Thursday, November 12, 2009

TÀI LIỆU NGÀY 12-11-2009

Tiếp tục thảo luận về giáo dục Việt Nam
talawas blog
13/11/2009 12:03 sáng
1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=13121
Sau khi Việt Nam Net mở cuộc tranh luận về
Báo cáo của Đại học Harvard về khủng hoảng giáo dục ở Việt Nam và bài viết của Giáo sư Neal Koblitz, tác giả Phạm Toàn đã có bài phản biện trên talawas.
Chúng tôi xin giới thiệu thêm một số ý kiến khác quanh chủ đề này.
Blogger Dạ Hương nhận xét,
“Những gì tác giả Phạm Toàn phản bác lại GS. Koblitz đều nhằm vào những nội dung ở bên trên, tương đối hời hợt, như thể chưa kịp đọc kỹ, chưa suy ngẫm vào những luận điểm mang tính nội dung.”
Ý kiến của blogger Ngô Minh Trí,
“… việc xây dựng cơ sở đào tạo mới hoàn toàn theo cách mà báo cáo Harvard đề ra là không nên. Tôi khẳng định mình rất đề cao những giá trị của nước Mỹ nhưng tôi không đồng ý với bất cứ hình thức áp đặt nào mang tính “đồng hóa” của nước Mỹ hay các cường quốc khác, đặc biệt là “đồng hóa” về mặt giáo dục.”
Ý kiến của ông Đặng Thế Truyền,
“… Bộ lại quản lý bằng cách mỗi năm cấp cho mỗi trường quota được tuyển sinh bao nhiêu – cái gọi là chỉ tiêu tuyển sinh. Và quota đó có thể thương lượng được. Cung cách quản lý này đến hiện nay vẫn còn rất phổ biến trong nhiều ngành, giống như đối với các doanh nghiệp kinh doanh, và sắp tới là các cơ quan nghiên cứu khoa học.”


Máy bay quân sự rơi tại Yên Bái, 2 phi công tử nạn
Đoàn Loan
Thứ năm, 12/11/2009, 17:48 GMT+7
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15996/
2h chiều nay, sau tiếng nổ lớn, một máy bay quân sự Mic 21 đã rơi xuống chân đồi, sát khu dân cư tại thành phố Yên Bái, khiến 2 phi công tử nạn.
Theo nguồn tin từ công an Yên Bái, máy bay Mic 21 của một cơ quan quân sự, gặp nạn khi đang diễn tập.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Công Thành, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết, nơi máy bay gặp nạn giáp đường 379 - tuyến đường trung tâm thành phố Yên Bái.
"Máy bay rơi xuống gần một nhà kho làm cháy và sập ngôi nhà này, may mắn không có ai bị thương. Hai phi công đã tử nạn", ông Thành cho biết. Danh tính 2 nạn nhân hiện chưa được xác định.
Tại hiện trường, chiếc máy bay cháy đen, phần đầu đâm vào hẻm đồi giáp đường 379, toàn bộ đuôi vỡ vụn.
Anh Hùng, người dân sống ở phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) kể, trước khi rơi, máy bay quay tròn vài vòng, bốc khói đen trên bầu trời, sau đó phát ra tiếng nổ lớn gây hoảng loạn cho cả khu dân cư.
Hiện trường vụ tai nạn đang được phong tỏa để lực lượng công an và quân đội khám nghiệm. Tuyến đường 379 được phân luồng kịp thời nên không xảy ra ách tắc giao thông.
Mic 21 là máy bay tiêm kích phản lực loại nhẹ, được Liên Xô sản xuất những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phi công Phạm Tuân từng lái Mic 21 bắn hạ pháo đài bay B52.
Đoàn Loan


“Sẽ chất vẫn thủ tướng về vụ PCI”
BBC

Cập nhật: 12:50 GMT - thứ năm, 12 tháng 11, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091112_nguyenminhtuyet_pci.shtml
Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho báo chí trong nước hay, ông sẽ hỏi thủ tướng tại sao vụ PCI xử lý còn chậm chạp.
Ông Thuyết hiện là phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Đại biểu có lối đặt câu hỏi thẳng nói thêm, chủ đề ông muốn ông Nguyễn Tấn Dũng giải trình bao gồm thái độ của chính phủ đối với vụ PCI, và chuyện có thêm một số nước ám chỉ công chức Việt Nam tham nhũng. Ông muốn thăm dò khả năng thành lập một ủy ban đặc biệt của quốc hội để thúc đẩy tiến trình điều tra.
Trên báo điện tử VietnamNet, đại biểu quốc tỉnh Lạng Sơn nói thêm, năm ngoái ông đã chất vấn thủ tướng về vụ PCI.
Theo ông một năm “mới dịch xong tài liệu” phía Nhật bàn giao, là “quá chậm.”
Ông Thuyết cho hay ông đang nghĩ đến việc kiến nghị Quốc hội lập Ủy ban đặc biệt, theo lời ông, “để cùng phối hợp hành động, thúc đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý.”
Tuần qua vụ PCI cùng cáo buộc ăn hối lộ trong vụ tiền polymer Úc đã thu hút sự quan tâm của dư luận tại Việt Nam.
Bộ trưởng Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã lên báo trả lời về thái độ của Việt Nam trước cáo buộc của phía Úc.
Họ cũng nói về lý do khiến vụ PCI xử lý “còn chậm.”

‘PCI không phải cá biệt’
Trong khi đó phó tổng thanh tra chính phủ Trần Đức Lượng vừa được báo Việt Nam trích lời nói "vụ PCI không là cá biệt."
Ông Lượng nói thêm: "Qua theo dõi của chúng tôi, còn có biểu hiện tham nhũng ở một số dự án khác. Các nước như Đức, Úc, Mỹ có thông báo cho Việt Nam.”
Ông Lượng, người giữ chức Cục trưởng Cục chống tham nhũng nói thêm, trong thời mở cửa chuyện móc nối giữa công dân nước ngoài và người có chức có quyền tại Việt Nam là điều “dễ hiểu, bình thường".
Bên lề hội thảo về Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng, Cục trưởng Cục trưởng Cục chống tham nhũng của Việt Nam thừa nhận các nước như Úc, Đức và Mỹ đã thông báo cho Việt Nam về một số vụ "nổi cộm".
“Phía Mỹ cũng đã thông báo… Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho cơ quan ở trung ương làm đầu mối tiếp nhận thông tin để xem xét, xử lý…”
Ông Lượng nhắc đến Công ước của LHQ về phòng chống tham nhũng là cơ sở pháp lý để Việt Nam hợp tác với quốc tế.
Cạnh đó ông nói thêm Việt Nam cần ký hiệp định hợp tác tư pháp song phương với các nước.
Về vụ PCI, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của chính phủ nhắc đến vốn ODA của Nhật được góp từ tiền thuế của dân. Ông Lượng nói thêm: “Vì vậy hoạt động ODA để xảy ra tham nhũng là không thể chấp nhận được.”


Không bình thường
Tùng Châu
11/11/2009 1:52
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200946/20091111015258.aspx
Thường thì mỗi khi báo chí, dư luận phản ánh về thực trạng nào đó liên quan đến quản lý của ngành y tế thì ngay lập tức, sẽ có đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, làm rõ ngay. Đó là một phản ứng tích cực của ngành y tế trước bức xúc của người dân.
Tuy nhiên, có những vụ việc cơ quan chức năng kiểm tra đến nơi, làm đến chốn; nhưng cũng có rất nhiều vụ kiểm tra là để đối phó, còn hiệu quả thế nào thì… từ từ tính sau. Việc kiểm tra tình trạng bát nháo tại các “phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc” nằm trong diện đó.
Khi thực hiện loạt bài viết phản ánh các phòng khám đông y có “bác sĩ” Trung Quốc, đi thực tế tại nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy, nếu cơ quan chức năng thực sự muốn có đầy đủ bằng chứng việc các phòng khám này bán thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc; kê toa sai quy định; bán thuốc giá trên trời, gạ người bệnh đặt cọc tiền; hay sử dụng “bác sĩ” Trung Quốc không bằng cấp… là rất dễ dàng. Chỉ cần đóng vai người bệnh đi khám là nắm được tất cả. Thế nhưng, theo các đoàn thanh tra đi đến một số phòng khám, chúng tôi nhận thấy thanh tra đã làm “không tới”. Thanh tra đã bỏ qua nhiều chi tiết cơ bản, quan trọng, khiến những người chứng kiến chỉ có thể nghĩ rằng: một, nghiệp vụ thanh tra… yếu; hai là “có vấn đề”. Như vụ kiểm tra vào ngày 9.11 tại phòng khám y học Trung Quốc (số 87 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM) - hơn 10 phóng viên các báo đài chứng kiến đều nhìn nhau lắc đầu, hỏi: “Cả nể ai mà kiểm tra lớt phớt vậy?”. Khi phát hiện tại đây có gần nửa bao thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc; rồi chứng kiến người bệnh đến phòng khám này trả lại thuốc (với toa thuốc 10 triệu đồng, 500 ngàn đồng/ngày) vì uống vào bị phản ứng phụ…, vậy mà đoàn thanh tra không truy hỏi thuốc không nhãn mác từ đâu ra, thành phần là gì, rồi không kiểm tra mỗi ngày họ bán ra bao nhiêu lượng thuốc đó, thành phần thuốc gồm những gì mà giá cả trên trời như vậy…? Trưởng phòng y tế của Q.10 trịnh trọng xách cặp táp đến cùng đoàn thanh tra để làm gì mà chỉ ngồi bất động, không hề tìm hiểu những sai phạm xảy ra tại một cơ sở thuộc địa bàn mình quản lý?
Cùng thời điểm đó, một đoàn thanh tra khác đi kiểm tra tại một phòng khám đông y Trung Quốc ở Q.Bình Tân, TP.HCM và kết quả là “không có gì”, trong khi phòng khám này là nơi chúng tôi nhận phản ánh đứng hàng thứ hai về bán thuốc không nhãn mác, bao bì, với giá rất cao.
Nhưng dù sao việc kiểm tra các phòng khám đông y ở TP.HCM tuy có bị động cũng còn công khai hơn so với Hà Nội. Trong khi người dân trong nước bị “bác sĩ” nước ngoài lừa gạt bán toàn những thuốc không nhãn mác, không nguồn gốc, nguy hiểm, mà giá lại rất cao…, dư luận đang phản ánh gay gắt, thì Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội lại nói rằng, không thể công khai việc thanh tra vì đây là nguyên tắc. Nguyên tắc gì mà nơi này thì công khai, nơi khác thì “bí mật”? Nguyên tắc gì mà thanh tra vụ này thì từ chối, còn vụ khác thì mời báo chí đi cùng để hỗ trợ thông tin?
Ngay cả Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cũng thắc mắc: không hiểu sao sáng 9.11, đoàn thanh tra đến một phòng khám trên đường Giải Phóng (Hà Nội) thì phòng khám này lại đóng cửa, bác sĩ, nhân viên nghỉ việc; nhưng ngay sau đó, Thanh tra Bộ nhận được phản ánh, phòng khám này đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường vào chiều cùng ngày!
Nghe vậy, không thể không đặt vấn đề “có gì đó không bình thường”.
Tùng Châu
------------------------------
Kiểm tra phòng khám đông y Trung Quốc: “Đánh rắn động cỏ” (SGTT)
“Tiền mất tật mang” ở phòng khám đông y Trung Quốc, ai chịu trách nhiệm? (SGTT)


Bị mất việc vì có trình độ . . . đại học
L.GIANG - Đ.THÀNH
Thứ Ba, 10/11/2009, 19:03 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=346977&ChannelID=6
TT - Đó là câu chuyện của cô Trần Thị Diệu Hương ở Quảng Bình. Tòa sơ thẩm xử cho cô thắng, cả lý, cả tình đều đứng về phía cô. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm mới đây lại tuyên hủy án.
Cô Hương - trú tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch - cho biết: “Tháng 10-2006, thấy mình là kỹ sư công nghệ thực phẩm, học đại học chính quy có đủ tiêu chuẩn và phù hợp với các chỉ tiêu tuyển chọn của ngành y tế nên tôi đã nộp hồ sơ dự tuyển. Tháng 1-2007 tôi được Sở Y tế cũng như Sở Nội vụ tuyển dụng”.
Làm việc được hơn ba tháng tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bố Trạch với nhiều lời nhận xét tốt từ lãnh đạo và đồng nghiệp, nhưng tháng 4-2007 cô Hương đột ngột nhận quyết định của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình không công nhận kết quả trúng tuyển viên chức sự nghiệp ngành y tế.
Lý do Sở Nội vụ đưa ra là cô không thuộc đối tượng quy định trong đề án xét tuyển viên chức sự nghiệp của Sở Y tế Quảng Bình năm 2006. Vì đề án tuyển dụng của Trung tâm Y tế dự phòng chỉ tuyển chọn người có bằng “cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm” chứ không phải là người có bằng đại học công nghệ thực phẩm như cô Hương!

Quyết tâm tuyển người có trình độ... thấp
Quá oái oăm, cô Hương bất đắc dĩ phải đâm đơn kiện Sở Nội vụ. Ngày 24-11-2008, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm và tuyên hủy quyết định của Sở Nội vụ, hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Trung tâm Y tế dự phòng đối với cô Hương.
Sau phiên tòa, cả hai bên đều kháng cáo. Sở Nội vụ Quảng Bình đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án trên là chưa đúng thẩm quyền; cô Hương kháng cáo, đề nghị tòa buộc Sở Nội vụ bồi thường thiệt hại do quyết định trái pháp luật mà sở này đã gây ra cho mình.
Ngày 8-9-2009, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử. Tại đây, đại diện Sở Nội vụ là ông Trương Văn Ngoan (phó chánh thanh tra) và ông Trần Đình Doan (trưởng phòng công chức viên chức) thừa nhận việc Sở Nội vụ ra các quyết định công nhận trúng tuyển viên chức trong đó có cô Hương, là theo đúng quy định.
Tuy vậy phía sở vẫn cho rằng việc mấy tháng sau sở hủy quyết định trúng tuyển của cô Hương là đúng, vì cô Hương không phải là người có trình độ “cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm” như đề án tuyển dụng đã duyệt.
Hội đồng xét xử đưa ra công văn của Bộ Giáo dục - đào tạo cho biết cụm từ “cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm” không hề có trong danh mục ngành đào tạo của nước CHXHCN VN, nhưng đại diện Sở Nội vụ Quảng Bình vẫn nhất quyết nếu không có chức danh thì không tuyển, nếu tuyển vẫn phải tuyển đúng người có văn bằng với đầy đủ cụm từ trên!
Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa để tìm hiểu thêm sự việc.

Người làm việc được lại không được làm việc
Ngày 28-10-2009, tòa phúc thẩm mở lại phiên tòa, tuyên hủy án sơ thẩm, giao cho tòa sơ thẩm xét xử lại. Lý do: đây là vụ kiện liên quan đến thi tuyển công chức và chấm dứt hợp đồng lao động, việc tòa án Quảng Bình giải quyết theo hướng hành chính là vi phạm thủ tục tố tụng.
Vậy là sau gần ba năm theo đuổi khiếu kiện, cô Hương trở về với con số không: không việc làm, không giải quyết được gì, trong khi xét về lý và tình cô đều có đủ.
Về lý, cô đã thi tuyển, được công nhận trúng tuyển, bổ nhiệm việc làm đúng trình tự thủ tục. Về tình, tại sao quyền mưu sinh của một người trẻ đang hừng hực nhiệt tình cống hiến như cô lại bị dập vùi oan uổng đến vậy trong một xã hội mà người tài, người học cao vốn vẫn đang được (tỉnh Quảng Bình) “mời gọi” và “thu hút” cho công cuộc xây dựng tỉnh nhà?
Không chấp nhận cử nhân đại học mà chỉ khăng khăng muốn tuyển dụng người có trình độ cao đẳng (lại là loại văn bằng cao đẳng không có thật), chẳng phải là việc làm quá ngược đời của Sở Nội vụ Quảng Bình hay sao? Cứ vậy thì làm sao tỉnh Quảng Bình thực hiện được chính sách thu hút nhân tài như chủ trương của tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Gần ba năm bị mất việc làm, cô Hương phải sống nhờ vào trợ cấp thương binh của cha và mòn mỏi hi vọng lại được đi làm. Cô bộc bạch: “Chẳng lẽ một việc đúng và đơn giản như vậy mà lại không có ai đứng ra để giải quyết cho tôi?”.
L.GIANG - Đ.THÀNH


Bức tường Bá Linh (1961-1989)
Chụp và Chép, Video
Nguyễn Việt Hùng
11.11.2009
http://damau.org/archives/9919
Bức tường Bá Linh, biểu tượng sự chia đôi Đông-Tây của Đức quốc sau Đệ Nhị Thế Chiến. Bức tường Bá Linh còn gọi là bức tường Ô Nhục, nói lên chế độ độc tài và phi nhân bản của hệ thống chủ nghĩa Cộng Sản.
Dưới lệnh của đảng cộng sản Đông Đức, việc xây dựng bức tường bắt đầu vào ngày 13, tháng Tám 1961. Bức tường dài 150 Km, cắt đứt sự qua lại giữa 2 miền Đông và Tây. Trước đó, trong thời gian Tháng Mười 1949 cho đến tháng Tám 1961, có hơn 2.6 triệu người từ Đông Đức trốn sang Tây Đức. Và bức tường Bá Linh dựng lên để ngăn cản làn sóng vượt thoát chế độ đảng trị này.
Bức tường Bá Linh được dựng lên với nhiều phần (sections), bao gồm tường bao ngoài (anterior wall) và tường bao trong (hinterland wall). Dọc biên giới bên Đông Đức, có thiết lập đường xe chạy canh tuần, chướng ngại vật, những trạm canh phòng và những tháp chòi cao kiểm soát. Trên 150 người dân bị bắn chết bởi lính canh phòng Đông Đức khi tìm cách vượt qua bức tường.
Vào giai đoạn lịch sử, sự sụp đổ của khối cộng sản liên bang Sô Viết, và sự bùng phát phong trào đòi dân chủ tại Đông Đức, vào ngày 9 tháng 11, 1989, một khoảng nhỏ bức tường đã được khai thông. Tiếp theo đó một khoang tường đầu tiên (fisrt sections) được phá hủy, và hầu hết đã được san bằng trong phạm vi ngăn chia vùng Bá Linh, trước ngày chính thức thống nhất đất nước – ngày 3 tháng Mười 1990.
Một phần bức tường dài 200 mét được giữ lại, như là chứng tích của một giai đoạn lịch sử *.
Tháng 11, 2009
Nguyễn Việt Hùng

Nguồn:
* tài liệu từ một bảng chú thích ở một đoạn tường được lưu giữ tại Bá Linh.
** hình ảnh và đoạn phim ngắn thực hiện bởi Nguyễn Việt Hùng tại Berlin, Đức quốc vào tháng Tám 2009.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/BctngBLinh19611989_FA0B/CopyofVACATION_2009433_thumb.jpg
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/BctngBLinh19611989_FA0B/CopyofVACATION_2009404_thumb.jpg

THE BERLIN WALL
http://www.youtube.com/watch?v=wsviJVRD47c&feature=player_embedded




No comments: