Sunday, November 8, 2009

VỤ TIỀN POLYMER : CỐ TÌNH hay VÔ Ý ?

Vụ tiền polymer:
Cố tình hay vô ý? (phần 1)
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-11-05
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/purposive-or-indeliberate-part1-TVan-11052009111426.html?searchterm=None
Tuần qua, vụ Securency – một công ty chuyên cung cấp nguyên liệu làm tiền polymer ở Úc đưa hối lộ khoản tiền lên tới 10 triệu Úc kim, để thắng thầu trong việc cung cấp tiền polymer cho Việt Nam - đang được hâm lại qua việc tờ The Age ở Úc vừa tiết lộ thêm một số thông tin mới.

Bái viết vinh danh ông Lương Ngọc Anh trên báo điện tử Đảng CSVN.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/purposive-or-indeliberate-part1-TVan-11052009111426.html/LuongNgocAnh-baodangCSVN-250.jpg

Trong nghi án liên quan đến vụ hối lộ mang tính chất quốc tế ấy, ngừời ta thấy có thêm ông Lương Ngọc Anh, nhân vật đứng đầu CFTD – một công ty được cho là của Bộ Công an Việt Nam.
Giữa Securency và những vụ tai tiếng có tính chất tương tự, đã từng xảy ra trong quá khứ có điểm gì đặc biệt?
Theo đó, không chỉ có ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dính líu đến vụ tai tiếng này.

Hối lộ in tiền polymer
Cách nay khoảng nửa năm, báo chí Úc bắt đầu nhắc đến Securency không phải như một doanh nghiệp Úc chuyên cung cấp vật liệu làm tiền polymer.
Securency trở thành đối tượng bị công luận Úc điều tra vì công ty có Quỹ Dự trữ Liên bang Úc góp 50% vốn này, liên quan đến các vụ đưa hối lộ để thắng những dự án in tiền polymer cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Lúc ấy, công luận Úc đã từng nêu ra hàng loạt nghi vấn về việc tại sao Securency lại trả hàng chục triệu đô la, dưới danh nghĩa “hoa hồng” cho Công ty Phát triển Công nghệ (gọi tắt là CFTD), một doanh nghiệp có nhiều công ty con và giám đốc một trong những công ty con ấy là ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Thúy chính là một trong những nhân vật góp phần quyết định việc thay tiền giấy bằng tiền polymer trên toàn Việt Nam vào năm 2007.

Hoa hồng hay Hối lộ?
Sau hàng loạt tin, bài trên báo chí Úc, cuối tháng sáu, cảnh sát liên bang Úc tuyên bố bắt đầu điều tra những cáo buộc cho rằng Securency đã đưa hối lộ.
Ở thời điểm đó, trả lời báo giới trong nước về việc Việt Nam sẽ hành động thế nào khi dư luận quốc tế như vậy, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra của chính phủ Việt Nam tuyên bố: “Khó xác định ranh giới giữa hoa hồng và tiền hối lộ”.
Tuyên bố này khác hẳn với nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, một luật sư Đức gốc Việt, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do:
“Về căn bản, tiền trả để được nhận hợp đồng thì không được đưa cho người có thẩm quyền và có trách nhiệm ký kết hợp đồng hoặc là liên quan đến việc ký kết hợp đồng. Người trực tiếp ký kết hợp đồng hay là người có thẩm quyền duyệt hợp đồng mà nhận khoản tiền đó, dưới bất cứ hình thức nào cũng là hối lộ.”
Sau một thoáng xôn xao, vụ Securency đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu in tiền polymer cho Việt Nam lắng xuống.
Đến khoảng giữa tháng 10, ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc CFTD, đột nhiên được báo điện tử của Đảng CSVN và báo An ninh Thủ Đô của Công an Hà Nội ca ngợi như một doanh nhân tiêu biểu cho sự thành đạt của doanh giới Việt Nam.
Qua hai bài viết ấy, người ta được biết, ông Lương Ngọc Anh khởi nghiệp bằng việc may gia công túi xách.
Sau 15 năm tham gia thương trường, CFTD hiện là doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao phục vụ lực lượng vũ trang và các ngành ngân hàng, tài chính, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 30 triệu đô la.
Trong cuộc trò chuyện với báo điện tử Đảng CSVN, ông Lương Ngọc Anh nhắn nhủ người đọc: “Cơ hội sẽ đến với những ai trung thực, không ngừng sáng tạo, biết đoàn kết, yêu thương và quyết tâm tiến về phía trước.”

Vai trò của ông Lương Ngọc Anh?
Chừng ba tuần sau, tờ The Age của Úc xới lại sự kiện Securency đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu in tiền polymer cho Việt Nam.
Lần này, ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhường vai trò nhân vật chính trong nghi án nhận hối lộ của Securency cho ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc CFTD.
The Age kể thêm rằng, ông Lương Ngọc Anh đã từng làm việc cho Securency và lý do chính khiến Securency tuyển dụng ông Lương Ngọc Anh là vì ông có quan hệ với rất nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam. The Age còn nhấn mạnh thông tin ông Lương Ngọc Anh và CFTD làm việc cho Bộ Công an Việt Nam.
Báo chí Úc cho biết, Securency đã chuyển cho ông Lương Ngọc Anh và CFTD 12 triệu đô la. Một phần của khoản tiền này đã được chuyển vào một số tài khoản tại Thụy Sỹ.
Cũng theo báo chí Úc, đây là vụ tai tiếng lớn nhất liên quan đến Ngân hàng Quốc gia Úc. Theo luật chống hối lộ của Úc, nếu doanh nghiệp Úc chuyển tiền cho các quan chức nước ngoài hoặc các tổ chức quyền lực trong các chính phủ để tìm kiếm lợi thế kinh doanh thì hành vi đó sẽ bị xem là phạm pháp.
Trong trường hợp cảnh sát Úc chứng minh được rằng, lãnh đạo của Securency biết rõ ông Lương Ngọc Anh làm việc cho chính phủ Việt Nam, họ có thể bị phạt 10 năm tù.
Còn Việt Nam, lần này Việt Nam phản ứng thế nào?
Phản ứng đầu tiên mà người ta ghi nhận được là sự kiện báo điện tử Đảng CSVN lột bài viết ca ngợi ông Lương Ngọc Anh và công ty CFTD ra khỏi website của họ.
Kế đó, trả lời báo điện tử VietNamNet, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra chính phủ, người chỉ đạo Cục Phòng chống Tham nhũng của chính phủ Việt Nam, tuyên bố:
“Tất cả những thông tin phía Úc đưa ra chỉ có tính chất tham khảo, khi tiếp nhận chúng ta phải xem xét đúng nguyên tắc. Thậm chí, có thể nước ngoài nói căn cứ đó là đủ, đó là phạm tội nhưng theo quy định pháp luật của Việt Nam, như vậy chưa chắc đã phạm tội vì chưa đủ chứng cứ.”
Ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra chính phủ thì xác nhận với tờ Sài Gòn Tiếp Thị rằng, Thanh tra Chính phủ đã từng tổ chức thanh tra Ngân hàng Nhà nước về vụ tiền polymer và đã chuyển ngành công an nhưng đang chờ kết qủa xác minh của ngành này.
Ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an Việt Nam thì bảo với tờ Khoa học và Đời sống rằng, chỉ mới có báo chí tiết lộ những thông tin liên quan đến vụ Securency – CFTD chứ cảnh sát Úc chưa yêu cầu hợp tác điều tra. Cũng vì vậy, Bộ Công an chỉ cử người theo dõi thông tin.
Tương tự, ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, cũng vừa thông báo, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định tương trợ Tư pháp với Úc. Riêng chuyện tiền polymer, Việt Nam sẽ phối hợp nếu Úc có yêu cầu.
Nếu Úc có yêu cầu, Việt Nam sẽ phối hợp? Muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, có lẽ cần nhìn lại những nghi án đưa – nhận hối lộ có đặc điểm tương tự. Trong phần sau của loạt bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp và tường trình để qúy vị tự tìm câu trả lời.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Vụ tiền polymer:
Cố tình hay vô ý?(Phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-11-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/purposive-or-indeliberate-part2-TVan-11062009105506.html
Trong bài trước, Trân Văn tổng hợp và tường trình về nghi án Securency (một doanh nghiệp Úc chuyên cung cấp vật liệu làm tiền polymer) từng trả cho CFTD (một công ty chuyên cung cấp hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao phục vụ lực lượng vũ trang và các ngành ngân hàng, tài chính tại Việt Nam) khoản tiền 12 triệu đô la để trở thành nhà thầu cung ứng tiền polymer cho Việt Nam.
Mới đây, khi được hỏi về nghi án này, nhiều quan chức lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, có trách nhiệm chống tham nhũng tại Việt Nam như: TổngThanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ trưởng Công an của Việt Nam, cùng cho rằng, phải chờ kết qủa điều tra chính thức từ phía Úc và sẵn sàng hợp tác nếu Úc có yêu cầu phối hợp...
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu, đó là chưa kể các tuyên bố cũng như cam kết hợp tác chống tham nhũng trên bình diện quốc tế. Còn thực tế thì sao?... Đó sẽ là nội dung bài này...

Hối lộ mới giao thầu là chuyện bình thường
Nhận tiền của các tập đoàn, công ty nước ngoài để giao cho họ làm nhà thầu, thực hiện dự án nào đó tại Việt Nam, yêu cầu chuyển những khoản hối lộ vào các tài khoản tại nước ngoài như trường hợp Securency – CFTD đã trở thành đặc điểm chung của khá nhiều vụ tai tiếng.
Tuy các vụ này khuấy động cả công luận quốc tế, lẫn dư luận Việt Nam song chúng chưa bao giờ được làm rõ. Xin điểm qua vài vụ tiêu biểu.
Đầu năm 2007, khi điều tra vụ tập đoàn Siemens đưa hối lộ để được trúng thầu, Viện công tố Munich của Đức phát giác, một công ty của tập đoàn Siemens tại Thụy Sĩ đã chuyển cho một nhân vật tên “Le Tan Cuong” khoảng 200.000 Euro, sau khi Siemens được Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam chọn làm nhà thầu, cung cấp thiết bị cho dự án kết nối 400 làng xã ở Việt Nam vào mạng điện thoại vô tuyến.
Từ cuộc điều tra có sự phối hợp quốc tế này, Viện Công tố của Thụy Sĩ phát giác có những dấu hiệu cho thấy, Siemens còn đưa hối lộ để thắng thầu trong hai dự án khác cũng của Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam.
Cũng vì vậy, Đức và Thụy Sĩ đã chính thức đề nghị “hỗ trợ tư pháp quốc tế về hình sự”. Người ta muốn biết “Le Tan Cuong” là ai, ông ta có phải viên chức chính quyền Việt Nam hay không (?).
Cuối năm 2007, trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, xác nhận, bộ này có một cán bộ tên Lê Tân Cương, từng đảm nhiệm vai trò Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất và Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch – Đầu tư, từng du học ở Đức. Tuy nhiên, ông Lê Tân Cương không liên quan đến “Le Tan Cuong” trong vụ Siemens đưa hối lộ. Ông Phúc khẳng định, đó chỉ là sự trùng tên. Nghi án Siemens – “Le Tan Cuong” chấm dứt.
Sau vụ Siemens, giữa năm 2008, báo chí Nhật loan báo các dữ kiện liên quan đến việc bốn nhân vật từng đảm nhận vai trò lãnh đạo tập đoàn PCI ở Nhật, sử dụng 820.000 đô la, hối lộ cho phía Việt Nam để được chọn làm nhà thầu, thực hiện ba gói thầu tư vấn cho một số dự án ở TP.HCM.
Trong suốt tiến trình điều tra – truy tố và xét xử, cả bốn bị cáo người Nhật cùng xác định, nhân vật nhận hối lộ để giúp họ trúng thầu tại Việt Nam là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây!
Giống như vụ Siemens trước đó và vụ Securency sau này, Việt Nam tuyên bố, thông tin, tài liệu do các cơ quan bảo vệ pháp luật nước ngoài cung cấp chưa đủ cơ sở để xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự.
Cho rằng Việt Nam thiếu thiện chí xử lý vụ tham nhũng này, cuối năm 2008, Nhật tuyên bố tạm ngưng viện trợ, cho đến khi Việt Nam có những hành động “nhiều ý nghĩa” để bài trừ tham nhũng trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn ODA. Điều này khiến nhiều dự án quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, được thực hiện bằng viện trợ của Nhật bị đình trệ.
Giữa tháng 2 năm 2009, ông Huỳnh Ngọc Sỹ mới bị khởi tố và tạm giam, đúng vào lúc Hoàng Thái tử Nhật thăm Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của ông Sỹ vì đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để bỏ túi 52 triệu đồng, từ tiền cho PCI thuê nhà.
Khoảng mười ngày sau khi ông Sỹ bị bắt, Nhật tuyên bồ viện trợ trở lại.
Cuối tháng 9 vừa qua, hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam đưa ông Sỹ ra xử, ở phiên xử sơ thẩm, ông Sỹ chỉ bị phạt ba năm tù nhờ có “nhân thân tốt”... Cứ cho rằng ông Sỹ chỉ bỏ túi 52 triệu đồng nhưng tại sao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 52 triệu đồng mà ông Sỹ không bị truy tố về hành vi tham ô?
Trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Bùi Quang Nghiêm, luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM, giải thích: Ranh giới giữa hai tội như hai vòng tròn giao nhau, có phần chung rất lớn. Cho nên nếu như người ta có cảm tình với bị can, bị cáo thì người ta dễ đẩy tội “đưa và nhận hối lộ” thành tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Người ta sử dụng điểm chung trong hai vòng tròn ấy.

Vì luật Việt Nam khác thiên hạ
Nếu đối chiếu phát biểu của những viên chức cao cấp, cũng như cách hành xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam trong vụ Siemens trước đây, vụ PCI vừa qua và vụ Securency hiện nay, có thể nhận ra rằng, chúng có một số điểm tương đồng. Theo đó, sở dĩ mọi thứ khác thông lệ là vì Việt Nam có một nền tư pháp độc lập. Nền tư pháp này vận hành theo các quy định pháp luật hiện hành của riêng Việt Nam.
Vậy các quy định pháp luật hiện hành của riêng Việt Nam, có phù hợp với những công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện, để cùng các quốc gia khác đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng trên toàn cầu?

Chẳng hạn như khi nào thì “quà biếu”, “hoa hồng” bị xem là tài sản do phạm tội tham ô mà có (?).
Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, một luật sư Đức gốc Việt nhận xét: Hối lộ và mua chuộc để mà nhận được hợp đồng chỉ là một phần, một trong những lĩnh vực nhỏ mà luật chống cạnh tranh không lành mạnh điều chỉnh. Tôi phải nhấn mạnh, phải nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại rằng, luật cạnh tranh của Việt Nam không điều chỉnh được những hành vi như vậy. Nước nào cũng có nhưng đặc biệt, riêng Việt Nam thì không có.

Vì sao không có? Chúng tôi đã liên lạc với ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra của Chính phủ Việt Nam, với hy vọng được ông giải đáp nhưng không thành công:
Trân Văn: Dạ phải ông Trần Văn Truyền không ạ?
Ông Trần Văn Truyền: Gì vậy?
Trân Văn: Thưa ông, tôi là Trân Văn ở Đài Á Châu Tự Do...
Ông Trần Văn Truyền: Có gì không anh ơi...
Trân Văn: Dạ tôi muốn hỏi thăm ông vài việc xoay quanh chuyện tiền polymer. Đến nay, sau những thông tin...
Ông Trần Văn Truyền: Không được đâu. Không trả lời trên điện thoại này được anh ơi...
Trân Văn: Dạ sao ạ...
Ông Trần Văn Truyền: Có việc gì thì anh liên hệ lại sau chứ làm gì mà tôi phải trả lời trên điện thoại với anh

Cuối năm 2003, tại Merinda - Mexico, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia ký thỏa thuận tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc. Một trong những điểm cốt lõi của công ước này là truy tìm quan chức tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, xoá bỏ tất cả những tài khoản ngân hàng bí mật và nạn rửa tiền.
Thế nhưng, bất kể sự thúc giục của cộng đồng quốc tế, sáu năm sau, Việt Nam mới phê chuẩn công ước này. Đáng lưu ý là khi phê chuẩn Công ước chống tham nhũng hồi tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã từ chối, không chấp nhận sự ràng buộc của cộng đồng quốc tế về việc hình sự hoá hành vi làm giàu bất hợp pháp. Nói cách khác, các hành vi tham nhũng, làm giàu bất hợp pháp sẽ chỉ bị điều chỉnh bởi luật pháp cũng như hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam.
Tháng 10 năm 2008, khi bàn về chuyện chống tham nhũng của hệ thống tư pháp Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội, bảo rằng: “Tình trạng khủng long bị biến thành thạch sùng khiến nhân dân hụt hẫng”.
Đúng một năm sau, khi Việt Nam sơ kết về công tác trong tham nhũng suốt mười tháng đã qua, người ta được nghe thêm khá nhiều những số liệu gây ấn tượng rất mạnh. Ví dụ, trong khi có tới 60% số người tham dự một cuộc khảo sát về tham nhũng do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cho rằng, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, phần lớn những người được hỏi cho biết, họ chưa cảm nhận sự tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng thì so tám tháng đầu năm nay với tám tháng đầu năm ngoái, số vụ tham nhũng bị ngành kiểm sát truy tố giảm khoảng 18% và số vụ tham nhũng bị Tòa án đưa ra xét xử giảm khoảng 20%.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

------------------------------

Công an sẽ cho điều tra cặn kẽ vụ PCI và vụ tiền polymer
Việt Nam sẽ xét xử vụ hối lộ in tiền polymer nếu Úc yêu cầu
Vụ hối lộ in tiền Polymer được chuyển cho công an điều tra
Những điều tra mới về vụ tiền Polymer
Quan chức chính phủ nhận hối lộ của nước ngoài sẽ bị xử lý
Úc chưa cung cấp tài liệu về vụ hối lộ hợp đồng tiền polymer
Úc “Điều Tra Toàn Diện” Vụ Tiền Polymer






No comments: