
"Có rất nhiều điều mà chúng ta sẽ phải trao đổi."

NLD hiện đang điều tra các cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử tuần trước, bà nói, và sẽ sớm công bố một báo cáo.
"Những gì tôi đã nghe được cho thấy có nhiều câu hỏi về sự công bằng của cuộc bầu cử và có nhiều cáo buộc về gian lận phiếu…"

Bà Suu Kyi nói rằng bà không sợ rủi ro bị quản thúc lại nếu tiếp tục thúc đẩy cho dân chủ, mặc dù bà chấp nhận rằng đó là một khả năng.
"Tôi không sợ, không phải là tôi nghĩ đến bản thân mình rằng tôi sẽ không làm điều này hay tôi sẽ không làm điều kia bởi vì họ sẽ lại quản thúc tôi. Tôi không có nghĩ về điều đó," bà giải thích.
"Tuy nhiên tôi biết rằng luôn có khả năng là tôi có thể lại bị quản thúc. Đó không phải điều mà tôi đặc biệt mong muốn, bởi vì nếu bạn bị quản thúc thì bạn không thể làm việc được nhiều như khi bạn không bị quản thúc. "

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng việc bà bị quản thúc là kể như đỡ hơn nhiều so với các tù nhân chính trị khác đang ở trong tù.

Bà Suu Kyi nói thêm rằng, trong thời gian bà bị quản thúc bà đã không bao giờ cảm thấy đơn độc, một phần nhờ có BBC giúp cho bà nắm bắt được thời cuộc với phần còn lại của thế giới.


---------------------------

Truyền Hình Việt Nam :
.
.
.

No comments: