Monday, November 30, 2009

HỌC GIẢ QUỐC TẾ PHÊ PHÁN "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ" của TRUNG QUỐC

Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của Trung Quốc
Tác giả: Phương Loan

Bài đã được xuất bản.: 30/11/2009 09:00 GMT+7
http://www.tuanvietnam.net/2009-11-29-hoc-gia-quoc-te-phe-phan-duong-luoi-bo-cua-tq
Trong khi quan điểm của các học giả Trung Quốc đưa ra tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông được xem là "không có gì mới", "vẫn là luận điệu cũ đòi ôm trọn Biển Đông", thì các học giả quốc tế đều lên tiếng phê phán tuyên bố chủ quyền cũng như cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông.
VietNamNet ghi nhận ý kiến của các học giả quốc tế bên lề
Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Hà Nội tuần qua. Đáng tiếc, các học giả Trung Quốc tham gia hội thảo viện nhiều lí do đã từ chối trả lời phỏng vấn của báo giới Việt Nam.

Mập mờ, thiếu nghiêm túc

GS Mark J. Valencia (Mỹ):
Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền với Biển Đông rất mập mờ. Trung Quốc không làm rõ thực ra đường chữ U đó là gì. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay là gì khác, họ rất mập mờ: có thể thế, có thể không. Nó cũng giống như cách Mỹ trả lời việc có hay không chuyện Mỹ giúp Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc đại lục tấn công. Họ cứ để mập mờ, với cách giải thích mềm như vậy, để người khác phải đoán, còn họ thì cố gắng đạt lợi ích tối đa.

GS Ramses Amer (Thụy Điển):
Trong khi Việt Nam có tuyên bố rõ ràng về từng khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền, cơ sở cho từng tuyên bố đó, có định nghĩa pháp lý rõ ràng cho từng khái niệm trong tuyên bố của mình thì tuyên bố của Trung Quốc lại không rõ ràng: từ khu vực tuyên bố chủ quyền tới cơ sở cho tuyên bố của họ.
Có ý kiến nói rằng về mặt hồ sơ, tư liệu, Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn. Thực ra, chỉ có tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử mới có thể chuẩn bị tài liệu giấy tờ. Thềm lục địa thì không thể chỉ trên văn bản, mà là thực địa. Dù anh có tuyên bố bao nhiêu vùng biển thuộc chủ quyền của mình thì đó cũng chỉ là tuyên bố mà thôi.
Thế nhưng, thực tế, cũng giống như vấn đề biên giới trên bộ, cuối cùng, các bên phải có cách tiếp cận chung. Cuối cùng, đó là vấn đề của đàm phán, thảo luận.
Sẽ là bất khả thi để đi đến đàm phán nếu như Trung Quốc vẫn không làm rõ tuyên bố của mình.

Đường lưỡi bò không giá trị

GS Lokshin G. Mikhailovich (Nga)
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo trên Biển Đông. Họ muốn biến Biển Đông thành hồ của Trung Quốc. Điều đó là không thể chấp nhận được với bất kì nước nào.
Khi còn trẻ, là một phiên dịch, có dịp dịch cho đoàn quan chức Việt Nam tới thăm Liên Xô và có đề cập tới vấn đề Hoàng Sa. Chính sách của Trung Quốc lúc đó rất cứng rắn. Họ lấy lí do là qua nghiên cứu khảo cổ, họ đã phát hiện xương người Trung Quốc ở các đảo thuộc quần đảo này, và do đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Lãnh đạo Việt Nam khi đó đã đáp lời Trung Quốc, hãy tới khảo cổ ở gò Đống Đa và các khu vực xung quanh Hà Nội, họ sẽ tìm thấy nhiều xương của người Trung Quốc hơn nữa.
Rõ ràng, quan điểm của Trung Quốc là hết sức thiếu nghiêm túc, chỉ mang tính tuyên truyền hơn là dựa trên lôgic, và tính pháp lý.
Các nước đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông, thế nhưng tiến trình đã bị ngưng trệ, bởi Trung Quốc áp dụng chính sách 3 không: nói không với quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nói không với đối thoại đa phương, nói không với bất kì cơ quan thứ 3 nào can dự giải quyết vấn đề Biển Đông. Chính sách đối ngoại 3 không này khiến cho xung đột Biển Đông không có hướng giải quyết.
Điều này gây quan ngại cho nước Nga, bởi nhiều người nghĩ nước Nga xa Biển Đông, nằm ngoài khu vực tranh chấp này. Thực tế không phải như vậy. Nga có lợi ích và mối quan tâm ở Biển Đông, có sự kết nối với khu vực này và là thành viên của một khu vực lớn hơn: khu vực châu Á - TBD. Chúng tôi muốn một khu vực ổn định và hòa bình, đảm bảo tự do thông thương, vận tải và an ninh khu vực...

GS Ian Townsend-Gault (Canada):
Các nước không cần phải lo ngại về đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra gần như bao trọn Biển Đông, vì khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS), đường lưỡi bò đó trở nên không có giá trị vì theo Công ước, chủ quyền quốc gia được tính từ đường cơ sở ven biển vươn ra bao nhiêu hải lý đã được qui định rõ.
Hơn nữa đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ không được giới luật gia công nhận. UNCLOS là một văn bản luật quốc tế hiện đại. Một khi phê chuẩn có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ việc đòi chủ quyền trong đường lưỡi bò.

Nazery Khalid (Malaysia):
Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có cơ sở pháp lý và lịch sử yếu nhất trong số các nước đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Từ góc độ pháp lý, yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với bất kì quy định nào của UNCLOS.

"Nên từ bỏ tuyên bố đường ranh giới 9 đoạn"

Tướng Daniel Schaeffer (Pháp):
Năm 1947, cùng với việc chiếm đóng đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), lần đầu tiên đ]ường ranh giới trên biển đã xuất hiện trong bản đồ tư nhân, không phải là bản đồ chính thức của Trung Quốc. Bản đồ đó đã vẽ một đường gần như bao trọn Biển Đông. Lúc này đường không vẽ đứt khúc 9 đoạn mà vẽ liền.
Sau đó, vào những năm 1950, đường ranh giới này lại được chia tách thành 11 đoạn và thành đường ranh giới 9 đoạn từ thời Thủ tướng Chu Ân Lai nắm quyền, sau khi xóa bỏ 2 đoạn ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Điều quan trọng là, thậm chí ngay cả khi đường 9 đoạn này tiếp tục được in trong các bản đồ của Trung Quốc, và khi Trung Quốc luôn bảo vệ những gì mà nước này đã yêu sách chủ quyền với Biển Đông trong khu vực bao quanh bởi 9 đoạn này, cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kì một văn bản pháp lý chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực được khoanh bởi 9 đoạn này.
Chưa bao giờ được giải thích bởi bất kì một cơ quan, tổ chức nào một cách rõ ràng, chắc chắn, vì thế, bản đồ này hoàn toàn không hợp lệ.
Đường 9 đoạn của Trung Quốc là yếu tố then chốt đầu độc liên tục mối quan hệ liên khu vực xung quanh vùng biển này.
Cùng với việc đưa ra bản đồ này, Trung Quốc đã gây ra sự mơ hồ và lạc lối cho những nhà quan sát trong việc giải thích đúng đắn sự tồn tại của đường ranh giới này.
Để biện hộ cho sự đúng đắn của việc duy trì sự tồn tại của đường ranh giới 9 đoạn, Trung Quốc nói rằng đường này có khoảng cách đều giữa bờ biển của các nước liền kề và các đảo mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.
Bằng cách này, Trung Quốc đang đi ngược lại UNCLOS, khi Công ước quy định cơ chế xác định đường cơ sở này chỉ áp dụng với các quốc gia biển đảo, không phải với các đảo.
Cách thức Trung Quốc định nghĩa vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục, ở đại dương không phải cách ứng xử vì hòa bình và ổn định.
Có các luồng quan điểm khác nhau ở Trung Quốc giải thích cho đường ranh giới 9 đoạn này. Có quan điểm của cho rằng Biển Đông là vùng lãnh hải. Thực tế là đường 9 đoạn này đã được vẽ trước khi UNCLOS ra đời. Đó là một thực tế lịch sử. Lại có một số ý kiến cho rằng Biển Đông là vùng nước lịch sử của Trung Quốc.
Cả hai quan điểm này đều không chấp nhận được bởi vì theo như UNCLOS n của LHQ, không có cái được gọi là vùng nước lịch sử. Các vịnh lịch sử thì có, nhưng vùng nước lịch sử thì không.
Coi Biển Đông là vùng lãnh hải cũng không có ý nghĩa bởi lẽ khoảng cách từ bờ biển đến đường ranh giới Trung Quốc tuyên bố gấp nhiều lần khoảng cách cho phép được quy định bởi UNCLOS liên quan đến vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thậm chí là thềm lục địa.
Hơn nữa, tuyên bố này theo cách nào đó cũng đối lập với tuyên bố của Trung Quốc cho rằng tất cả các đảo thuộc lãnh thổ Trung Quốc và xem đường cơ sở mà nước này định nghĩa hoặc tưởng tượng xung quanh những đảo như là của một quốc gia biển đảo.
Đường 9 đoạn của Trung Quốc không tương thích với bất kỳ điểm nào của UNCLOS và do đó, không thể áp dụng theo Luật biển.
Hơn nữa, bằng việc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, Trung Quốc đã không đưa ra một bức tranh về sự nghiêm túc với toàn thế giới. Muốn nhận được sự tôn trọng và được lắng nghe từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tốt nhất nên từ bỏ đường ranh giới 9 đoạn của mình.
Quan điểm cũng đã được đưa ra bởi GS Zhao Lihai, ĐH Bắc Kinh, người mà sau thời gian bảo vệ cho đường ranh giới 9 đoạn đã nhận ra rằng việc bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông gây tác động ngược với điều mà Trung Quốc đang tìm kiếm: được lắng nghe để thu lợi lớn nhất.

Đơn phương

GS Stein Tonnesson (NaUy):
Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc xuất phát từ mục đích tốt: bảo tồn nguồn cá, đảm bảo nguồn cung cấp cá to lớn, lâu dài cho hàng triệu cư dân sống ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc lại thực hiện đơn phương.
Đáng ra, Trung Quốc nên cùng với các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... thảo luận và thiết lập một cơ chế cấm đánh bắt cá chung. Khi đó, quy định sẽ có hiệu quả thực tế hơn và cũng không làm căng thẳng tình hình Biển Đông.


Đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý

HOÀNG VIỆT
Chủ Nhật, 29/11/2009, 08:40 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=350268&ChannelID=3
TT - Mặc dù còn rất nhiều điều chưa kịp nói hoặc kịp tranh luận nhưng hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông đã diễn ra như một nỗ lực lớn của nước chủ nhà trong việc tìm kiếm những gợi ý cho một giải pháp đối với biển Đông từ các nhà khoa học uy tín trên thế giới.
Đây thật sự là một sự kiện quan trọng khi lật lại lịch sử tìm hiểu các cuộc thương lượng để giải quyết căng thẳng trong tranh chấp biển Đông những năm trước (sau này các bên cho ra đời Tuyên bố về các quy tắc ứng xử giữa các bên liên quan trong biển Đông năm 2002) đều được bắt đầu từ các cuộc hội thảo giống như hội thảo này.
Ngoài các tham luận được trình bày rất công phu, những trao đổi giữa các học giả cũng diễn ra hết sức sôi nổi và thú vị. Một trong những vấn đề trao đổi giữa các học giả là đường lưỡi bò (đường chữ U).
Trong tham luận của học giả Trung Quốc Ji Guoxing, mặc dù với chủ đề “Các vấn đề pháp lý biển và hợp tác an ninh trên biển Đông”, ông cũng nhắc tới đường chữ U và nhắc lại rằng vùng nước bên trong đường chữ U đó là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc và Trung Quốc có một “danh nghĩa lịch sử” đối với các đảo, đá trong vùng đó.
Tiếp sau đó, tham luận của đại diện VN là tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ) khẳng định rằng VN có đầy đủ bằng chứng cả về lịch sử lẫn pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông, còn Trung Quốc gần như không có lập luận pháp lý nào ngoài việc sử dụng sức mạnh.
Ha Djim Djalam, học giả Indonesia, nhắc lại rằng ngay từ một hội thảo năm 1994 về biển Đông, ông đã chất vấn các học giả Trung Quốc về quy chế pháp lý của đường lưỡi bò này là gì và ông vẫn chưa nhận được lời đáp từ các học giả Trung Quốc.
Sau đó, GS Li Jinming (học giả Trung Quốc) có trình bày rằng nhiều người hiểu sai về đường chữ U, chính quyền Trung Quốc chỉ yêu sách rằng các đảo, đá trong đường chữ U này là thuộc quyền Trung Quốc, coi đường này như một đường quy thuộc các đảo và hiện nay các học giả Trung Quốc vẫn chưa thống nhất được tính chất pháp lý của đường chữ U này như thế nào.
GS Yann Huei Song (một học giả Đài Loan nổi tiếng nghiên cứu về đường chữ U) cho rằng đường chữ U này thật ra không có cơ sở pháp lý nào cả, nó không phải là một lập luận phản ánh cơ sở pháp lý mà chỉ đơn thuần thể hiện ý chí chính trị của lãnh đạo Trung Quốc trong tham vọng muốn trở thành cường quốc.
GS Ramses Amer (Thụy Điển) cho rằng đường chữ U hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào trong luật pháp quốc tế, một đường mà hoàn toàn không ổn định, không có gì để xác định đường ấy một cách chính xác cả, chưa kể tới việc nó thay đổi từ 11 đoạn còn 9 đoạn thì thật là không chấp nhận được đối với một đường biên giới quốc tế.
Học giả của Philippines cho rằng yêu cầu của Trung Quốc đòi hỏi cho mỗi đảo thuộc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là không thể được, bởi vì tất cả các đảo này đều quá nhỏ, không đủ điều kiện cho con người sinh sống trên đó, nên không thể gọi là đảo theo quy định trong điều 121 Công ước luật biển năm 1982.
Học giả Nga Voronin cho rằng luận điểm tìm thấy các đồ vật khảo cổ trên một số đảo nào đó ở biển Đông, rồi từ đó khẳng định chủ quyền đối với các đảo đó là không khoa học một chút nào. Ông ví dụ nếu đào trong điện Kremlin ở Matxcơva lên thấy mấy khẩu thần công của quân đội Napoleon, để rồi từ đó khẳng định vùng đất đó thuộc chủ quyền của Pháp thì hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Tất cả học giả đều đồng ý với nhau một số điểm. Thứ nhất, vai trò của biển Đông đối với an ninh và sự phát triển của khu vực là rất lớn, vì vậy không nên để xảy ra tình trạng xung đột trên biển Đông, như vậy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thế giới. Thứ hai, biện pháp khả thi nhất cho giải quyết tranh chấp là hợp tác phát triển chung giữa các quốc gia liên quan, trong đó hợp tác về nhiều mặt từ khai thác tài nguyên biển đến chống cướp biển, chống ô nhiễm môi trường biển...
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đầu tiên trong việc hợp tác phát triển chung là phải xây dựng được lòng tin giữa các bên liên quan. Việc xây dựng lòng tin có thể khởi đầu thông qua các hội thảo khoa học diễn ra tại nhiều nước trong khu vực. Đây là điểm khởi đầu quan trọng để đưa ra ý tưởng cho việc giải quyết tranh chấp biển này. Thứ ba, ngoại trừ các học giả Trung Quốc, các nhà khoa học các nước đều phản đối và không chấp nhận yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc, bởi vì nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào cả.
HOÀNG VIỆT

Thạc sĩ Hoàng Việt (giảng viên Khoa luật, đại học Quốc gia TP.HCM) là một trong số các học giả VN vừa tham dự hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông.
Tham luận của ông có chủ đề “ASEAN với triển vọng giải quyết tranh chấp biển Đông” đã được trình bày tại phiên sáng 27-11.
Kết thúc hội thảo, ông có bài này gửi Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các học giả quốc tế về những điều vô lý trong yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông (đường lưỡi bò).


No comments: