Thursday, November 12, 2009

TÔI MONG MỌI SỰ DIỄN RA TỐT ĐẸP HƠN

Tôi mong mọi sự diễn ra tốt đẹp hơn
Adam Michnik
Nguyên Trường dịch

13/11/2009 3:06 sáng
http://www.talawas.org/?p=13134
Lời người dịch: Nhân kỉ niệm hai mươi năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, khắp nơi người ta đều nhìn lại và rút ra những bài học về sự kiện này. Theo thiển ý, màu hồng có lẽ là gam màu chủ đạo trên bức tranh chung. Vì thế mà bài báo của Adam Michnik, một trong những yếu nhân của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, trên tờ
Gardian ra ngày 9 tháng 11 rất đáng được đọc và suy ngẫm. Đầu đề do người dịch đặt.

-----------------------

Tôi thuộc thế hệ những người thích mang những lời của Pyotr Chaadaev, một nhà văn Nga thế kỉ XIX, ra nhắc nhở nhau: “Tôi không được dạy phải yêu nước một cách mù quáng, miệng mím chặt và đầu cúi gằm. Tôi tin rằng con người chỉ hữu ích đối với đất nước khi người đó có thể nhìn đất nước một cách rõ ràng”.
Đấy là những điều chúng tôi thường tự nhủ khi cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài ở Ba Lan có vẻ như là vô vọng. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không sống đến ngày nó cáo chung, nhưng chúng tôi nhất định không chịu nhắm mắt và ngậm miệng. Chúng tôi tiếp tục phản đối, bằng hành động của các nhà văn và các nhà trí thức; bằng hành động của các sinh viên; bằng những cuộc bãi công của công nhân và những cuộc biểu tình trong các lễ hội tôn giáo và bằng cách thành lập những tổ chức đối lập đầu tiên. Người ta gọi chúng tôi là bọn gây rối và lũ lưu manh. Nhưng sau này mới biết, hoá ra chúng tôi đã làm những điều đúng đắn.
Uỷ ban Bảo vệ Công nhân được thành lập vào năm 1976 – sau làn sóng phản đối của công nhân – mới đầu chỉ có mấy trăm người, rải rác trên khắp nước Ba Lan. Tháng 8 năm 1980, sau những cuộc bãi công vĩ đại ở Baltic và Silesia, Uỷ ban trở thành Công đoàn Đoàn kết, một phong trào có mấy triệu thành viên thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, một phong trào quốc gia thúc đẩy cho việc hình thành một nước Ba Lan độc lập, tự do và công bằng. Phong trào đã phải rút vào bí mật, nhưng không bị tiêu diệt. Công đoàn Đoàn kết đã sống lâu hơn chế độ độc tài, và đến năm 1989 thì trở thành đối tác công khai trong chính quyền mới.
Bức tường Berlin bắt đầu lung lay ở Ba Lan. Đầu năm 1989, nhân dân Ba Lan, nhân dân Tiệp Khắc, nhân dân Romania, nhân dân Hungaria, nhân dân Litva, Latvia, Estonia, Ukraine – và chính nhân dân Liên Xô – đều cùng nhau cầu nguyện một điều: cầu cho Liên Xô mau sụp đổ. Sự kiện này không chỉ giúp chúng tôi mà còn giúp cả những người bạn Nga của chúng tôi nữa.
Ngay từ đầu năm, những cuộc đàm phán giữa chính quyền cộng sản Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết đối lập đã được khởi động. Những cuộc thảo luận này đã dẫn đến những cuộc bầu cử – chỉ mới tự do một nửa – vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Nhưng một sự kiện có ý nghĩa lịch sử thực sự đã diễn ra. Đây là lần đầu tiên những người cộng sản đã thua một cách nhục nhã trong cuộc bầu cử được tiến hành ngay trong một nước cộng sản. Thắng lợi của phe đối lập – được nhà thờ Thiên chúa giáo và Giáo hoàng John Paul II ủng hộ – là thắng lợi tuyệt đối.
Nhưng chiến thắng này không trở thành đầu đề của những bài báo trên các trang nhất của những tờ báo lớn trên thế giới ra ngày hôm sau. Thay vào đó là tin tức về cuộc thảm sát các sinh viên đòi dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Ngày hôm đó thế giới được chứng kiến hai bộ mặt của chủ nghĩa cộng sản, hai cách phản ứng khi nó bị đe doạ. Một chế độ, đấy là chế độ cộng sản ở Bắc Kinh, đã dùng ngôn ngữ của xe tăng và án tử hình; một chế độ khác, ở Ba Lan, lại chọn ngôn ngữ của hòm phiếu, và như thế là đã mở ra con đường dẫn đến dân chủ và thay đổi. Dân chủ và thay đổi đã nhanh chóng lan sang các nước Trung và Đông Âu. Những tảng đá trên Bức tường Berlin đã bị lung lay trước tiên là ở Ba Lan. Ba Lan đã vượt qua được lời nguyền rủa của lịch sử của chính mình, một lịch sử được đánh dấu bằng sự chia cắt, xoá đất nước chúng tôi khỏi bản đồ chính trị châu Âu; lịch sử của những cuộc nổi dậy không thể có cơ may thành công; lịch sử của hàng trăm ngàn nạn nhân của những cuộc đấu tranh vô vọng vì tự do.
Chúng ta biết rằng không sự kiện lịch sử nào lại có chỉ một nguyên nhân duy nhất. Sự thay đổi ở Ba Lan còn là kết quả của những thay đổi ở Liên Xô; của chính sách khôn ngoan của Mĩ; của Giáo hoàng John Paul II và nhà thờ Thiên chúa giáo; của nhân dân Afghanistan, những người đã đứng lên chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Liên Xô. Và nó còn là kết quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng ở Liên Xô nữa.
Nhưng tôi không bao giờ quên rằng chính người Ba Lan đã thiết lập mô hình cho sự thoả hiệp giữ kẻ cai trị và người bị trị, cho việc giải giáp một cách hoà bình chế độ độc tài và cho sự chuyển giao một cách hoà bình quyền lực vào tay những người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội.
Ba Lan đã thay đổi như thế nào trong hai thập niên qua? Nó đã trở thành một nước dân chủ pháp quyền với nền kinh tế lành mạnh. Với Ba Lan, hai mươi năm qua là giai đoạn tuyệt vời nhất trong suốt 300 năm gần đây. Nhưng lại có rất nhiều người Ba Lan tỏ ra thất vọng.
Vì sao?
Anton Chekhov, nhà văn vĩ đại người Nga, từng viết về đất nước mình như sau: “Bọn lưu manh và lũ cá sấu, những kẻ thiển cận, tự phụ, quá nhiều tham vọng, bọn người chẳng có chút lương tâm nào sẽ lợi dụng những khẩu hiệu về giáo dục, nghệ thuật và tự do ngôn luận để giành lấy quyền lực, một quyền lực còn khủng khiếp hơn cả Toà án Giáo hội Tây Ban Nha. Bọn lang băm và lũ chó sói đội lốt cừu có thể loè bịp và che giấu được bản chất của chúng”. Nhà văn thiên tài người Nga này đã tiên đoán được những điều sẽ xảy ra với những dân tộc giành được tự do sau những năm tháng sống dưới ách nô lệ. Đấy chính là những điều đã xảy ra đối với các nền dân chủ hậu cộng sản.
Ở Ba Lan, chính những người công nhân trong các nhà máy lớn đã giành được thay đổi, những cuộc bãi công của họ đã buộc chính quyền phải nhượng bộ. Nhưng những nhà máy này lại là nạn nhân đầu tiên của những cuộc cải cách diễn ra sau đó. Sau khi hiện đại hoá cho phù hợp với thị trường, họ phải cắt bớt việc làm. Cái mà người dân thấy không phải là ảo ảnh của tự do mà là nguy cơ bị đuổi việc hiện ra lù lù ngay trước mắt.
Những cuộc cách mạng năm 1989 đã không nhắc đến việc tư hữu hoá hàng loạt, hay sự bất bình đẳng xã hội; hoặc sự gia tăng đột ngột các hành vi tội phạm, tham nhũng và hoạt động của tội phạm có tổ chức hoặc sự kiện tồi tệ nhất là nạn thất nghiệp thường xuyên. Mà đấy lại là thực tế mà người Ba Lan cũng như những nước láng giềng đã phải chịu đựng trong giai đoạn hậu cộng sản. Tự do chính trị, kinh tế thị trường tự do, chấm dứt kiểm duyệt và mở cửa biên giới không đủ bù đắp những hiện tượng tiêu cực vừa nói. Sự cáo chung của chế độ độc tài không dẫn ngay đến các giá trị dân chủ tự do – nó còn là sự khởi đầu của quá trình cướp đoạt của cải một cách hung hãn. Những con người bị nô dịch suốt hàng chục năm không có đủ năng lực xác định giá trị công việc của chính mình, thay vào đó, họ bắt đầu tìm kiếm phép màu và sự thoả mãn bằng cách sử dụng ngay lập tức bạo lực, thói vô liêm sỉ và hối lộ.
Dĩ nhiên là đã có một số thay đổi. Một thế hệ các chính trị gia mới đã hình thành. Những người trước đây không được hoạt động kinh tế hay chính trị một cách chính danh thì nay đang là những người lãnh đạo. Nhưng đồng thời chúng ta lại phải đối mặt với sự gia tăng hiện tượng tham nhũng trên diện rộng và những lời hứa suông về tiến bộ xã hội. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu thêm – khác biệt có chăng là nhiều người giàu nhất hiện nay đều là những người hoạt động xuất chúng.
Trong một số nước hậu cộng sản, chủ nghĩa dân tộc đang ngóc đầu dậy. Trong một số nước khác, tôn giáo lại đang được những kẻ nắm quyền dùng làm hệ tư tưởng, làm công cụ cho thái độ bất dung và kì thị. Quá trình chuyển hoá hậu cộng sản không chỉ tạo ra người thắng, mà còn làm cho nhiều người mất trắng: đấy là những người thất nghiệp, những người bị sa thải, những người bị đẩy vào cảnh đói nghèo. Tầng lớp tinh hoa mới chưa học được thói quen dân chủ, chưa học được thói quen tôn trọng luật pháp, chủ nghĩa đa nguyên và khoan dung.
Cho nên thế giới của chúng ta hôm nay là thế giới của những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chúng tôi hỏi: tương lai của hệ thống dân chủ sẽ ra sao? Chúng tôi cảm thấy được an ủi khi biết rằng ở khắp châu Âu người ta cũng đang hỏi nhau chính câu hỏi này. Mặc cho tất cả những sai lầm, vấp váp và bê bối, Ba Lan hiện nay – sau hai mươi năm – là một nước dân chủ bình thường ở châu Âu. Một đất nước mà thế hệ chúng tôi muốn truyền lại cho con cháu của mình. Nhưng, nói cho ngay, tôi vẫn muốn nó hoàn thiện hơn.

Nguồn:
The Guardian 09/11/2009

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyên Trường
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog




No comments: