Saturday, November 14, 2009

MỸ GỐC VIỆT và SỰ KHÁC BIỆT giữa CỘNG HOÀ và DÂN CHỦ

Mỹ gốc Việt và sự khác biệt giữa Cộng Hoà và Dân Chủ
Nguyễn Tường Tâm
Đăng ngày 14-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1670/1/M-gc-Vit-va-s-khac-bit-gia-Cng-Hoa-va-Dan-Ch/Page1.html
Người Việt mới tới định cư tại Hoa Kỳ trong một thời gian quá ngắn ngủi. Không ít người, vì sự hạn hẹp của trình độ tiếng Anh, của sự hiểu biết chính trị và hành chánh công quyền, thường không bỏ phiếu hoặc chỉ bỏ phiếu theo đảng hoặc theo sắc tộc (nếu có ứng cử viên gốc Việt), mà không biết chủ trương đường lối của ứng cử viên đó ra sao, ngoài việc họ chống cộng.

Việc không bỏ phiếu thể hiện ở việc hoặc hoàn tòan không bỏ phiếu hoặc có bỏ phiếu nhưng chỉ gạch vào ứng cử viên gốc Việt, còn bỏ trống các ô khác. Trong khi còn hàng chục chức vụ khác không có người Việt ra ứng cử và cả chục vấn đề dân sinh liên quan trực tiếp tới người bỏ phiếu được mang ra trưng cầu dân ý.Nhiều người đã ghi tên vào một đảng nào, hay đã được rủ rê theo đảng nào, thì cứ khư khư “bênh” hay “chống” theo đảng mình, không cần biết quan điểm chủ trương của đảng mình trong vấn đề đó ra sao, có hợp lý hay không. Thật ra, không ít người không đủ trình độ để hiểu biết triết lý chính trị, chủ trương, đường lối chung của các đảng ra sao và chủ trương của đảng trong từng vấn đề riêng lẻ ra sao.

Theo tinh thần dân chủ thực sự, mọi người dân và ngay cả mọi đại diện dân cử của đảng cũng nhiều khi không tuân theo chủ trương của đảng mình. Họ bỏ phiếu theo sự suy xét của chính họ trong từng trường hợp, trong từng vụ việc. Cụ thể là trong cuộc bỏ phiếu dự luật cải tổ chương trình chăm sóc sức khoẻ hiện nay, trong đảng cộng hoà có một dân biểu đã bỏ phiếu theo đảng dân chủ, và điều đáng chú ý là vị dân biểu đó lại là vị dân biểu gốc Việt Josepht Cao của New Orleans. Trái lại, trong đảng Dân Chủ có số dân biểu bỏ phiếu ngược với chủ trương của đảng nhiều hơn. Đã có tới 39 vị dân cử Dân Chủ bỏ phiếu theo đảng Cộng Hoà. Kết cuộc là dự luật cải tổ chương trình chăm sóc sức khoẻ đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua vào chiều thứ Bẩy, ngày mùng 7 tháng 11-2009, với tỉ số phiếu 220-215.

Sự vận động, kêu gọi bỏ phiếu không dựa vào chủ trương đường lối, mà mù quáng theo lằn ranh đảng phái là hành động ấu trĩ trong tiến trình dân chủ. Sự kêu gọi bỏ phiếu thuần tuý theo sắc tộc lại là một sự ấu trĩ hơn nữa, chưa kể điều đó thể hiện một tinh thần kỳ thị sắc tộc, đi ngược lại tinh thần Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đi ngược với hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ. Người dân Hoa Kỳ chỉ bỏ phiếu cho những chính sách, chủ trương, quan điểm phù hợp với quyền lợi của cá nhân họ và cho những ứng cử viên có những chủ trương đó, bất kể ứng cử viên đó có cùng sắc tộc với họ hay không. Vẫn biết rằng điều hiển nhiên đối với một tập thể tị nạn cộng sản như cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì tiêu chuẩn chống cộng phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng sau đó phải là vấn đề chủ trương đường lối. Bởi thế Hoa Kỳ mới có vị tổng thống da đen, mới có cựu thống đốc tiểu bang Washington gốc Hoa, mới có dân biểu liên bang Joseph Cao gốc Việt v.v...

Hiện nay, vấn đề đối nội quan trọng nhất cho người dân Hoa Kỳ là vấn đề cải tổ chương trình chăm sóc sức khoẻ. Tại sao đây lại là vấn đề quan trọng nhất trong chính sách đối nội? Tại vì để thực hiện cải tổ chương trình chăm sóc sức khoẻ người ta phải phối hợp hai chương trình xã hội và kinh tế, mà về mặt kỹ thuật hai chương trình đó có những khía cạnh đối chọi nhau. Để đạt được một chương trình xã hội tốt đẹp hơn chính quyền cần phải can thiệp hơn hiện nay vào lãnh vực kinh tế. Để đạt mục tiêu tất cả mọi người Hoa Kỳ đều có bảo hiểm y tế, đảng Dân Chủ chủ trương tất cả mọi công ty đều phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên, những người tự kinh doanh (self employed) phải tự mua bảo hiểm y tế cho mình tương tự như mua bảo hiểm cho xe hơi, và các công ty bảo hiểm không được từ chối bán bảo hiểm cho những người đang có bệnh hay không thể thể thu lệ phí cao hơn vì lý do phái tính hay tiền sử bệnh lý của khách hàng. Chính quyền cũng có thể cho ra đời những chương trình bảo hiểm y tế để cạnh tranh với các công ty bảo hiểm tư. Đảng Cộng Hoà chống lại chủ trương can thiệp của chính quyền vào lãnh vực kinh tế như vậy với luận điểm cho rằng làm như thế tức là chi phí bán bảo hiểm của các công ty tư sẽ tăng cao hơn (vì bắt buộc phải bán bảo hiểm cho những người đang có bệnh và không được thu phí cao hơn đối với phụ nữ hay những người có tiền sử bệnh lý) đưa tới việc các công ty khác sẽ giảm mạnh việc thu mướn nhân viên (vì chi phí mua bảo hiểm cho nhân viên lúc đó sẽ quá nặng), hoặc có thể sẽ phải đóng cửa. Như thế xã hội sẽ mất nhiều việc làm, kinh tế sẽ trì trệ, gây thiệt hại cho chính người dân Hoa Kỳ.

Tranh luận của mỗi đảng về vấn đề này thể hiện cốt lõi triết lý, và chủ trương chiến lược của đảng. Trong xã hội dân chủ, không quan điểm nào toàn thắng mà hai bên phải thỏa hiệp. Sự thỏa hiệp hiện nay đưa tới việc Hạ Viện vừa thông qua dự luật với chỉ khoảng 96 phần trăm người dân Hoa Kỳ sẽ có bảo hiểm y tế và những người có lợi tức trên $500,000 nếu là độc thân và trên 1 triệu nếu có gia đình sẽ bị tăng thuế 5.4%, một khi dự luật tiếp tục được thượng viện đồng ý và tổng thống ký ban hành.

Dự luật cải tổ chương trình chăm sóc sức khoẻ do tổng thống Obama và những người ủng hộ ông đưa ra. Người dân Hoa Kỳ cần được cung cấp đầy đủ thông tin về dự luật này để có quyết định cho lá phiếu của chính họ trong những cuộc bầu cử trong tương lai. Cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện thông qua dự luật đó đã được hãng thông tấn AP tường thuật mà dưới đây là phần dịch thuật những chi tiết quan trọng nhất và dễ hiểu nhất của một dự luật hết sức phức tạp.

Bản tin của hãng thông tấn AP ngày 7/11/2009 viết rằng: Tối thứ Bảy (7/11/2009), trong một chiến thắng cho tổng thống Barack Obama, Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua với tỷ số xít xao dự luật cải tổ chương trình chăm sóc sức khoẻ (health care bill) mở rộng việc bảo hiểm sức khoẻ cho hàng chục triệu người đang không có bảo hiểm và đặt những hạn chế mới chặt chẽ đối với các công ty bảo hiểm. Trong khi đó thì đảng Cộng Hoà gần như đồng loạt chống đối dự luật này.

Số phiếu chấp thuận với tỷ số 220-215 đã mở đường cho Thượng Viện bắt đầu cuộc tranh luận về vấn đề này, một vấn đề lâu nay che mờ mọi vấn đề khác tại Quốc Hội.

Bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi với vẻ vui mừng chiến thắng đã so sánh dự luật này tương đương sự thông qua đạo luật về An Sinh Xã Hội năm 1935 (Social Security) và đạo luật bảo hiểm y tế (Medicare) 30 năm sau đó (tức năm 1965: người dịch chú thích).

Dân biểu John Dingell, 83 tuổi, của Michigan, người đã liên tục đệ trình một dự luật bảo hiểm y tế quốc gia (national health insurance) kể từ khi ông kế nhiệm cha ông năm 1955, đã phát biểu, “Dự luật vừa được thông qua cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho 96 phần trăm người dân Hoa Kỳ. Dự luật đó cung cấp cho tất cả mọi người, bất kể tình trạng sức khoẻ, lợi tức, một sự bình an (the peace of mind) trong tâm hồn vì biết rằng họ sẽ được sự chăm sóc sức khoẻ khả dụng (affordable health care) khi cần.”

Dự luật đó đòi hỏi hầu hết người Hoa Kỳ phải có bảo hiểm y tế và sẽ cung cấp trợ giúp từ chính phủ liên bang (federal subsidies) cho những ai không thể mua được bảo hiểm đó. Những công ty lớn sẽ phải cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên. Cả công ty lẫn khách hàng bảo hiểm (consumers) sẽ bị phạt nếu không tuân hành sự bó buộc của chính phủ (defied the government's mandates).

Các hành vi của các công ty bảo hiểm như từ chối bán bảo hiểm vì tình trạng bệnh tình có sẵn sẽ bị cấm chỉ, và các công ty bảo hiểm cũng sẽ không còn có thể thu lệ phí cao hơn vì lý do phái tính hay tiền sử bệnh lý của khách hàng.

Từ văn phòng Thượng Viện, lãnh đạo đa số thượng viện là nghị sĩ Harry Reid của tiểu bang Nevada đã ra một bản tuyên bố nói rằng, “Chúng tôi biết được đang có một ý chí mạnh mẽ muốn đổi mới, và chúng tôi thấy phấn khởi rằng chúng ta đang tiến tới gần hơn sự cải tổ hệ thống bảo hiểm ý tế đã tan vỡ của chúng ta.”

Dự luật có được 219 phiếu của đảng dân chủ và 1 phiếu của dân biểu Joseph Cao, một dân biểu nhiệm kỳ đầu tiên của đảng Cộng Hoà thuộc New Orleans. Số chống đối gồm có 176 phiếu của dân biểu Cộng Hòa và 39 phiếu của dân biểu Dân Chủ.

Dân biểu Candice Miller, Cộng Hoà Michigan, phản ứng, “Chúng ta sắp có sự chiếm cứ hoàn toàn của chính phủ trong hệ thống bảo hiểm y tế nhanh hơn là chúng ta có thể nói câu, “điều này làm cho tôi muốn bịnh,” (`this is making me sick,). Ông nói tiếp rằng đảng Dân Chủ đang có ý định thông qua một dự luật hủy diệt công ăn việc làm (jobs- killing bill), đánh thuế cao, và làm bùng nổ thiếu hụt ngân sách.

Trọng tâm của dự luật là sẽ tạo ra một thị trường được chính phủ liên bang điều hành (a federally regulated marketplace) trong đó khách hàng có thể rảo giá (shop for coverage). Điều khoản gây nhiều tranh cãi nhất của dự luật, qui định chính phủ sẽ bán bảo hiểm y tế, mặc dù Cơ quan ngân sách của quốc hội (Congressional Budget Office) dự đoán rằng giá mua bảo hiểm đó sẽ đắt hơn giá của các công ty tư.

Dự luật dự liệu sẽ mở rộng bảo hiểm y tế cho thêm 36 triệu người hiện không có bảo hiểm, kết quả sẽ là 96 phần trăm người dân trong cả nước sẽ có bảo hiểm y tế.

Để trả cho việc mở rộng bảo hiểm y tế cho số người không có bảo hiểm vừa nêu, dự luật cắt bớt chi phí dự trù cho chương trình bảo hiểm y tế Medicare khoảng 400 tỉ trong 10 năm tới. Dự luật cũng ấn định gia tăng 5.4% thuế lợi tức đối với những người độc thân có lợi tức hàng năm trên $500,000 hay trên 1 triệu đối với người có gia đình.

Dự luật ước định sẽ giảm thiếu hụt ngân sách liên bang khoảng 104 tỉ ($104 billion) trong 10 năm tới, mặc dù dự luật thiếu hai trong những điều khoản chủ chốt nhằm cắt giảm chi phí (two of the key cost-cutting provisions) theo sự xem xét của Thượng Viện, và ảnh hưởng lâu dài của dự luật đối với sự thiếu hụt ngân sách của chính phủ còn rất mù mờ (far from clear).

Các công ty bào chế thuốc thường ủng hộ cải tổ y tế. Và trong khi kỹ nghệ bảo hiểm y tế đầy quyền lực chống đối dự luật này, thì họ lại chống đối một cách âm thầm và kết quả là đảng Cộng Hoà không thể dựa trên cái loại vận động quảng cáo đó.

Một cách tổng quát, dự luật dự trù một toàn bộ thay đổi mạnh mẽ nhất đối với hê thống bảo hiểm y tế trong hơn một thế hệ và đảng Dân Chủ nói rằng dự luật đánh dấu đỉnh cao của một chiến dịch mà cố tổng thống Harry Truman đã khởi đầu khi ông ngự trị toà Bạch Ốc cách nay 60 năm.

Tổng thống Obama bước vào cuộc họp kín của đảng Dân Chủ để kêu gọi họ thông qua vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của ông. Sau đó xuất hiện tại toà Bạch Ốc, ông cho hay ông đã nói với các nhà lập pháp rằng, “Nay là lúc quí vị hãy đứng lên. Hãy đáp lời kêu gọi của lịch sử và hãy bỏ phiếu thuận cho chương trình cải tổ chính sách bảo hiểm y tế.”

Một dự luật khác của đảng Cộng Hoà đã bị đánh bại với số phiếu 258-176.

Dự luật của đảng Cộng Hoà dựa nhiều vào các qui định nới lỏng đối với các công ty bảo hiểm tư nhằm làm giảm chi phí cho những người hiện đang có bảo hiểm, trong một số trường hợp sự giảm giá đó có thể tới 10 phần trăm. Nhưng các nhà phân tích ngân sách quốc hội nói rằng dự luật của đảng Cộng Hòa sẽ không ảnh hưởng tới những người không có bảo hiểm (the plan would make no dent in the ranks of the uninsured). Sự nhận định đó làm nổi bật sự khác biệt trong ưu tiên chính sách giữa hai đảng chính trị Cộng Hoà và Dân Chủ.

Nội dung nhận định đó cũng là chủ đề trong nhận định của tổng thống Obama nêu ra với các thành viên đảng Dân Chủ vào gần trưa nay (Thứ Bẩy, 7/11). Tổng thống nói rằng Đảng Dân Chủ có lịch sử 70 năm tạo ra và bảo vệ các chương trình như chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế (Social Security and Medicare). Sau đó Andrews nói thêm rằng, tổng thống Obama đã nói rằng cuộc bỏ phiếu trong ngày hôm nay “sẽ phân định sự khác biệt trong nhiều thập niên qua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.”

Ghi chú của tác giả: Thực ra, tại Hoa Kỳ, lâu nay, những người không có bảo hiểm vẫn được chữa trị y hệt như bất cứ người có bảo hiểm nào khi lâm vào trường hợp khẩn cấp. Ngay cả những di dân bất hợp pháp khi khẩn cấp (emergency) cũng vẫn được chữa trị như tất cả mọi công dân Hoa Kỳ khác.

--------------------------------------------------

Bài do tác giả gởi đến Đàn Chim Việt Online



No comments: