Sunday, November 15, 2009

HOANG TÀN "NƠI AN NGHỈ CỦA CÁC VỊ VUA"

Hoang tàn "Nơi an nghỉ của các vị Vua"
M.T
http://sites.google.com/site/hanoilaingap/hoang-tan-noi-an-nghi-cua-cac-vi-vua
(TT&VH Online) - Buôn Đôn, cái tên nhắc đến sự hùng vĩ của miền đất Tây Nguyên, gợi nhớ đến nhân vật Đam San dũng mãnh, nơi những ông vua săn voi sống và và tạo nên những truyền thuyết.
Nó luôn khiến khách du lịch phải tìm đến dù chỉ ở vội 1-2 ngày ở đất Buôn Mê Thuột. Tôi là một trong số đó.

Khu mộ của hai ông vua săn voi nổi tiếng K'Nul (hình vuông) và R'Leo (hình chóp)
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/bbamo2.jpg

Huyền thoại oai hung
Nằm ven một khu vực trước đây là rừng, khu mộ của những ông vua săn voi được coi là trốn linh thiêng thuộc xã K’Rông Na, Buôn Đôn. Ngoài một ngôi mộ lớn nhất của một Gru thọ đến 110 tuổi, khu lăng mộ này còn có hơn 10 mộ khác của những ông vua săn voi, diệt thú dữ, bảo vệ buôn làng.

Khu vực dành cho những người thân đến thăm mộ, tổ chức an táng... nghỉ ngơi vì có những buổi lễ kéo dài trong nhiều ngày
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/c33khuvucnghi.jpg

Trên mỗi tâm bia mộ, người ta có thể thấy thành tích oai hùng thủa đó của những Gru mà nổi bật nhất là vua săn voi T’Thu K’Nul (1828). Theo một số tài liệu ghi lại, T’Thu K’Nul là tù trưởng đã khai sinh ra Buôn Đôn với đặc trưng là một cộng đồng đa sắc tộc, sống yên bình giữa núi rừng Tây Nguyên.
Tù trưởng K’Nul khi đó rất được dân làng nể trọng không chỉ bởi ông đã tiêu diệt thú dữ, bảo vệ dân làng khỏi voi, lợn rừng, bò tót... mà còn là người đầu tiên thuần phục và phát triển nghề nuôi voi.
Người dân Buôn Đôn kể lại rằng, khi Buôn Đôn còn là một địa danh nhỏ bé giữa rừng già Tây Nguyên thì thú dữ thường xuyên ám ảnh cuộc sống của người dân nơi đây.
Để bảo vệ dân làng, tù trưởng T’Thu K’Nul đã chinh phục tới hơn 400 con voi rừng hung dữ (có số liệu chỉ nói chung là vài trăm con), số bò tót, lợn rừng… thì không thể đếm hết. Khả năng chinh phục thú dữ của ông đã biến ông thành một Gru được nể trọng nhất, mọi chuyện lớn bé ở Buôn Đôn này đều do ông quyết.
Trong số những con voi dữ K’Nul săn bắt được, có một con voi trắng rất quý. Khi đó, ông đã đem tặng con voi này cho nhà vua Xiêm (ngày nay là Thái Lan) khiến nhà vua rất cảm phục. Biết được thành tích săn voi của ông, vua Thái Lan lập tức phong tặng ông danh hiệu Khunjubob, tức là Ông Vua săn voi. Cái tên này từ đó gắn liên với ông.

Khu mộ duy nhất còn giữ lại được một chút nét văn hóa Tây Nguyên
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/modep.jpg

Ngày ông mất, dù không có người nối dõi nhưng tang lễ vẫn được tổ chức rất long trọng và được người dân khắp nơi đến viếng. Đáng chú ý nhất chính là ngôi mộ lớn của ông được lập nên để tôn vinh Ông Vua săn voi. Có truyền thuyết cho rằng, đích thân Vua Xiêm khi đó đã cử người sang xây cất mộ cho Vua săn voi. Nhưng theo thông tin chính thức từ Đaklak, người xây mộ cho ông là R’leo, cháu gọi ông bằng cậu xây nên.
Ngôi mộ được xây theo lối lạ mắt, hình vuông. Theo thông tin có được, đây là kiến trúc kết hợp giữa truyền thống của người M’Nông với Lào nhằm thể hiện sự đa dạng sắc tộc của những người con Buôn Đôn.
Khu mộ ngoài có các phong tục thông thường như lỗ thông hơi từ dưới quan tài lên mặt đất, nghi lễ cúng, bia ghi công trạng… thì có nhiều điểm khác hẳn với các mộ khác bởi không có những hình điêu khắc trang trí xung quanh. Bên trong mộ là một khoảng không đủ rộng để thực hiện các nghi lễ theo đúng phong tục. Ở giữa nổi lên là ngôi mộ của Khunjubob.

Lỗ thông từ dưới quan tài lên trên mặt đất
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/lothonghoi.jpg

Ngoài ngôi mộ của Khunjubob, tại khu vực này cũng có ngôi mộ lớn của chính cháu Khunjubob, là R’Leo. R’Leo sinh năm 1877, là người thừa kế quyền lãnh đạo buôn làng từ Vua săn voi Khunjubob.
R’Leo không chỉ kế thừa được khả năng săn bắt và thuần dưỡng voi của cậu mình mà còn tỏ ra có khả năng lãnh đạo buôn làng phát triển và mở rộng lãnh thổ. Chính ông là người đã tạo ra được mối quan hệ khăng khít giữa các dân tộc Tây Nguyên với triều đại của vua Bảo Đại.

Cửa vào phần mộ của vua săn voi R'Leo
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/loivao.jpg

Liên quan đến mối quan hệ này, chính R’Leo đã tặng vua Bảo Đại một con voi trắng và giúp Bảo Đại lập ra một đội voi săn được đặt tên là “Hoàng Gia Bảo Đại”. Ông lãnh đạo Buôn Đôn đến năm 1947 rồi mất vào năm 70 tuổi.

Bia bên trong mộ của R'Leo
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/biamorleo.jpg

Cũng như cậu mình, ông được buôn làng gọi là Vua săn voi và xây mộ lớn theo kiến trúc đền tháp Campuchia để tỏ lòng tôn kính. Theo sử sách ghi lại, kiến trúc này do đích thân Vua Bảo Đại lựa chọn và cứ người đến xây dựng. Giá trị của ngôi mộ khi đó được tính bằng một con voi có cặp ngà dài, tức là giá trị rất lớn (PV).

Hoang tàn hiện tại
Đến Buôn Đôn vào thời điểm hiện tại, người ta khó có thể tưởng tượng ra cảnh hùng vĩ của Tây Nguyên thời của những ông Vua săn voi. Tất cả mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ và nhắc đến Vua săn voi, người ta thường chỉ nhắc đến ông Amakong. Đặc biệt, phương thuốc từng được coi là bí truyền của ông Vua săn voi này được người dân ở đây nhắc nhiều hơn cả.
Đi đâu, ghé vào chỗ nào người ta cũng có thể bắt gặp những gói thuốc ghi của Amakong nhưng thực tế là do những người dân tự làm lấy là chính. Vua săn voi huyền thoại còn sống của Buôn Đôn dường như chẳng buồn khiếu nại về bản quyền nữa bởi có khiếu nại cũng chẳng thể khiếu nại hết những người bán và sản xuất mặt hàng mang tên ông.

Sự đổ nát đã đến với cả những ngôi mộ không quá cũ
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/moi.jpg

Dẫn tôi đi thăm khu lăng mộ của những vị vua là một người dân sống ngay khu du lịch Buôn Đôn. Là người nơi khác đến sống ở đây được gần 20 năm, đã trở nhiều khách ra thăm khu mộ nhưng đây là lần đầu tiên anh cùng khách ghé vào thăm từng ngôi mộ huyền thoại. Ngoài thông tin cơ bản như khu mộ nằm ở xã K’Rong Na, trước ở ven rừng, nay rừng đã bị phát quang thì anh không biết thêm gì nhiều. Ngay cả việc phân biệt mộ nào là mộ Khunjubob, mộ nào là của R’Leo anh cũng không biết.
Theo như anh nói, nơi đây chỉ còn có khách du lịch và hướng dẫn viên đến. Người dân chẳng còn mấy khi ghé qua nên mọi thứ đang dần trở nên hoang tàn.

Thường trú trong mộ của K'Nul là hai chú dơi cùng những rễ cây bắt đầu giăng chằng chịt trên trần mộ
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/doi.jpg

Ghé thăm hai ngôi mộ lớn nhất của hai ông vua huyền thoại, người ta không khỏi chạnh lòng bởi cỏ dại mọc quanh, bên trong thì ẩm ướt, rễ cây mọc chằng chịt trên trần nhà. Trong khu vực linh thiêng ấy, dương như đã lâu lắm rồi chẳng còn ai vệ sinh hay ghé thăm. Thường trú ở đây chỉ còn có 2 chú dơi cùng sự lạnh lẽo đến rợn người.
Người hướng dẫn viên ”bất đắc dĩ” dẫn tôi tới những ngôi mộ xung quanh để tìm hiểu rõ hơn về “thành tích” của những ông vua săn voi bởi anh hoàn toàn không hiểu trên bia mộ của Khunjubob và R’Leo viết gì.
Ngay cạnh đó, những ngôi mộ của những ông vua săn voi khác dễ tìm hiểu thông tin hơn khi được viết bằng tiếng quốc ngữ: “Ông Y Pum Bya thọ 82 tuổi, người đã bắt 38 con voi rừng, giết 28 thú dữ; Ông Y-Wớt Knui thọ 80 tuổi, đã săn bắt thuần dưỡng 38 con voi rừng, đi ngựa đâm 32 con bò rừng, 18 con Min (Bò tót lớn – PV)…".

Phần mộ của ông Y-Wớt Knui
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/phanmoywotknul.jpg

Nhìn bảng “thành tích” của những ông Vua săn voi, nghĩ tới ý nghĩa của một khu lăng mộ của những anh hùng Tây Nguyên, có lẽ không ai khỏi chạnh lòng bởi khung cảnh của cả khu vực này rất hoang tàn. Đến như hai ngôi mộ lớn nhất còn không được chăm sóc thì chuyện lở mái, mất tượng điêu khắc ở các nhà mồ nhỏ khác có xảy ra thì cũng không phải là điều lạ.
Ngay đến chính người hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của tôi cũng ngán ngẩm: “Tôi hoàn toàn không nghĩ nơi này lại hoang tàn và thiếu đặc trưng nhà mồ Tây Nguyên đến vậy”. Qua tìm hiểu, tôi được biết, trước đây những ngôi nhà mồ vây quanh mộ của Khunjubob và R’Leo đều được trang trí rất công phu bởi những tượng điêu khắc. Theo thời gian, chúng bị phá hủy dần hoặc bị đánh cắp mất gần hết khiến những ngôi mộ của những vị vua dần dà trơ trọi.
Trong một bức ảnh lưu niệm nhỏ được bán tại các quầy hàng ở đây, nếu chú ý, ai cũng có thể thấy những bức tượng hình người, những con công được đẽo và vẽ rất tinh xảo để trang trí xung quanh những ngôi mộ. Nhưng hiện tại, ngoài 3 con công còn nguyên vẹn, một con bị gãy… đầu thì không còn bức tượng nào khác tồn tại. Chưa kể đến chuyện nhiều ngôi mộ gần như bị cây cỏ trùm kín, khó ai có thể nhìn thấy được.

Một ngôi mộ trong khu vực các vị vua an nghỉ bị cây cỏ che khuất gần hết
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/mo1.jpg

Như để vớt vát, anh hướng dẫn viên của tôi nói: “Nếu anh quan tâm, anh cũng có thể đến khu vực mộ của những người dân thường. Hình như ở đó… đẹp hơn”.
Tôi cố gắng theo anh để hoàn thành nốt “tour” tham quan của mình nhưng rồi nhận ra, mọi thứ đều đã bị thời gian vùi lấp. Khu mộ nằm ngay đầu khu du lịch Buôn Đôn nằm sát nhà văn hóa được xây bằng bê tông dường như chỉ nhìn thấy được vài tấm mái tôn. Lối đi vào phải lội qua một bãi rác lớn cùng vô số cây cỏ cao quá nửa người. Sự linh thiếng dường như không tồn tại ở đây.

Lẫn trong những bụi cây là biểu tượng chim công, ngà voi... thường được dựng trước mộ người chết
http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/21/chimcong.jpg

Phải chăng tôi đã quá kỳ vọng khi muốn chạm vào một nét văn hóa đã được tôn vinh trong sách vở, truyền thuyết nên khi chạm tới đó, mọi thứ bỗng trở nên nhạt nhòa? Không, tôi tin rằng sâu bên trong đó vẫn là những truyền thuyết, là những tầng văn hóa cần khám phá.
Nhưng muốn vậy, trước hết phải có người gìn giữ chúng.

M.T


No comments: