Monday, November 22, 2010

15 BÁC TRONG BỘ CHÍNH TRỊ LÍU LƯỠI TRƯỚC EM GÁI 16 TUỔI (Bùi Tín)

Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Hai, 22 tháng 11 2010

Hầu hết những kiến nghị và góp ý với các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội XI đảng CS Việt Nam đều tập trung phê phán sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, còn chỉ rõ Bộ Chính trị khóa hiện tại phạm những sai lầm vượt quá các khóa trước, từ chống lãng phí tham ô, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường đến cải cách phúc lợi xã hội, cải cách y tế, đổi mới giáo dục…đều sa sút lớn. Từ vấn đề quan tâm đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đến cải thiện cuộc sống của người lao động; từ quan tâm đến phụ nữ nghèo khổ bị buôn bán qua biên giới, đưa đi lao động sang Nam Triều Tiên, Trung Đông… đến người dân các vùng lũ, lụt, Bộ Chính trị khóa hiện tại tỏ ra vô trách nhiệm, buông trôi, gần như bỏ mặc.

Các góp ý của cán bộ kỳ cựu, đảng viên lâu năm 30, 40 năm tuổi đảng đều chỉ rõ Bộ Chính trị khóa hiện tại là Bộ Chính trị của vụ Vinashin, của vụ bauxite trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, là Bộ Chính trị của các vụ tham nhũng quốc tế Securency, Nexus Technologies ở Úc và ở Mỹ vẫn bị che che dấu dấu, của vụ cưỡng dâm tập thể của các quan chức cộng sản đầu tỉnh Hà Giang vẫn bị bóp ngẹt một cách gian trá, của vụ án dựng lên vụng về về Luật sư Cù Huy Hà Vũ mua dâm chỉ nhằm trả thù và bịt mồm một trí thức ngay thật dám đứng thẳng dậy vì quyền sống tự do của nhân dân và dân tộc.

Bộ Chính trị bị tập trung chĩa mũi nhọn trong đấu tranh mấy tháng nay là có lý do, có cơ sở. Vì nói là đảng lãnh đạo nhưng thật ra gần 3 triệu đảng viên CS chỉ là một khối không hồn, không có tác dụng gì đối với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng; ngay cả Ban chấp hành trung ương gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết hầu hết phân tán ở các điạ phương và các ngành, mỗi năm họp 2 lần, cũng không có tác động gì nhiều đến các đường lối, chủ trương chính sách của đảng, tuy phần lớn mỗi vị đều ra sức tận dụng chức quyền để kiếm lợi, không ít còn tác yêu tác quái ở địa phương mình, như ở Hà Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cà Mau…

Theo cơ chế dân chủ tập trung - nghĩa là dân chủ bị cắt xén, bị đảo ngược,
Bộ Chính trị 15 người hiện nay mới thật là cơ quan lãnh đạo toàn quyền tối cao, có quyền lực vô hạn, tuyệt đối, theo nguyên tắc «chuyên chính vô sản» của Lenin là tự đặt trên luật pháp, ngoài luật pháp và hiến pháp, có quyền sinh quyền sát đối với mỗi một công dân mà không có một quyền lực nào khác kiềm chế, kiểm tra, cân bằng. Trong đảng CS, người ta gọi đó là nguyên tắc «sự lãnh đạo thường xuyên, liên tục và tuyệt đối của đảng».
Do đó việc Bộ Chính trị 15 người hiên tại bị tập trung phê phán, bị chất vấn, bị mổ xẻ ngay trong Quốc hội là lẽ đương nhiên. Do đó bài viết «Ủy viên Bộ Chính Trị: Ông là ai? “ của Blogger Nắng chang chang (dân làm báo) đã có gần một triệu người đọc và truyền bá rộng rãi chỉ trong vòng 3 tuần lễ.
Tác giả điểm mặt từng vị trong 15 vị để kết luận không một ai có tài năng gì xuất chúng, có trình độ hiểu biết gì sâu rộng, có đạo đức gì cao siêu vượt số đông, thậm chí tỏ ra kiến thức chỉ ở mức trung bình, hiểu biết thế giới nông cạn, đạo đức rất đáng nghi ngờ, khả năng ngoại ngữ giao tiếp thô kệch, mà sao lại có quyền hành kinh khủng đến thế.
Nhà báo này còn so sánh với các khóa Bộ Chính trị trước kia, và nhận ra 15 người hiện tại không ai có thành tích gì chống thực dân, giành độc lập, không hề bị tù đày, không có một chiến công hay thành tích gì nổi bật, trình độ viết lách, tranh luận chỉ sàn sàn bậc trung, Bộ Chính trị lại không do công dân hay Quốc hội bầu ra, vậy sao lại có quyền vô hạn đến thế?
Có chế độ nào lộn xộn, vô lý, phi pháp đến vậy.
Giữa lúc cư dân bloggers xôn xao với bài «Ủy viên Bộ Chính trị, ông là ai?» thì một bài viết khác, của một em gái mới 16 tuổi, em Nguyễn Đắc Hải Di – Joyce Anne Nguyen - hiện du học ở Oslo - Na Uy, với đầu đề là «Một bài viết không có tựa » cũng được truyền đi rất rộng trong và ngoài nước. Em sinh viên khoa học xã hội quan tâm đến tình hình chính trị của nước ta đã là chuyện hiếm, vậy mà những chính kiến của em khá là sắc sảo, không kém phần hồn nhiên, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Em Hải Di đặt ra những câu hỏi nóng bỏng, rất cần gửi đến 15 vị Bộ Chính trị lúc này, nguyên văn là:

«Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ hoàn toàn không quan tâm đến nhân dân? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không cho phép nhân dân biểu tình hoặc chỉ đơn giản là cất tiếng nói? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ gạt ngang không đếm xỉa đến bản kiến nghị phản đối 1 dự án gây tác hại trầm trọng đến môi trường, sự sống và cả an ninh lãnh thổ đất nước? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ chặn Blog, chặn Website? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi dân oan khiếu kiện, họ không bao giờ giải quyết? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không đầu tư công sức vào nền giáo dục, tiếp tục những trò cải cách chạy vòng quanh không cần thiết, bằng cách lấy kiến thức năm này đắp vào năm khác và quay vòng? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không giải quyết vấn đề tham nhũng trầm trọng và giải thích Việt Nam không phải là nước tham nhũng nhất thế giới và quốc gia nào cũng có? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không màng đến vấn đề giao thông, để hàng chục ngàn người chết mỗi năm, và phần lớn vì đường sá chật chội, đầy ‘lô cốt’, kém chất lượng và gây ra nhiều cái chết phi lý? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ xem nhân dân là con cái không được phép cãi lời và ‘hàng xóm’ không cần can thiệp? Họ là những người lãnh đạo như thế nào mà họ lên nắm quyền khi nhân dân không biết họ là ai để bàu cho họ? Họ là những người lãnh đạo như thế nào mà họ dù làm bất cứ điều gì, vẫn tiếp tục giữ cái ghế của mình? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ e ngại mọi sự so sánh và kết luận đó là vọng ngoại và phản quốc? Họ là những người lãnh đạo như thế nào khi họ không dám nhìn thẳng vào khuyết điểm và huyễn hoặc nhân dân rằng mọi đất nước có vấn đề riêng và đất nước ta đang ngày càng tiến bộ?»

Một em gái 16 tuổi - mới là công dân dự bị, dám đặt ra một loạt 13 câu hỏi tâm huyết, chứng tỏ rằng tình hình chính trị nước ta đang chuyển biến sâu và rộng đến mức nào.

Và cũng chứng minh giới phụ nữ ta đang thức tỉnh mạnh mẽ ra sao. Cô luật sư Công Nhân làm thơ chế riễu độc quyền đảng trị. Nhà văn Võ Thị Hảo hỏi tội kẻ nào đã tàn phá nền văn hóa nền nã của đất Kinh kỳ Thăng Long, chỉ đích danh thủ phạm là những kẻ cổ xúy đấu tranh giai cấp, tận diệt tư hữu, khinh thị tri thức, chà đạp luật pháp. Các blogger nữ Mẹ Nấm, Đoan Trang…lên án cường quyền độc đảng với giọng nói mềm mỏng mà lạt mềm buộc chặt, lý lẽ đâu ra đấy, pha nét châm biếm thú vị. Nữ nhi thời này thật nổi bật.

Em Hải Di có thể rồi sẽ là một nữ đại biểu của một quốc hội nhân dân trong tương lai. Vì quốc hội hiện nay 91% số đại biểu là đảng viên, là một cái hội của đảng, do đảng chọn, tuân theo lệnh của đảng, trên thực tế là cái hội riêng của Bộ Chính trị CS, của 15 người, không hề được nhân dân ủy nhiệm.
Gọi là Quốc hội là không đúng, là ăn gian.

Xin mời 15 vị chóp bu của đảng trả lời 13 câu hỏi nói trên của một công dân dự bị 16 tuổi. Hãy tưởng tượng một cuộc chất vấn công khai, một bên là 15 bác lãnh đạo cấp cao nhất và một bên là em sinh viên công dân dự bị 16 tuổi Hải Di.

Chúng ta sẽ chứng kiến cảnh 15 bác lãnh đạo ấp úng, loanh quanh, ngụy biện và…líu lưỡi trước một cháu gái 16 tuổi vừa e thẹn vừa tươi cười thoải mái tự tin cho mà xem.
.
.
.

No comments: