Thursday, November 12, 2009

TRUNG QUỐC CÁCH NỀN DÂN CHỦ BAO XA ?

Trung Quốc cách nền dân chủ bao xa ?
He Qinglian
Đăng ngày 12/11/2009 lúc 00:15:00 EST

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4314
Trung Quốc vẫn là ước mơ của nhà báo và là ác mộng của nhà thống kê, với nhiều bi kịch nhân loại và ít dữ kiện khả chứng trên từng dặm vuông hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. (John King Fairbank)

Trung Quốc đã thay đổi lớn lao trong một phần tư thế kỷ qua. Nhiều khách tham quan, bất kể dài ngắn ra sao, đều cho rằng họ hiểu được Trung Quốc. Một giáo sư chuyên về xã hội Trung Quốc, giảng dạy tại Đại học Chicago, đã từng bảo tôi, “Đến Trung Quốc, tôi bắt taxi đi thăm ngoại ô Thượng Hải. Vậy là tôi đã hiểu Trung Quốc chưa?” Không biết phải cười hay khóc khi nghĩ về chuyện một nhà khoa học xã hội dùng taxi để làm nghiên cứu thực địa.
Vô vàn ấn tượng Trung Quốc tạo ra có thể nhồi nhét vào tâm trí khách tham quan và biến họ giống như sáu người mù trong câu chuyện ngụ ngôn cổ, từng người sờ vào một bộ phận khác nhau của con voi rồi đưa ra những khẳng định sai lầm về con vật đứng trước mặt mình. Xã hội Trung Quốc đang trải qua một biến đổi chưa từng có, đấy là chuyện chẳng nghi ngờ gì, chỉ cần sống vài ngày tại một trong nhiều thành phố lớn của Trung Quốc là có thể chứng thực điều đó. Song bên trong tốc độ thay đổi chóng mặt này, có một thứ vẫn giữ nguyên: chính phủ tiếp tục vận dụng nhiều tài nguyên to lớn nhằm duy trì hệ thống cai trị độc đoán của mình.

Sự thay đổi và tính liên tục tại Trung Quốc
Trong nhiều biến đổi Trung Quốc trải qua những năm gần đây, lớn lao nhất là các thay đổi tác động lên nền kinh tế. Trước kia, chính phủ nỗ lực đoàn kết dân tộc bằng quyền sở hữu phương tiện sản xuất của mình; nhưng giờ đây, nhiều hình thức sở hữu được phép đồng thời tồn tại. Do quyền phân bổ tài nguyên vẫn nằm trong tay quan chức các cấp trong chính phủ, các thành viên thuộc thành phần ưu tú chính trị hưởng được lợi nhiều nhất từ những thay đổi này. Trong khi đó, hầu như chẳng có sự thay đổi nào trong hệ thống chính trị – một hệ thống độc tài độc đảng. Vào những năm gần đây, đã có thảo luận nào đó về “các tín hiệu cải tổ chính trị”, song đáng kể nhất vẫn là việc áp dụng vào hệ thống hành chính, không nhằm thay đổi cấu trúc quyền lực chính trị.
Cải cách hành chính chỉ bao gồm cách thức tổ chức quản lý nhà nước, trong khi cải cách chính trị đích thực sẽ thay đổi tận gốc quyền lực nhà nước, chẳng hạn, có thể bắt nguồn từ bầu cử dân chủ hoặc giao cho một chính thể độc đảng.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã chứng tỏ được bản lĩnh khéo léo trong việc thêu dệt gian dối, họ chưa bao giờ tuyên bố là đã thực thi dân chủ. Ngày 10/12/2003, trong cuộc nói chuyện tại Đại học Harvard, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trả lời một câu hỏi từ thính giả như sau, “điều kiện chưa chín muồi cho việc bầu cử trực tiếp quan chức cấp cao.” Rồi ông giải thích rằng trình độ giáo dục của hầu hết thường dân Trung Quốc vẫn còn thấp, họ chưa đủ khả năng bầu chọn lãnh đạo quốc gia. Xuyên suốt lịch sử đương đại, đây là cái cớ thường dùng nhằm chối bỏ việc thiết lập hệ thống chính trị dân chủ.
Tuy nhiên, lập luận này trở nên rỗng tuếch nếu quan sát ở nông thôn, nơi trình độ giáo dục quần chúng là thấp nhất nước, nhưng chính phủ vẫn thực thi bầu cử trực tiếp ủy ban xã, trong khi đó lại không muốn thể hiện sự linh hoạt như thế cho đô thị, nơi trình độ giáo dục người dân cao hơn rất nhiều. Điều này chứng tỏ lý do chính phủ từ chối mở rộng dân chủ không phải vì người dân Trung Quốc chưa sẵn sàng, mà là vì bản thân chính phủ chưa sẵn sàng từ bỏ quyền lực độc tài.
Truyền thống độc tài hiện nay của chính phủ Trung Quốc có thể lần ngược về chủ nghĩa độc tài ở thời kỳ Mao, và thời kỳ Mao lại theo chân nước Nga Xô Viết. Nhà triết học chính trị Hannah Arendt đã nhận diện khá chính xác nhiều đặc trưng chính của chủ nghĩa độc tài:
Khi lên nắm quyền ở bất cứ đâu, nó phát triển các định chế chính trị hoàn toàn mới đồng thời phá hủy mọi truyền thống xã hội, luật pháp, và chính trị quốc gia. Bất chấp truyền thống đặc trưng quốc gia hay cội nguồn tâm linh đặc biệt về ý thức hệ của nó, chính phủ toàn trị luôn biến đổi giai cấp thành quần chúng, hất cẳng hệ thống đảng, không phải bằng chế độ độc tài độc đảng, mà là bằng phong trào quần chúng, dịch chuyển trung tâm quyền lực từ quân đội sang công an, và công khai thiết lập chính sách nước ngoài hướng đến mục tiêu thống trị thế giới… không một loại hình luật pháp, luân lý, hay lương tri truyền thống nào còn có thể giúp chúng ta thừa nhận, hoặc phán xét, hoặc dự đoán đường hướng hoạt động của chúng.
Bản dịch tiếng Hoa về tác phẩm của Arendt chưa từng được xuất bản tại Trung Quốc. Mặt khác, học giả nào thừa nhận lập luận của chính phủ, cho rằng dân chủ sẽ thất bại đối với dân nghèo, sẽ luôn được nồng nhiệt chào đón ở Trung Quốc. Chẳng hạn, Giáo sư quá cố Tang Tsou tại Đại học Chicago (một công dân Hoa Kỳ sinh ra ở Trung Quốc) luôn luôn được đối đãi như một thượng khách tại Trung Quốc vì ông cho rằng độc tài có nền tảng lịch sử hữu lý ở Trung Quốc. Thái độ đồng tình và tán dương cuộc Cách mạng Văn hóa của ông khiến nhiều người Trung Quốc từng sống qua thời kỳ đó phải sửng sốt.
Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, rất có thể là bản hiến pháp lập dị nhất thế giới, được thông qua bởi Quốc hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, đã hợp pháp hóa quyền lực tối cao của Đảng trước người dân Trung Quốc. Đặc biệt nhất, nó cho phép Đảng sửa đổi bất kỳ khi nào hiến pháp không còn phù hợp nhu cầu chính trị của Đảng. Hiến pháp Trung Quốc còn là bản tốn kém nhiều thời gian nhất. Sau khi Nhật Bản trở thành nền quân chủ lập hiến vào thời Minh Trị Duy Tân năm 1889, triều đại phong kiến cuối cùng nhà Thanh đã xem đó là mô hình. “Hiến pháp Hòa bình” Nhật Bản sau Thế Chiến II kiên quyết đưa Nhật Bản trên con đường đi đến nền dân chủ hiện đại, song trong suốt thế kỷ qua, Trung Quốc từng soạn thảo nhiều “hiến pháp” nhưng chưa bao giờ xây nên một chính phủ lập hiến thật sự.
Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn duy trì tám “tổ chức dân chủ.” Đảng bao cấp mọi chi phí, lương bổng, phúc lợi, kể cả chi phí điều hành và xuất bản báo chí, thông qua ngân sách của Bộ Lao Động. Các tổ chức nhân sự của Đảng và Bộ Lao Động chịu trách nhiệm bổ nhiệm, xếp hạng, điều chuyển, và nâng bậc cho họ, vốn nhiều năm qua chỉ phục vụ như đồ trang sức cho “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” Trung Quốc. Họ tán thành và hoan nghênh mọi quyết định của Đảng Cộng sản cho dù có thô bạo đến đâu chăng nữa (gồm cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1989 và phong trào Pháp Luân Công năm 1999). Ngoài những tổ chức này ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc không công nhận bất kỳ tổ chức dân sự và phổ biến nào – thậm chí những nhóm nghiên cứu thuần túy – mà họ không kiểm soát được.
Lãnh đạo Trung Quốc vẫn dựa vào lực lượng vũ trang làm công cụ duy trì quyền lực cuối cùng. Mọi chuyển giao quyền lực chính trị từ lãnh đạo tối cao này sang lãnh đạo tối cao khác đều báo hiệu bằng hành động chuyển giao chức vụ chủ tịch Quân Uỷ, đó là lý do tại sao Đặng Tiểu Bình – mặc dù không nắm giữ vị trí lãnh đạo tối cao Trung Quốc chính thức – đã kiên quyết duy trì chức vụ chủ tịch Quân Uỷ này. Ngoài ra, kể từ giữa những năm 1990, lực lượng an ninh Bộ Công An đã bước ra can thiệp vào đời sống xã hội thường ngày. Vấn đề theo dõi các nhà bất đồng chính kiến và trí thức phê phán chính phủ kèm kiểm duyệt Internet đã trở thành một phần trách nhiệm thường ngày của Bộ và đơn vị trực thuộc. Mọi cấp chính quyền ngày càng ỷ vào lực lượng công an để dập tắt bất ổn xã hội, và công an ngày càng trở nên tùy tiện trong việc sử dụng vũ lực.
Ý thức hệ chủ đạo hiện nay đã thể hiện thời kỳ đứt đoạn hoàn toàn trong nền văn minh văn hóa Trung Quốc. Chưa có quốc gia nào khác trên thế giới từng trải qua thời kỳ trong đó chính những nhà lãnh đạo quốc gia lại chối bỏ hoàn toàn truyền thống dân tộc. Ngay cả thời Stalin, Đảng Cộng sản Liên Xô luôn bày tỏ niềm kính trọng và tự hào về các thành tựu văn hóa nước Nga kể từ thời Peter Đại Đế. Đảng Cộng sản Trung Quốc, mặt khác, “đã quét sạch tàn tích phong kiến đưa vào đống rác lịch sử”, chia rẽ người dân Trung Quốc khỏi cội rễ văn hóa và quê hương tâm linh của họ. Một trong những “thành quả chính trị” vĩ đại nhất của Đảng Cộng sản là đã thủ tiêu các tổ chức gia tộc truyền thống, thu gom tổ chức xã hội truyền thống ba bên bao gồm chính phủ, gia tộc, và cá nhân về tổ chức chỉ gồm nhà nước và cá nhân, loại bỏ mọi cộng đồng và tổ chức phi chính phủ.
Đối với người dân Trung Quốc, luồng đầu tư nước ngoài ổn định đổ vào Trung Quốc lại là một bi kịch trớ trêu vì nó đã tiếp sức mạnh mẽ cho chính quyền. Dân cư thành thị hưởng được lợi từ nghĩa cử hào phóng của nước ngoài, song 900 triệu người dân nông thôn đang phải vật lộn mới có thể tồn tại. Tính đến đầu năm 2003, khoảng 80 triệu nông dân đã bị mất đất. Theo số liệu thống kê chính thức, tỉ lệ tự tử tại nông thôn nhiều gấp ba lần thành thị, hàng năm thuốc độc đã được sử dụng trong 150.000 vụ tự tử thành công và 500.000 vụ thất bại trong nông dân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính của nạn tự tử ở nông thôn là do nghèo đói và lạm dụng quyền lực của quan chức chính quyền địa phương.
Không nơi nào tại Trung Quốc mà cuộc đấu tranh vì quyền dân sự và con người lại mạnh mẽ và bi kịch hơn ở nông thôn. Tính từ cuối những năm 1990, người ta đã ghi nhận khoảng 10.000 vụ phản kháng có tổ chức diễn ra hàng năm. Mọi cuộc phản kháng đều bị lực lượng vũ trang chính phủ dập tắt. Nông dân không còn lựa chọn nào khác là phải chịu đựng. Ngồi trên miệng núi lửa đang âm ỉ cháy, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ép buộc giới truyền thông lan truyền những lời giả dối, ca ngợi Trung Quốc “thanh bình thịnh vượng.”

Lan truyền giả dối ra khắp thế giới
Truyền thông Trung Quốc trưng bày đời sống tốt đẹp ở Trung Quốc qua những câu chuyện vui vẻ để rồi được các chi nhánh do nhà nước kiểm soát truyền bá ra nước ngoài cũng như trong nước. Bất kỳ khi nào phóng viên Âu Châu hoặc Hoa Kỳ đăng tải những bài viết phô bày mặt trái xã hội Trung Quốc, chắc chắn rằng giới học giả Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để đặt chính phủ vào vai tích cực hơn. Tại một hội nghị do Viện Đông Á thuộc Đại học Columbia tổ chức vào đầu tháng 12/2002, giáo sư Shi Tianjian, một nhà khoa học chính trị ở Đại học Duke, trình bày kết quả điều tra thống kê cho thấy “đa số đông đảo” người dân Trung Quốc “hài lòng hoặc rất hài lòng” với chính phủ và tình trạng hiện nay. Đáp lại thái độ hoài nghi của thính giả, ông khá mãn nguyện tuyên bố, “Thậm chí quan chức chính phủ Trung Quốc còn bảo tôi rằng mức độ thỏa mãn về những cải cách phát hiện trong điều tra của tôi đã cao hơn một vài phần trăm so với điều tra của chính họ. Tôi cam đoan với các quan chức này rằng điều tra của tôi đã sử dụng phương pháp khoa học và chẳng có gì không tin cậy về những phát hiện của tôi cả.” Nhằm đáp lại khẳng định của Shi Tianjian, tôi trích dẫn hai qui định do chính phủ Trung Quốc ban hành từ năm 2000 ngăn cấm viện nghiên cứu nước ngoài thực hiện nghiên cứu độc lập tại Trung Quốc, và chỉ ra rằng mọi số liệu có được dưới sự giám sát của Bộ Công An đều không tin cậy. Nhưng đã không cản được Shi Tianjian sau đó công bố một bài về chủ đề này bằng tiếng Anh, và khẳng định của ông chắc chắn sẽ được lưu truyền mãi mãi do các công trình nghiên cứu khác trích dẫn.
Nhiệm vụ chính của đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc trên toàn thế giới không nhằm hỗ trợ khách du lịch Trung Quốc và Hoa kiều, vốn thường xuyên bị nhân viên sứ quán ngoảnh mặt làm ngơ, mà là thực hiện “công tác mặt trận thống nhất” để nâng cao hình ảnh chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài. Nhờ chính phủ tài trợ và nhờ nỗ lực của “mặt trận thống nhất”, nhiều cơ quan truyền thông tiếng Hoa hải ngoại đã tuân thủ chủ trương, khiến kiểu đưa tin về Trung Quốc của họ ngày càng lạc lõng với cách đưa tin của truyền thông chính thống phương Tây. Tháng 11/2001, Quỹ Jamestown công bố một nghiên cứu điều tra với tựa “Chính phủ Trung Quốc cố gắng kiểm soát truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ ra sao”, kết luận rằng chính phủ đã chi những khoản tiền khổng lồ nhằm thâm nhập vào giới truyền thông tiếng Hoa tại Hoa Kỳ. Chiến lược chủ yếu của chính quyền là kiểm soát được mối quan tâm trong giới truyền thông người Hoa hải ngoại, cho phép họ dùng chính nhân sự của họ vào các vị trí chủ chốt và hỗ trợ các công ty này phát triển hợp tác kinh doanh có lời tại Trung Quốc. Nhiều tổ chức truyền thông tiếng Hoa đã bị mua lại hoặc đơn giản là họ không muốn làm chính phủ Trung Quốc phật lòng. Ngay cả ngôn ngữ họ sử dụng ngày càng giống với lối nói nước đôi của chính phủ Trung Quốc.
Thỉnh thoảng khi nào truyền thông Trung Quốc hải ngoại đăng bài chỉ trích, họ chỉ tập trung vào những vấn đề bên lề và quan chức cấp thấp, chỉ đề cập đến quan chức cấp cao sau khi họ đã bị bắt giam hoặc bị các cơ quan truyền thông khác phát hiện. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc hải ngoại luôn hỗ trợ chính phủ đại lục trên những vấn đề lớn; mọi chỉ trích nhỏ họ đưa ra đều nhằm tạo ấn tượng công bằng và khách quan. Chính sách cơ hội của chính phủ đối với thế giới bên ngoài thậm chí còn tự biểu hiện trong các vấn đề nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn, ở Trung Hoa đại lục, nghiên cứu về thanh niên trí thức được phái đến làm việc tại nông thôn đều bị nghiêm cấm hoàn toàn, song chính phủ lại cho phép lãnh sự quán ở Los Angeles tổ chức sự kiện “Câu lạc bộ Thanh niên Trí thức Xã hội” hàng năm. Trong mọi nỗ lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, chính phủ đặc biệt tự hào sự kiện tháng 12/2003, Giải thưởng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trao cho con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Phổ Phong vì những đóng góp cho Liên đoàn Người Khuyết tật Trung Quốc. Ngoài việc xí xóa mọi trách nhiệm gián tiếp mà con cái của Đặng có thể phải gánh chịu trong vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn, liên đoàn này còn là cơ sở để con cháu họ Đặng làm giàu cá nhân một cách phi pháp.

Trung Quốc cách nền dân chủ bao xa?
Nhiều tổ chức và cá nhân Trung Quốc đã can đảm tiến hành đấu tranh không ngừng vì dân chủ trong hơn nửa thế kỷ qua, nhưng đến nay mục tiêu vẫn chưa đạt được. Song tôi vẫn vững tin rằng cuối cùng thì toàn cầu hóa cùng những tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông sẽ đem lại nền dân chủ cho Trung Quốc. Bao lâu nữa thì còn tùy thuộc vào nước cờ của chính phủ và phong trào dân chủ đang chơi hiện nay. Yếu tố then chốt sẽ là liệu báo chí và truyền hình Trung Quốc có thể giành được tự do hay không; chân lý đơn giản là dân chủ sẽ chẳng bao giờ có được trong một đất nước mà ở đó mọi tin tức đều bị kiểm duyệt.
Tại các quốc gia dân chủ, truyền thông đóng vai trò đầu đàn trong quá trình chuyển đổi xã hội cũng như là kênh quan trọng của công luận. Song ở Trung Quốc, chính sách ngu dân của chính phủ lại đe dọa nó. Bằng cách “chỉ đưa tin tốt, không đưa tin xấu”, truyền thông Trung Quốc đã kìm giữ chính phủ trong đêm tối. Sau cùng, hành động kiểm duyệt tin tức còn ngăn cản việc truyền thông tin lên cấp lãnh đạo cao hơn, không cho họ biết điều gì đang thật sự diễn ra bên ngoài xã hội. Quyết sách hiệu quả trở nên vô vọng trong điều kiện này. Thái độ xã hội tại Trung Quốc đã thay đổi lớn lao trong vòng 25 năm qua. Truyền thông liên thế hệ trở nên vô cùng khó khăn. Thành viên trẻ nhất trong tầng lớp lãnh đạo tối cao Trung Quốc đang ở độ tuổi sáu mươi. Ngay cả ở các quốc gia thông tin không bị kiểm duyệt dưới mọi hình thức, tốc độ thay đổi xã hội nhanh chóng có xu hướng tách rời thế hệ lớn tuổi ra khỏi những gì diễn ra quanh họ. Một khi thông tin bị kiểm duyệt và kiểm soát, truyền thông giữa các thế hệ thậm chí còn khó khăn hơn. Thật không thể tưởng tượng nổi là một nhóm người lớn tuổi tự mãn và thủ cựu lại có thể lãnh đạo được một quốc gia rộng lớn với 1,3 tỉ dân.
Hình ảnh phồn vinh được truyền thông bị kiểm duyệt trình chiếu có thể đánh lừa được thế giới bên ngoài, nhưng không thể lừa dối được nhân dân Trung Quốc mãi mãi. Năm 1912, sau khi lật đổ triều đại nhà Thanh, Viên Thế Khải trở thành chủ tịch đầu tiên của nước cộng hòa. Khi ông mưu toan tự mình lên ngôi hoàng đế và thiết lập một triều đại mới vài năm sau đó, làn sóng phản kháng nổi lên trên toàn Trung Quốc. Con trai cả của Viên Thế Khải là Viên Khắc Định muốn kế thừa ngai vàng nên làm mọi cách ngăn cản không cho cha nghe được những lời chỉ trích. Để tâng bốc cha bằng những hư danh, phục vụ cho mưu đồ vương quyền của mình, ông ta thậm chí còn tạo ra một bản Thuận Thiên Thời Báo (Bắc Kinh Thời Báo) giả mạo in riêng cho cha. Chẳng một ai ngoài Viên Thế Khải bị lừa. Chưa đầy ba tháng sau, sự nghiệp chính trị của Viên kết thúc. Ngày nay, hành động kiểm soát truyền thông của chính phủ Trung Quốc đang là một bản Bắc Kinh Thời Báo giả mạo của Viên Khắc Định: cùng lắm thì đó chỉ là hành vi tự lừa dối nhằm trấn an chính mình.
Hơn hết mọi sự, hành động kiểm soát truyền thông của chính phủ cho thấy trạng thái bất an của chính nó. Tôi hiện nay đang sống tại Hoa Kỳ, một quốc gia ở đó người dân được tự do bày tỏ ý kiến. Boston, San Francisco, Chicago, và nhiều thành phố Hoa Kỳ khác có các hiệu sách gắn bảng hiệu “Nhà Sách Cách Mạng” hoặc “Sách Đỏ” chuyên về những công trình của Marx, Engels, Lenin, Stalin, cùng Mao Trạch Đông, và các nhóm cánh tả hết sức tích cực tham gia chỉ trích chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Song Chính phủ Hoa Kỳ không hề cấm đoán những hoạt động của họ hoặc tước đoạt quyền tự do thảo luận, xuất bản, hoặc phổ biến học thuyết, bởi vì Hoa Kỳ tin rằng một “chính phủ do dân” phải yêu cầu người dân mạnh dạn đương đầu và phản bác lại những lập lập trong hệ thống chính phủ của họ. Có sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội Hoa Kỳ cho rằng không được hạn chế quyền tự do ngôn luận của quần chúng, vì làm như vậy sẽ phá hủy các nền tảng của một chính phủ do dân.
Khi tôi còn là học giả thỉnh giảng tại Đại học Chicago, một thành viên thuộc nhóm chính trị cực đoan mang tên “Spartacus” đã đến gặp tôi để thảo luận về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Vị này phàn nàn rằng tầng lớp nhân dân lao động Hoa Kỳ thiếu tinh thần cách mạng vì họ được sống trong điều kiện quá sung túc. Tôi bảo ông: “Khi nào công nhân và nông dân Trung Quốc đã đủ ăn, cách mạng sẽ là thứ chót cùng trong tâm trí họ. Đang phải chịu nhiều đau khổ dưới hệ thống xã hội chủ nghĩa mà bạn ước ao, khát vọng lớn lao nhất của người dân Trung Quốc là được sống trong hệ thống tư bản chủ nghĩa mà những người cánh tả như bạn vô cùng căm ghét. Nếu bạn và các đồng chí của bạn được sống ở Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, hàng ngày những lời kêu gọi lật đổ chính phủ của các bạn đã đưa các bạn vào nhà giam từ lâu, nhưng hệ thống tư bản chủ nghĩa đảm bảo cho bạn quyền tức giận chống đối nó mà không sợ bị bỏ tù. Tôi đề nghị bạn nghiêm túc xét xem hệ thống nào tốt hơn.”
Vấn đề Hoa Kỳ cho phép nhiều hoạt động chính trị cấp tiến khác nhau là một trong những sức mạnh lôi kéo người dân đứng về phía họ, đó cũng là một trong các lý do chính giải thích tại sao Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Chính phủ Trung Quốc học được các phương pháp kiểm duyệt từ Liên Xô cũ, nơi đó cánh tay KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) ở khắp mọi nơi. Điện thoại của bất kỳ ai đều có thể bị nghe lén hoặc thư tín bị mở vào bất cứ lúc nào, KGB đã vi phạm những quyền căn bản nhất vì lý do “an ninh quốc gia” và “lợi ích quốc gia.” Trong tiểu thuyết chính trị Tầng đầu địa ngục, Alexander Solzhenitsyn mô tả hành vi khiêu khích bạo động một cách tùy tiện trong quần chúng của KGB và nhiều lời dối trá người dân bị buộc phải nói dưới chế độ Xô Viết. Lãnh đạo Xô Viết tin rằng hành động theo dõi, đàn áp, bạo động, và đe dọa sẽ đảm bảo được tính liên tục chính trị vô hạn. Song cuối cùng, đế chế Xô Viết một thời hùng mạnh đã biến mất trong cát bụi lịch sử, và Đảng Cộng sản Xô Viết đã trở nên đồng nghĩa với các nhà độc tài vô thừa nhận. Theo chân những nhà Cộng sản Xô Viết, chính quyền Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn có thể chia sẻ số phận tương tự.

He Qinglian (Hà Thanh Liên)

Nguồn:
He Qinglian,
The Fog of Censorship – Media Control in China.
HRIC: New York, 2008. Chương kết, trang 210-217. (Paul Frank dịch sang tiếng Anh).

BVN dịch đăng trên web Bauxite Việt Nam, ngày 10/11/2009


No comments: