Friday, November 6, 2009

GIÁO DỤC PHẢI BẮT ĐẦU BẰNG CÁI TÂM HƯỚNG THIỆN

Giáo dục phải bắt đầu bằng cái Tâm hướng thiện
Lê Minh Thịnh
Bài này được đăng lúc 00:23 ngày Thứ Bảy, 07/11/2009
http://bauxitevietnam.info/c/16520.html
Trong lịch sử Đông Nam Á, Quốc Tử Giám – được xây dựng vào triều Lý (1010 -1225) – là một trong những đại học đầu tiên đào tạo nhân tài cho đất nước Việt Nam. Ngoài ra, bộ luật Hồng Đức dưới triều Lê (1428-1788) đã được cố GS Oliver Oldman (1920–2008) – cựu Giám đốc Chương trình Luật học Đông Nam Á của Đại học Harvard, qua phần giới thiệu quyển sách The Lê Code, Law in Traditional Vietnam của các tác giả Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài, và Trần Tử Bình – đánh giá rằng có “nhiều điểm canh tân mà được coi là vô cùng hiện đại so với nhiều tiêu chuẩn Tây Phương”.
Thế nhưng trong hiện tại, bài nghiên cứu “Sự lựa chọn thành công” (Choosing Success: The Lessons of East and Southeast Asia and Vietnam’s Future, A Policy Framework for Vietnam’s Socioeconomic Development, 2011-2020) do Chương trình Harvard Vietnam xuất bản tháng 1 năm 2008 đã báo động đỏ: giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng ở nhiều trình độ. Và mới đây tháng 10 năm 2009, sự kiện trang Tia sáng online bị thu hồi tên miền sau khi đăng bài nhận định thẳng thắn của GS Hoàng Tụy, “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng”, càng cho thấy những bất ổn trong nền giáo dục Việt Nam là sự thật đáng quan tâm.
Chia sẻ với GS Hoàng Tụy, cùng những trí thức, và người dân băn khoăn về hiện trạng nền giáo dục nước nhà, người viết xin được đặt ra một số câu hỏi, rồi từ đó, xin được cùng độc giả cùng tìm ra câu trả lời.

1. Những sự kiện lịch sử ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục?

Văn hóa là nền tảng của giáo dục. Và chính trị chi phối tổng thể, trong đó kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục. Người viết chưa được may mắn đọc qua những tài liệu nghiên cứu về xã hội, văn hóa, và giáo dục hoàn chỉnh trong đó phân tích đầy đủ về những kết quả – tốt và xấu – của sự kiện Cải cách ruộng đất (1949 – 1953) với phương châm “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”; sự kiện Nhân văn giai phẩm (1955 – 1958) tại miền Bắc; và sự kiện Cải tạo công thương nghiệp sau 1954 tại miền Bắc, và sau 1975 tại miền Nam.
Mới đây, GS Neil Koblitz – Giáo sư Toán, Đại học Washington tại Seattle – trong bài phản biện mang tựa đề “Ý kiến thứ hai của một người Mỹ về Cải cách Giáo dục Đại học và hậu Đại học tại Việt Nam” (A Second Opinion by an American on Higher Education Reform in Vietnam, tháng 10, 2009) nhận xét thêm về văn hóa giáo dục trong giai đoạn có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam:
(trích) “Sự tàn phá của người Mỹ không phải chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn cả về mặt văn hóa, đặc biệt là ở miền Nam, nơi đã chịu đựng sự chiếm đóng của quân đội Mỹ trong suốt 11 năm. Tiền bạc của họ đã nuôi sống các tệ nạn như mại dâm, nghiện hút, và tham nhũng với qui mô khủng khiếp. Giống như vũ khí của Mỹ mang lại sự tàn bạo và chết chóc, tiền bạc của Mỹ đã ăn dần ăn mòn các cơ cấu văn hoá và xã hội Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17″ (hết trích).
Cách đây vài năm, trong lần thay mặt Phân Khoa Điện và Điện Toán tại Đại học Quốc gia Singapore nơi mình làm việc, tiếp đón một phái đoàn các Giáo sư từ một Đại học khá nổi tiếng tại Hà Nội, người viết – nay nhớ lại – có dịp chứng kiến câu chuyện sau đây. Khi một GS từ Hà Nội và người viết đi tham quan phòng máy tính, một em sinh viên Việt Nam đứng nghiêm chỉnh và khoanh hai tay cúi đầu và nói “Chào thầy”. Vị GS này liền nhận xét, “Trẻ em trong Nam lễ phép quá nhỉ?”. Người viết ngạc nhiên hỏi lại, “Ý GS nói trong Nam là sao?” Vị GS trả lời, “Là từ vĩ tuyến 17 trở vào”. Không biết gì hơn, người viết đành giữ im lặng.
Ngoài ra, qua nhiều năm các Hội Ái hữu tại hải ngoại như An Giang, Gò Công, Hưng Yên, Kiên Giang, Long Xuyên, Nha Trang, Ninh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Tuy Hòa, v.v… ; cũng như Hội Ái hữu các trường học như Ban Mê Thuột, Bùi Thị Xuân, Chu Văn An, Gia Long, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Văn Duyệt, Minh Đức, Ngô Quyền, Nguyễn Đình Chiểu, Petrus Trương Vĩnh Ký, Phú Yên, Quốc Học Đồng Khánh, Sương Nguyệt Anh, Trần Hưng Đạo, Võ Trường Toản, v.v… đã họp mặt trong tình đồng hương, tình thầy trò – có nhiều học trò nay đã lên chức ông bà – vẫn đậm đà, vui vẻ, trong tinh thần tương thân tương kính.
Sự phân tích một cách tường tận và khoa học về những sự kiện lịch sử ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục sẽ là những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai.

2. Pháp nhân nào có quyết định sau cùng trong việc chấn hưng giáo dục Việt Nam?
Khi các các học giả, trí thức cùng các nhà quản lý giáo dục đề ra phương hướng và giải pháp chấn hưng giáo dục, câu hỏi đầu tiên nên đặt ra là pháp nhân nào có quyền quyết định sau cùng: Quốc hội, Bộ Giáo dục, hay một thế lực nào đó? Khi chưa có câu trả lời minh bạch thì những gì đã và đang được đề ra, sẽ đi vào khoảng trống, và chỉ làm cho người tham gia, càng nhiệt huyết càng thêm mệt mỏi.
Trên mảnh đất hình chữ S đã bị đầu teo, eo hẹp này, không ít kẻ manh nha về quyền lực, tài lực và bằng cấp, nhưng rất mê muội về những giá trị của giáo dục. Ai biết chắc cuộc sống dư thừa về quyền lực, vật chất, và bằng cấp lại thỏa mãn những thiếu thốn về tinh thần? Và những nhiễu nhương xảy ra trong cuộc sống hàng ngày chẳng phải là những hệ quả của sự thiếu tài nhưng lắm quyền, và sự bất cân bằng trong cuộc sống tinh thần hay sao? Sự kém cỏi về “tầm” và nông cạn về “tâm” của giới lãnh đạo – những pháp nhân có quyết định sau cùng – đã đẩy cả dân tộc vào con đường nghèo nàn về giáo dục, hèn yếu về phẩm giá con người, và nguy cơ bị xâm lăng kinh tế, văn hóa, lãnh hải cũng như lãnh thổ đang gần kề.

3. Mục tiêu hay thành quả của giáo dục là gì?
Mục tiêu là giáo dục con người để trở thành công dân có trách nhiệm và hữu ích cho gia đình và xã hội. Con người được giáo dục đúng mức sẽ trở thành người con hiếu thảo, cha mẹ yêu thương và có trách nhiệm với con cái và gia đình, vợ chồng yêu thương và có trách nhiệm với nhau. Ngoài xã hội, người có giáo dục – nhờ có kỹ năng học hỏi được – sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc tạo ra, tích trữ của cải cho xã hội, đóng góp vào ngân quỹ quốc gia; lãnh đạo, xây dựng, cải tiến xã hội trở nên một môi trường sinh sống tươi đẹp hơn, văn minh hơn, phồn thịnh hơn.
Đặc biệt, người có giáo dục sẽ biết quý trọng những sản phẩm họ và đồng nghiệp tạo ra, có trách nhiệm hơn khi những sai trái có thể xảy ra. Họ sẽ trân trọng đồng tiền do chính mồ hôi và trí óc họ làm nên, và kính trọng sự hy sinh – đôi khi cả sinh mạng – của người khác đang bảo vệ trật tự công cộng, và an ninh quốc gia. Người có giáo dục sẽ biết quý trọng văn hóa của dân tộc họ cũng như những cái hay của người ngoài.
Ngoài ra, người có giáo dục sẽ cố tránh làm những điều trái lương tâm và vi phạm pháp luật. Họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi làm điều gì trái với lương tâm, sẽ bị pháp luật nghiêm xử khi phạm pháp. Mặt khác, những ràng buộc của xã hội sẽ làm cho công chức và thương gia phải chịu trách nhiệm trước người dân và người tiêu dùng. Mặt khác, nhờ giáo dục, lương tâm nghề nghiệp và những ràng buộc của xã hội sẽ làm cho công chức và thương gia phải đắn đo hơn trước những hành động của mình, và chịu trách nhiệm nhiều hơn trước người dân và người tiêu dùng.
Thành quả lý tưởng – đôi khi không tưởng – của giáo dục là một xã hội hướng thiện, trong đó đời sống vật chất càng đầy đủ hơn, sức khỏe con người được chăm sóc tốt hơn, và nhất là con người không quá coi trọng vật chất, sống hợp đạo nghĩa, tôn trọng pháp luật và giá trị nhân văn.

4. Giáo dục bao gồm những môi trường nào?
Ba môi trường giáo dục là: gia đình, học đường (hay nhà trường), và xã hội. Gia đình là cái nôi hoàn thiện nhất để nuôi dạy con trẻ. Tình thương và sự chăm sóc ân cần của cha mẹ – và đôi khi ông bà, chú cô, cậu dì – có kiến thức, sẽ cho con trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc, và tự tin. Khi lớn lên, xã hội là môi trường sống và làm việc suốt phần còn lại của cuộc đời mà con người va chạm, học hỏi điều hay và đôi khi sa ngã vào những tệ nạn. Xã hội chính là môi trường giáo dục phổ quát nhất mà con người học hỏi, thụ hưởng, hay phải chịu đựng hàng ngày.
Vì cuộc sống bận rộn và khó khăn, việc khoán giáo dục con cái cho nhà trường là chuyện thường tình. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào giáo dục học đường sẽ không giải quyết tận gốc rễ sự suy thoái giáo dục. Nếu cha mẹ không có thì giờ chăm sóc, thương yêu con cái, sẽ rất khó dạy con nên người. Nếu cha mẹ kiếm tiền một cách bất chính, bất lương, trách sao con cái không sống cuộc đời lương thiện?
Qua sự kiện của anh sinh viên Hồ Quang Phương, người viết đồng cảm với gia đình và cộng đồng, và căm phẫn trước bạo lực của cảnh sát San Jose. Tuy nhiên, câu nói đùa, “Ở Việt Nam, tôi có thể giết ông bằng con dao này”, vì miếng thịt bò bị người cùng phòng làm bẩn, cho thấy sự thiếu văn hóa của người đi học, mặc dù được bằng cấp sau khi tốt nghiệp ở một đại học tân tiến.
Xã hội là sản phẩm do chính quyền, các tôn giáo và tổ chức NGO, và người dân cùng tạo ra. Tuy nhiên, người dân chỉ đóng vai trò phụ vì những hành vi của người dân đều do sự giáo dục họ có được từ những chính sách giáo dục và đào tạo của chính quyền trải qua nhiều thế hệ.
Lãnh đạo còn nhiều bất cập về mọi phương diện ngôn hành (chẳng hạn: chuyện thầy giáo và ứng viên Đỗ Việt Khoa bị Hiệu trưởng lấn át ở vòng hiệp thương tại trường Trung học Vân Tảo; chuyện cố khai thác bauxite bằng được dù biết rằng an ninh, môi trường, văn hóa sẽ lâm vòng nguy hiểm; chuyện Tu viện Bát Nhã được cấp giấy phép nhưng bị áp chế sau đó mà không can thiệp; vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ; chuyện ông Tư Hảo trong bút ký Võ Đắc Danh, “… ông nầy …, danh hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng, nhưng vợ con vừa bị bắt giam, nhà cửa đất đai sắp bị cưỡng chế”; chuyện đại ngôn “… chỉ 20 đến 30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới” v.v…) trách sao xã hội không đảo điên, trên bảo dưới không nghe. Người xưa có câu thượng bất chính, hạ tắc loạn.

5. Giáo dục học đường cụ thể bao gồm những đề tài gì?
Người viết xin mạn phép đưa ra một số ý niệm ban đầu làm đề tài cùng suy ngẫm.
· Mẫu giáo phải nhấn mạnh trung thực và bác ái.
· Tiểu học phải bao gồm giáo huấn gia đình, vệ sinh thường thức, thể dục, và kiến thức tổng quát về địa lý, thiên nhiên.
· Trung học phải hàm chứa giáo dục công dân, tâm sinh lý con người, cũng như kiến thức tổng quát về chính trị và lịch sử thế giới. Nói chung, giáo dục phổ thông phải quảng bá, miễn phí, và bao gồm đức dục, trí dục, và thể dục.
· Giáo dục cao đẳng phải chú trọng hướng nghiệp.
· Giáo dục đại học phải đặt trọng tâm vào khoa học kỹ thuật (sciences) và khoa học nhân văn (humanity); và bao gồm giảng dạy, nghiên cứu song song với phản biện, và quản trị.
Để chấn hưng, những yếu tố kết thành nền tảng giáo dục cho mọi lứa tuổi và mọi trình độ phải được phát triển bằng cái Tâm hướng thiện của người thầy cũng như người quản trị. Với một tư duy đúng đắn, từ nền tảng giáo dục căn bản mang sắc thái dân tộc, những kiến thức hay của nhân loại, những phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, và quản trị cấp tiến sẽ được xây dựng lên, bổ sung vào, không nhất thiết phải theo mô hình Mỹ, Âu, Úc, hay Á.

6. Giáo dục nước ta không thiếu tiền, vậy tiền được chi vào những khoản nào?
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, “… giáo dục nước ta không thiếu tiền. Nếu thu chi công khai, minh bạch, quản lý tốt và chi tiêu hợp lý, thậm chí có thể giảm học phí”. Cũng theo GS Nguyễn Xuân Hãn, “Tài chính cho giáo dục từ cơ sở đến Trung ương là một ẩn số. GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Giáo dục cũng từng gọi đây là “bí mật của các bí mật”. Vậy, tiền đúng ra cho giáo dục, được chi vào những khoản nào? Ai chịu trách nhiệm cho việc chi sai? Thưởng phạt và đền bù như thế nào? Phải chăng có hiện tượng tham nhũng trong giáo dục? Phải chăng số tiền dành cho giáo dục đã bị lạm dụng, hay phí phạm vì một mục tiêu nào đó?
Về nhân lực, trong phạm vi gia đình, các anh chị lớn có thể phụ cha mẹ dạy dỗ em nhỏ. Trong phạm vi xã hội, người đi trước hướng dẫn người đi sau. Trong một xã hội với trên 86 triệu dân, việc đào tạo người thầy của mọi lứa tuổi, tạo cơ hội cho họ vừa giảng dạy và nghiên cứu, vừa tu nghiệp, vừa có cuộc sống tạm đủ (để không nhiễu nhương phụ huynh và người trò) là một nhu cầu tối thượng và cấp bách.
Tưởng cũng nên lưu ý rằng, trong lịch sử nhân loại, những chính quyền thiếu chính danh, thiếu bản lãnh thường thay đổi mục tiêu của giáo dục để mỵ dân và tuyên truyền nhằm củng cố quyền lực. Tuy nhiên, những xảo thuật này đã và sẽ được đặt vào vị trí của nó: thùng rác của lịch sử.

7. Lời kết
Với niềm kính trọng của kẻ hậu sinh đối với vị cố Tổng đốc bất khuất, và của người trẻ đối với vị học giả uyên bác, tận tâm với tiền đồ giáo dục và dân tộc, người viết xin được đơn cử hai sự kiện lịch sử quan trọng – qua hai nhân vật khả kính – đánh dấu sự mất còn của lãnh thổ cũng như bản sắc dân tộc Việt Nam.
Xưa thất thủ Hà Thành, Tổng đốc Hoàng Diệu đành tuẫn tiết;
Nay chấn hưng giáo dục, Giáo sư Hoàng Tụy nỡ bó tay?
Đằng sau anh linh của Tổng đốc Hoàng Diệu là hồn thiêng sông núi đã hội tụ từ bao đời. Thành trì mất nhưng hồn phách (spirit) còn. Bên cạnh GS Hoàng Tụy, hàng ngàn (nếu không muốn nói hàng trăm ngàn) trí thức, và người dân trong và ngoài nước sẽ phải mạnh dạn gióng lên tiếng nói của lương tâm và trí tuệ, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để bảo vệ và giữ vững cơ đồ Việt Nam, mà việc đầu tiên là chấn hưng giáo dục, có lẽ bằng cái Tâm hướng thiện.

LMT
Singapore, ngày 06-11-2009



No comments: