Sunday, November 15, 2009

BA LAN : THỜI HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT của CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT

Phỏng vấn Nghị Sĩ Jerzy Browczak: Thời hoạt động bí mật của Công Ðoàn Ðoàn Kết
Hà Giang/Người Việt
(Viết từ Ba Lan)
Thursday, November 12, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104041&z=205
GDANSK (NV) - Kể từ khi thành lập Công Ðoàn Ðoàn Kết đến nay, Ba Lan đã được biến đổi thành một xã hội tự do, và sự thành công của Công đoàn Ðoàn Kết trong việc lật độ chế độ cộng sản tại Ba Lan, là một sự kiện quan trọng trong chuỗi những sự kiện đã đưa chế độ Cộng Sản của Ðông Âu đến chỗ hoàn toàn sụp đổ.
Trong chuyến viếng thăm xưởng đóng tàu Gdansk, chúng tôi đã có dịp đi thăm cuộc triển lãm “The Road to Freedom” của Công Ðoàn Ðoàn kết, và phỏng vấn ông Jerzy Browczak, hiện là nghị sĩ Quốc Hội Ba Lan, khóa III, và cũng là phó chủ tịch hội đồng giám sát của CÐÐK. Vào năm 1980 ông Browczak đã tổ chức cuộc đình công đầu tiên tại các nhà máy đóng tầu Gdansk.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn với ông Jerzy Browczak.


-Hà Giang: Thưa ông, xin ông cho biết bối cảnh lịch sử của Ba Lan trong lúc ông quyết định gia nhập Công Ðoàn Ðoàn Kết, và lý do tại sao ông làm việc đó?
-Jerzy Browczak: Như bà biết, hoàn cảnh đất nước Ba Lan chúng tôi là liên tục bị xâm lược bởi các cường quốc, Nga, Áo, Ðức. Ðến hết Chiến Tranh Thứ Hai thì chúng tôi lại rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Vào năm 1969, trong cái tinh thần lúc nào cũng khao khát tự do, vì đất nước bị kềm kẹp bởi chế độ thì tôi tham gia vào một cái tổ chức bí mật của công nhân trong một cái xưởng đóng tàu.
-Hà Giang: Vai trò chính của ông ở trong Công Ðoàn Ðoàn Kết là gì?
-Jerzy Browczak: Cùng bạn bè chúng tôi bàn là đã đến lúc phải làm một cái gì để phản kháng. Chúng tôi quyết định là cần phải bắt đầu bằng một cuộc bãi công để phản đối chính quyền vào Tháng Tám, năm 1980, thì tất cả bắt đầu bằng cái cuộc bãi công đầu tiên đó. Khi mà chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cái cuộc biểu tình đó thì ông Walesa chưa phải là công nhân của xưởng đóng tầu, ông ấy là công nhân ở phía ngoài. Nhưng mà chúng tôi đoán được cái diễn biến của tình hình là nó sẽ còn tiếp tục cho nên ông Walesa gia nhập với chúng tôi, và ông ấy vào xưởng đóng tàu.
-Hà Giang: Vai trò chính của ông trong thời gian chưa có ông Walesa gia nhập là gì?
-Jerzy Browczak: Nhiệm vụ của tôi là đúng 9 giờ 45 phải tập hợp được công nhân để tổ chức cuộc bãi công biểu tình đầu tiên, tất nhiên là trong khuôn khổ của cái cảng này. Cái cảng này rất lớn, nó gồm rất nhiều bộ phận khác nhau, được gọi là những “K”. Thì nơi phân xưởng của tôi làm là phân xưởng K5. Thì tôi phải tập trung toàn bộ số người đi từ phân xưởng này đến phân xưởng trước vòng vòng ra cảng. Thì số người mà tôi tập trung được là từ 300 đến 500 người. Ðó là nhiệm vụ đầu tiên của tôi. Ðến mười giờ thì các phân xưởng khác cũng nhận nhiệm vụ giống như tôi, tập hợp lại. Chúng tôi tập hợp được khoảng mười hai ngàn người. Chúng tôi quyết định thành lập ủy ban bãi công, và tôi trao quyền lãnh đạo lại cho ông Walesa.
-Hà Giang: Ðó là khoảng thời gian nào ạ?
-Jerzy Browczak: Cái cuộc chuẩn bị của chúng tôi là từ mùng bẩy đến mười bốn, vì chúng tôi phải làm áp phích, làm biểu ngữ, để phục vụ cho việc biểu tình. Và chúng tôi quyết định là 9 giờ 45 phút ngày 14 Tháng Tám, năm 1980 thì khởi sự. Ủy ban lâm thời của chúng tôi chỉ có 5 người, để ngăn chặn không cho cơ quan an ninh họ biết. Chúng tôi chỉ 5 người ngồi với nhau, và chỉ 5 người đó biết ngày giờ, chứ không một ai khác biết kế hoạch cả. Sau cuộc bãi công đầu tiên của chúng tôi thì công nhân các vùng biển lân cận cũng tổ chức biểu tình bãi công tiếp theo. Chúng tôi là những người bắt đầu phong trào biểu tình này.
-Hà Giang: Trong tình trạng phải giữ bí mật như vậy, các ông đã làm như thế nào để huy động được một lúc quá nhiều người như vậy?
-Jerzy Browczak: Chúng tôi in cũng phải in lậu, và cái bản in đưa phân phát cho các công nhân, chúng tôi không nói gì đến biểu tình hết, không nói giờ giấc gì hết. Chỉ nói là phải đấu tranh để cải thiện điều kiện làm việc, những điều hết sức bình thường. Tất nhiên có thể là lúc chúng tôi phát thì họ có thể nghi ngờ gì đó, nhưng không ai có thể biết được bao giờ sẽ xẩy ra, vì chúng tôi chỉ có 5 người biết. Chính vì chúng tôi khôn khéo như vậy cho nên khi mà chúng tôi “hô” thì nội dung của tờ truyền đơn họ đã nắm được rồi, nhưng mà không ai biết ngày giờ.
-Hà Giang: Trong quá trình xây dựng Công Ðoàn Ðoàn Kết thì các ông đã gặp phải những khó khăn nào, và làm sao để khắc phục?
-Jerzy Browczak: Khi mà chúng tôi đòi hỏi và chính quyền chấp nhận cho chúng tôi đăng ký hoạt động thì cái khó khăn nhất là an ninh cộng sản. Họ bắt đầu xâm nhập vào tổ chức, họ bắt đầu quấy rối nội bộ. Ðể không bị cô lập, và chống lại sức ép của chính quyền, thì khi xuất phát từ thành phần công nhân chúng tôi, nhưng sau khi thành lập Công Ðoàn Ðoàn Kết thì chúng tôi lôi hết các tầng lớp xã hội khác nhau, trí thức có, nhà văn có, các văn nghệ sĩ, v.v... Công Ðoàn Ðoàn Kết không còn là của riêng công nhân nữa, mà được phất lên khắp nơi, cứ đè bẹp được chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên.
-Hà Giang: Trước khi được chính thức thành lập, thì sự hoạt động có khó khăn lắm không?
-Jerzy Browczak: Trước khi mà chúng tôi được đăng ký, thì chính quyền bị sức ép của 6, 7 triệu công nhân của toàn Ba Lan để mà tham gia biểu tình, thì lúc nào an ninh họ cũng tìm cách chia rẽ chúng tôi. Họ phản ứng rất mạnh, họ tuyên truyền đây là tổ chức phản động, gây bất ổn cho đất nước. Trong cuộc đấu tranh của chúng tôi thì ngày 31 là chúng tôi đưa ra 16 cái yêu sách, thì ngày đó là ngày chính quyền cộng sản ký là chấp nhận các yêu sách đó. Tất nhiên là khi đã được đăng cứ thì công nhân thấy yên tâm hơn, họ thấy là họ hợp pháp, chính vì thế mà người ta gia nhập 6, 7 triệu người cùng một lúc.
-Hà Giang: Trong thời gian đấu tranh, có lúc nào ông mệt mỏi muốn bỏ cuộc không?
-Jerzy Browczak: Chưa bao giờ! Họ khiêu khích đã đành, nhưng họ cũng mua chuộc tôi, họ bảo họ mua hộ chiếu cho tôi đi nước ngoài, nhưng thôi không chịu. Bởi vì khi đã có hàng triệu người đồng lòng để đấu tranh cho điều gì mà họ cảm thấy có lợi cho họ và cho đất nước thì tôi biết trước gì đảng cộng sản cũng bị tan rã, thành ra thôi chưa bao giờ có ý bỏ cuộc.
-Hà Giang: Ông có một giai đoạn làm việc rất mật thiết với Walesa, ông có thể kể lại một vài giai thoại không?
-Jerzy Browczak: Walesa? Walesa và tôi, chúng tôi rất thân từ năm 1979. Ông ấy là nhân chứng trong đám cưới của tôi, là cha đỡ đầu của các con tôi, chúng tôi gặp nhau tại các buổi tiệc sinh nhật, kỷ niệm lễ cưới. Chúng tôi luôn luôn sát cánh với nhau. Và có biết bao nhiêu kỷ niệm cá nhân.
-Hà Giang: Công Ðoàn Ðoàn Kết có nhận được sự hỗ trợ nào của nước ngoài, hay các cơ quan nước ngoài không? Khi các công nhân đình công bãi thị, thì gia đình họ lấy gì để sống?
-Jerzy Browczak: Trong những lúc biểu tình hay bãi công, thì chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Âu Châu. Nhưng đây không phải là sự giúp đỡ của các chính phủ. Chúng tôi không được sự giúp đỡ về mặt chính trị, vì các nước Châu Âu rất sợ Liên Xô lúc đó. Nhưng chúng tôi nhận được các tổ chức phi chính phủ. Họ vận động và gửi về không biết bao nhiêu là bưu kiện qua các nhà thờ, và các nhà thờ này đem đến cho các gia đình có người bị bắt, bị tù, hay đang biểu tình. Về mặt chính trị, chúng tôi chỉ được sự giúp đỡ của nước Mỹ thôi. Chúng tôi cũng không được sự giúp đỡ của các nhà thờ Ba Lan, nhưng chúng tôi nhận được sự yểm trợ của Tòa Thánh Vatican.
-Hà Giang: Ông có thể tóm lược những yếu tố quan trọng đã đưa CÐÐK đến chỗ thành công, mà các nước khác đang ở trong hoàn cảnh tương tự có thể họ hỏi được.
-Jerzy Browczak: Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì yếu tố thành công là không đối đầu bằng bạo lực. Chúng tôi đã từng bắn vào họ, chúng tôi đã từng đốt nhà đốt cửa, nhưng đều bị dẹp tan tành hết, vì họ có một hệ thống đàn áp rất mạnh. Kinh nghiệm của chúng tôi là không kích động bảo lực, vì bản thân của chúng ta sẽ bị tổn thất. Ðiều thứ hai là cố gắng giải thích cho họ và mọi phía biết, là việc chúng tôi đang làm là tốt cho đất nước, đối với công nhân, thì phải cho họ thấy là gia nhập CÐÐK là có ích lợi thiết thực nhất cho họ. Nói tóm lại, kết hợp mọi người bằng lợi ích chung, và tránh không kích thích sự đàn áp.



No comments: