Saturday, November 14, 2009

CÁCH THUYẾT PHỤC DÂN TỐT NHẤT là CHO THẤY CHUYỂN BIẾN THỰC

Cách thuyết phục dân tốt nhất là cho thấy chuyển biến thực
Tác giả: Tuần Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 11/11/2009 22:52 GMT+7
http://tuanvietnam.net/2009-11-11-cach-thuyet-phuc-dan-tot-nhat-la-cho-thay-chuyen-bien-thuc
"Sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng" trong thế giới hiện đại khác hẳn với việc thay đổi tất cả mọi thứ. Thay đổi có thể tin tưởng là cần có lòng tin lớn hơn với chính phủ, tạo nên hệ thống quản trị tốt hơn, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích quốc gia, nắm rõ những điều mà người dân đang nghĩ...

Phần 1:
Lãnh đạo phải thể hiện được suy nghĩ của nhân dân mình

Văn hóa cởi mở với truyền thông

Nhà báo Việt Lâm: Như ông đã nói, việc có người phản đối các quyết sách hay chỉ trích các nhà lãnh đạo là điều bình thường trong đời sống chính trị. Các chính trị gia phải đối mặt hằng ngày và sống chung với nó. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Tổng thống Obama dường như phản ứng thái quá với những lời chỉ trích của báo chí dành cho ông, đơn cử là trường hợp Foxnews. Ông ấy đã công khai chỉ trích lại những nhà báo phê bình ông. Nhà Trắng thì tìm cách tẩy chay những phương tiện truyền thông không nói tốt về mình ra khỏi các sự kiện. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
GS Thomas Patterson: Hệ thống truyền thông đã thay đổi. Ngày nay, chúng tôi có Foxnews cởi mở với đảng Cộng hòa, và MSNBC cởi mở với đảng Dân chủ. Khi G.W.Bush còn ở Nhà Trắng, ông đã tấn công MSNBC và CNN. Khi Obama vào Nhà Trắng, một cách lôgíc, ông cũng được Foxnews lưu tâm hơn về nhiệm kì Tổng thống. Và ông phát điên lên. Đó cũng là xu hướng thông thường của con người.
Cách ứng xử của Nhà Trắng với Foxnews gây ngạc nhiên khó hiểu cho tôi, bởi nó đi ngược lại xu hướng và cam kết về đối thoại cởi mở của Nhà Trắng. Obama cam kết, chỉ cần bạn giơ tay ra, tôi sẽ đáp lời. Ông đã làm điều đó, khi lên truyền hình đối thoại về vấn đề y tế. Đây là cơ hội mới của hệ thống chính trị Mỹ bên cạnh những bài phát biểu, tạo nên mạng lưới kết nối thông qua các cuộc phỏng vấn, giống như chúng ta đang làm tại đây, cùng thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm. Ông đối thoại với tất cả các cơ quan truyền thông, trừ Fox News.
Mọi thứ rất rõ ràng. "Nghe đây, hãy ra chỗ khác. Anh đã không đối tốt với tôi, tôi sẽ đối xử với anh theo cách anh làm với tôi". Đó là cách Nhà Trắng hành xử với Fox News. Theo tôi, đó là cách làm thiển cận.
Điều thú vị là nó đã bị phản ứng bởi các phóng viên và cơ quan báo chí khác, cả truyền thống và hiện đại. Đồng thời, người ta cũng tò mò về điều gì đang diễn ra với Foxnews. Lượng người xem vẫn tăng nhanh. Doanh thu bán hàng cũng tăng lên... Foxnews trở thành người thu lợi lớn. Và người mất lớn trong vụ này không ai khác chính là Tổng thống Obama.
Tôi nghĩ ông là chính trị gia có khả năng thích ứng chính trị tốt nhất. Obama có bản năng chính trị và hầu như mọi việc ông làm là đúng đắn. Điều đó không dễ có bởi vì không chỉ làm đúng những gì bạn nói mà làm cả những gì bạn không nói. Khi bạn nói điều không nên nói ra, đó là điều tệ và đôi khi nó đẩy bạn vào rắc rối.
Vụ việc với Foxnews thực ra không phải quá lớn nếu xét về lâu dài, nhưng nó sẽ có ảnh hưởng nhất định.

Nhà báo Việt Lâm: Có phải do Obama quá tự tin đến mức ông ấy nghĩ không cần quan tâm nhiều tới báo chí truyền thống, bởi ông ấy thắng cử nhờ vào Internet, vào báo mạng... và từ đó, ông tự cho phép mình làm những điều như vậy?
GS Thomas Patterson: Tôi không cho rằng như vậy. Báo chí truyền thống không phải xếp hàng hai trong việc đưa Obama tới thắng lợi. Thực tế họ đã ở ngay sau lưng để ủng hộ Obama nhiều hơn so với Bush rất nhiều. Có rất nhiều bài viết tốt ủng hộ cho ông. Đây là điều chưa từng có trong suốt 50 năm qua, bởi người ta chỉ tìm thấy những bài viết tích cực về ông trong suốt thời gian tranh cử, trong khi lại toàn các bài rất tiêu cực với các ứng viên McCain, Hillary Clinton.
Báo chí đã góp phần không nhỏ trong thắng lợi của Obama trước bà Clinton. Bởi trong giai đoạn đầu, bà Hillary Clinton nhận được nhiều phiếu bầu hơn so với Obama rất nhiều.
Đồng thời, Obama cũng đã tiến hành cuộc vận động trên internet và nó thực sự ấn tượng. Ý tưởng này đã giúp kết nối và hình thành mạng lưới với cả chục triệu người Mỹ, vận động được 3-4 triệu USD cho tranh cử chỉ qua internet. Mỗi người có thể vận động theo cách riêng, và chỉ bằng ý tưởng này, Obama đã có 10 triệu người ủng hộ và cả những người hàng xóm của họ.
Điều đặt ra là, sẽ như thế nào nếu sử dụng Internet không chỉ cho vận động tranh cử mà cho quản lý điều hành. Sẽ quản trị như thế nào với một mạng lưới 10 triệu người. Khi vận động tranh cử, bạn có thể đề nghị họ đóng góp tài chính, qua thuyết phục hàng xóm bỏ phiếu ủng hộ... Khi lãnh đạo đất nước, thử tưởng tượng bạn gửi mail cho 10 triệu người này và yêu cầu họ bỏ phiếu, Mỹ nên rút khỏi Afghanistan hay không ư? Điều này là không thể, bởi nó phụ thuộc vào lá phiếu ở quốc hội.
Điều khó khăn là làm thế nào bạn tận dụng những cá nhân này trong quản trị, điều hành quốc gia, trong bỏ phiếu.
Tôi không cho rằng Obama tự tin thái quá. Ông ấy nghĩ ông ấy có thể làm nhiều hơn. Có một điều ông đã nghĩ và thực hiện đó là gửi cho người dân các thông tin sớm hơn, không phải là chúng ta nên làm điều gì, mà điều chúng ta cần quan tâm là gì.
Việc này đặt chúng tôi vào tình thế lúng túng. Bởi nếu tôi nhớ không nhầm, chiếm vị trí số một trong danh sách những điều người Mỹ quan tâm chính là hợp pháp hóa cần sa. Với những cá nhân người Mỹ, đây là điều đầu tiên họ muốn làm. Nếu tôi không muốn thực hiện, tôi thậm chí không muốn nhắc đến nó.
Thực ra, rất khó để đưa người dân tham gia vào quá trình quản trị quốc gia hằng ngày, trong khi thật dễ dàng để tiến hành trong vận động tranh cử, đến gõ cửa từng nhà để vận động, đảm bảo rằng bạn đã đăng kí, bạn đã trả lời thăm dò dư luận để thể hiện sự ủng hộ...
Có nhiều cách để tạo sự tham gia của người dân, nhưng quản trị quốc gia là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn cần phải đưa ra được cách làm như thế nào để tạo ra sự chuyển đổi.

Mọi quyết định đều khó khăn

Nhà báo Việt Lâm: Tôi chia sẻ với ông rằng để người dân tham gia vào cuộc vận động tranh cử thì dễ hơn nhiều so với khiến cho họ tham gia vào quá trình quản trị. Và để có sự ủng hộ của dân chúng, chính trị gia không thể gạt báo chí sang bên lề, vì các nhà báo chính là kênh thông tin quan trọng để họ truyền đi các quan điểm và quyết sách của mình. Theo ông, với hơn 9 tháng cầm quyền vừa qua, Obama liệu đã tạo được nền tảng tốt cho những năm cầm quyền sắp tới và rất có thể, cho nhiệm kì tổng thống tiếp theo?
GS Thomas Patterson: Nhiệm kỳ Tổng thống của Obama theo tôi sẽ là một nhiệm kỳ tốt. Gói kích thích kinh tế rất quan trọng và rất lớn, và rất cần thiết cho nền kinh tế.
Obama cũng đang trên con đường gặt hái được điều gì đó trong hệ thống chăm sóc y tế.
Và cũng có điều kiện cho phép những quyết định nhỏ hơn được đưa ra. Đã có những bổ sung trong nhiệm kì này, dù không phải là sự bổ sung hoàn thiện của một Tổng thống vĩ đại mà của một Tổng thống bình thường cần phải đạt tới.
Rất khó để nhìn năm đầu tiên cầm quyền mà dự đoán về những năm tới. Người dân trông chờ vào sự lãnh đạo, và họ sẵn sàng trao lợi ích của họ vào tay bạn, và bạn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Với Obama, các quyết định đều rất khó.
Điều khó nhất trong lựa chọn chính sách ở nhiệm kỳ này của Obama là liệu nước Mỹ cần làm gì ở Afghanistan. Đây là một vấn đề chính trị, không phải là vấn đề chiến lược hay vấn đề quyền lực. Và với một quyết định chính trị, sẽ không có phương án lựa chọn tốt nhất.
Obama có khả năng chịu mất mát về mặt chính trị với quyết định của mình. Nếu không cắt giảm quân số, rút quân, Obama sẽ khiến cánh tả và những người theo chủ nghĩa tự do giận dữ, còn ngược lại, nếu không có một lực lượng mạnh ở Afghanistan, ông lại khiến những người cánh hữu, những người bảo thủ giận dữ.
Vậy con đường phải đi là gì? Theo tôi, cách Obama sẽ làm là dựa vào bản năng chính trị tự nhiên của mình, cố gắng đi ở giữa hai xu hướng. Nói cách khác, ông sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan, không quá ít để chọc giận những người bảo thủ, cũng không quá nhiều khiến nước Mỹ rơi vào cái bẫy của cuộc chiến này và không thể rút ra được.
Vấn đề mấu chốt ở đây là kéo dài thời gian, bởi lẽ Obama cố gắng giữ cho vấn đề này ở vị trí thấp nhất có thể trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Càng giữ vấn đề Afghanistan ẩn đi, thì các vấn đề phải đối mặt liên quan đến cuộc chiến sẽ càng ít đi. Khi vấn đề này bị đẩy lên mức quá cao, ông sẽ gặp rắc rối với nó, bởi sẽ có người thực sự điên lên với những gì đang diễn ra ở Afghanistan.
Và tôi nghĩ, Obama muốn thêm thời gian để có những phân tích sâu về những gì đang diễn ra ở đó, và liệu điều đúng đắn mà nước Mỹ cần làm là gì trong một tình thế chiến lược vô cùng phức tạp.
Tình huống ở Afghanistan khác hoàn toàn với những gì diễn ra ở Pakistan. Nó giống như Việt Nam đã tạo nên tình thế chiến lược vô cùng phức tạp cho Mỹ cách đây hơn 30 năm.
Ở Afghanistan, không hề có cái gọi là đặc trưng quốc gia. Và không có cuộc chiến của người Afghan, chính phủ Afghan mà nó phần nhiều giống với các bộ lạc.
Những chuyên gia và chiến lược gia địa phương và khu vực đều thấy tình thế rất khó khăn. Rất khó để nói điều nên làm là gì để thay đổi tình thế. Có người sẽ nói, hãy ra đường phố, đến những khu ổ chuột, để có một cái nhìn khác, đúng đắn hơn, và tạo được bước chuyển. Tuy nhiên, tình thế không dễ khi để kéo dài, và ngay cả xuống phố, xem xét cụ thể, thì quyết định rẽ trái hay rẽ phải cũng không đơn giản. Nó thực sự cần một sự kích thích chính trị, giống như gói kích thích kinh tế vậy.

Châu Á đang trở về vị trí chính trị cần có trong chiến lược của Mỹ

Nhà báo Việt Lâm: Liên quan đến chính sách đối ngoại của nước Mỹ, độc giả Việt Nam cũng như người dân châu Á đang mong đợi chuyến thăm tới đây của Tổng thống Obama tới các nước châu Á: Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Và nhiều người châu Á có cảm giác, nước Mỹ đã lãng quên châu Á trong một thời gian dài, do cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Liệu với chuyến thăm này, châu Á có thể lấy lại vị trí của mình trong sự quan tâm chính sách của nước Mỹ?
GS Thomas Patterson: Tôi nghĩ lí do kinh tế đã đẩy mối quan tâm của nước Mỹ rời xa châu Á. Trong vấn đề an ninh và quân sự, rõ ràng, Iraq đã chiếm hết mối quan tâm và năng lượng của Mỹ.
Điều thú vị là, nước Mỹ và người Mỹ nhận ra vai trò của châu Á cũng bởi cuộc suy thoái kinh tế hiện nay đã không có ảnh hưởng gì lớn lắm ở khu vực này. Năng lượng của khu vực này đang phục hồi, một số nơi còn tiếp tục tăng trưởng, ở Đông Á.
Tôi thấy, kinh tế đã đẩy mối quan tâm của người Mỹ rời châu Á và chính nó cũng lôi người Mỹ trở lại, đưa châu Á về vị trí chính trị của nó.

Mỹ nhận thức được thách thức mang tên Trung Quốc

Nhà báo Việt Lâm: Trong khi Mỹ tập trung vào các vấn đề đối nội thì Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu. Nước này đã đặt mục tiêu trở thành siêu cường vào năm 2050. Theo ông, Mỹ sẽ làm gì để đáp lại sự bành trướng sức mạnh của cường quốc đang lên Trung Quốc?
GS Thomas Patterson: Việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc là một thách thức với Mỹ. Và đương nhiên, nước Mỹ nhận thức được vấn đề mà chúng ta đang nhắc tới.
Cái khó của nước Mỹ là sự mở rộng quyền lực này lại xảy ra ngay với đồng USD của Mỹ. Trung Quốc là nền kinh tế đang nổi lên ở thập kỉ vừa qua. Chúng tôi mua hàng hóa, sản phẩm Trung Quốc và họ có tiền, họ phải dùng số tiền đó.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Mỹ ở bên chiến thắng, giàu có, về cơ bản có tiền để mở các hoạt động thương mại, mở rộng ảnh hưởng ở khắp nơi trên thế giới, thông qua đầu tư, viện trợ...
Những gì mà Trung Quốc làm hiện nay cũng chính là những gì Mỹ đã làm trước đây. Tuy nhiên, điều khác là tiền tệ. Một số nước lo lắng, quan ngại về điều này. Chúng tôi tiêu tiền và một số nước hạnh phúc vì có chúng. Sẽ rất khó để thay đổi tình thế.

Nhà báo Việt Lâm: Theo ông, liệu Trung Quốc có thể thách thức quyền lực Mỹ?
Gs Thomas Patterson: Điều này còn phụ thuộc vào việc chúng ta định nghĩa thách thức là thế nào.
Sẽ còn một chặng đường dài để Trung Quốc bắt kịp với mức phát triển kinh tế của Mỹ. Và sẽ cần chặng đường dài hơn để mức sống của mỗi người Trung Quốc đạt như mỗi người dân Mỹ. Nói chung chúng ta còn đợi lâu để thấy một Trung Quốc giống Mỹ trên phương diện này.
Tuy nhiên, một quốc gia có thể trở thành cường quốc kinh tế theo cách khác, bằng cách sử dụng sức mạnh kinh tế đó để mở rộng ảnh hưởng trên chính sách đối ngoại. Và đó là một thách thức trước mắt và lớn hơn với Mỹ. Mỹ phải đối mặt với toàn bộ vấn đề. Bởi rất rõ ràng, Trung Quốc muốn mở rộng không gian ảnh hưởng, khiến cho sự hiện diện của Trung Quốc là điều đã rồi, tạo nên cái bóng bao phủ.
Mỹ có lẽ là cường quốc duy nhất quan tâm tới việc ngăn chặn Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng, và trong một chừng mực nào đó, Nga cũng quan tâm. Tuy nhiên, quan hệ Nga - Trung có yếu tố tự nhiên khi hai nước có hợp tác liên quan đến trao đổi năng lượng. Mỹ lại quan tâm tới việc duy trì thương mại với Trung Quốc, vì vấn đề lớn của nước này là phục hồi nền kinh tế. Tiền dành cho kích thích phải đến từ một nguồn nào đó, và phần nhiều sẽ chính là từ Trung Quốc.
Việc duy trì mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào sẽ là hành động quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế Mỹ, đồng thời, Mỹ cũng phải tìm cách thức dài hạn để ứng phó với việc bành trướng của Trung Quốc.

Cách thuyết phục tốt nhất là cho họ thấy sự chuyển biến thực

Nhà báo Việt Lâm: Đó có thể xem là tình thế tiến thoái lưỡng nan của nước Mỹ trong ứng xử với Trung Quốc. Và nhiều người chia sẻ quan điểm rằng Obama cần thay đổi hình ảnh nước Mỹ trong lòng người dân châu Á. Có vẻ như ông ấy, trong 9 tháng qua, đã tỏ ra là người đối thoại nhiều hơn, ôn hoà hơn, thay vì áp đặt sức mạnh cũng như quan điểm lên một quốc gia khác. Liệu nó có trở thành một xu hướng rõ nét trong chính sách đối ngoại dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Obama hay không?
GS Thomas Patterson: Việc đối thoại nhiều hơn chỉ là một trong số các xu hướng đối ngoại. Obama có thể thực hiện các chuyến công du, đối thoại, gửi các tín hiệu, đưa ra các quyết định nhỏ để nói với các quốc gia khác nhìn vào sự thay đổi của nước Mỹ trong các lợi ích. Đi cả chặng đường dài nhưng tất cả những hành động nhỏ đều thể hiện một sự nhất quán về kiểu quan hệ mà nước Mỹ muốn có.
Điều khiến tôi thấy thú vị là cuộc thăm dò dư luận thế giới về nước Mỹ với Obama khác hẳn với kết quả thăm dò nước Mỹ với G.W. Bush. Rõ ràng lòng tin của thế giới với nước Mỹ dưới thời Obama lớn hơn, ở châu Âu, châu Phi và cả châu Á.
Nơi không có nhiều sự thay đổi chính là Trung Đông. Sự khác biệt này xuất phát từ việc tình hình Trung Đông chưa có thay đổi, bởi vấn đề ở đây quá sâu sắc, xung đột căng thẳng, và lợi ích cũng rất lớn. Quan điểm của người dân khu vực này cũng khác, bởi họ đã được nghe cam kết về sự thay đổi, thế nhưng, trên thực tế lại không như vậy.
Khi chấm dứt nhiệm kỳ của Bush, nhiều người đã hi vọng lực lượng Mỹ sẽ sớm rút khỏi Afghanistan dưới thời Obama. Và khi đang trông đợi Obama khác với Bush, người ta nghi ngờ khi Obama đã quyết định đưa thêm quân tới Afghanistan.
Theo tôi, hình ảnh nước Mỹ và Tổng thống Obama tốt hay xấu không giống nhau ở các quốc gia khác nhau mà nó phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Và tình hình tệ nhất ở ở Trung Đông, nơi xung đột quá sâu và kéo dài quá lâu. Tôi không nghĩ là bất kì ai có thể thuyết phục họ về một nước Mỹ khác trừ khi tình hình ở đây có sự biến chuyển mà họ chứng kiến bằng chính mắt mình.

Nhà báo Việt Lâm: Liên quan đến Trung Đông, nhiều người tự hỏi tại sao Mỹ lại quan tâm tới mối quan hệ Israel - Palestine hơn các mối quan hệ khác ở khu vực?
GS Thomas Patterson: Một số người Mỹ cũng nói Obama đã tập trung quá đủ cho Israel và Palestine. Cũng có ý kiến là chúng tôi đã quá quan tâm tới Afghanistan, nghĩ quá nhiều đến nó, cả trong các kiến nghị lẫn những suy nghĩ cá nhân.
Điều nhiều người mong muốn là tìm ra giải pháp cho vấn đề xung đột giữa Israel và Palestin, mà thực chất là đối xử công bằng với những người Palestine, chứ không phải là làm hài lòng Israel. Nhờ đó, xung đột sẽ được giải quyết. Khi ấy, người ta có thể nói chúng ta đã giải quyết xong vấn đề Irael - Palestine và bây giờ hãy chuyển sang vấn đề tiếp theo.
Nghĩ về cách mà Al Quada thể hiện mối quan hệ với Mỹ, tiếp tục chủ nghĩa khủng bố, chúng ta ít nhiều cảm thấy buồn. Chúng ta không thể hoàn toàn đứng về phía của người Israel. Và điều này làm thay đổi mối quan hệ Israel - Palestine, thực sự là một điểm dính kết.
Có quá nhiều điều ở bên phía Irael nhờ vào Tổng thống Mỹ, bởi sự chi phối của những lá phiếu chính trị, dân số... Tất cả những yếu tố này khiến cho Israel được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Mỹ chứ không phải là Palestine và đó là vấn đề.

Nhà báo Việt Lâm: Theo ông, Obama có thể vượt lên được sự chi phối của các nhóm lợi ích, nhóm vận động hành lang hay không, bởi thực tế, nhóm vận động hành lang của người Do Thái ở Mỹ rất mạnh và tác động lên chính sách? Khi vận động tranh cử, Obama cam kết sẽ kiểm soát và kiềm chế các nhà vận động hành lang Mỹ và khiến cho chính trị Mỹ trở nên minh bạch hơn. Liệu Obama đã làm đủ mạnh để thực hiện mục tiêu của mình?
GS Thomas Patterson: Thực ra, phải thấy rõ từ đầu là có những nhà vận động hành lang tốt và có những người không như vậy. Những nhà vận động hành lang tốt sẽ định hướng bạn theo một cách và những người kia thì theo cách khác. Đôi khi vấn đề nằm ở sức mạnh của nhóm vận động hành lang.
Tôi cho rằng việc giảm ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhóm vận động hành lang, không chỉ của đảng Cộng hòa mà cả của đảng Dân chủ là cần thiết.
Đơn cử, các trường của Mỹ cần phải được cải cách. Đòi hỏi này là cấp thiết và mạnh mẽ. Thế nhưng, Obama cần những người được cập nhật thông tin, để phản ánh những thực tế điển hình.
Một số đề xuất được đưa ra, một trong số đó là chương trình "không đứa trẻ nào bị gạt ra bên lề" - No Child Left Behind liên quan đến hoạt động kém của các cuộc khảo thí toàn quốc, làm thất thoát tiền bạc. Các trường cần hoạt động hiệu quả để có đủ tiền duy trì ngôi trường.
Một chương trình khác cho phép các trường công có nhiều tự do hơn trong việc đưa ra các sáng kiến.
Đảng Cộng hòa đã buộc phải ủng hộ cho một số kế hoạch cải cách trường học, bởi vì nó có thể đổi lại bằng sự ủng hộ của nhiều người trong Hiệp hội giáo viên.
Barack Obama đã duy trì chương trình No Child Left Behind, nơi hỗ trợ học sinh tới trường, và các giáo viên buộc phải tự thay đổi để thích ứng. Họ không thích phải nghe điều đó. Obama đã bắt tay với các nhà vận động hành lang để đi lên.
Là một Tổng thống, nếu tất cả thời gian anh đều bắt tay với các nhà vận động hành lang, anh phải tham gia 20 cuộc chiến mỗi ngày. Với nhóm vận động hành lang Israel, nếu làm giống như trong vận động tranh cử, mọi thứ sẽ rất khó cho Obama, bởi về cơ bản, khi tranh cử, anh chỉ có thể nói tất cả những gì anh cần nói, rằng anh sẽ là bạn của Israel chẳng hạn. Khi nói như thế, sẽ rất khó cho anh để đứng dậy, gây áp lực với Israel.
Sẽ hay hơn nếu như một người lãnh đạo mới lên cầm quyền ở Israel, dù có thể lại là người cứng rắn hơn trong quan điểm. Và ông Obama phải nhận lấy cả hai khả năng: nước Mỹ phải bỏ nhiều công sức hơn để gây áp lực với Israel trong khi đó Israel vẫn sẽ làm những gì họ muốn, bất chấp những áp lực đặt lên họ.
Trên thực tế, đến thời điểm này, Obama chưa gây nhiều áp lực như vậy, và tôi nghĩ nó sẽ là vấn đề chính trị lớn hơn cho Obama bởi tiềm năng to lớn của vấn đề này khác hẳn với nhiều vấn đề khác. Ông ấy cần tìm những nhà vận động hành lang khác, bên cạnh những nhà vận động hành lang đang gây áp lực lên ông.

Thiếu công cụ để hiện thực hóa cam kết

Bạn đọc từ Hà Nội: Ông Obama sẽ thay đổi thế giới như thế nào và các chính sách của Obama có thích hợp với những biến đối của tình hình quốc tế: sự trỗi dậy của Trung Quốc và nền tảng của một liên minh ở Đông Á?
GS Thomas Patterson: Trong chính sách đối ngoại, việc mang lại sự thay đổi có phần dễ dàng hơn với Obama nếu như chúng tôi không có các vấn đề: kinh tế khủng hoảng, vấn đề Iraq, Afghanistan.
Ví dụ, Obama sẽ có chút khó khăn khi tới hội nghị toàn cầu tháng 12 tới để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông ấy có thể mang tới Hội nghị vài con số có thể mang lại sự hài lòng cho các nước, bằng việc cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Thế nhưng, thực tế, cắt giảm lượng khí thải nhà kính đồng nghĩa với kéo chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế đã suy giảm nặng nề, quyết định chính trị này trở nên quá khó khăn để được lựa chọn.
Những vấn đề khác cũng đang bế tắc, đơn cử là các cam kết ở Iraq, Afghanistan. Chúng tôi muốn tuyên bố việc rút khỏi cuộc chiến. Chúng tôi muốn được coi trọng hơn. Chúng tôi muốn triển khai chính sách đối ngoại bằng những chính sách mềm hơn. Thực tế, chúng tôi có hai trăm nghìn quân được trang bị tận răng đang ở giữa cuộc chiến vào thời điểm này.
Sẽ dễ hơn nếu tuyên bố chuyển số tiền đó từ phục vụ quốc phòng sang viện trợ quốc tế, ở châu Phi, châu Mỹ Latin, hợp tác với các nước để thúc đẩy kinh tế phát triển, giống như điều Trung Quốc đang làm với số tiền dự trữ khổng lồ của mình. Nhưng thực tế, Mỹ lại không có số tiền này.
Tôi nghĩ điều ông Obama có thể làm là thay đổi cách chúng ta cảm nhận, nhưng thực tế, ông không có công cụ cần thiết để thực hiện, biến những điều đó thành hiện thực một cách hiện hữu cụ thể, để người ta có thể nói điều gì khác ngoài những lời nói suông, rằng thế giới đã thực sự thay đổi bởi vì Barack Obama là Tổng thống của nước Mỹ.

Vượt qua năm 2010 ít mất mát nhất

Nhà báo Việt Lâm: Theo ông, khó khăn lớn nhất mà Obama đang phải đối mặt trong thời gian tới là gì?
GS Thomas Patterson: Có 2 khó khăn lớn: Một là, khó khăn về chính trị, mang tính sống còn. Trong chính trị Mỹ, Tổng thống phụ thuộc vào lá phiếu cử tri, vào những bài báo. Luôn có thể có sai sót ở nhiều nơi. Một số người sẽ dành toàn bộ thời gian để nghĩ làm thế nào tồn tại được trong lần bầu cử tiếp theo, mà việc thắng cử hay không đó lại phụ thuộc phần lớn vào nền kinh tế.
Rõ ràng, đảng Dân chủ đang mất một phần sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào năm 2010 tới. Đảng cầm quyền sẽ mất đi số ghế trong Quốc hội vì người ta đổ trách nhiệm cho đảng cầm quyền về những gì đang diễn ra. Đó là điều hết sức bình thường.
Nền kinh tế Mỹ hiện nay tạo nên 10% dân số thất nghiệp, và con số này đang giảm dần một cách chậm chạp. Thời gian người dân đối mặt với thất nghiệp càng lâu, họ càng trở nên giận dữ. Những người này lại nắm số phiếu không nhỏ. Khi đó, đảng cầm quyền bị tổn hại.
Do đó, về mặt chính trị, điều khó nhất với ông Obama là đảng Dân chủ vượt qua năm bầu cử 2010 với ít mất mát nhất. Một khi đảng này mất đi nhiều số phiếu, nó sẽ gây khó cho Tổng thống Obama và có thể ông sẽ chỉ là tổng thống của một nhiệm kì. Đến 2012, nếu muốn có một nhiệm kỳ thứ 2, nền kinh tế Mỹ phải có những tín hiệu tích cực hơn, tương tự như trường hợp Tổng thống Reagan trong cuộc bầu cử 1984 với sự đảo chiều về kinh tế.
Nói cách khác, Obama và đảng của ông cần tránh một kịch bản tồi tệ nhất, với thất bại thảm khốc, mà điều này gắn với việc mọi thứ phải tốt hơn, theo hướng tiến lên phía trước.
Khó khăn thứ 2 thuộc về chính sách. Điều gì diễn ra tiếp theo? Trong chính sách y tế, trong xử lý vấn đề Afghanistan, kích thích kinh tế liệu có hoạt động, và cần làm gì nữa? Liệu còn điều gì lớn khác đang đợi? Câu trả lời là có thể, nhưng lại không rõ ràng, chỉ biết là có nhiều.
Đây cũng là lí do tại sao tôi nghĩ Obama không thể so sánh với Franklin Rooservelt. Có rất nhiều việc Franklin Rooservelt biết cần phải làm gì: cần quy định về vấn đề an ninh, cần quy định về ngân hàng, cần hoàn thiện hệ thống lập pháp về lao động, cần đảm bảo an ninh xã hội... Có rất nhiều và anh không bao giờ có thể vượt ra được chương trình nghị sự dài đó. Ông ấy đã thực hiện tất cả những điều đó. Và ông trở thành Tổng thống kiệt xuất của nước Mỹ.
Nhưng danh sách hôm nay không dài như thế. "Sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng" trong thế giới hiện đại khác hẳn với việc thay đổi tất cả mọi thứ. Thay đổi có thể tin tưởng là cần có lòng tin lớn hơn với chính phủ, tạo nên hệ thống quản trị tốt hơn, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích quốc gia Mỹ ở bên ngoài, nắm rõ những điều mà người Mỹ đang nghĩ... nghĩa là nghĩ về tất cả những điều có thể có ý nghĩa dài hạn cho nước Mỹ.
Nếu tất cả những điều này đưa vào thực hiện, nó sẽ là quá nhiều. Và khi đó, Obama sẽ thành một Tổng thống thành công, chưa phải là Tổng thống kiệt xuất.

Phải quay về với thực tế

Nhà báo Việt Lâm: Theo ông, liệu có quá rủi ro với một chính trị gia khi đưa ra quá nhiều các lời hứa, cam kết, bởi vì cho dù anh có làm tốt, nhưng vì thực tế khó khăn, và anh không thể thực hiện các cam kết, công chúng sẽ thất vọng và mất lòng tin vào vị lãnh đạo ấy?
GS Thomas Patterson: Một câu hỏi hay. Có lẽ, tất cả các ứng viên đều phải đưa ra rất nhiều cam kết trong vận động tranh cử, thông qua câu khẩu hiệu của mình. Và thực tế thường là khác với cam kết.
Có thể bạn mang lại điều gì đó khác với cam kết, nhưng nếu soi lại quá trình vận động, ta sẽ thấy có rất nhiều điểm được nêu rất cụ thể về các vấn đề cần thay đổi. Lập ra có 20 việc cần làm để thay đổi, chẳng hạn, thực ra vì họ nghĩ các vấn đề sẽ không còn tồn tại nữa.
Vì thế, tốt hơn là hãy thực hiện những việc chúng ta cần và có thể làm tốt thay vì thực hiện những việc đã được định rõ.
Theo một cách nào đó, chúng ta cần xem lại điều mà một Tổng thống có thể đại diện là gì. Như vậy thì lại phải quay trở về với thực tế, gắn với thực tế. Đó cũng là điều Obama đang làm. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ, ông Obama thích ứng rất tốt.
Người Mỹ cũng đang làm điều tương tự. Họ đã đặt ông ấy ở vị trí và tiêu chuẩn quá cao, được thúc đẩy bởi những bài diễn thuyết hùng hồn. Họ kì vọng rằng ông sẽ là một Tổng thống kiệt xuất.
Với những bài thuyết giảng lịch sử, điều đó là bình thường, nhưng đây lại không phải là những bài phát biểu như vậy. Phải gạt ra ngoài những kì vọng ở người phát biểu, phải nhìn vào những nội dung của bài phát biểu ấy. Ngay cả khi nguyên tắc và các giá trị hướng tới đã được chỉ rõ, nhưng không có nhiều những hành động cụ thể được kiến nghị. Người Mỹ mặc định tình hình sẽ là như thế. Nhưng thực tế, họ đã không lắng nghe, và khi họ quay lại, mọi thứ lại bắt đầu lại...

Nhà báo Việt Lâm: Người Mỹ vốn nổi tiếng là những người thực dụng. Bản thân ông được nhiều người nói là theo chủ nghĩa lí tưởng, đã bỏ phiếu cho Obama, và bây giờ ông quay lại với chủ nghĩa hiện thực?
Gs Thomas Patterson: Quản trị vốn là chủ nghĩa hiện thực. Và thực tế lịch sử, khi nào quản trị đi theo hướng của chủ nghĩa lí tưởng, bao giờ cũng đem lại kết quả rất tệ. Thông thường, mọi người đưa nó đi quá xa, và kết quả cuối cùng không tốt, thậm chí nhiều trường hợp nó còn là thảm họa.

3 kì vọng cho nhiệm kỳ của Obama

Nhà báo Việt Lâm:
Tại thời điểm này, điều ông kì vọng nhất ở Obama là gì?
Gs Thomas Patterson: Tôi trông đợi vào hệ thống chăm sóc y tế. Bởi mọi thứ vẫn chưa được thực hiện. Khi triển khai thực tế, sẽ có những điều xảy ra.
Một số người chỉ trích dự thảo này và một số người khác thì mỉm cười, nhất là liên quan đến việc cung cấp lựa chọn công (public option). Mặc dù khu vực tư có khả năng đưa ra các chính sách hỗ trợ và bảo hiểm, nhưng nhiều người vẫn không có khả năng tiếp cận bảo hiểm.
Lựa chọn công đồng nghĩa với việc người dân có quyền lựa chọn được cung cấp bảo hiểm bởi chính phủ. Đương nhiên, họ phải chi trả cho khoản này, nhưng thực tế, chính phủ thường phải trả giá rẻ hơn, dẫn tới giảm chi phí bảo hiểm. Đó là lí do tại sao các công ty bảo hiểm lại phản đối mạnh mẽ.
Tình hình với đảng Dân chủ ở New Jersey và Virginia như đã đề cập ở trên một phần cũng bởi thái độ của người dân với lựa chọn công này. Họ đã mất đi số phiếu cần thiết, bởi sự phản đối không phải với toàn bộ dự án y tế, mà chỉ một phần nhỏ này.
Obama đã nỗ lực hết sức để dự án y tế được thông qua, và bất cứ cơ hội nào để đưa phần nhỏ nhưng quan trọng cho 20 năm tới này vào, ông cần làm hết sức. Đó là điều tôi trông đợi để chứng kiến.
Điều thứ 2 mà Obama cần làm là cố gắng có được lựa chọn đúng trong vấn đề Afghanistan. Một lựa chọn sai ở đây có thể là thảm họa không chỉ cho Obama mà cho toàn nước Mỹ. Tôi tin không ai lại muốn trải qua điều tương tự như đã làm với Việt Nam trước đây, gây nên thảm họa cho cả Mỹ và Việt Nam. Đó là một định hướng chính sách đối ngoại sai lầm.
Điều thứ 3, thực sự là một vấn đề lớn. Hi vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi thực sự. Gói kích thích kinh tế có ý nghĩa nhưng chỉ là tạm thời. Nếu khi gói kích thích ngừng lại, nền kinh tế không phục hồi, thì điều đó đã là vượt ngưỡng chấp nhận của người Mỹ, và có thể sự ủng hộ cho Obama chỉ còn 20% và khi đó, ông sẽ là người thất bại trong bầu cử.

TRONG MỤC NÀY
Lãnh đạo phải thể hiện được suy nghĩ của nhân dân mình
Trực tuyến: Nước Mỹ dưới thời Obama
Thể chế mạnh, minh bạch để chuyển đổi
(Đọc thêm...)



No comments: