Sunday, November 29, 2009

HY VỌNG ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN TRẺ CANH TÂN ĐẤT NƯỚC CHỈ LÀ ẢO VỌNG

Phan Châu Trinh và đảng viên trẻ của CSVN
Đỗ Thái Nhiên
29-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6944
Đấu tranh đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mỗi con dân Việt. Thế nhưng, do ngại gian khổ, hoặc do bị cuốn hút bởi những ăn chơi ầm ĩ dưới chế độ XHCNVN, một số người đã dửng dưng đứng bên lề cuộc đấu tranh kia. Họ thường tự biện hộ rằng: giới lãnh đạo CS gửi con cái đi du học tại các quốc gia Âu Mỹ ngày càng đông đảo. Học xong, quay trở về nước, đám con cháu CS sẽ canh tân quốc gia, Việt Nam sẽ từ từ dân chủ hóa. Do đó, “bất chiến tự nhiên thành”. Tại sao lại phải đấu tranh dân chủ cho Việt Nam? Đấu tranh như vậy làm tiêu hao nhân lực và tài lực của quốc gia một cách không cần thiết. Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng hàng ngũ du sinh CS, khi trở về nước, hiển nhiên là động cơ giúp đất nước cất cánh tiến bộ? Sau đây là câu trả lời.

Năm 2002, lấy lý do tiền giấy dễ bị giả mạo, ông Lê Đức Thúy, thống đốc ngân hàng trung ương CSVN quyết định dùng tiền polymer thay thế tiền giấy. Lê Đức Thúy chọn mua giấy polymer và mực in tiền tại công ty Banktech, công ty nhập cảng độc quyền, do con trai của Lê Đức Thúy là Lê Đức Minh làm giám đốc. Lê Đức Minh lại nhờ Lương Ngọc Anh làm trung gian để mua polymer và mực từ công ty Securency của Úc Đại Lợi. Như vậy, chủ mua là bố con Lê Đức Thúy. Chủ bán là Securency. Trung gian là Lương Ngọc Anh. Sở dĩ thủ tục mua bán chạy vòng vo như vừa kể là vì Lê Đức Thúy muốn tránh những hệ lụy hình sự có thể có do các gian trá chung quanh khoản tiền gọi là “hoa hồng”.

Thế rồi đúng như Lê Đức Thúy tiên liệu: Ngày 30/10/2009, từ Melbourne Úc Đại Lợi, tin tức cho biết: cơ quan an ninh Úc đang hướng cuộc điều tra vào ông Lương Ngọc Anh tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ tại Hà Nội về việc đút và nhận hối lộ trên mười triệu Úc Kim trong dịch vụ phát hành tiền polymer do Lê Đức Thúy quyết định.

Được biết, Lương Ngọc Anh, 47 tuổi, trước kia du học ở Úc, tốt nghiệp cử nhân đại học Monash University. Ra trường Lương Ngọc Anh làm việc tại một công ty ở Victoria, chuyên cung cấp trang thiết bị cho ngành an ninh. Về nước, Lương Ngọc Anh làm tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ, tên gọi tắt là CFTD. Công ty này chuyên cung cấp hàng hóa dịch vụ cho lực lượng công an, tình báo. Rõ ràng sau lưng Lương Ngọc Anh là bộ công an Hà Nội. Ngoài ra, CFTD còn buôn bán máy rút tiền ATM, tin học viễn thông cho ngân hàng và các cơ quan tài chánh…Chung quanh CFTD có nhiều công ty con khác, trong đó có công ty Banktech do Lê Đức Minh, con trai của Lê Đức Thúy làm giám đốc. Sơ yếu lý lịch của Lương Ngọc Anh cho thấy Lương Ngọc Anh vừa có lien hệ mật thiết với công an Việt Nam, vừa quen biết rộng rãi giới kinh doanh tại Úc. Đó là lý do giải thích tại sao cha con Lê Đức Thúy nhờ Lương Ngọc Anh làm trung gian trong việc mua polymer của Securency Úc.

Bây giờ hãy nói tới Lê Đức Thúy. Ông này giữ chức vụ thống đốc ngân hàng trung ương CSViệt Nam từ 12/1999 đến 07/2007. Năm 2005, bằng gian mưu hành chánh, Lê Đức Thúy biến môt công thự thành tài sản riêng. Sau đó, Lê Đức Thúy phải trả lại ngôi nhà này cho cơ quan công quyền nhưng vẫn được CSVN bồi thường một số tiền lên tới vài trăm ngàn Mỹ Kim. Do tai tiếng vụ chiếm công thự, tháng 07/2007 Lê Đức Thúy bị mất chức thống đốc ngân hàng. Thế nhưng, tháng 03/2008 Lê Đức Thúy lại được Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm vào chức vụ: Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chánh Quốc Gia. Nhờ vào lề thói phủ bênh phủ, huyện của CSVN, Lê Đức Thúy ngày nay vẫn là quan chức cao cấp của CSVN.

Trở lại với vụ Polymer. Chủ mua là Lê Đức Thúy, chủ bán là Securency. Đây là công ty 50% vốn của ngân hàng trung ương Úc. Công ty này chuyên cung cấp máy móc cùng sản phẩm phục vụ kỷ nghệ in tiền. Hoạt động của Securency cho thấy Securency trả tiền hoa hồng cho người môi giới từ 10% đến 20% tổng giá trị hàng hóa bán được. Trong khi hoa hồng bình thường chỉ từ 2% đến 6%. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào phân biệt giữa tiền hoa hồng và tiền hối lộ? Hình luật phổ quát trả lời rằng: “Tiền hoa hồng nếu được chuyển cho người ký hợp đồng, người phê duyệt hợp đồng, người có liên hệ tới việc ký kết hợp đồng thì tiền hoa hồng trở thành tiền hối lộ”. Mặt khác, một cách cụ thể hơn, bộ hình luật Úc minh thị ngăn cấm: “Công ty Úc không được phép trả tiền hoa hồng cho viên chức chính phủ ngoại quốc cùng với những công ty ngoại quốc đặt dưới quyền chỉ huy của chính phủ liên hệ.”

Cuộc điều tra của cảnh sát Úc cho biết: công ty Securency đã chuyển hơn 5 triệu Úc Kim đến các trương mục ở ngoại quốc có liên hệ tới Lương Ngọc Anh. Đồng thời công ty CFTD của Lương Ngọc Anh cũng đã nhận từ Securency nhiều triệu Úc Kim khác. Đây là trọng tâm cuộc điều tra của ngành tư pháp Úc.

Lương Ngọc Anh cung cấp tòan bộ trang thiết bị truyền thông và điện toán cho guồng máy công an, tình báo của Hà Nội. Lương Ngọc Anh không thể không là đảng viên đảng CSVN, nếu không muốn nói là công ty CFTD có nguồn vốn từ công an. Lương Ngọc Anh chỉ là kẻ đứng tên làm tổng giám đốc.

Căn cứ vào hình luật phổ quát cũng như hình luật Úc Đại Lợi, Lương Ngọc Anh nhận tiền hoa hồng từ Securency tức là Lương Ngọc Anh đã nhận hối lộ. Tuy nhiên Lương Ngọc Anh chỉ là vai phụ của một vỡ tuồng lớn. Vỡ tuồng lớn đó là: Lê Đức Thúy là chánh phạm tội hối lộ. Lê Đức Minh con trai của Lê Đức Thúy dùng công ty Banktech để làm bung xung giúp ông bố dấu mặt. Lương Ngọc Anh là cánh tay nhận tiền nhằm chuyển lại cho Lê Đức Thúy. Như vậy rõ ràng là “can phạm thống đốc” Lê Đức Thúy vừa dấu mặt vừa dấu tay trong vụ án hối lộ Polymer.

Bài viết này không nhằm truy cứu tội pham của Lê Đức Thúy mà chỉ muốn nhân vụ án Lê Đức Thúy hướng sự suy nghĩ về trường hợp phạm pháp của hai đảng viên trẻ Lương Ngọc Anh và Lê Đức Minh. Hai người này là tiêu biểu cho rất nhiều ngàn đảng viên trẻ khác của đảng CSVN. Họ là con cháu của giới lãnh đạo Hà Nội. Đa số đảng viên trẻ này được du học tại các quốc gia Âu Mỹ. Về nước, họ nắm giữ vai trò lãnh đạo chỉ huy tại hầu hết cơ quan kinh tế, hành chánh của CSVN. Thay vì dùng sở học của mình để canh tân quê hương, dân chủ hóa đất nước, thành phần đảng viên trẻ này lại chìm đắm trong tham ô thối nát ở mức độ trầm trọng nhất trong lịch sử tham ô của CHXHCNVN? Nguyên nhân của tệ trạng vừa kể nằm ở đâu? Tìm giải đáp cho câu hỏi này, chúng ta không thể không nghĩ tới tư tưởng của nhà yêu nuóc Phan Châu Trinh.

Một cách ngắn, gọn tư tưởng Phan Châu Trinh xin được trình bày như sau:

Con ngừơi, ai cũng cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Cụ Phan Châu Trinh gọi các nhu cầu vừa kể là dân sinh. Hậu Dân Sinh là mục tiêu mà cụ Phan nhắm tới. Hậu dân sinh là cuộc dân sinh phải được nâng cao. Hậu là trọng hậu, là hậu hĩ.

Muốn giải quyết nhu cầu dân sinh, mỗi người phải có khả năng tạo một nghề nghiệp riêng để sinh sống. Khả năng vừa kể chính là dân trí. Trong lãnh vực dân trí, cụ Phan Châu Trinh kêu gọi Khai Dân Trí.
Không có cá nhân nào không cần đến dân trí, dân sinh. Tuy nhiên, con người sống giữa mọi người. Con người là chi thể của xã hội. Không có sự tham dự của con người, xã hội không thể tồn tại. Vì vậy, đời sống chỉ thực sự ấm no và hạnh phúc, chừng nào mỗi người biết yêu thương gia đình, yêu thương láng giềng, yêu thương bạn bè, yêu thương cộng đồng dân tộc, yêu thương thế giới loài người. Những yêu thương kia gọi chung là đạo đức làm người, đã được cụ Phan Châu Trinh gói ghém trong hai chữ dân khí. Chấn Dân Khí là tinh hoa của tư tưởng Phan Châu Trinh. Chấn dân khí là quyết tâm củng cố và phát triển đạo đức làm người trong từng cá nhân. Chấn dân khí là giáo dục và tôi luyện mỗi thành viên của xã hội, không loại trừ thành viên nào, trở nên một người thương xuyên sống trên căn bản tôn trọng nhân bản, nhân tính, nhân chủ của mọi người và của chính mình.

Mang chuẩn mực “Chấn dân khí” của nhà tư tưởng Phan Châu Trinh soi rọi vào quá trình hấp thụ giáo dục của đảng viên đảng CSVN, nhất là đảng viên trẻ, chúng ta phải công bằng mà nhìn nhận rằng: Quả thực đảng viên CS có được giáo dục làm người, nhưng người ở đây là ông Hồ Chí Minh, một người nhiều tên, nhiều vợ ngoại hôn, nhiều ngày sanh, nhiều ngày tử, nhiều nợ máu đối với những người Việt yêu nước nhưng không chấp nhận CS. Nói chính xác hơn, ngày nào người CSVN còn hiểu chấn hưng dân khí theo kiểu người người học tập đạo đức Hồ Chí Minh, ngày đó hy vọng đảng viên trẻ của CSVN sẽ canh tân, sẽ dân chủ hóa đất nước hiển nhiên chỉ là ảo vọng.

------------------------------------------------

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.




No comments: