Sunday, November 15, 2009

TRÍ TUỆ VIỆT NAM

Trí tuệ Việt Nam
Nguyễn Cường
Đăng ngày 15/11/2009 lúc 01:07:39 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4326
Trong khoảng thời gian chừng 10 năm trở lại đây, khi so sánh những con số thống kê về khoa học và giáo dục, Việt Nam vẫn kém hơn nhiều nước láng giềng trong khối ASEAN. Đó là lý do báo chí trong nước bắt đầu tổ chức thi đua “Trí tuệ Việt Nam” hàng năm, với phong trào khuyến học xuất hiện ở hầu hết các điạ phương. Đi xa hơn, còn thấy xuất hiện những đề tài kích động đến tự ái dân tộc cũng được cho lên diễn đàn mạng cuả các báo điện tử, để cùng độc giả thảo luận công khai, như là: “Nước Việt lớn hay nhỏ?”; “Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại VN”, v.v.
Thực tế cho thấy, nói đến “Trí tuệ” hay “Thông minh” là đề tài rất nhạy cảm và tế nhị, không chỉ dành riêng cho một dân tộc nào trên thế giới. Hầu như theo tâm lý chung, đa số đều không muốn tự nhìn nhận mình là dân tộc kém thông minh. Đồng thời, cũng không thấy có danh nhân nào dám tuyên bố công khai là dân tộc mình rất thông minh, nếu không muốn bị coi là lố bịch! Nhưng đối với dân Việt nói chung, thì quả thật là có một ngoại lệ khó hiểu. Hầu như đa số các học giả người Việt, trong cũng như ngoài nước, đã từng viết hay phát biểu là: “Dân Việt mình vốn thông minh và hiếu học!” Không biết câu nói vừa rồi có phải là hậu quả cuả một ám ảnh thường xuyên được gọi là Tự-Kỷ Ám-Thị ? Nếu không thì dựa trên cơ sở hay bằng chứng nào để nói như vậy?
Theo suy luận thông thường về khoa phân tâm học, một khi tiềm thức bên trong của con người bị ám ảnh thường xuyên và tiêu cực về một vấn đề gì, thì có thể phản ứng cho ra bên ngoài sẽ trở thành tích cực hơn. Thắc mắc chính đưa ra đây là: Có thật sự dân Việt thông minh và hiếu học, hay chỉ là một câu nói lập lại quen thuộc để thoả mãn tự ái dân tộc và làm vui lòng đám đông? Trả lời bằng cách nào đi nữa thì sự thật cũng không dễ gì chối bỏ được, và các nhà nghiên cưú thường dùng cách gián tiếp khác để nói lên sự “khôn ngoan” hay “tiến bộ” cuả một xã hội tập thể con người, bằng cách đo lường mức thịnh vượng hay năng lực sản xuất cộng chung lại cuả xã hội đó.
Cụ thể tiêu biểu chính là con số GNP (Gross National Product) hay tổng sản lượng hàng năm cuả một quốc gia. Dĩ nhiên, không ai có thể nói GNP là chỉ số thông minh trực tiếp cuả một dân tộc, nhưng cũng không có ai có thể phủ nhận con số GNP là chỉ dấu cho thấy sự giàu sang và thịnh vượng cuả một quốc gia, và quan trọng hơn hết, còn phản ánh một cách gián tiếp đến trí tuệ cuả cả một dân tộc. Bài viết này chỉ có ý định tìm hiểu vấn đề trí tuệ cuả tập thể dân Việt nói chung, không chú trọng đến một thiểu số rất ít những người Việt ngoại hạng với sự thông minh xuất chúng. Nhưng con số vài chục hay vài trăm đó chắc chắn sẽ không đủ để bù đắp vào sự thiếu hụt tài nguyên chất xám cuả cả tập thể hơn 86 triệu dân Việt.

Dân Việt có thông minh không?
Ai cũng có thể hiểu là bất cứ dân tộc nào trên thế giới, nếu đã lập quốc được và tồn tại qua cả ngàn năm lịch sử đến ngày hôm nay, thì chắc chắn họ phải là những dân tộc có một sự thông minh tối thiểu nào đó. Như vậy thì câu hỏi trên chỉ có thể đặt lại cho đúng vào trọng tâm cuả vấn đề: Dân Việt thông minh ít hay nhiều nếu so sánh với các dân tộc khác đang hiện hữu trên thế giới này?
Có hai tiêu chuẩn chính sau đây để làm cơ sở so sánh. Về vật chất là khả năng sản xuất và làm ra được nhiều cuả cải tài sản cho quốc gia, giúp nâng cao đời sống với nhiều tiện nghi vật chất cho người dân trong nước, hay nói cách khác là làm cho đời sống nhân dân thêm sung túc và đất nước giàu mạnh hơn. Tiêu biểu để so sánh phần vật chất nói trên, thì không có gì rõ rệt hơn là dùng những dữ kiện GNP được phổ biến rộng rãi hàng năm rất là khách quan và khoa học. Tuy cách tính về GNP cuả Liên Hiệp Quốc không hoàn toàn chính xác nhưng cũng phản ánh được phần nào khả năng sản xuất, bao gồm cả lao động chân tay cũng như trí tuệ cuả một quốc gia.
Cho đến thời điểm 2009 này, Việt Nam luôn bị nằm trong nhóm 60 quốc gia có GNP thấp nhất trên thế giới. Nói đúng hơn là lợi tức trung bình hàng năm cuả dân Việt thuộc vào phần ba các nước thấp nhất trong tổng số hơn 180 quốc gia, kể cả những tiểu quốc về lãnh thổ hay các thuộc điạ tự trị có dân số không quá nửa triệu dân.
Về tinh thần, một trong những thước đo khá chính xác nhất cuả sự thông minh là khả năng sáng tạo phát minh ra điều gì mới lạ về khoa học hay kỹ thuật có ích lợi cho xã hội loài người. Tiêu biểu nhất cho yếu tố trên chính là con số bằng sáng chế (Patent) sở hữu về trí tuệ, được tổ chức quốc tế công nhận và cấp cho bất cứ ai trên thế giới có sáng kiến phát minh ra sản phẩm mới và được công nhận. Cũng theo thống kê trong các năm vừa qua, cả Việt Nam với hơn 86 triệu dân chỉ sở hữu được vài bằng sáng chế, và có năm chẳng có cái nào, so với trung bình là vài chục hay vài trăm bằng sáng chế ở các nước láng giềng xung quanh, hay vài ngàn tại các nước tiên tiến như Nhật, Anh, Mỹ v.v. có được.
Ngay trên bình diện văn chương hay nghệ thuật cũng vậy, VN vẫn chưa có được một nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ hay triết gia nào đưa ra được một học thuật mới hay tư tưởng lớn, xứng đáng tầm vóc quốc tế. Ngay cả trong văn chương, với hàng trăm nhà văn trong nước mới chỉ có được 1 hay 2 tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, nhưng vì nhờ nội dung mang tính phản kháng và chống đối. Ở nước ngoài, với thị trường văn chương tự do chọn lựa còn yếu kém hơn rất nhiều. Hầu như chưa có tác phẩm văn chương nào cuả các tác giả người Việt được chọn để trao tặng những giải thưởng quốc tế.
Còn có chỉ dấu nào khác, chính xác và đúng hơn, để làm thước đo trí tuệ cuả một dân tộc?

Dân Việt có hiếu học không?
Câu trả lời thành thật và ngay thẳng là đa số dân Việt chỉ có cố gắng hết sức mình, học để thi đậu và lấy được bằng cấp cho có danh vọng và đủ để làm giàu hay kiếm ăn thôi. Ngoài ra nói chung, dân Việt ít có tinh thần hiếu học hay tự nguyện học hỏi để mở mang kiến thức. Thử lấy một thí dụ cụ thể nhiều người có thể biết và kiểm chứng được về nhu cầu đọc sách cuả dân Việt. Theo nhận xét thông tin cuả một trí thức ở VN có quan hệ với Hội Nhà Văn cho biết, một đầu sách xuất bản ở VN cho dù tác giả khá nổi tiếng và có sách bán chạy nhất nước, thì nhà xuất bản cũng chỉ dám cho in ra nhiều lắm chừng khoảng 1000 cuốn (trừ các loại sách truyên truyền theo thời sự hay chính trị v.v.). Như vậy tính ra trung bình trong hơn 86 ngàn dân mới có một người bỏ tiền mua một cuốn sách hay để đọc và mở mang kiến thức!
Chưa hết, có dịp đi dạo chơi trong các thành phố lớn ở VN, nếu du khách muốn kiếm mua một tờ báo để đọc không phải là chuyện dễ dàng. Trong các nét du lịch hay các bản đồ thành phố hướng dẫn du khách ở VN, hình như không có chỗ dành cho các thư viện trừ tại vài thành phố lớn (!?). Thử để ý xem trong các toa xe lửa hạng sang, các chuyến bay dài xuyên đại dương, các bờ biển hay các chỗ công cộng giải trí, rất hiếm khi thấy các du khách người Việt đọc sách báo mà chỉ thấy ăn và ngủ hay không làm gì cả, kể cả nếu có đánh cờ hay chơi thể thao! Dường như đa số người Việt không coi chuyện đọc sách báo là một thú giải trí về tinh thần! Còn nhớ cách đây không lâu, có vị hội viên nào đó phê bình rằng Hội Nhà Văn cuả cả nước VN với hơn 80 triệu dân chỉ có khoảng chừng một ngàn hội viên, mà trong đó hơn quá nửa là nhà thơ! Con số thi sĩ VN ở hải ngoại có lẽ còn cao hơn nhiều.
Vì nghèo không có tiền mua sách báo để đọc? Câu trả lời có thể chấp nhận được nếu ở trong nước, nhưng không thể dùng cho Việt kiều đang sống tại hải ngoại. Thử xem lấy vùng Nam California, thủ đô cuả dân Việt hải ngoại làm thí dụ. Ngay tại trung tâm cuả dân Mỹ gốc Việt vùng Santa Ana-Garden Grove-Westminster, còn gọi là Sàigòn Nhỏ, có hơn cả trăm ngàn người Việt đang sinh sống với khoảng chừng hơn 80 ngàn thông thạo tiếng Việt, nhưng có không quá 3 tiệm sách và chỉ có 2 là đúng theo tiêu chuẩn cuả một “Nhà Sách”! Trong khi đó ở New York với vài chục ngàn Việt kiều, may ra lắm mới tìm thấy một tiệm sách ở phố Tàu, nhưng chủ yếu vẫn là bán những loại sách dạy học tiếng Anh, hay các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp cũ được in lại cuả tác giả Kim Dung!
Ngay cả nếu dùng những con số thống kê quốc gia cuả nước Mỹ, chính xác và đáng tin cậy hơn, người Việt ở hải ngoại hiện có khoảng 300 ngàn chuyên gia khoa học và kỹ thuật (kể cả tính luôn trình độ trung cấp) trong tổng số hơn một triệu rưỡi, thì cũng chỉ có gần 20%. Một con số khá thấp so với tất cả người Mỹ bản xứ nói chung (24%) hay các sắc dân khác (hơn 40%), như người Mỹ gốc Ấn, gốc Phi hay Indonesia v.v. Lợi tức trung bình hàng năm của Người Mỹ gốc Việt vẫn thấp nhất nếu so với các sắc dân thiểu số khác (ngoại trừ hai sắc dân Lào và Campuchia).
Nhưng điều quan trọng trên hết và chung cho tất cả những gì vừa nói, chính là một báo động cực kỳ khẩn trương cho những nhà lãnh đạo giáo dục và trí thức VN. Đã có những dấu hiệu cho thấy rõ, trí tuệ cuả dân Việt đang bị “tụt hậu” dần, nếu so với các nước láng giềng bên cạnh! Cụ thể cách đây vài năm, nếu đem so sánh mức độ thay đổi GNP cuả các nước láng giềng và các nước trong khối ASEAN với nhau, cho thấy VN có mức độ thay đổi GNP chậm nhất sau 16 năm “đổi mới” và phát triển ổn định. Đó là vào năm 2002.

Nhưng vừa mới đây sau khi coi lại bảng so sánh nói trên cho năm 2008, có hai dữ kiện không khỏi làm cho người Viết phải kinh ngạc và bàng hoàng:
1) Mặc dù GNP cuả Việt Nam có gia tăng đáng kể trong vòng 6 năm qua, VN vẫn có mức độ thay đổi GNP chậm so với đa số các nước còn lại.
2) Ngay cả hai nước láng giềng có cùng chung hoàn cảnh lịch sử chiến tranh và khó khân kinh tế, Campuchia và Lào, cũng tiến nhanh hơn và gần bắt kịp GNP cuả VN! Cụ thể từ một quốc gia nghèo có GNP chỉ bằng hơn một nửa của VN vào năm 1986, Lào và Campuchia đã có thể mang GNP tiến tới gần bằng 80% của VN trong 2008. Bình thường đúng ra thì VN phải đạt tới mức 80% này nếu so với Phi Luật Tân hay chừng 50% cuả Thái Lan, như Trung Quốc đang tiến tới gần bằng! Đã có một cái gì đó không được bình thường cho VN (!?).

Chẳng có ai ngạc nhiên khi nghe cựu lãnh tụ Singapore đã kiêu hãnh tuyên bố là VN phải mất gần cả trăm năm nữa thì may ra mới đuổi kịp Singapore! Bởi vì sau hơn 20 năm đổi mới và gia nhập sân chơi bình đẳng trên thế giới, khoảng cách biệt giữa GNP cuả VN ngày càng bị bỏ xa bởi các nước láng giềng đã thành rồng! Không còn một chút hoài nghi nào nữa, ngay cả đa số các nhà giáo dục, học giả hay trí thức trong nước cũng đều có chung một kết luận là nền giáo dục cuả Việt Nam đang bị bế tắc và tụt hậu rất trầm trọng nếu so với các nước trong khối ASEAN.
Từ đó có thể dự đoán một cách tương đối chắc chắn là trí tuệ hay chất xám cuả Dân Việt đang thật sự phát triển chậm so với các dân tộc khác trên thế giới. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục như hiện nay và nếu không có những biện pháp có tính đột phá để làm tăng tốc lên trở lại, thì trong vòng tối đa là 3,4 thế hệ nữa, Việt Nam sẽ khó giữ được chủ quyền quốc gia và chắc chắn sẽ bị “xâu xé” chia ra thành nhiều vùng ảnh hưởng, một cách gián tiếp mất luôn chủ quyền chính trị vào tay các khu vực quyền lực tương lai cuả Châu Á.

Nguồn: UNDP: 2002-2008
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4326

Nếu dự đoán trên có xảy ra đúng thì cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, vì thật ra chỉ là một sự tái diễn cuả lịch sử. Trong vòng hơn hai ngàn năm qua trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam hiện nay, đã có ít nhất 5 vương quốc bị mất nước và chủng tộc cuả họ cũng gần như suýt bị diệt vong luôn. Đó là Vương quốc Âu Lạc thuộc chủng tộc Việt-Mường; Vương quốc Cửu Chân-Nhật Nam với các sắc dân thiểu số Thượng Lào còn sót lại trên Cao Nguyên Trung Phần; Vương quốc Chăm pa với các sắc dân Chàm; Vương quốc Phù Nam thuộc sắc dân Miên, và Vương quốc An Nam thuộc miền Nam Việt Nam cũ!

Giải pháp tối ưu
Thay vì giải thích những lý do nào đã đưa Việt Nam vào con đường “tụt hậu”, người viết muốn đi thẳng vào vấn đề những giải pháp tối ưu, vì tự nó cũng phản ánh những nguyên nhân chính một cách gián tiếp. Tất cả chỉ quy về hai tác động duy nhất là xây dựng bộ nhớ thuộc phần vật chất trong não bộ và phát triển trí tuệ theo dòng chính cuả văn minh loài người.

Vật chất (Hardware)

Vấn nạn đầu tiên là dân Việt chịu ảnh hưởng nền văn hoá Đông Phương, quá chú trọng nhiều về tâm linh hơn là vật chất, dễ đưa đến những hiểu nhầm tai hại về sự liên hệ giữa trí tuệ và vấn đề ăn uống hay khoa dinh dưỡng! Cụ thể là chỉ trong văn hoá Việt mới có những câu khinh rẻ và coi thường chuyện ăn uống, như: “Miếng ăn là miếng tồi tàn...!”. Hay “Ăn để sống, không phải sống để ăn”! v.v. Đúng là ăn để sống, nhưng muốn có đời sống tốt đẹp như thế nào thì lại tuỳ thuộc rất nhiều vào cái ăn! Hậu quả tâm lý là đa số bị nhập tâm coi nhẹ chuyện ăn uống, không chú trọng nhiều về khoa dinh dưỡng, nhất là không hiểu rằng có ít nhất 50% cuả việc ăn uống đóng góp vào sự phát triển trí tuệ cuả con người nói chung. Dù nguyên nhân chính vẫn là do bị “nghèo và đói” quá lâu, chuyện ăn cho no còn chưa có được, nói gì đến kén chọn thức ăn nhiều chất dinh dưỡng!
Nếu coi bộ máy vi-tính giống tương tự như não bộ con người, thì những gì vừa trình bày là phần “hardware” hay “con chíp”, thành phần trọng yếu số 1 cuả máy tính. Không có “con chíp” thì cũng không có máy vi tính và không có tất cả! Tương tự như trên, nếu không có một thế hệ dân Việt có đầy đủ một số lượng tối thiểu các tế bào bộ nhớ, gần bằng hay nhiều hơn các giống dân khác, thì chắc mãi mãi ViệtNam sẽ không có một hy vọng nào vươn lên thành rồâng hay cọp cuả Á châu. Điều nghịch lý là nếu ai có dịp đọc hàng ngàn bài viết cuả hàng trăm học giả người Việt, trong cũng như ngoài nước về chủ đề tương lai cuả dân Việt, thì hình như cũng chỉ thấy nói nhiều về “Software (Phần mềm)”, các chủ đề về “Caỉ cách giáo dục” hay chấn hưng và thay đổi văn hoá, nhưng chưa hề thấy có bài viết nào nghiên cứu một cách nghiêm túc và sâu rộng về khoa dinh dưỡng nói chung dành riêng cho dân Việt!
Giải pháp tối ưu cho hai vấn nạn trên chỉ có thể thực hiện bởi nhà nước. Bằng các phương tiện truyền thông và bộ máy tuyên truyền, nhà nước cần phải động viên giúp đỡ người dân cũng như huấn luyện các chuyên gia về khoa dinh dưỡng. Đây chỉ là giải pháp nhằm vào khoảng 10% dân Việt có được may mắn ăn no mặc đủ và có đầy đủ phương tiện tài chánh. Trường hợp muốn đi xa hơn nữa cho toàn dân là phải có một ngân sách dành riêng hàng năm để hỗ trợ cho các chương trình trọng điểm. Bằng cách bổ sung thêm một vài sinh tố và khoáng chất cần thiết trong các loại thực phẩm cơ bản như gạo, mắm hay muối, đặc biệt nhất là các loại thức ăn nhẹ đóng trong bao bì hay thực phẩm dành riêng cho trẻ em. Không có gì khó làm hay khác thường, nếu trong các thùng muối ăn hàng ngày cuả dân Việt, đặc biệt có được bổ sung thêm một số lượng nhỏ các khoáng chất cần thiết như I-ốt, Vôi (calcium) hay Ma-nhê (magnesium), v.v.
Trên hết và quan trọng nhất là phải có một chiến lược quốc gia hàng đầu dành cho khoảng 10% dân số nói trên. Một nhà nước của dân đúng nghĩa thì cần phải cấp tốc đưa ra những khuyến cáo về thực phẩm dinh dưỡng, những sinh tố và khoáng chất cần thiết để phát triển về não bộ dành riêng cho người dân ở mỗi địa phương, đến từng đơn vị điạ lý nhỏ nhất là quận huyện. Thí dụ cụ thể là đa số dân các vùng miền Trung Nam, nhất là từ Bình Định vào tới Bình Thuận, thường bị thiếu nhiều các khoáng chất sắt và vôi (?). Lý do là vì đa số các con sông hay nguồn nước phát xuất rất gần từ dãy Trường Sơn, không chảy qua các vùng đất có quặng sắt hay vôi. Thêm vào, rặng núi quá cổ về niên đại cách đây trên cả triệu năm, nên các khoáng chất trên lớp đất bề mặt không còn nhiều sau hàng mấy trăm ngàn năm bị mưa gió bào mòn và cuốn trôi phần lớn các khoáng chất màu mỡ theo ra biển.
Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao các dân tộc miền núi trên cao nguyên thường kém trí nhớ hơn các dân tộc sống ở vùng đồng bằng. Do vì trên cao nguyên chỉ có thể dùng nguồn nước mưa nên cơ thể thiếu quá nhiều khoáng chất, khác với nước sông suối hay ao hồ ở đồng bằng mang nhiều phù sa nhờ đã chảy qua hàng trăm ngàn cây số đất đai mầu mỡ.
Cũng do bởi thiếu quá nhiều khoáng chất sắt trong máu, nên não bộ cuả phần đông trẻ em thuộc các vùng miền cao nguyên Trung Nam bộ nói trên bị chậm phát triển, và dĩ nhiên là không thích học nhiều hay dễ bị chán học, vì không có đủ trí nhớ tốt cho chuyện học hành. Chưa nói đến ngay cả nếu người lớn thiếu khoáng chất sắt lâu dài, cũng dễ đưa đến tình trạng mất trí nhớ hay bệnh lẫn trí. Nhẹ nhất là lười tư duy và thiếu khả năng sáng tạo.
Minh chứn gcụ thể là đa số các cư dân miền Bắc, thiếu ít hay không bị thiếu các khoáng chất sắt, nhờ phù sa cuả con sông Hồng thường xuyên chảy qua vùng chứa mỏ quặng sắt, nên dòng sông thường có mầu hồng đỏ. Nói vậy không phải là dân sống ở các vùng đó không bị thiếu các khoáng chất cần thiết khác.
Tuỳ theo kết cấu điạ hình và văn hoá ẩm thực mà mức độ thừa thiếu cuả các loại khoáng chất tại mổi điạ phương có thể được áp dụng nhiều hay ít.
Tóm lại, ngay từ thời lịch sử xa xưa, chất xám hay tế bào bộ nhớ cuả con người đã phát triển tuỳ thuộc rất nhiều vào vấn đề ăn và uống. Ăn để hấp thụ nhiệt lượng và chất sinh tố (Vitamin), còn uống là để hấp thu các khoáng chất thiên nhiên, như cát với xi măng, phải có đủ cả hai mới xây dựng nên căn nhà cuả tri thức.

Tinh thần (Software)
Sau cùng, dù vấn nạn về phần “Vật chất” (hardware) vẫn là trở ngại lớn nhất do bởi đa số xem thường, không chịu tìm hiểu hoặc không có đủ kiến thức và trình độ để khai thác. Tuy nhiên, một khi đã hiểu rõ hay nhận thức được vấn đề rồi thì lại rất dễ dàng khắc phục, do kết quả hiển nhiên dựa trên thực tế kiểm chứng được bởi các phương pháp khoa học thực nghiệm. Ngược lại, về phần “Tinh thần” (Software) dù có mang đến sự tốt đẹp hay không, cũng là do phần lớn những thay đổi tư duy về giáo dục, rất khó thấy được kết quả liền mà phải cần một thời gian ít nhất là 1 hay 2 thế hệ. Chính vì vậy nên khó thực hiện và luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt cuả các nhóm bảo thủ về giáo dục, không muốn thay đổi thói quen của tư duy hay những gì đang thụ hưởng. Một lần nữa, cần phải có sự quyết tâm thay đổi cuả những nhà lãnh đạo về giáo dục!
Muốn nói đến phần trí tuệ thì phải nghĩ đến hai kết quả mong muốn là kiến thức hiểu biết và tư duy sáng tạo. Có thể ví kiến thức hiểu biết giống như hạt ngọc trai được tích luỹ và kết tinh sau quá trình làm việc miệt mài với thời gian, nhất là không phải con Sò nào trong thiên nhiên cũng sẳn sàng cho ra ngọc. Tuy vậy, tích luỹ kiến thức dù có khó nhưng cũng còn dễ hơn gấp ngàn lần so với tư duy sáng tạo và có thể ví như đem hạt ngọc trai so với viên đá kim cương quý hiếm.
Con số thống kê trung bình cho thấy, phải có hàng ngàn khoa học gia thì mới mong có được một nhà khoa học xuất sắc ngoại hạng có công trình phát minh ra điều gì mới lạ hay sở hửu một vài bằng sáng chế. Nhưng đó là thống kê dành cho các cường quốc và không thể nào áp dụng được cho Việt Nam. Lý do là vì con số thống kê cuả Việt Nam nếu có, cũng phải đi theo sau một vài con số không ở phía trước! Do đó, để tìm kiếm giải pháp tối ưu thì không có cách nào hay hơn là trở về với lý thuyết căn bản cuả sự sáng tạo.
Làm sao để có nhiều những bộ óc sáng tạo? Cụ thể cho dễ hiểu hãy lấy thí dụ máy vi tính. Để có được giải pháp tối ưu nhiều khi máy tính phải chạy qua cả hàng trăm ngàn hay cả triệu phép tính, theo các kết hợp khác nhau. Tương tự như vậy, não bộ cuả một người thường xuyên tư duy bằng một chuỗi liên tục những câu hỏi và trả lời. Mỗi câu hỏi cần một câu trả lời dưới dạng chung là những tín hiệu, tiêu cực (Âm) hay tích cực (Dương). Những câu trả lời có tích cực hay không là dựa trên những dữ kiện đã được lưu giữ trong tế bào nhớ cuả não bộ, kết quả cuả những năm tháng dài học hỏi và rút kinh nghiệm. Tích luỹ hết tất cả những tín hiệu trả lời cho ra càng nhiều “Dương” hay tích cực thì giải pháp càng gần với tối ưu, hay ngược lại là bế tắc không tìm ra giải pháp nào tốt hơn và đành chiều theo cái gọi là số phận hay định mệnh (!).
Sau cùng, nếu tiếp tục tư duy để tìm kiếm thêm những giải pháp khác lạ hay tốt đẹp hơn nữa, thì đó chính là bước khởi đầu cho sự sáng tạo. Cụ thể như một kỹ sư cơ khí về xe luôn tư duy và tìm cách để làm tăng khoảng cách di chuyển hay năng xuất cuả xe cho mổi lít nhiên liệu tiêu thụ, hay một công nhân trong xí nghiệp tìm ra cách để giảm chi phí cho nguồn vốn nguyên liệu. Như vậy không nhất thiết cần phải có một trình độ học vấn thật cao để có được những tư duy sáng tạo.
Sáng tạo là một kết quả cuả quá trình tư duy thường xuyên và hội tụ vào một chủ đề nào đó, do thói quen hay bản năng đã được huấn luyện. Một thành quả nhân tạo nhiều hơn là thiên phú hay di truyền, dù di truyền có thể đã giúp khá nhiều trong giai đoạn đầu, qua cấu trúc cuả bộ nhớ tốt. Một cá nhân hay tập thể bình thường có thể được giáo dục và huấn luyện để có nhiều khả năng tư duy sáng tạo, rồi từ đó có thể giúp thay đổi vận mạng cuả chính mình hay cho cộng đồng xã hội chung quanh.

Đi tìm một phương pháp tối ưu cho Giáo Dục-Đào Tạo
Gần đây nhà nước VN đã bắt đầu thực hiện kế hoạch xây dựng một số trường đại học “đẩng cấp quốc tế” với mục tiêu góp phần đào tạo khoảng hai chục ngàn tiến sĩ trong vòng 12 năm (?). Nếu nhà nước hỗ trợ và quyết tâm thực hiện với bất cứ giá nào, thì hy vọng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu dù có kéo dài bao lâu hay chậm hơn thời hạn 2020 như đã lên kế hoạch. Thế nhưng hãy nhìn vào thực tế một đất nước với dân số khoảng chừng 100 triệu (vào năm 2020), dù có vài chục ngàn Tiến sĩ thực đi chăng nữa trong lúc đại đa số nhân dân và đội ngũ công nhân hay chuyên viên yếu kém, thiếu khả năng tư duy sáng tạo, thì kết quả cũng sẽ là một con số không đáng buồn. Giống như một đạo quân chỉ có tướng tài mà thiếu quân tinh nhuệ, chắc chắn sẽ bị thua trận trong các cuộc chiến về kinh tế toàn cầu này!
Chưa nói đến nạn chảy máu chất xám nếu những nhà khoa học thực tài với tư duy sáng tạo đó lại không được trọng dụng hay có được những phương tiện máy móc tối tân và các thành phần cộng tác viên giỏi để cùng làm việc. Nếu không được như vậy thì chắc sẽ là “dọn cỗ cho người ta xơi” hết những nhân tài và tinh hoa cuả đất nước! Nên nhớ về một quy luật lịch sử không thay đổi là những nền văn minh lớn thường là nơi chốn tụ hội lại cuả các nhân tài trên thế giới.
Hiện nay các nhà tư vấn nước ngoài hầu như đều nhất trí với nhau là VN cần phải có một lực lượng nòng cốt các chuyên viên trung cấp (2 năm cao đẳng) và cao cấp (4, 5 năm đại học) có khả năng và đủ tiêu chuẩn trên bốn ngành công nghệ mũi nhọn như: Máy và tự động hoá, Điện tử, Sinh Hoá và Tin học, để phát triển bền vững theo kịp với đà tiến bộ khoa học kỹ thuật cuả các lân bang láng giềng. Muốn được vậy, con số ước chừng phải có là từ 5 đến 10 % dân số hay ít nhất là khoảng 5 triệu vào năm 2020 (Ở Mỹ hiện nay là khoảng chừng 24 % chung cho tất cả toàn dân số). Suy ra từ đó, không còn có cách nào khác hơn là phải khẩn trương cải tổ lại hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước để đáp ứng với nhu cầu! Một thống kê sơ khởi cho thấy dù có tất cả gần 70 trường đại học và cao đẳng ở VN hiện nay, giả sử nếu đào tạo cho ra trường hàng năm khoảng 100 ngàn chuyên viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng mất ít nhất là 4, 5 chục năm nữa.
Trong vài năm qua, tất cả các nhà giáo dục uy tín trong nước đều có đưa ra một đề nghị chung là VN cần phải có một sự cải cách giáo dục toàn diện. Nhưng cho đến giờ, sau một thời gian dài nghiên cứu và sau khi bản dự thảo chiến lược giáo dục 2020 ra đời, cũng còn chưa thấy có một biến chuyển tích cực nào! Ngay cả khi bộ GDĐT đưa ra khuyến cáo là các giáo viên nên bỏ dần cách dạy “Thầy đọc – Trò chép”, thì cũng chưa thấy có ai đưa ra được một phương pháp mới nào hay hơn để thay thế.
Trở ngại chính cuả dân Việt suốt trong thế kỷ 20 vừa qua là phải chạy theo các mô hình giáo dục cuả nước ngoài mà quên mất, hay bỏ qua đi lời khuyên chí tình cuả tiền nhân về tinh hoa cuả giáo dục. Điều đáng ngạc nhiên là những bí quyết chân truyền về giáo dục cuả dân Việt suốt hơn hai ngàn năm và phải trả giá bằng “Máu và Nước Mắt” đó, thì chẳng có gì là cao siêu hay khó hiểu, mà lại nằm ở trong câu nói thường ngày cuả bất cứ người dân Việt nào, ở bất cứ đâu trên thế giới! Đó chính là câu nói cuả các bậc cha mẹ... lo nuôi con “ăn học” nên người; và lời khuyên răn các thế hệ con cháu là phải... lo “học hỏi” cho đến nơi đến chốn! Suy ra thì bí quyết chân truyền cuả giáo dục Việt chỉ vỏn vẹn gồm có hai từ kép là “ăn học” và “học hỏi”, hay rút gọn lại thành ba từ đơn giản chính theo thứ tự sau đây là Ăn – Học – Hỏi!
Ngạc nhiên? Nghi ngờ? Thắc mắc? Lịch sử con người chẳng phải đã làm đúng như vậy trong cả ngàn năm qua sao? Câu trả lời là: Đúng vậy! Chẳng có gì mới lạ cả. Nhưng cái khác nhau chính là cách làm, như đem so sánh cái ăn cuả người tiền sử sống trong hang động cách đây cả ngàn năm với cái ăn cuả người khách trong một nhà hàng sang trọng 5 sao tại một đô thị văn minh hiện nay. Chính vì nhờ cách làm khác nhau đó mà qua nhiều thế hệ, đã biến một trường học tầm thường thành ra trường có chất lượng đẳng cấp quốc tế.
Chuyện “ Ăn” thì đã trình bày rồi, chỉ xin nhấn mạnh thêm ở đây để tránh sự hiểu nhầm là cần phân biệt giữa ba trường hợp: Ăn cho no đầy bụng thì khác với ăn cho có đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể khoẻ mạnh, có sức khoẻ tốt để làm việc. Nhưng quan trọng hơn hết mà dân Việt đang khẩn trương cần đến ngay không phải chỉ là ăn cho no, mà chính là ăn thế nào để phát triển tối ưu não bộ, nhất là cho công việc tái tạo sinh ra nhiều thêm các tế bào nhớ cuả bộ não. Liên hệ và sự khác biệt giữa hai trường hợp sau khá phức tạp và dễ bị hiểu nhầm. Rất ít người hiểu rằng một trí tuệ thông minh thường dễ cho ra một sức khoẻ tốt, hơn là chuyện làm ngược lại.
Trở lại với chuyện “Học” thì hầu như ai cũng có kinh nghiệm hay biết hết rồi. Tuy nhiên, nếu như ai cũng muốn bỏ cách dạy “Thầy đọc, Trò chép” thì quả là một sự hiểu nhầm đáng trách. Bởi vì đó chỉ là một phương tiện giáo dục cơ bản không thể không sử dụng trong phương pháp dạy học. Ông “Thầy” ở đây không thể chỉ được hiểu phải là ông thầy bằng xương bằng thịt đang đứng trước lớp học, mà còn có thể ám chỉ là cuốn sách, bạn học cùng lớp, cái máy tivi truyền hình hay ngay cả cái maý tính xách tay, v.v. Đó là cách để truyền đạt kiến thức từ một nguồn tri thức đến với học trò hay đến với một đối tượng khác đang tiếp thu. Tất cả thuần tuý chỉ là “một chiều”! Vấn đề chính là sau khi tiếp thu được kiến thức “một chiều” rồi, người nhận hay “Trò” sẽ xử lý như thế nào mới là điều đáng nói, và cũng chính vì vậy mới đưa đến thắc mắc để “Hỏi”.
Sau cùng, “Hỏi” mới chính là yếu tố quan trọng nhất để cho ra giải pháp tối ưu về GDĐT. Có ba chủ thể: Thầy, Trò và Xã hội (Bao gồm luôn cả cha mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp) như sau:
• Thầy hỏi là để ôn lại khả năng và kiểm soát kết quả học tập cuả Trò.
• Trò hỏi là để tìm kiếm và tự học để tích luỹ kiến thức cho chính mình.
• Xã hội hỏi là để đánh giá thực tài hay để kiểm chứng lại khả năng cuả Thầy và Trò.

Tổng hợp cả hai cách “Thầy đọc, Trò chép” (TĐTC) và “Tự Học Hỏi”(THH) đó theo đúng tỷ lệ tối ưu sẽ cho ra một nền giáo dục và đào tạo hoàn hảo có chất lượng như mong muốn. Cụ thể thí dụ như một đề nghị sau đây để xét nghiệm:
• Tiểu học: (TĐTC) 100- 80% / (THH) 0 – 20%. Nghĩa là bắt đầu từ mẩu giáo (TĐTC) 100% / (THH) 0%, sẽ tăng / giảm dần đến lớp 5 là (TĐTC) 80% / (THH) 20%. Tiếp tục:
• Trung học cơ sở (Cấp 2): (TĐTC) 80 – 70% / (THH) 20 – 30%
• Trung học phổ thông (Cấp 3): (TĐTC) 70 – 60% / (THH) 30 – 40%
• Bậc Đại học: (TĐTC) 60 – 40% / (THH) 40 – 60%
• Bậc Cao học: (TĐTC) 40 – 20% / (THH) 60 – 80%
• Bậc Tiến Sĩ: (TĐTC) 20 – 0% / (THH) 80 – 100%

Nếu có thể áp dụng đúng như trên đến Bậc Cao học Tiến Sĩ thì chắc sẽ không cần phải đi nhập cảng một chương trình giáo dục đào tạo nào ở nước ngoài. Tuy nhiên, nếu trong những bước đầu còn yếu kém về những kiến thức cơ bản thì cũng cần phải có những ông Thầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn để dìu dắt và hướng dẫn.

Bí mật cuả Tư Duy Sáng Tạo
Một thí dụ cụ thể: Hãy chọn một người có trí khôn trung bình và yêu cầu người đó cố gắng đặt ra 100 câu hỏi quy về một chủ đề chính nào đó, như “Trái Đất” chẳng hạn. Thời gian để đặt ra được 100 câu hỏi về chủ đề Trái Đất có thể làm cho đối tượng phải mất một thời gian khá lâu, chừng vài ngày, vài tuần lễ hay vài tháng (?), không thể biết chắc được. Nhưng điều có thể biết chắc được là sau khi làm xong 100 câu hỏi, đối tượng có thể có được một kiến thức chuyên sâu về Trái Đất, và biết đâu trong đó sẽ có một vài ý tưởng rất mới lạ và khác thường, được gọi là ý tưởng sáng tạo! Như vậy, nếu muốn có nhiều công dân giàu tư duy sáng tạo, thì không có gì khác lạ hơn là huấn luyện những thế hệ trẻ có thói quen “Tự Học Hỏi” cùng với bản tính “tò mò tri thức” về khoa học.
Ngày nay khoa học đã chứng minh “Vật chất” và “Năng lượng” chỉ là một sự thay đổi hay hoán chuyển hình trạng cuả sự vật, tuy hai nhưng vốn là một. Chính nhờ vậy, có thể hiểu một cách tương tự cho “Chất xám” và “Trí tuệ” cuả loài người, hay nói cách khác, chỉ số cuả sự thông minh là một hàm số tuỳ thuộc vào mật độ và số lượng cuả các tế bào nhớ trong não bộ. Đồng thời, mật độ và số lượng cuả các tế bào nhớ cũng là một hàm số thay đổi theo tỷ lệ thuận với ba thông số: “Ăn”, “Học” và “Hỏi”!
Sau cùng và trên hết tất cả vẫn là những chứng nghiệm cuả lịch sử loài người: Sẽ không bao giờ có một xã hội thật sự Dân Chủ, Văn Minh và Giàu Mạnh, nếu như có một số nhiều (30-50%) công dân cuả xã hội đó vẫn còn bị đói, thiếu ăn hay suy dinh dưỡng trầm trọng.

Nguyễn Cường
Sacto 10/2009
© Thông Luận 2009




No comments: