Saturday, November 14, 2009

LÃNH ĐẠO PHẢI THỂ HIỆN ĐƯỢC SUY NGHĨ CỦA NHÂN DÂN MÌNH

Lãnh đạo phải thể hiện được suy nghĩ của nhân dân mình
Tác giả: Tuần Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 11/11/2009 10:00 GMT+7
http://tuanvietnam.net/2009-11-11-lanh-dao-phai-the-hien-duoc-suy-nghi-cua-nhan-dan-minh
Điều quan trọng nhất mà một lãnh đạo quốc gia cần làm được là thể hiện được tình cảm, suy nghĩ của đất nước và nhân dân mình...Và người lãnh đạo hiểu rõ tầm quan trọng của việc tập hợp những tài năng cho những vị trí quan trọng. - GS Thomas Patterson

Nhà báo Việt Lâm: Xin chào bạn đọc VietNamNet, hôm nay chúng ta hân hạnh có GS Thomas Patterson - chuyên gia hàng đầu về chính trị và truyền thông Mỹ - tham gia cuộc trò chuyện về thời đại của Tổng thống Obama.
Ông Thomas Patterson là giáo sư về chính trị và truyền thông tại Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công Shorenstein, ĐH Harvard. Cuốn sách gần đây nhất của ông, Vanishing Voters, viết về nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng suy giảm số người đi bầu cử. Cuốn sách khác về vai trò chính trị của báo chí, Out of Order, được coi là cuốn sách hay nhất về truyền thông chính trị trong một thập kỷ qua. Cuốn sách trước đó, Unseeing Eyes, là một trong 50 cuốn sách về thăm dò dư luận trong một nửa thế kỷ qua. Năm ngoái ông cũng đã đến thăm Việt Nam và đã tham gia một cuộc Bàn tròn trực tuyến trên VietNamNet.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhìn lại gần một năm trên cương vị Tổng thống của ông Obama, phân tích cũng như dự đoán về các chính sách của ông.
---------------------

Chính trị gia: Hứa dễ nhưng thực hiện thì khó

Câu hỏi đầu tiên:
Ông Obama đã trở thành một hiện tượng khi chiến thắng và trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ và nhiều người cho rằng ông chiến thắng vang dội là nhờ đem đến cho người dân điều họ cần - sự thay đổi - với thông điệp "Sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng". Vậy sạu khoảng một năm, ông thấy ông Obama đã đem đến thay đổi gì?
GS Thomas Patterson: Theo tôi, trong quá trình tranh cử, đây là một khẩu hiệu hoàn hảo, khi người dân đã chán ông Bush và các chính sách của ông về Trung Đông, nền kinh tế thì bắt đầu lung lay, khiến cho gánh nặng đặt lên vai ông Bush ngày càng lớn. Hầu hết người dân Mỹ khi nghe thấy khẩu hiệu "Sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng", họ nghĩ đến một người khác hẳn ông Bush, khẩu hiệu đó đã phát huy tốt trong quá trình tranh cử. Ông ấy thực sự là một ứng cử viên thích hợp để đưa ra khẩu hiệu đó, giống như ông Jimmy Carter năm 1976.
Ông Carter xuất hiện ngay sau vụ Watergate, khi ông Nixon trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên buộc phải từ chức khi đang đương nhiệm. Đó cũng là thời điểm vừa kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam và người Mỹ đã rất mệt mỏi với chiến tranh và tất cả những gì dính dáng đến thời kỳ đó. Jimmy Carter chỉ là một Thống đốc ít tên tuổi của bang Georgia, và cũng tranh cử với một khẩu hiệu tương tự - sự thay đổi. Và một điểm chung nữa là cả Carter và Obama đều không phải là những nhân vật đã ở Washington nhiều năm, nếu không sẽ không dễ dàng để nói đến sự thay đổi khi bạn là một phần của cái kiểu cách cũ.
Có thể nói ông Obama đã ở một hoàn cảnh hoàn hảo vào năm 2008. Và việc ông là một người Mỹ gốc Phi cũng đã thực sự hữu ích ít nhất trong giai đoạn đầu, đối với những người theo đường lối tự do, những người trẻ, những người thấy việc một người Mỹ gốc Phi trở thành Tổng thống đã là một thay đổi, một thay đổi thực sự.
Nhưng nếu bạn nhìn kỹ vào chiến dịch tranh cử của ông ấy, đằng sau khẩu hiệu đó có nhiều điều để nói. Không phải là ông ấy không có chương trình nghị sự, hay không có ý niệm nào về việc đem lại sự thay đổi, nhưng thay đổi mà ông ấy nói theo tôi thiên về thay đổi giọng điệu, phong cách, một người thực dụng hơn, nói ít làm nhiều, một người sẽ làm những việc chính trị theo một cách khác. Tôi nghĩ ông ấy thiên về "sự thay đổi" đó khiến mọi người yêu thích hơn là nghĩ ông là một người theo chủ nghĩa tự do tả khuynh, và đây mới là điều căn bản đem lại sự thay đổi về chính sách trong hệ thống của Mỹ. Tôi không nghĩ là ông ấy đã hứa hẹn điều đó mà tôi cũng không nghĩ người dân đã mong đợi điều đó.

Bỏ qua lựa chọn khác

Nhà báo Việt Lâm: Điều tôi thấy ngạc nhiên chính là ông Obama đã có được sự chú ý rất lớn trong các cuộc thăm dò dư luận, ông ấy đã khơi dậy hy vọng ở người Mỹ và các nước trên thế giới về những thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhưng ông có nghĩ là ông ấy đã tận dụng hết những lợi thế và động lực đó trong thời gian đầu nắm quyền?
GS Thomas Patterson: Tôi nghĩ là việc làm Tổng thống đã khó khăn hơn so với những gì ông Obama chờ đợi. Làm ứng cử viên đã khó, làm Tổng thống ngồi trong Phòng Bầu dục và phải đưa ra những lựa chọn còn khó hơn nhiều. Tôi nghĩ ban đầu ông ấy đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn, đó là việc nền kinh tế cần nhiều sự chú ý hơn và đó là việc đầu tiên cần phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực.
Câu hỏi đặt ra là tình hình nghiêm trọng đến mức nào, gói kích thích kinh tế cần lớn đến mức nào? Nếu ít thì sẽ mạo hiểm, hoặc là sẽ không cung cấp đủ tiền để tạo ra sự khác biệt trong dài hạn, hoặc là chỉ đủ lớn để mọi người tin là nó đủ lớn. Và trong nhiều trường hợp, lòng tin lại là nhân tố quan trọng trong vấn đề này, vì thậm chí đến hôm nay, chưa đến một nửa tiền thuộc gói kích thích kinh tế đã đến được với các công ty Mỹ.
Mọi chuyện sẽ rất chậm chạp, nhưng điều cần thiết là cho công chúng thấy ngay là người đang giữ chức vụ cao nhất này hiểu tính nghiêm trọng của vấn đề và ông ấy sẵn sàng cam kết những điều to tát. Và ông Obama đã làm như vậy với một gói kích thích kinh tế trị giá gần 800 tỉ USD.
Đó là một lựa chọn lớn, nhưng khi Obama đưa ra lựa chọn đó, ông ấy đã bỏ qua một số khả năng khác.
Chúng tôi vốn đã lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách lớn trước khi Obama nhậm chức. Tiền để kích thích kinh tế làm gia tăng thâm hụt và giờ chúng tôi đang đối mặt với mức thâm hụt ngân sách chưa từng có trong lịch sử. Dự kiến thâm hụt ngân sách năm nay là gần 1,5 nghìn tỷ USD, một con số khổng lồ. Và nó khiến nhiều lựa chọn khác bị bỏ qua, ví dụ tiền cho các mục đích khác, và sẽ rất khó đòi hỏi tiền cho các nhu cầu tài trợ khác khi bạn đã thụt sâu đến thế.

Nhà báo Việt Lâm: Tôi đồng ý với ông là một năm thì còn quá sớm để kết luận là ông Obama đã thành công hay thất bại hay có thể đem lại những thay đổi đáng kể hay không. Nhưng công chúng kỳ vọng và tin tưởng quá nhiều vào ông ấy, mà ông ấy lại chưa làm được gì đáng kể, do đó họ có thể mất kiên nhẫn.
GS Thomas Patterson: Ở đây có hai điều, một là chính ông ấy đã góp phần tạo nên những kỳ vọng đó. Ông ấy chính là người nói "sự thay đổi chúng ta có thể tin tưởng". Chính ông ấy đã nói tôi là người mà các bạn đang tìm kiếm, đó là những lời hứa hẹn lớn chứ không hề nhỏ.
Giới truyền thông cũng đã dành quá nhiều lời hay ý đẹp cho ông ấy, hơn nhiều so với các ứng cử viên khác. Họ đã thúc đẩy và giúp đỡ ông ấy quá nhiều trong quá trình tranh cử. Sau khi bầu cử kết thúc, đã có những câu chuyện kiểu như ông ấy là một Abraham Lincoln tiếp theo, một Franklin Roosevelt. Bản thân Barack Obama cũng đã tận dụng điều đó. Ông ấy đến lễ nhậm chức trên một hành trình giống hệt hành trình của Abraham Lincoln hồi hậu Nội chiến. Có thể nói chính Barack Obama đã tự tạo nên những suy nghĩ về một nhiệm kỳ Tổng thống tuyệt vời.
Nhưng một khi đã làm việc, một khi phải thể hiện ở một cấp độ cao hơn, bạn sẽ bước vào Phòng Bầu dục và thực tế buộc bạn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, có sẵn bao nhiêu tiền, Quốc hội sẽ chấp nhận hay không chấp nhận cái gì...
Tân Tổng thống cũng may mắn khi đảng Dân chủ chiếm quyền kiểm soát trong Hạ và Thượng viện nhưng ông ấy vẫn phải đáp ứng những lợi ích rất khác nhau của họ, trong khi cần tất cả họ để có thể thực hiện được điều mình muốn.
Khi tranh cử, bạn có thể phát biểu, có thể hứa hẹn và không có ai hay cái gì có thể ngăn cản những thông điệp đó được truyền đi. Nhưng khi đã ngồi vào vị trí đó, bạn chỉ có thể đề xuất, trong hệ thống của Mỹ. Bạn có thể đề xuất cải tổ ngành y tế, chính sách môi trường..., nhưng nếu bạn không thuyết phục được Quốc hội thông qua, những gì bạn có chỉ là những lời hứa thay đổi chứ không phải những thay đổi thực sự thể hiện qua các chính sách.

"Tuần trăng mật" kết thúc khi phải lựa chọn

Nhà báo Việt Lâm: Vậy ông có nghĩ truyền thông Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự phóng đại quá mức đối với hình ảnh của ông Obama?
GS Thomas Patterson: Rõ ràng họ là một phần trong đó. Có một sự thay đổi đáng kể. Khoảng 5 năm trước khi nói nước Mỹ có thể có một Tổng thống gốc Phi, mọi người hẳn sẽ tròn mắt, nhưng đã có những thay đổi và tôi nghĩ giới truyền thông đã quá lạc quan về việc ứng cử và trúng cử của ông Obama.
Bây giờ báo chí đã trở về thái độ bình thường của họ là phê bình, nhưng không phải là phê bình như với Ronald Reagan, Bill Clinton hay George W. Bush về những điều tương tự trong nhiệm kỳ Tổng thống của họ, mà giờ họ có thái độ phê bình mạnh mẽ hơn đối với công việc làm Tổng thống của ông Obama, và điều đó đang bắt đầu thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận.

Nhà báo Việt Lâm: Đây cũng là mối quan tâm của bạn đọc Khánh Duy (Hà Nội). Hiện nay, tỉ lệ ủng hộ đối với ông Obama đang sụt giảm đáng kể, từ 78% xuống còn 52%. Vậy theo ông tại sao ông Obama lại đánh mất nhiều sự ủng hộ như vậy?
GS Thomas Patterson: Theo tôi trong bối cảnh nước Mỹ đang rơi vào khủng hoảng dù vì bất cứ lý do gì, luôn có những gánh nặng đối với người đứng đầu đất nước. Tỉ lệ hơn 70% mà ông ấy từng có theo tôi là có chút thổi phồng, hơi giống với điều đã xảy ra với ông Bush sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, lúc đó tỉ lệ ủng hộ ông Bush đã tăng đến 95%, chưa từng có Tổng thống nào được ủng hộ cao thế.
Tự nhiên hơn thì tỉ lệ ủng hộ có thể là khoảng hơn 60% đối với một Tổng thống mới, như Clinton, Reagan, Bush. Và sau khoảng 8-10 tháng, tỉ lệ ủng hộ họ sẽ giảm xuống dưới 50%. Theo tôi, điều này cho thấy, khi một người lần đầu tiên đảm nhận chức vụ này, luôn có một thời gian mà chúng ta gọi là "tuần trăng mật", mọi người sẽ để cho bạn có nhiều thuận lợi, cho đến khi bạn phải đưa ra sự lựa chọn.
Giờ đến câu hỏi chuyện gì xảy ra khi tỉ lệ ủng hộ chỉ còn trên dưới 50%. Rất nhiều Tổng thống đã bị giảm sự ủng hộ đến mức đó và duy trì ở mức đó hoặc hồi phục lại một chút như Clinton đã làm. Một số người khác thì tiếp tục giảm, và nếu thế thì họ đang gặp rắc rối thực sự.
Theo tôi nghĩ, dấu hiệu không phải là hôm nay tỉ lệ ủng hộ là bao nhiêu, và từ đâu ra, vì điều đó là hoàn toàn bình thường có tăng có giảm. Có những điều chúng ta có thể nhìn nhận từ việc này, nhưng chỉ là gợi ý thôi chứ không thể có câu trả lời đầy đủ.

Đánh cược vận mệnh chính trị

Nhà báo Việt Lâm: Nhưng là một người Mỹ, ông có thấy nước Mỹ hôm nay có thay đổi gì thực sự đáng chú ý so với nước Mỹ thời ông Bush không?
Gs Thomas Patterson: Tôi nghĩ là cũng có một vài thay đổi, tuy không nhiều như những người ủng hộ Obama mong đợi. Có một vài hy vọng, ví dụ vòng đàm phán về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới, ông ấy đã hứa với châu Âu là Mỹ sẽ có những thay đổi về mặt lập pháp về vấn đề này trước khi vòng đàm phán diễn ra. Tuy nhiên đến nay sự thay đổi này vẫn chưa có.
Còn nhiều ví dụ về những việc đã được hứa nhưng chưa được thực hiện.
Mặc dù vậy, có vẻ như Obama đã làm được với hệ thống y tế.
Theo tôi, từ bên ngoài nhìn vào hệ thống của Mỹ, nhiều nước sẽ nói chuyện này bình thường, không có gì to tát, nhưng đối với Mỹ thì rất đáng kể. Với Franklin Roosevelt trong những năm 1930, một số cố vấn của ông ấy đã khuyên ông nên đề xuất việc này, nhưng ông ấy nói không, nếu làm thế tôi sẽ mất nhiều thứ vì tôi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có được nó. Nếu không được, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chương trình nghị sự của tôi.
Tổng thống Truman sau Thế chiến thứ II cũng định đem mô hình y tế châu Âu vào nước Mỹ, mất rất nhiều công sức vì nó nhưng chưa bao giờ khiến Quốc hội thông qua được.
Tổng thống Lyndon Johnson vào những năm 1960 cũng đã có cơ hội, ông ấy cho rằng vấn đề quá lớn nên chỉ tập trung vào y tế cho người già và người nghèo chứ không phải cho tất cả mọi người.
Ông Bill Clinton cũng đã thử, khi trúng cử năm 1992, và điều này suýt nữa đã khiến ông mất chức Tổng thống. Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngay sau khi ông cố gắng cải tổ y tế và đảng Dân chủ đã phải nỗ lực rất nhiều để khắc phục thất bại của ông.
Và giờ, tuy Hạ viện đã thông qua cải cách y tế của ông Obama, không có nghĩa là tất cả những gì ông hứa hẹn, không phải là tất cử những gì mọi người muốn hay là một sự cải cách y tế toàn diện. Nhưng trong bối cảnh nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào làm được việc này nên có thể nói đây là một thành tích đáng kể, và mọi người có thể hy vọng sẽ có thêm những thành tích như vậy nữa.

Nhà báo Việt Lâm: Như vậy là ông Obama đã có một thành công bước đầu khi luật cải cách y tế được Hạ viện thông qua, nhưng còn những việc ông ấy đã hứa, như là phục hồi kinh tế, hay sự minh bạch trong hệ thống thì sao?
GS Thomas Patterson: Tôi nghĩ là có hai điều. Một là mọi người đều hiểu là phục hồi kinh tế cần có thời gian. Nếu mọi người đều tin rằng phục hồi kinh tế hoàn toàn là có thể thì quá trình sẽ diễn ra nhanh hơn. Điều mạo hiểm ở đây là đó không phải là sự phục hồi thực sự mà chỉ có vẻ như vậy, vì thất nghiệp vẫn còn nhiều, nhiều bộ phận của nền kinh tế không khỏe mạnh, những lo ngại về thị trường chứng khoán, về giá nhà đất...
Theo tôi, câu hỏi về sự phục hồi kinh tế chỉ là một điểm, còn tiếp theo thì sao? Nếu thất nghiệp giảm và mọi chuyện đi đúng hướng, mọi người sẽ nói là ông ấy đã làm được; nếu thất nghiệp không giảm thậm chí tăng, với tình trạng chìm hai lần, nghĩa là đã chìm, đã nổi lên và lại chìm xuống, đó sẽ là sát nhân đối với sự nghiệp chính trị của Barack Obama. Khi ấy, tỉ lệ ủng hộ mà chúng ta đã nói tới có thể giảm xuống còn 40, 30% và mọi người sẽ bảo: Ồ, hóa ra ông ấy chả làm được gì và có lẽ đây chỉ là Tổng thống một nhiệm kỳ.

Người dân nhìn thấy mình trong lãnh đạo

Nhà báo Việt Lâm: Là một nhà quan sát chính trị và như tôi thấy ông có rất nhiều đánh giá thú vị về các Tổng thống, vậy ông đánh giá thế nào về Obama? Theo ông, tính cách nào là nổi bật nhất ở ông Obama, và ông ấy khác gì so với các Tổng thống Mỹ khác?
GS Thomas Patterson:
Tôi thấy ông Obama rất thú vị, như nhiều nhà lãnh đạo khác. Một số lãnh đạo thể hiện mình rất độc đáo, và người dân có thể nhìn vào và nói tôi thích hoặc không thích người như thế. Còn ông Obama lại là một kiểu lãnh đạo mà người dân nhìn thấy họ trong đó, và những gì họ nghĩ về ông trong chiến dịch tranh cử cũng đúng khi ông lên làm Tổng thống.
Với những người theo chủ nghĩa tự do và những người trẻ, lực lượng ủng hộ chính của ông Obama trong thời gian tranh cử, họ nhìn thấy ở ông một người theo chủ nghĩa tự do.
Obama cũng là một người theo chủ nghĩa thực dụng, với những câu hỏi như chúng ta có thể làm gì, chúng ta có thể đạt được gì? Và với luật cải cách y tế, ông ấy đã cho thấy ông muốn thực sự đạt được điều gì đó chứ không nói suông.
Cũng có thể thấy sự ôn hòa và thực tế trong chính sách của ông ấy ở Trung Đông, về những điều cần làm ở Afganistan, ông đã lắng nghe các ý kiến và nói "hãy dừng lại để nhìn nhận rõ hơn tình hình, mục tiêu của chúng ta, đặt chúng cạnh nhau và chúng ra sẽ có câu trả lời về việc cần làm gì ở Afganistan". Điều đó không hề ảo tưởng, nó rất thực tế.
Một ví dụ khác. Ông ấy là một người Mỹ gốc Phi và trong cộng đồng này, có những chương trình nhằm mục đích đem đến thêm cơ hội cho những người kém may mắn, người da đen, người gốc Nam Mỹ, gốc Á, phụ nữ.
Phải thấy rằng là một người Mỹ gốc Phi và là một người theo chủ nghĩa tự do, ông ấy phải chịu rất nhiều áp lực từ những cộng đồng này về những điều ông phải làm được như tăng thêm việc làm, cơ hội học cao cũng như mọi cơ hội mà xã hội Mỹ tạo ra... Obama đã trả lời rằng mục tiêu của ông là từ bỏ những chương trình như thế, không phải ngay lập tức nhưng về lâu dài. Chúng tôi muốn có một xã hội không phân biệt màu da, nếu các bạn vẫn tiếp tục kêu gọi làm gì đó cho những người gốc Phi, gốc Nam Mỹ, gốc Á, phụ nữ, chúng tôi vẫn sẽ thúc đẩy các bạn tiến bộ. Thực tế là điều này có thể gây ra nhiều mâu thuẫn, nhưng ông ấy nói rất nhiều điều như vậy.
Một ví dụ khác, ông ấy nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những người đồng tính trong giai đoạn tranh cử, một phần là vì chắc chắn đảng Cộng hòa sẽ không ủng hộ họ. Khi tranh cử, Obama cũng đã cam kết sẽ làm nhiều hơn cho họ. Ví dụ trong quân đội, nếu bạn là người đồng tính công khai bạn sẽ không thể ở lại trong quân ngũ và sẽ bị buộc phải rời quân đội. Nhưng bạn có thể là người đồng tính bí mật, không nói cho ai hết, đó là chính sách "đừng nói với ai". Nhưng những người đồng tính cho việc này là đạo đức giả, giấu diếm thì được ở lại mà công khai thì bị đuổi. Ông Obama cũng đang muốn thay đổi điều này để người đồng tính có thể có quyền lợi như mọi người khác.
Việc này thì ông ấy không cần đến Quốc hội, ông ấy là Tổng tư lệnh quân đội nên tự mình có thể thay đổi chính sách trong quân đội. Nhưng ông ấy cũng đang rất thận trọng hơn nhiều so với suy nghĩ của mọi người.

Nhà báo Việt Lâm: Vì thế mà ông nói là ông ấy đang thay đổi cách làm việc trong chính trị. Nhưng dường như ông ấy vẫn làm việc theo cách cũ?
GS Thomas Patterson: Tôi không rõ chính xác cô muốn nói gì nhưng theo tôi, ông ấy muốn có sự thay đổi nhưng mọi việc có thể khó khăn hơn ông ấy tưởng.
Lời hứa của ông ấy là nếu có thể, ông ấy sẽ thực hiện các chính sách với sự đồng thuận lưỡng đảng. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh nước Mỹ, khi Tổng thống phải phụ thuộc rất nhiều vào những người cùng đảng trong Quốc hội. Nếu muốn có sự đồng thuận lưỡng đảng, ông ấy sẽ nhận được sự ủng hộ của cả các đại biểu Quốc hội trung lập và ôn hòa. Và điều này cũng đã thể hiện phần nào trong hoạt động của Quốc hội.
Nhưng tôi có cảm giác là, không biết ông ấy có ý thức được không, khi đưa gói kích thích kinh tế ra trước Quốc hội, ông gần đặt số phận của nó vào tay đa số của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa gần như không được lên tiếng về nó. Sẽ khó mà có được sự đồng thuận lưỡng đảng nếu đảng kia không được mời tham gia, ít nhất là bàn bạc tranh luận trong việc lập pháp.
Tuy nhiên, việc này thì ông ấy không thể rút lại được. Ngoại trừ việc này thì ông ấy đã cố gắng xây dựng cầu nối để thu hẹp khoảng cách giữa hai đảng.

Quan trọng nhất là lãnh đạo thể hiện được suy nghĩ của nhân dân mình

Nhà báo Việt Lâm: Có một câu hỏi độc giả gửi đến: Trong số những phẩm chất của Obama, khả năng diễn thuyết trước đám đông và sức hút của ông ấy rất được ca ngợi. Ông ấy đã thành công trong việc xây dựng một hình ảnh nhẹ nhàng, khiêm tốn, ôn hòa. Gần đây ông ấy còn được trao giải Nobel Hòa bình cho những cam kết và hứa hẹn hơn là cho những hành động cụ thể. Vậy theo quan điểm của một nhà khoa học chính trị như ông, ông nghĩ gì về điều này? Có đúng là một chính trị gia được coi là thành công khi truyển tải được thông điệp và xây dựng được một hình ảnh đẹp?
GS Thomas Patterson: Bạn biết đấy chính trị ngày nay khác nhiều so với khoảng 100 năm trước. Điều quan trọng nhất mà một lãnh đạo quốc gia cần làm được là thể hiện được tình cảm, suy nghĩ của đất nước và nhân dân mình. Vì vậy phần lớn công việc của một nhà lãnh đạo điều hành ngày nay là cái mà chúng tôi gọi là "nhà lãnh đạo hùng biện", với khả năng đem đến cho công chúng, cho thế giới những ý tưởng và giúp mọi người hiểu hơn về nước Mỹ và người Mỹ hiểu hơn về thế giới...
Theo tôi, Tổng thống không nhất thiết phải là một diễn thuyết gia giỏi nhưng phải là một người truyền thông giỏi, rõ ràng, trung thực và đáng tin cậy. Về mặt này thì ông Obama khá là thành công. Một điều mà các cuộc thăm dò trên khắp thế giới chỉ ra là thế giới có cảm tình hơn với nước Mỹ khi Obama là Tổng thống hơn là khi Bush làm Tổng thống. Nhiều nước châu Âu và châu Á đều có cảm tình hơn với nước Mỹ của ông Obama. Điều này liên quan nhiều đến cách nói của ông ấy, không chỉ đơn giản là việc ông ấy là một người diễn thuyết giỏi. Ông ấy nói về những giá trị, những tương đồng trong lợi ích, ông ấy cố gắng kết nối các quốc gia với nhau, từng con người với nhau, điều này có thể tạo nên nền tảng của sự tin cậy và đây là một điều quan trọng trong việc lãnh đạo.
Tuy vậy ông ấy lại chưa thành công lắm trong việc hiện thực hóa mọi việc. Đối với giải Nobel Hòa bình, ông ấy đã ứng xử hay. Bài phát biểu nhận giải của ông ấy rất tuyệt, rằng tôi không thực sự xứng đáng với giải này nhưng tôi sẽ nhận như một mục tiêu thúc đẩy chúng tôi làm tốt nhất có thể. Tôi nghĩ nếu ông ấy có sự lựa chọn, giải Nobel Hòa bình có thể đến với ông ấy sau khoảng 3-4 năm nữa khi ông ấy làm được điều gì đó. Tôi nghĩ là ông ấy có hơi xấu hổ một chút.
Tuy nhiên, đó là một chặng đường dài từ chỗ muốn trở thành người vĩ đại đến chỗ giới truyền thông nói bạn là người vĩ đại và đến chỗ thực sự là một người vĩ đại. Có nhiều điều để nói rằng ông ấy sẽ trở thành một người tốt. Chúng ta có người trung dung, có người xấu và may mắn có người tốt, nhưng người vĩ đại thì không xuất hiện thường xuyên. Và tôi có cảm giác là hoàn cảnh hiện nay khó khiến ông ấy trở thành người vĩ đại.
Giờ không phải những năm 1930, khi bạn gần như sáng tạo ra một chính quyền liên bang với các cơ quan và chính sách... Công việc của một Tổng thống ngày nay chỉ làm vận hành chúng, nói chung là kém long lanh, kém vĩ đại hơn nhiều, chỉ là quản trị chứ không phải là tầm nhìn.

Tập hợp tài năng cho các vị trí quan trọng

Nhà báo Việt Lâm: Vậy nhân tố cốt yếu để ông ấy thực hiện được những lời hứa của mình là việc lựa chọn nhân sự thật hợp lý, thông minh, minh bạch và và hiệu quả để có thể giải quyết được mọi khó khăn. Ông có nghĩ là ông ấy đã lựa chọn đúng đắn không?
GS Thomas Patterson: Đây là một câu hỏi hay, tôi sẽ đưa ra hai câu trả lời bởi vẫn còn những ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này.
Điều nhiều người lo lắng khi ông Obama trở thành Tổng thống là ông ấy sẽ bổ nhiệm những vị trí quan trọng như thế nào. Có thể là những người đã gắn bó đồng cam cộng khổ với ông trong những ngày tháng tranh cử vất vả. Jimmy Carter đã làm như vậy khi ông ấy trở thành Tổng thống. Ba người đồng hương Georgia cùng làm trong chiến dịch của ông đã được chọn vào những chức vụ quan trọng mặc dù họ không có nhiều kinh nghiệm trong chính phủ.
Bill Clinton cũng ít nhiều làm vậy khi đắc cử năm 1992. Chánh văn phòng của ông là một người bạn học. Luật sư trưởng thì là đối tác của vợ ông. Những lựa chọn này đã thực sự làm tổn hại đến họ nhưng họ đã tưởng thưởng cho những người đã giúp họ ngồi được vào ghế Tổng thống, và là điều rất tự nhiên khi những người đã vất vả vì bạn, gắn bó và gần gũi với bạn đến thế được nhận những chức vụ cao trong chính quyền.
Nhưng ông Obama đã nói không, và bạn có thể hiểu áp lực đối với ông lớn thế nào, có rất nhiều người muốn có những vị trí ấy. Nhưng ông nói tôi phải tìm người tốt nhất có thể. Thế là ông đã chọn Rahm Emanuel làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, chọn đối thủ cũ Hillary Clinton làm Ngoại trưởng, giữ nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates mà ông Bush đã chọn, có thể coi là người của bên kia, chọn Larry Summers, một đồng nghiệp cũ của tôi ở trường Kennedy ở Harvard, người vốn dĩ ủng hộ Hillary Clinton và cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton, làm cố vấn kinh tế trưởng cho mình.
Qua đó, ông ấy đã cho thấy ông ấy hiểu rõ tầm quan trọng của việc tập hợp những tài năng cho những vị trí quan trọng.
Còn những lời chỉ trích từ phía những người theo chủ nghĩa tự do và các đảng viên Dân chủ thì cho rằng ông ấy chọn những người mà họ không đồng ý, như Hillary Clinton chẳng hạn, rằng họ muốn có những người theo chủ nghĩa tự do hơn.
Tuy nhiên, theo tôi, đó là những sự bổ nhiệm tốt. Đây đang là thời điểm kinh tế khó khăn trên toàn thế giới, bạn không nên chọn lựa những người ít kinh nghiệm, chưa được cọ xát. Thỉnh thoảng lịch sử cho phép bạn làm vậy, nhưng có lúc bạn cần có những người giàu kinh nghiệm và kiến thức.
Trong hoàn cảnh khủng hoảng về đối ngoại hay kinh tế, đó chính là những người bạn cần.

Nhà báo Việt Lâm: Nhưng tôi thấy người Mỹ chọn Barack Obama trong khi ông ấy khá ít kinh nghiệm hơn so với những ứng cử viên khác? Ông ấy cũng chưa được cọ xát, vậy tại sao ông ấy vẫn được lựa chọn?
GS Thomas Patterson: Chúng tôi có hệ thống hai đảng và vào năm 2008, đảng Dân chủ có thể đề cử bất cứ ai đáng tin cậy, họ đều có thể thắng cử, trừ phi quá yếu kém hoặc có vết nhơ trong quá khứ.
Hillary Clinton có thể đã là Tổng thống nếu là ứng cử viên của đảng Dân chủ. Tôi nói thế là vì nếu bạn nhìn vào lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và vào những thời điểm kinh tế khó khăn, ai sẽ thắng cử - đảng đối lập. Đó là lịch sử.
Ai chiến thắng khi đang có một cuộc chiến không được lòng dân ở nước ngoài - đảng đối lập.
Ai chiến thắng khi Tổng thống đương nhiệm lúc đó chỉ có tỉ lệ ủng hộ là 25%, như ông Bush - đảng đối lập.
Cả ba yếu tố này đều có ở năm 2008, biến cuộc bầu cử trở thành quá dễ dàng cho đảng Dân chủ.
Nhưng nhiều người không nghĩ thế là dễ dàng, họ cho đó là khó khăn. Và vì khó khăn lắm mới chiến thắng nên ta có thể làm gì ta muốn.
Nhưng vấn đề với hai đảng là nếu bạn nghiêng quá về bên nào, bạn sẽ khiến những người ở giữa khó chịu, và bạn sẽ thấy chuyện đã xảy ra với ông Bush và đảng Cộng hòa. Đó cũng là nguy cơ với đảng Dân chủ nếu tả khuynh quá. Và tôi nghĩ là ông Obama hiểu rõ rằng để chiến thắng lần nữa năm 2012, ông ấy phải trung dung hơn, và có thể khiến những người phía tả tức giận, nhưng đến năm 2012 thì họ chẳng thể đi đâu ngoài đi theo ông ấy. Họ có thể gây chút khó khăn nhưng không thể chuyển sang phía Cộng hòa được. Nhưng những người ở giữa, những người trung dung, những người sẽ quyết định kết quả bầu cử, họ sẽ thoải mái hơn với người mà họ cho là cũng ôn hòa như họ, và đó chính là vị trí mà ông Obama đã có.

Nhà báo Việt Lâm: Nhưng đảng Dân chủ vừa mới thua ở một số bang quan trọng như New Jersey và Virginia. Liệu đó có phải là dấu hiệu hay cảnh báo cho chính quyền và Tổng thống không?
GS Thomas Patterson: Tôi nghĩ là có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo đối với chính quyền và Tổng thống. Về tỉ lệ ủng hộ, đến thời điểm này mà tụt xuống còn khoảng 50% cũng là điều bình thường, nhưng vẫn có ngoại lệ, ví dụ John Kennedy vẫn đạt 60%. Có thể tụt xuống 50% thì có thể tụt nữa, nguy cơ là ở chỗ đó.
Khi nên kinh tế gặp khó khăn mà không hề có dấu hiệu cho thấy khi nào thoát ra và hậu quả thế nào, đó cũng là một dấu hiệu cảnh báo.
Nếu Tổng thống tụt dốc hơn nữa, sẽ là rắc rối thực sự cho ông ấy và đảng Dân chủ. Có những việc đã xảy ra mà đáng nhẽ ông ấy có thể kiểm soát, ví dụ không vì quá sốt sắng đạt được mục đích mà gạt đảng Cộng hòa sang bên lề gói kích thích kinh tế, chắc chắn họ sẽ cố gắng làm việc cùng Tổng thống mới.
Và còn một điều nữa đang khiến người Mỹ lo lắng. Mọi người đều biết rằng không thể cứ thế tiêu tiền, không thể cứ ném tiền qua cửa sổ, và Tổng thống cùng Quốc hội mà đảng Dân chủ chiếm đa số đang tiêu rất nhiều tiền, thế thì tiếp theo là gì? Tiếp theo chính là tăng thuế, ai đó sẽ phải trả lại tiền. Và điều làm cho người dân sợ hãi và muốn thay đổi người cầm quyền chính là suy nghĩ "thuế của tôi lại tăng vọt" và thực sự là thuế có thể tăng. Và tôi nghĩ đây chính là điều mà đảng Cộng hòa đang kích. Tôi không biết mọi người ở VN có quen với thuật ngữ "tiệc trà" - tea party. Chữ tea còn là viết tắt của cụm "taxed enough already" - áp thuế như thế đã quá đủ.
Đây là trận đấu quyết định, giống điều xảy ra ngay trong cuộc cách mạng Mỹ, trong cái được gọi là "tiệc trà Boston". Khi Anh đánh thuế vào các tàu chở chè nhập khẩu của Mỹ, các tàu chở chè tập trung ở cảng. Những người dân của xứ thuộc địa Mỹ đã ném chè xuống biển và những người này tạo nên "tiệc trà". Đây là cuộc chiến để chống lại thuế được áp lên mặt hàng chè. Và đây cũng là một trong những mục tiêu mà cuộc cách mạng Mỹ hướng tới.
Đảng Cộng hòa và những người bảo thủ đã kiếm được "tiệc trà" cho mình. Đây không chỉ là câu chuyện lịch sử của 200 năm trước, mà vừa qua, đã có "tiệc trà" - phong trào phản đối của nhân dân, như vậy ở trên khắp các vùng của nước Mỹ, cuộc chiến của chúng tôi chống lại những hóa đơn chi tiêu khổng lồ, được ủng hộ bởi Obama và được thông qua trong thời kì đảng Dân chủ cầm quyền ở Quốc hội.
Trong cuộc vận động bầu cử, thuế là vấn đề lớn nhất là đảng Cộng hòa có trong tay. Bởi họ có thể dùng nó như một đề tài tranh luận. Đảng Cộng hòa có thể nói, chúng tôi giữ cho thuế thấp, trong khi đảng Dân chủ khiến người dân phải chi nhiều hơn cho các khoản thuế.
Thực ra, có rất nhiều thứ đang diễn ra, và có rất nhiều vấn đề. Tất cả mọi người đều đề cập đến vấn đề Afghanistan... Nhiều người đổ lỗi cho Obama và gây áp lực lên ông. Tôi mong không phải đối mặt và xử lý với điều đó. Sẽ có người nhìn tôi nỗ lực thuyết phục thông qua gói kích thích kinh tế cho sự phát triển của đất nước và chỉ thấy tôi đã bổ sung hàng tỷ đôla trong tài khoản nợ của nước Mỹ. Và ai đó phải là người gánh trả. Tôi sẽ bị rơi vào khó khăn chính trị như vậy.
(còn tiếp)


TRONG MỤC NÀY
Cách thuyết phục dân tốt nhất là cho thấy chuyển biến thực
Trực tuyến: Nước Mỹ dưới thời Obama
Thể chế mạnh, minh bạch để chuyển đổi
(Đọc thêm...)



No comments: