Sunday, November 8, 2009

SAU KHI SÔ-VIẾT SỤP ĐỔ - BỨC TRANH TOÀN CẦU ĐƯỢC VẼ LẠI

Sau khi Sô Viết sụp đổ: bức tranh toàn cầu được vẽ lại
The Economist
Tqvn2004 chuyển ngữ
Chủ Nhật, 08/11/2009
http://danluan.org/node/3192

Xin chào trật tự thế giới mới
Đối với cựu tổng thống - và có thể còn quay lại vị trí này trong tương lai - của nước Nga, Vladimir Putin, sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết - hai năm sau sự sụp đổ của bức tường Berlin - là "một tai họa địa chính trị lớn nhất" trong thế kỷ 20. Nó đã tạo ra chấn động trên phạm vi toàn cầu. Những người Nga sống qua những cơn lạm phát kinh hoàng và đồng tiền mất giá khủng khiếp giai đoạn đầu của thời hậu Sô Viết đã phải một cái giá rất đắt. Thế nhưng chỉ một vài quốc gia bên ngoài nước Nga tỏ ra thương tiếc sự ra đi của đế chế thất bại cuối cùng của thế kỷ này.
Người Nga đã từng chứng kiến những thứ tồi tệ hơn [là lạm phát và đồng tiền mất giá]. Đối với họ, thế kỷ 20 đã đem lại thế chiến lần thứ nhất, với việc người Bolshevik lên nắm quyền, sau đó là những nạn đói tự tạo của Stalin khiến hàng triệu người chết. Trái lại, giai đoạn kết thúc chiến tranh lạnh khó có thể coi là tang tóc. Sự đối đầu hạt nhân sau năm 1945 giữa Liên Bang Sô Viết và phương Tây đã đem lại một sự ổn định đầy nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng tạo ra những cuộc chiến ủy nhiệm từ Triều Tiên và Việt nam cho tới Angola, Trung Mỹ và Afghanistan - một sự nối tiếp của chiến tranh lạnh bằng con đường máu me truyền thống. Quả thực, sự sụp đổ của ảnh hưởng Sô Viết vòng quanh thế giới không được thương tiếc bên ngoài nước Nga, ngoại trừ những ai phải dựa vào nó để chiếm và giữ quyền lực. Thế nhưng tại sao mọi sự lại kết thúc nhanh đến thế? Và kết thúc đó thay đổi thế giới, vốn đang chịu ảnh hưởng từ 4 thập niên thống trị và đối nghịch của các siêu cường, như thế nào?
Một số người cho rằng giấc mơ "chiến tranh giữa các vì sao" của Ronald Reagan đã đem lại sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết: một hệ thống phòng thủ tên lửa - công nghệ cao cấp này đã đe dọa điện Kremlin theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang mới mà nó không có tiền chi trả. Thế nhưng Liên Bang Sô Viết vẫn có thể đè bẹp chiến lược phòng thủ đó, đơn giản bằng cách chế tạo nhiều tên lửa hơn - đó chính là lý do mà hệ thống phòng thủ chẳng bao giờ được xây dựng. Xét theo nhiều khía cạnh, Liên Bang Sô Viết đã thua trong chiến tranh lạnh, chứ không phải Hoa Kỳ đã chiến thắng.
Ngoại trừ sức mạnh quân sự, tất cả các nguồn lực khác tạo ra sức mạnh rõ ràng của Liên Bang Sô Viết đã cạn kiệt từ nhiều năm trước. Kế hoạch hóa tập trung đã có tác dụng khi tiến bộ được đánh giá bằng số tấn thép hay tấn xi-măng sản xuất ra, hay bao nhiêu xe tăng và tên lửa được chế tạo. Nhưng những động cơ sai lầm của nó cũng khiến các nhà máy cho ra đời những thứ chẳng ai thèm mua, trong khi các cửa hàng lại cạn kiệt những mặt hàng mà họ mong ước, từ thịt tươi cho đến tủ lạnh. Giá trị âm - sản xuất hàng hóa trị giá thấp hơn lượng vật liệu dùng để làm ra hàng hóa đó - không thể kéo dài vĩnh viễn. Trong khi đó, thiếu thốn đã tạo ra nền kinh tế chợ đen do tội phạm điều hành, mà theo một số người ước tính, có giá trị tới 30% nền kinh tế thực, thậm chí có thể còn lớn hơn.
Mặc dù không có sự sụp đổ của bức tường Berlin, và dưới sự quản lý mới của Mikhail Gorbachev, Liên Bang Sô Viết cũng sẽ vật lộn trong tuyệt vọng (nước Nga bây giờ vẫn đang tiếp tục vật lộn) để đem con vật khổng lồ này vào thời đại công nghệ thông tin và những microchip. Ở nước ngoài,
Hội đồng Tương Trợ Kinh Tế (Comecon) - một khối thương mại được tạo từ Liên bang Sô Viết, một vài quốc gia vệ tinh của nó ở Châu Âu, Mông Cổ, Cuba và cuối cùng là Việt Nam, chỉ hoạt động dựa trên khối tiền trợ cấp khổng lồ từ Liên Sô và bằng những đồng tiền không có giá trị. Đế quốc trải rộng - tài trợ cho những phong trào du kích ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ và hỗ trợ các thể chế thiếu tiền và không được người dân yêu chuộng từ Angola tới Afghanistan - chỉ càng làm căng thẳng tăng thêm.
Các đế quốc khác cũng hết thời gần đây, như Anh Quốc, Hà Lan, Pháp, chí ít cũng để lại một vài di sản cho những thuộc địa bất đắc dĩ của họ khâm phục: tập quán cai trị, hệ thống luật pháp, và thậm chí cả một ngôn ngữ có ích. Đế quốc Sô Viết chẳng để lại gì. Những dấu tích của nó nhanh chóng bị xóa sạch khi các quốc gia Đông Âu chạy tới tự do và kinh tế thị trường. Nhưng cùng với sự ra đi của Liên Bang Sô Viết, trật tự thế giới cũ dựa trên sự cạnh tranh giữa Liên Bang Sô Viết và Hoa Kỳ, cũng như dựa một phần trên cuộc chiến dành ảnh hưởng với một Trung Quốc đang vươn lên bên trong phe Cộng Sản và thế giới không liên kết. Khi Liên Bang Sô Viết từ bỏ cả hai chiến trường, không có ngóc ngách nào trên thế giới không bị thay đổi.
Đầu tiên là vài thể chế ủng hộ Sô Viết, đặc biệt là Cuba và Việt Nam, đã phải nhận một cú sốc kinh tế khủng khiếp khi giá "hữu nghị" và các khoản nguyên liệu được tài trợ đầu tiên là teo nhỏ, sau đó biến mất, chỉ trong có một đêm. Các liên kết thương mại bị cắt ngang. Không còn khả năng bán đường, thiếc và cam của nó với giá trên trời, hay nhập khẩu dầu hỏa với giá đặc biệt rẻ từ Sô Viết, Cuba đã lao đầu vào suy thoái. Tới giữa 1990, nền kinh tế của nó đã co ngót mất 1/3. Bởi vì nó bị phá sản, Cuba đã buộc phải dừng việc chống lưng cho thể chế Sandinista ở Nicaragua. Nó cũng phải chứng kiến sự thất bại của các phong trào khởi nghĩa cánh tả ở Trung Mỹ. Nguồn tài chính bị cắt giảm đối với tất cả các phong trào Mác-xít trên toàn cầu.
Châu Phi cũng cảm nhận được chấn động. Các đội quân Cuba, ban đầu được chuyên trở bằng đường biển và đường không tới, và được duy trì bởi các chuyên gia quân sự Sô Viết, đã buộc phải rút khỏi Ethiopia vào năm 1989 và hai năm sau khỏi Angola, nơi họ đã giúp các thể chế Mác-xít nắm giữ quyền lực. Mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên toàn miền Nam Châu Phi, khi mà cuộc chiến Mozambique dần dần chấm dứt. Kết luận rằng chủ nghĩa cộng sản, một "ông ba bị" vĩ đại đe dọa chính trường Nam Phi, không còn là mối lo lăng, thể chế "toàn người da trắng" của quốc gia này đã thả Nelson Mandela khỏi ngục tù. Và sau đó nó chấp nhận bầu cử tự do - điều đã dẫn đến chấm hết của
chủ nghĩa Apartheid.
Thế nhưng nếu Châu Phi đã nhận được quá nhiều sự quan tâm của các cường quốc trong những năm 1980, thì sau khi Sô Viết sụp đổ, chẳng ai thèm để ý tới nó nữa. Khi cuộc ẩu đả dành ảnh hưởng đã qua, thế giới phần lớn quay mặt đi khi mà Rwanda bị nhấn chìm trong họa diệt chủng và Công Gô bị kéo vào xung đột nội địa dai dẳng. Và như thế một cuộc tranh luận về ai cần phải giữ hòa bình khi chẳng có ai thèm làm, đã nổ ra.
Ở Châu Á cũng thế, tuy các cuộc chiến ủy nhiệm đã kết thúc, nhưng sự tan rã của cuộc chiến tranh lạnh cũng vẫn đem lại những thay đổi lớn. Một kẻ thất bại là Bắc Hàn. Để tìm kiếm tiền mặt mạnh cho dầu hỏa và vũ khí của mình, Nga đã bắt đầu thiết lập những mối quan hệ mới với quốc gia giàu có hơn Nam Hàn trước khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ. Một Trung Quốc thực dụng cũng nhanh chóng làm theo. Ở Việt Nam, việc mất đi sự trợ giúp của Sô Viết dẫn tới việc thể chế phải đổi mới nền kinh tế, và tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn với các hàng xóm của mình - thậm chí, sau này, cả với Hoa Kỳ, kẻ thù cũ của nó.
Ấn Độ đã phụ thuộc nặng nề vào Liên Sô để có khí tài quân sự và ủng hộ chính trị chống lại cả Trung Quốc và Pakistan. Hoa Kỳ và Trung Quốc, những quốc gia mà Ấn Độ đã từng phải chiến đấu chống lại trong một cuộc chiến biên giới khủng khiếp, đều có mối quan hệ chặt chẽ với Pakistan. Ấn Độ hay giận dỗi đã phải mất khá nhiều thời gian, nhưng từ khi cởi mở hơn đối với đầu tư phương Tây, nó đã cải thiện được quan hệ với Hoa Kỳ: Một đối trọng với Trung Quốc ngày càng trở nên cần thiết khi ảnh hưởng của Nga và những khoản tài trợ hào phóng đang mất dần.
Đông Bắc Á, trong khi đó, vẫn đang cố gắng duy trì một sự cân bằng 5 chiều kỳ quặc giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga đã suy yếu, một Hoa Kỳ đang mất tập trung, một Nam Hàn đầy khát khao, và một Nhật Bản ngập ngừng. Bất chấp những liên kết thương mại tốt đẹp và mạnh mẽ, nó bây giờ vẫn thế.
Trong bãi chiến trường của các lực lượng đối nghịch siêu cường, ở Trung Đông, lượng vũ khí Sô Viết bán ra cho Syria, Iraq và các quốc gia khác đã chẳng làm gì để thúc đẩy sự nghiệp hòa bình giữa các quốc gia Ả-rập và Israel. Đó là khoảnh khắc của Hoa Kỳ: Năm 1991 không chỉ chứng kiến thành công của liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu trong cuộc chiến vùng Vịnh thứ nhất, mà còn cả những cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc. Ngay cả lãnh đạo của Palestine, ông Yasser Arafat, cũng nhận ra rằng không còn con đường nào khác ngoài nhờ đến trung gian Hoa Kỳ, mặc dù Syria, Iraq và Iran vẫn không chấp nhận điều này. Cuối cùng Arafat cũng đã bỏ lỡ một thỏa thuận. Thất vọng và rồi sự kiện khủng bố 9/11 diễn ra tại New York và Washington, đã làm nước Mỹ chú ý, và thế giới lại một lần nữa đảo lộn.
Và còn khoảng khắc đơn cực mà nhiều người trông đợi, khi Hoa Kỳ còn lại một mình như một siêu cường trên trái đất? Hai nhiệm kỳ chính phủ Hoa Kỳ liên tiếp những năm 1990, giải quyết vấn đề tại Somalia, Rwanda, rồi giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, và sự chia rẽ của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc trước những cuộc thanh tra vũ khí tại Iraq, và sự gia tăng bạo lực của tổ chức khủng bố al-Qaeda và sự trỗi dậy của Trung Quốc; trật tự thế giới mới dường như hỗn loạn và mất trật tự hơn. Với nhận thức muộn mằn, một thế giới đa cực rối rắm đã hình thành ngay từ khi [Liên Sô tan vỡ] đó.



No comments: