Sunday, November 15, 2009

P/V GS VŨ TƯỜNG về KẾ HOẠCH thành lập CỘNG ĐỒNG ĐÔNG Á

P/V Giáo sư Vũ Tường về kế hoạch thành lập Cộng Đồng Đông Á
Duy Ái
02/11/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-02-voa17.cfm
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) ở Thái Lan hôm 24 tháng 10 vừa qua, các nhà lãnh đạo của 10 nước Asean cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand, đã đồng ý trên nguyên tắc về việc thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (East Asia Free Trade Area / EAFTA) vào năm 2015, qui tụ khoảng phân nửa dân số của toàn thế giới. Tại hội nghị này, Nhật Bản và Australia đã lần lượt trình bày tầm nhìn của mình về một cộng đồng Á châu dựa theo khuôn mẫu của Liên hiệp Âu châu. Ban Việt Ngữ đài VOA đã tiếp xúc với giáo sư Vũ Tường, một chuyên gia về chính trị Á châu của Đại học Oregon, và được ông cho biết một số nhận xét và ý kiến về diễn tiến quan trọng này.

VOA: Theo nhận xét của một số các nhà quan sát, với những đề nghị mà Nhật Bản và Australia nêu ra tại hội nghị Hua Hin, kế hoạch thành lập Cộng đồng Đông Á đã vượt qua giai đoạn “chiếc bánh trên trời / pie-in-the-sky” hay “viễn mơ” để tiến vào một giai đoạn mới, và bắt đầu thảo luận những vấn đề có tính chất cụ thể hơn, như vấn đề liên quan tới vai trò của Hoa kỳ. Trước hết, xin giáo sư cho chúng tôi được biết nội dung đề nghị chính phủ Úc là gì?
GS Vũ Tường: Đề nghị của Thủ tướng Úc, ông Kevin Rudd, nêu ra từ tháng 6 năm ngoái. Đề nghị này nhắm vào việc thành lập một tổ chức bao gồm tất cả các nước vùng Đông Á và Hoa kỳ. Ông Rudd lo ngại về triển vọng trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc mới trong khu vực, và tổ chức mới ông đề nghị nhằm tăng cường các quan hệ đa phương và giảm bớt nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Hoa kỳ. Ông Rudd cho rằng các tổ chức hiện hữu hoặc là quá bao trùm (như APEC) hoặc là chỉ thu gọn trong Đông Á mà không bao gồm Hoa kỳ (như ASEAN, Cộng đồng Đông Á). Ông Rudd và Bộ trưởng Ngoại giao Úc đã đi các nước Đông Á quảng bá ý tưởng của ông nhưng chưa được phản ứng thuận lợi lắm. Vào tháng 12 này Úc sẽ tổ chức một Hội nghị Đông Á để bàn về việc hình thành tổ chức mới dự định vào năm 2020.

VOA: Thưa giáo sư, về phần Nhật Bản thì họ đề nghị như thế nào ạ?
GS Vũ Tường: Muốn hiểu đề nghị của ông Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama, chúng ta phải bắt đầu từ những thay đổi gần đây trong chính trị Nhật. Ông Hatoyama mới lên cầm quyền hơn một tháng nay. Đảng Dân chủ Nhật bản của ông lần đầu tiên lên nắm quyền ở Hạ viện, thay thế Đảng Dân chủ Tự do đã cầm quyền hầu như liên tục từ năm 1955. Trong khi vận động tranh cử, ông Hatoyama đã đề ra một chính sách ngoại giao mới cho Nhật gồm có 2 điểm chính: một là điều chỉnh quan hệ Mỹ-Nhật theo hướng bình đẳng hơn—ông Hatoyama tin rằng Nhật quá lệ thuộc Mỹ trong quá khứ. Hai là tăng cường quan hệ giữa Nhật và các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Từ khi lên cầm quyền, ông Hatoyama đã điều chỉnh đường lối ngoại giao của mình. Đầu tiên ông ấy nói khối Cộng Đồng Đông Á dựa trên ba nước Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là chính, và không liên quan đến Mỹ. Nhưng khi ở Thái Lan tuần trước, ông ấy đã nói Nhật ủng hộ Mỹ đóng một vai trò trong Cộng Đồng này, mặc dù ông không nói rõ là vai trò nào. Có lẽ sau khi lên cầm quyền ông ta mới thấy rõ sự quan trọng của quan hệ Mỹ-Nhật, nhưng sự chấp nhận vai trò của Mỹ của ông có vẻ miễn cưỡng.
Khác với ông Thủ tướng Úc, ý tưởng của ông Thủ tướng Nhật thiên về hợp tác kinh tế để cạnh tranh với khối Liên Hiệp Âu châu và có lẽ cả Mỹ. Ông thậm chí còn đề nghị mục tiêu tiến tới một đơn vị tiền tệ chung cho cả khối Đông Á, một mục tiêu nhiều người nghĩ là xa rời thực tế.
Tôi nghĩ ý tưởng của thủ tướng Nhật không rõ ràng và sẽ còn thay đổi đường lối trong tương lai. Đề nghị của Úc vì vậy đáng chú ý hơn đề nghị của Nhật, mặc dù Úc không phải là nước lớn như Nhật.

VOA:Thưa giáo sư, theo tin của hãng thông tấn Pháp, một số các nước trong khối Asean muốn có sự tham gia của Hoa kỳ trong Cộng đồng Đông Á để đối trọng với ảnh hưởng của Trung quốc. Thủ tướng Najib Razak của Malaysia mới đây cũng cho tờ Bangkok Post ở Thái lan biết rằng Asean nên xem xét tới vấn đề có thể hội nhập Hoa kỳ vào Cộng đồng Đông Á tới mức độ nào. Xin giáo sư cho biết lập trường hiện nay của chính phủ Việt Nam đối với vấn đề này như thế nào, và theo ý kiến của giáo sư thì mức độ tham dự cao, thấp của Washington trong tổ chức khu vực tương lai này sẽ có lợi, hại như thế nào đối với Việt Nam?
GS Vũ Tường: Chính phủ Việt nam chưa có một lập trường rõ rệt về vấn đề hội nhập của Hoa kỳ vào khối Đông Á. Tôi nghĩ họ vẫn còn chờ xem. Ý tưởng của cả Úc và Nhật đều còn khoảng cách khá xa với thực tế nên không chỉ Việt nam mà hầu hết các nước Asean đều có thái độ chờ xem. Asean có mục tiêu riêng là Cộng Đồng Asean vào năm 2015. Năm 2010 Việt nam sẽ là chủ tịch của Asean, có lẽ họ sẽ bày tỏ thái độ rõ ràng hơn về vấn đề này.
Lãnh đạo Việt nam không nghĩ xa được như ông Thủ tướng Úc về nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ chỉ muốn các nước giàu tăng viện trợ cho các nước nghèo, nhất là Việt nam. Ví dụ vừa rồi Thủ tướng NTD bày tỏ hy vọng rằng Cộng Đồng Đông Á chi tiền xây 1 trung tâm giáo dục môi trường ở Việt nam. Tôi nghĩ với thái độ nghi ngờ Mỹ cố hữu, chính phủ Việt nam sẽ không hào hứng việc Mỹ gia nhập vào khối Đông Á. Những gì Việt nam muốn từ Mỹ, họ có thể có được qua quan hệ song phương. Đây là ý mà ông Nguyễn Minh Triết ám chỉ khi ông trả lời phỏng vấn của các phóng viên Nhật mới đây.
Nếu Mỹ gia nhập vào Cộng Đồng Đông Á và gây ra áp lực về những vấn đề nhân quyền hay dân chủ, Việt nam sẽ khó xử hơn vì chịu áp lực từ nhiều phía hơn. Nhưng nếu Cộng Đồng Đông Á chỉ dừng ở chỗ hợp tác kinh tế, quản lý môi trường và cứu trợ thiên tai, thì tôi nghĩ Việt nam chắc không ngại việc Mỹ tham gia.

VOA: Tin tức báo chí Trung Quốc cho biết trong các cuộc thảo luận mới đây tại hội nghị thượng đỉnh Đông Bắc Á, Thủ tướng Nhật bản Yukio Hatoyama đề nghị Nhật bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên đứng đầu nỗ lực thành lập Cộng đồng Đông Á; nhưng Bắc kinh dường như muốn nhấn mạnh tới vai trò chủ chốt của khối Asean. Trong cuộc họp báo ở Hua Hin hôm 23 tháng 10, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng các cơ chế Asean Cộng 1, Asean Cộng 3, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành của Cộng đồng Đông Á; vì vậy các nước liên hệ nên chú trọng tới việc tăng cường các mối quan hệ hiện có với Asean. Xin giáo sư cho biết lý do nào khiến cho Tokyo và Bắc kinh có chủ trương khác nhau như vậy?
GS Vũ Tường: Như tôi đã nói ở trên, Thủ tướng Nhật muốn chứng tỏ chính sách mới của mình là quan tâm nhiều hơn tới láng giềng nên đã đề nghị như vậy. Nhưng các nước Đông Á còn chờ xem chính phủ của ông Hatoyama cầm quyền được bao lâu, và ông ta sẽ điều chỉnh chính sách thế nào, nên không có nước nào vồ vập ngay những gì ông ta nói ra. Dĩ nhiên Nhật là nước lớn thành thử họ cũng phải khen ngợi chung chung ý tưởng của Nhật.
Riêng Trung Quốc đang có tham vọng muốn thành cường quốc khu vực, nhưng quan hệ kinh tế-chính trị của họ với đa số các nước Asean không có lịch sử lâu đời cũng như sức nặng như quan hệ giữa Asean với Nhật và Mỹ, nên nếu tôi là họ tôi không dại gì ủng hộ Cộng Đồng Đông Á. Trong một khối lớn như vậy, Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với Nhật, Mỹ, Úc là những đồng minh lâu đời của Asean, chưa kể Ấn Độ và Nga nếu được mời vào. Cơ cấu hiện nay là Asean cộng 3 (TQ, NTT, Nhật) tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Trung Quốc xây dựng quan hệ song phương với Asean và tạo sự hậu thuẫn của Asean. Tuyên bố của Bắc kinh một phần cũng để phỉnh nịnh các nước Asean, làm như Asean rất quan trọng đối với Trung Quốc.

VOA: Xin cám ơn giáo sư Vũ Tường đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này, và xin cám ơn sự theo dõi của quí thính giả.



No comments: