Sunday, November 8, 2009

CHUYỆN BỨC TƯỜNG BÁ LINH SỤP ĐỔ và NƯỚC ĐỨC THỐNG NHẤT

Chuyện bức tường Bá Linh sụp đổ và nước Đức thống nhất
Dũng Vũ
08/11/2009 6:00 sáng
3 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=12716
Hai mươi năm về trước, đúng ngày 09.11.1989: bức tường Bá Linh sụp đổ.
Hôm đó tôi có hẹn với một ông bạn đồng nghiệp Đức đi uống nước sau giờ làm việc. Chúng tôi sẽ gặp nhau ở quán Roger’s Kiste, một quán bia nhỏ, ấm cúng của thành phố Stuttgart, nơi mà dân sinh viên, giới trí thức thường lui tới uống bia, nghe nhạc Jazz.
Mới sáu giờ chiều, quán đã đông. Nhiều người đang xôn xao bàn tán gì, không biết. Một lúc sau, bà chủ quán bê ra một chiếc TV nhỏ đặt lên quầy; một chuyện lạ chưa bao giờ thấy. Có người hỏi “tại sao?”, bà chỉ mỉm cười, nói ngắn: “Hôm nay là trường hợp ngoại lệ”.
Ông bạn đã tới. Chúng tôi trò chuyện với mọi người thì mới biết thiên hạ đang bàn tán về chuyện người Đông Đức chuẩn bị tràn sang Tây Đức. Có thể hôm nay sẽ có biến cố quan trọng.
Đúng bảy giờ tối, mọi người lắng nghe tin tức của đài ZDF. Không có gì đặc biệt. Bỗng vào phút chót, người phát ngôn thông báo, cách đây vài phút ông Günter Schabowski, đại diện chính quyền Đông Đức, tuyên bố đại ý rằng, hội đồng bộ trưởng đã biểu quyết luật xuất cảnh mới, tạo điều kiện cho mỗi công dân Đông Đức ra khỏi nước qua các cổng biên giới. Và ngay lập tức.
Cả quán nước ồ lên trước quyết định bất ngờ. Vậy là kể từ giây phút này, người dân Đông Đức được quyền ra đi dễ dàng. Một tin mừng cho họ và đặc biệt cho những người trước đó đã kéo nhau vào các tòa đại sứ Tây Đức ở Đông Âu xin tị nạn.
Hết phần tin tức, đài ZDF tiếp tục chiếu hình ảnh trực tiếp từ Berlin. Vô số người Đông Đức đang tụ tập trước cổng biên giới chờ được cấp visa qua Tây Bá Linh. Nhưng vẫn chưa thấy ai qua.
Khách trong quán vẫn hướng mắt vào chiếc TV và bàn tán. Có điều lạ là không ai xúc động, vui mừng; không ai khui rượu uống; không ai cụng ly chúc nhau trước một bước ngoặt lịch sử: Đông Đức sẽ sụp đổ và nước Đức của chúng ta sẽ thống nhất.
Bên cạnh ly bia và ngọn nến ấm áp, người ta thi nhau nói. Người thì nguyền rủa kẻ điên rồ nào đã nghĩ ra ý tưởng xây bức tường Bá Linh ngu xuẩn; người thì phê phán chế độ Cộng sản khắc nghiệt, phi nhân bản làm con người sống thiếu tự do, hạnh phúc đến nỗi phải tìm cách bỏ xứ ra đi. Nói chung, người ta thương hại người Đông Đức và hy vọng họ sẽ được tự do hơn.
Tôi hỏi ông bạn Đức nghĩ gì. Ông thản nhiên đáp: “Thì tốt cho người Đông Đức thôi. Đấy không phải là vấn đề của tớ”.
Suốt đêm đó, ngoài đường phố, mọi sinh hoạt vẫn bình thường; không có cảnh xe hơi bấm còi inh ỏi, người cầm cờ đổ xô xuống đường ca hát, ăn mừng như thể đội banh Đức vừa đá thắng đội banh khác trong giải vô địch Âu châu hay thế giới.
Sáng hôm sau lấy xe điện đi làm, tôi liếc mắt nhìn sang hàng tít trên mặt báo của người bên cạnh và được biết đêm qua bức tường Bá Linh đã đổ. Chiều đi làm về, tôi liền bật TV xem hình ảnh cũ. Một dòng người – như dòng nham thạch từ Đông Bá Linh – đang từ từ tràn sang phía Tây thành phố. Người người nối đuôi nhau đi bộ hoặc ngồi trong những chiếc xe hơi Trabant nhỏ bé, mỏng manh như món đồ chơi. Không ai lộ vẻ sợ hãi, chen lấn nhau đi như chạy trốn mà ngược lại rất vui tươi, thảnh thơi như đi dạo vậy. Nhìn cảnh ấy, tôi phải bật cười công nhận: “Người Đức vượt biên thoải mái nhất thế giới”.
Và bức tường Bá Linh hiện ra trước mắt tôi. Hàng đống người đua nhau trèo lên, đứng, ngồi, ca hát, vui đùa với nó vô tư như những đứa trẻ đang chơi cầu trượt vậy. Một ông cảnh sát biên phòng Đông Đức ung dung đi qua lại. Bình thường ông ta đã chĩa súng bắn chết đám người ấy.
Không khí trước cổng Brandenburger Tor – ranh giới Đông Tây – tưng bừng như ngày lễ hóa trang. Người ta ôm nhau, nhảy múa, uống rượu, ăn mừng, phất cờ, ca hát, hò reo ầm trời ầm đất: “Wir sind ein Volk”, “Wir sind ein Volk” (chúng ta là một dân tộc).
Ông Walter Momper, thị trưởng thành phố Tây Bá Linh, lên đọc diễn văn chào mừng giữa tiếng hoan hô vang dội: “Hôm nay, dân tộc Đức là dân tộc hạnh phúc nhất thế giới”. Không những bằng lời, mỗi người dân Đông Đức còn được thành phố Berlin chào mừng bằng 100 DM. Các quán bia cũng đãi khách uống thả giàn. Suốt cả đêm, dân Tây Bá Linh đã xuống đường chào đón, chia vui với người mới đến.
Một ông bạn đồng nghiệp người Đông Đức của tôi cũng sang Tây Đức vào đêm đó và cũng có mặt trước cổng Brandenburger Tor, Berlin. Ông ta kể với tôi rằng:
Đêm hôm đó thật tưng bừng, ấm áp, dù trời tháng 11 đã lạnh. Cái cảm giác được tự do thật tuyệt vời. Kể từ hôm nay, mình không cần phải lo sợ gì nữa cả. Không lo sợ mật vụ Stasi kiểm soát, không lo sợ phải sống suốt đời trong một không khí gò bó, nặng nề. Bây giờ chỉ còn tương lai tốt hơn nằm trước mặt. Có tự do là có thể với tới.
Tuy nhiên trong đám người hạnh phúc ấy, có nhiều người không được hưởng chung niềm vui một cách dễ dàng. Đó là những người Phi châu, Á châu từ phương xa tới lao động tại Đông Đức. Chẳng hạn đồng bào người Việt của ông. Nhiều người Việt đã nhuộm tóc vàng trà trộn vào đám đông người Đức để lẩn tránh cảnh sát biên phòng. Họ không được đối xử bình đẳng như người Đức. Ví dụ chuyện đổi tiền. Hồi xưa cứ 10 Mark Đông Đức thì đổi được 1 Mark Tây Đức. Về sau chính phủ Đức rộng lượng chấp nhận 1 Mark Đông Đức ăn 1 Mark Tây Đức, nhưng chỉ người Đức mới được hưởng tiêu chuẩn ấy.
Người Tây Đức đã chào đón chia vui với người Đông Đức, nhưng đồng thời cũng lo ngại cho tương lai người mới tới và cả tương lai chính mình. Trước giờ bức tường Bá Linh sụp đổ, nhiều chính trị gia Tây Đức đã đặt câu hỏi, làm sao có thể cưu mang hàng trăm ngàn, hàng triệu người, nếu cuộc di tản không ngừng lại.
Nỗi sợ hãi của người dân Đông Đức rất lớn: sợ sống với chế độ cộng sản. Và đây là cơ hội ngàn năm một thủa để lìa bỏ nó, nếu không tận dụng, biết đâu cái trật tự Đông Đức – Tây Đức lại được tái lập, thì số phận mình sẽ ra sao. Thế là người Đông Đức vẫn tiếp tục ra đi.
Trước tình hình nguy ngập ấy, chỉ còn một giải pháp là xóa sổ Cộng hòa Dân chủ Đức, thống nhất nước Đức.
Ngày 03.10.1990, nước Đức thống nhất.
Nước Đức thống nhất không có niềm kiêu hãnh của kẻ chiến thắng, không có máu và tiếng súng, không có “chiến lợi phẩm”, không có trại học tập cải tạo, không có vùng kinh tế mới, không có hàng triệu người đổ xô ra biển, không có diệt trừ “tư sản mại bản”. Nhưng vẫn có đổi tiền và người Đông Đức đã giàu hơn gấp 10 lần. Và vẫn có các vụ án.
Ngày 12.11.1992, ban lãnh đạo cộng sản Đông Đức ra trước vành móng ngựa về vụ bức tường Bá Linh. Đứng đầu bảng bị cáo là Honecker, cựu Tổng Bí thư đảng Cộng sản Ðức lâu năm kiêm chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Ðức (DDR).
Thực ra trước đó, vào tháng 12 năm 1989, Honecker đã bị thẩm phán nhà nước DDR truy tố về vụ lạm dụng chức quyền và phản bội tổ quốc. Tháng 2 năm 1990, Honecker bị cảnh sát DDR bắt nhưng hôm sau lại được thả ra.
Trước khi bắt đầu một cuộc sống ẩn trốn, hai vợ chồng Honecker đã cho chuyển tiền bạc và tranh vẽ quý giá (của da Vinci, Picasso, Rembrandt) ra nước ngoài. Chiếc du thuyền trị giá 500.000 Euro của họ bị tịch thu.
Hai người được Bắc Hàn, Syrien chấp nhận cho tị nạn nhưng lại quyết định chọn một quân y viện Xô-viết tại Ðông Ðức làm nơi ẩn náu, rồi từ đó bay thẳng sang Mạc Tư Khoa.
Sau khi cuộc “đảo chính tháng Tám” 1991 của Yeltsin nổ ra và lật đổ Gorbachev, khối cộng sản Liên-Xô kể như tan rã. Một nước Nga mới không còn muốn cưu mang đồng minh cũ. Vợ chồng Honecker chạy trốn vào tòa đại sứ Chile tại Mạc Tư Khoa xin tị nạn.
Tháng 7 năm 1992, trước yêu cầu “dẫn độ” Honecker về Ðức của tòa án Ðức, lính Nga đã xông vào tòa đại sứ Chile bắt hai vợ chồng và chuyển giao cho Ðức.
Honecker bị khởi tố về tội ra lệnh bắn người vượt tường, tội đả thương và cố ý đả thương trong nhiều vụ. Ðồng phạm trong vụ án còn có những lãnh đạo cộng sản DDR cao cấp khác: Erich Mielke (sếp Stasi), Willi Stoph (thủ tướng), Heinz Kessler (bộ trưởng quốc phòng) Fritz Streletz (người đại diện Kesser) và Hans Albrecht (Bí thư chi bộ đảng CS Ðức, địa phận Suhl).
Cuối cùng, Honecker Mielke và Stoph được miễn tố vì lý do sức khỏe. Ba nhân vật còn lại phải chịu án: Kessler 7,5 năm, Streletz 5,5 năm và Albrecht 4,5 năm.
Ngày 13.11.1995, các ủy viên bộ chính trị và lãnh đạo cộng sản Đông Đức cũ khác cũng bị truy tố về tội đả thương. Krenz bị 6,5 năm, Schabowski và Kleiber 3 năm. Những nhân vật khác như sếp bộ máy tuyên truyền Kurt Hager, ủy viên thanh tra Mückenberger…, được miễn tố vì lý do sức khỏe.
Cũng may nhà tù Ðức không quá khắc nghiệt, những người bị kết án vẫn được sống thoải mái. Ví dụ Krenz – chủ tịch nước cuối cùng của Đông Đức – trong thời gian thụ án vẫn được ra ngoài đi làm vào buổi sáng và được trả lương, tối về khám ngủ. Còn Honecker, sau khi được tha, ông được quyền rời nước Đức qua sống ở Chile cùng với bà vợ Margot và người con gái lấy chồng Chile, và cuối cùng qua đời ở đó. Các “vị lãnh đạo” Đông Đức cũ khác tuy được miễn tố, nhưng buộc phải về hưu và dĩ nhiên được ăn tiền hưu như một công dân Đức bình thường.
Nước Đức thống nhất nhưng dân tộc thì không, không hề đơn giản như khẩu hiệu “Wir sind ein Volk” (Chúng ta là một dân tộc) mà đoàn người Đông Đức vừa đặt chân lên mặt đất Tây Đức đã hô vang trước cổng Brandenburger Tor, Berlin. Cuộc thống nhất không bao giờ là ý nguyện chung của toàn dân tộc Đức mà là ý nguyện riêng của người Đông Đức và nhiều chính khách (Bush, Kohl, Gorbachev…).
Bước qua trang sử mới, gánh nặng khổng lồ đầu tiên mà toàn dân Đức phải vác trên vai là xây dựng Đông Đức. Mặt khác, như đã biết, Tây Đức vốn là một xứ tư bản, nhưng trên thực tế lại là một nước “xã hội chủ nghĩa”. Giờ đây, hai miền nhập chung, nhà nước lấy tiền đâu để bảo đảm hệ thống ấy? Dĩ nhiên là tiền thuế trong khi người dân đã đóng quá cao.
Ngày 01.07.1991, chính phủ ban hành “thuế phụ thu đoàn kết” (“Solidaritätszuschlag”) cho chương trình xây dựng Đông Đức (Aufbau Ost) với lời hứa chỉ áp dụng đến ngày 30.06.1992. Thế nhưng mãi đến hôm nay vẫn chưa chịu bỏ, thậm chí còn dùng tiền ấy chi phí cho chiến tranh vùng Vịnh.
Tâm lý con người là không ai muốn người khác móc túi mình. Hơn nữa dân Đức có tiếng vị kỷ, hà tiện, huống gì phải bỏ tiền chi cho chiến tranh của người khác. Dẫu vậy, điều đó vẫn không đáng kể bằng phải chi phí lâu dài cho Đông Đức. Hệ quả tự nhiên là dân Tây Đức khó mà nở nụ cười với dân Đông Đức.
Tôi còn nhớ, thời sinh viên, nhà trường thường tổ chức đi Tây Berlin chơi bằng xe bus. Vào đến đất Đông Đức, đường xá, nhà cửa… trông hết sức tồn tàn, cũ kỹ. Giờ đây, cơ sở hạ tầng bên ấy được xây dựng mới toanh, đẹp đẽ, hiện đại mà Tây Đức không sao sánh được. Nhìn cảnh ấy, hiển nhiên người dân Tây Đức sẽ ganh tị: “Tiền tôi đóng thuế cho anh hưởng đấy”. Hoặc họ sẽ đặt câu hỏi tại sao người Đông Đức được hưởng tiền hưu, tiền thất nghiệp, v.v… dù họ chưa đóng một đồng bạc nào cả?
Không những ganh tị đã dựng bức tường ngăn cách dân tộc Đức mà còn nhiều dị biệt, thành kiến khác từ hai phía.
Cách suy nghĩ: Người sống trong xứ cộng sản suy nghĩ khác người sống ở xứ tự do. Người Tây Đức suy nghĩ “có làm, có ăn; cùng lắm mới nhờ xã hội”; còn người Đông Đức thì bị chê trách quen thói nghĩ đến “xin-cho”, bao cấp.
Cách làm việc: Người Tây Đức làm việc có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh, trách nhiệm, có sáng tạo, bài bản khoa học. Trong khi đó người Đông Đức thường bị thành kiến có thói quen làm cho xong việc, ra lệnh thì mới làm, thiếu tự chủ và tính sáng tạo, thiếu khoa học, thiếu năng suất, hay đổ trách nhiệm cho người khác, v.v…
Người Tây Đức cũng thường than phiền người Đông Đức về tính nhàn hạ, ỷ lại, tự hào dân tộc quá trớn. Ngược lại, người Đông Đức thì cho người Tây Đức là lạnh lùng, máy móc, kẻ cả, thiếu tình cảm, chỉ biết làm, không biết hưởng. Họ cũng thường trách người Tây Đức xem họ như công dân hạng hai.
Về mặt kinh tế, sau 20 năm thống nhất, hai miền vẫn chưa được cân bằng. Năng suất lao động và mức thu nhập của Đông Đức vẫn đứng sau Tây Đức. Nếu đổ tội kết quả này cho những xung khắc giữa người và người vừa kể thì thật không công bằng, bởi còn nhiều yếu tố khách quan khác nữa: Hạ tầng cơ sở, nền công nghiệp, trình độ kỹ thuật, phương cách quản trị xí nghiệp… của Đông Đức, tất cả đều yếu kém, lạc hậu không đủ sức cạnh tranh, cần phải xây dựng mới, tái tổ chức, đào tạo lại và cần phải có thời gian. Sự đổi mới một phần cũng làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tại đó vốn đã cao và dẫn đến sự bất mãn của người dân.
Tính đến nay, nhà nước Đức đã bơm hàng ngàn tỉ Euro cho chương trình xây dựng Đông Đức và vẫn còn tiếp tục. Thuế má tiếp tục tăng, trong khi phúc lợi của hệ thống “xã hội chủ nghĩa” giảm. Thuế thu nhập tăng, thuế tiêu thụ tăng, bảo hiểm sức khỏe tăng, bảo hiểm xã hội tăng…, dịch vụ y tế giảm, tiền hưu bổng giảm, tiền thất nghiệp giảm, quỹ giáo dục giảm, v.v… và v.v…
Đối với người dân Tây Đức, mức độ “xã hội chủ nghĩa” của miền Tây Đức một thời từng làm cho dân chúng hài lòng nay không còn nữa. Nhiều người dân Tây Đức hôm nay chỉ muốn dựng bức tường Bá Linh trở lại.
Dẫu sao chăng nữa, nước Đức thống nhất vẫn thuyết phục được mọi người, nó đang trên đà ổn định và vững mạnh. Theo viện nghiên cứu kinh tế Đức (IW), tính từ ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, nền kinh tế Đông Đức đã tăng trưởng gấp đôi so với những nơi khác trên thế giới có điều kiện ban đầu tương tự. Hiện tại, tổng sản lượng Đông Đức đã đạt 70% tổng sản lượng Tây Đức. Dự đoán đến năm 2028, hai miền sẽ cân bằng và 10 năm nữa, “thuế phụ thu đoàn kết” không còn cần thiết.
Kết quả đạt được đối với một nước công nghiệp có đời sống cao sau 20 năm xây dựng như thế là một sự kỳ diệu. Theo IW, thành tựu đó đáng lạc quan hơn người ta nghĩ.
Không kể sự kiên nhẫn góp phần của người dân, cần thừa nhận, đó cũng là nhờ tinh thần “vì dân giàu, nước mạnh” thực sự của nhiều đảng phái Đức đã tham gia làm hết mình với mục tiêu rõ ràng: Xây dựng một nước Đức thống nhất, tự do, dân chủ, tư bản nhưng mang tính xã hội, hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.
Chắc chắn người Đức sẽ thực hiện được điều đó. Và càng dễ dàng hơn nếu được may mắn, như bức tường Bá Linh đã đổ sụp bởi một làn sóng người khổng lồ cũng vì lời tuyên bố lầm lẫn – ngoài ý muốn nhà cầm quyền Đông Đức – của ông Schabowski: tạo điều kiện cho người dân muốn ra khỏi nước và “ngay lập tức”.


Stuttgart 11.2009
------------------------------------------

Thời điểm 1989: Di sản cần được bảo tồn - Janusz Bugajski
Những khía cạnh của cuộc cách mạng phi thường - Ronald H. Linden



No comments: