Sunday, November 15, 2009

HAI MƯƠI NĂM SỤP ĐỔ

Hai mươi năm sụp đổ
Slavoj Zizek
Trần Ngọc Cư dịch
15/11/2009 10:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=13149
Lời người dịch: Lịch sử đã đi giáp một vòng. Chủ nghĩa Mác ra đời trong khi xã hội công nghiệp phương Tây đang nằm dưới sự thống trị của chủ nghĩa tư bản bóc lột, mạnh được yếu thua. Tiếp theo sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, lịch sử lại một lần nữa chứng kiến sự phát triển rầm rộ và nhanh chóng của một thứ chủ nghĩa tư bản rừng rú và thô bạo không kém tại các quốc gia mà trước đây vốn là chiếc nôi của cách mạng vô sản, như Liên bang Nga và Trung Quốc. Slavoj Zizek nêu ra câu hỏi là, người dân trong các nước tư bản hậu cộng sản này có nên cho “chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người” một cơ may thứ hai hay không? Một điểm khác khá nhức nhối được nêu ra trong bài Op-Ed dưới đây là, chủ nghĩa tư bản độc tài có thể thích nghi với việc toàn cầu hóa và với việc phát triển đất nước hơn chủ nghĩa tư bản dân chủ của phương Tây.
------------------------

Hôm nay là ngày kỷ niệm thứ 20 đánh dấu sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh. Trong thời gian suy niệm này, người ta thường nhấn mạnh tính chất thần kỳ của chuỗi biến cố được khởi động từ ngày lịch sử ấy: một ước mơ gần như trở thành hiện thực, các chế độ cộng sản nhanh chóng sụp đổ như một căn nhà cạc-tông, và thế giới đột nhiên thay đổi trong nhiều cách thế mà trước đó chỉ vài tháng không ai có thể nghĩ ra. Trong quá khứ, đố ai ở Ba Lan dám tơ tưởng đến những cuộc tuyển cử tự do để bầu chọn Lech Walesa làm tổng thống?
Tuy vậy, khi lớp sương mù kỳ diệu của các cuộc cách mạng nhung bị thực tế phũ phàng của chế độ dân chủ-tư bản mới thành hình thổi tan đi, người ta bắt đầu phản ứng với một thái độ thất vọng gần như tất yếu, được biểu hiện lần lượt như là nỗi niềm “hoài cộng”; như là chủ nghĩa dân tuý hữu khuynh đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa (rightist, nationalist populism); và như là não trạng đa nghi bài cộng muộn màng, vừa mới được nhen nhúm lại.
Hai phản ứng đầu tương đối dễ hiểu. Cũng những thành phần hữu khuynh ấy cách đây vài thập kỷ đã hô vang “Thà chết chứ không theo cộng” thì nay lại quay ra càm ràm “Thà theo cộng còn hơn ăn hamburger (bánh mì kẹp thịt băm) của tư bản”. Nhưng chúng ta cũng không nên lấy đó làm điều với những ai còn hoài vọng về “một thời vang bóng” của chế độ cộng sản: khuynh hướng này gần như không hề biểu lộ một nguyện vọng đích thực là muốn quay trở lại với thực tế xám xịt của chủ nghĩa xã hội. Còn sự vươn dậy của chủ nghĩa dân tuý hữu khuynh, thì đây không phải là một biểu hiện đặc thù của Đông Âu, mà là một đặc tính chung cho mọi quốc gia bị cuốn hút vào cơn lốc toàn cầu hoá.
Một điều còn gây chú ý nhiều hơn nữa là sự xuất hiện gần đây của một phong trào chống cộng diễn ra từ Hungary sang Slovenia. Vào mùa Thu 2006, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Đảng Xã hội cầm quyền đã làm tê liệt Hungary nhiều tuần lễ. Những kẻ phản đối đã đổ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước cho những người thừa kế đảng cộng sản. Họ bác bỏ ngay cả tính hợp pháp (legitimacy) của chính phủ, mặc dù chính phủ này nắm được quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ. Khi cảnh sát bắt đầu can thiệp để tái lập trật tự xã hội, nhiều người đã so sánh nỗ lực này với việc quân đội Xô-viết đè bẹp phong trào nổi dậy chống cộng năm 1956.
Kiểu chống cộng bằng hù dọa mới mẻ này thậm chí còn nhắm vào các biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản. Tháng 6 năm 2008, Lithuania đã thông qua một đạo luật cấm bày biện ở nơi công cộng các hình ảnh cộng sản như cờ búa liềm cũng như cấm hát bài quốc ca Xô-viết. Tháng Tư 2009, chính phủ Ba Lan đề nghị nới rộng một luật cấm các tài liệu tuyên truyền độc tài toàn trị nhằm đưa vào trong đó cả việc cấm sách báo, áo quần và các món hàng đề cao cộng sản: chẳng hạn, bạn có thể bị bắt giữ chỉ vì mặc một chiếc áo có in hình Che Guevera.
Người ta không mấy ngạc nhiên, tại Slovenia, phe dân tuý hữu khuynh đã qui chụp cánh tả là “lực lượng kế tục” chế độ cộng sản ngày trước. Trong một bầu không khí ngột ngạt như thế, nhiều vấn đề và nhiều thách đố mới mẻ đã bị giản lược thành một sự lặp lại các đòi hỏi trong những cuộc đấu tranh trước đây, đến mức phi lý như (thỉnh thoảng ở Ba Lan và Slovenia) có kẻ cho rằng việc bênh vực quyền lợi của người đồng tính luyến ái và việc phá thai hợp pháp là một phần âm mưu đen tối của cộng sản nhằm làm suy đồi đạo lý dân tộc.
Sự tái sinh của chủ nghĩa chống cộng này lấy sinh lực từ đâu? Tại sao những bóng ma cũ lại được hà hơi sống lại tại các quốc gia mà giới trẻ thậm chí không còn nhớ gì về thời cộng sản? Chủ nghĩa chống cộng vừa tái xuất này cung ứng một câu trả lời thô thiển cho vấn nạn: “Nếu chủ nghĩa tư bản là tốt đẹp hơn chủ nghĩa xã hội rất nhiều, tại sao đời sống chúng ta vẫn còn nhiều cơ cực?”
Sự thể cũng chỉ vì, như nhiều người nghĩ, chúng ta chưa thực sự được sống trong chế độ tư bản: chúng ta chưa được hưởng chế độ dân chủ đích thực mà chỉ đối diện với chiếc mặt nạ dân chủ giả trá của các thế lực đen tối cũ, những thế lực vẫn giật dây quyền lực, đó là một phe phái thiểu số gồm những người trước đây là cộng sản nhưng bây giờ lại đội lốt những chủ nhân ông và những nhà quản lý mới – chẳng có gì thực sự thay đổi, vì thế chúng ta cần đến một cuộc thanh trừng mới, cần phải làm lại cuộc cách mạng…
Điều mà những người chống cộng muộn màng này không nhận thấy là hình ảnh xã hội họ đưa ra trông gần gũi một cách kỳ lạ với hình ảnh truyền thống của chế độ tư bản mà phe tả đã một thời nguyền rủa thậm tệ: một xã hội trong đó chế độ dân chủ hình thức đã che đậy sự thống trị của một thiểu số giàu có. Nói cách khác, những người chống cộng mới ra lò này không thấy được rằng cái mà họ đang tố cáo là một chế độ tư bản giả hiệu đầy bệnh hoạn cũng chỉ là chế độ tư bản mà thôi.
Người ta cũng có thể lý giải rằng, khi các chế độ cộng sản sụp đổ, chính những người trước đây là cộng sản nhưng nay đã tỉnh mộng lại có khả năng thích nghi hơn để điều hành một nền kinh tế tư bản còn mới mẻ, một cách hữu hiệu hơn những người phản kháng theo chủ nghĩa dân tuý (populist dissidents). Trong khi các vị anh hùng của những cuộc phản kháng chống cộng mải mê theo đuổi những giấc mơ của mình về một xã hội mới công bằng, lương thiện và đoàn kết, thì những người cộng sản cũ lại có khả năng thích nghi một cách thô bạo với các qui luật tư bản chủ nghĩa và với cái thế giới tàn nhẫn mới xuất hiện, một thế giới chỉ biết đếm xỉa đến tính hiệu năng của thị trường, bất chấp cả việc sử dụng tất cả mánh khóe dơ bẩn, xưa và nay, kể cả tham nhũng.
Thêm một chuyển biến bất ngờ là tại vài quốc gia, lãnh đạo cộng sản đã cho phép phát triển ồ ạt và nhanh chóng chủ nghĩa tư bản trong khi họ vẫn nắm giữ quyền lực chính trị: lối sống của họ còn tư bản hơn cả những nhà tư bản tự do phương Tây. Trong một cuộc xoay vần điên đảo, chủ nghĩa tư bản đã thắng chủ nghĩa cộng sản, nhưng cái giá phải trả cho chiến công này là những người cộng sản đang đánh bại chủ nghĩa tư bản trên chính địa bàn của nó.
Đây là lý do vì sao Trung Quốc ngày nay đã làm cho nhiều người đâm ra hoang mang: chủ nghĩa tư bản hầu như luôn luôn gắn bó thiết thân với thể chế dân chủ, và khi nhìn thấy sự phát triển ồ ạt và nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nhiều nhà phân tích thời cuộc vẫn còn đinh ninh rằng một chế độ dân chủ chính trị sẽ nhất định giành được chỗ đứng.
Nhưng nếu cái loại chủ nghĩa tư bản độc tài này chứng tỏ được là hữu hiệu hơn, mang về nhiều lợi nhuận hơn chủ nghĩa tư bản tự do thì sao? Nếu thể chế dân chủ không còn là kẻ đồng hành cần thiết và tự nhiên của việc phát triển kinh tế, nhưng đã trở thành một trở ngại cho việc phát triển thì sao?
Nếu quả đúng như vậy, thì có lẽ sự thất vọng về chủ nghĩa tư bản trong những quốc gia hậu cộng sản không phải chỉ là một dấu hiệu đơn thuần biểu hiện những kỳ vọng quá “nóng vội” của những người chưa nắm bắt được một hình ảnh thực tế của chủ nghĩa tư bản.
Khi người dân bắt đầu đứng dậy phản kháng những chế độ cộng sản tại Đông Âu, đại đa số không đòi hỏi cho kỳ được chủ nghĩa tư bản. Họ chỉ muốn sống một cuộc đời tự do không bị nhà nước kìm kẹp, muốn được hội họp và phát biểu theo ý mình; họ chỉ muốn một cuộc đời bình dị và thật thà, thoát khỏi cảnh nhồi sọ ý thức hệ bán khai và thoát khỏi bầu khí đạo đức giả và yếm thế đang trùm phủ lên mọi người.
Như nhiều nhà bình luận đã nhận xét, những lý tưởng soi đường chỉ lối cho những người phản kháng phần lớn được rút ra từ bản thân ý thức hệ xã hội chủ nghĩa chính thống – người dân chỉ mong muốn sống dưới cái ý thức hệ với danh xưng thích hợp nhất của nó là “chủ nghĩa xã hội với một bộ mặt người”. Có lẽ nguyện vọng này đáng được hưởng một cơ hội thứ hai.
Điều này làm chúng ta không khỏi suy nghiệm về cuộc đời và cái chết của Victor Kravchenko, một kĩ sư Xô-viết, người đã đào thoát vào năm 1944 khi đang công tác trong một phái đoàn thương mại tại Washington và sau đó đã viết một hồi ký thuộc loại bán chạy nhất, với nhan đề Tôi chọn tự do. Ông dùng ngôi thứ nhất để tường thuật những chuyện kinh hoàng của chủ nghĩa Stalin, trong đó có đoạn ông kể khá chi tiết về nạn đói tập thể vào đầu thập niên 1930 tại Ukraine, nơi mà Kravchenko – lúc bấy giờ còn thực sự tin tưởng vào chế độ – đã góp phần vào việc thực thi tập thể hoá.
Những gì mà hầu hết mọi người biết về Kravchenko đã diễn ra năm 1949. Năm đó, ông kiện tờ Les Lettres Francaises về tội phỉ báng sau khi tuần báo này của Đảng Cộng sản Pháp có bài viết cho rằng Kravchenko là một tên nát rượu, đánh đập vợ và hồi ký của ông chỉ là một cuốn sách tuyên truyền của gián điệp Mỹ. Tại toà án Paris, các tướng tá Xô-viết và nông dân Nga đã đứng ra làm chứng để phản bác tính trung thực trong những bài viết của Kravchenko. Phiên toà đã chuyển biến từ một vụ tranh tụng cá nhân sang một bản cáo trạng ngoạn mục về toàn bộ chế độ Stalin.
Nhưng liền sau vụ thắng kiện, khi Kravchenko còn đang được ca ngợi khắp thế giới là một vị anh hùng của Chiến tranh Lạnh, thì ông lại can trường lên tiếng phản đối mạnh mẽ chiến dịch tố cộng của Joseph McCarthy, một chiến dịch được ví như các cuộc săn tìm phù thủy trong thời thuộc địa của nước Mỹ. Ông viết: “Tôi tin tưởng sâu xa rằng trong cuộc chiến đấu chống cộng sản và các tổ chức của chúng…, chúng ta không nên sử dụng những phương cách và những mô hình mà cộng sản thường dùng.” Ông cảnh báo người Mỹ: chống chủ nghĩa Stalin theo cách đó là chuốc lấy nguy cơ trở thành giống hệt như kẻ thù.
Hơn nữa, Kravchenko ngày càng bị ám ảnh vì những bất công trong thế giới phương Tây, vì thế ông viết tiếp theo sau cuốn Tôi chọn tự do một tác phẩm khác với tựa đề đầy ý nghĩa Tôi chọn công lý. Kravchenko đã dùng mọi nỗ lực để tìm kiếm những mô hình tập thể hóa ít bóc lột hơn và cuối cùng xuống tận Bolivia, nơi ông phung phí hết tiền bạc trong nỗ lực tổ chức một số nông dân nghèo ở đó. Khánh kiệt vì thất bại này, Kravchenko thu mình vào cuộc sống riêng tư và đã dùng súng tự sát trong căn nhà của ông ở New York năm 1966.
Vì sao chúng ta đi đến nỗi này? Bị lừa bịp vì chủ nghĩa cộng sản của thế kỷ 20 và vỡ mộng với chủ nghĩa tư bản của thế kỷ 21, chúng ta chỉ còn hi vọng sẽ có những Kravchenko mới – và rằng cuối cùng những vị này sẽ được mãn nguyện. Trong cuộc tìm kiếm công lý, họ sẽ phải làm lại từ đầu. Họ sẽ phải phát kiến những ý thức hệ riêng. Họ sẽ bị lên án là những phần tử không tưởng nguy hiểm (dangerous utopians), nhưng chỉ mình họ sẽ tỉnh thức từ giấc mơ không tưởng này, một giấc mơ trùm phủ và chi phối những người khác trong chúng ta.
---------------------------------

Slavoj Zizek là một trong những trí thức nổi tiếng và thường xuyên gây tranh luận nhất trên các diễn đàn quốc tế hiện nay. Ông đã viết trên 50 cuốn sách về nhiều lĩnh vực: triết học, tâm lý học, văn hóa, lịch sử, chính trị… Ông là giám đốc Viện Khoa học Nhân văn tại Luân Đôn và tác giả cuốn First as Tragedy, Then as Farce (Thoạt đầu là bi kịch, sau lại hoá ra hài kịch), mới xuất bản gần đây (Xem
video bài thuyết trình của Slavoj Zizek về tác phẩm này tại đây).

Nguồn:
The New York Times, November 9, 2009
Bản tiếng Việt © 2009 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


No comments: