Friday, November 6, 2009

HỘI NGHỊ COBSEA 20 : ĐỒNG Ý CHO BÊN NGOÀI THAM GIA DỰ ÁN BIỂN ĐÔNG

Hội nghị COBSEA 20
Đồng ý cho bên ngoài tham gia dự án Biển Đông
Ngày 06.11.2009 Giờ 07:28
http://www.sgtt.com.vn/Detail30.aspx?ColumnId=30&newsid=59046&fld=HTMG/2009/1105/59046
SGTT - Hội nghị liên chính phủ lần thứ 20 của Tổ chức điều phối các quốc gia biển Đông Á (COBSEA), bắt đầu từ 2.11, đã kết thúc đêm 4.11. 10 thành viên của COBSEA bao gồm bảy nước thành viên của ASEAN (trừ Lào, Myanmar và Brunei), Trung Quốc, Úc và Hàn Quốc. Bên cạnh nước chủ nhà Việt Nam, Trung Quốc là đoàn có số lượng tham gia đông nhất với chín thành viên, trong khi mỗi đoàn chỉ có hai thành viên được mời chính thức.

Hội nghị đã thông qua báo cáo hiện trạng môi trường biển Đông Á, một báo cáo đầu tiên về đề tài này. Hội nghị cũng ghi nhận ý muốn tham gia COBSEA của Nhật Bản và Brunei, và giao ban thư ký tiến hành thủ tục thông thường, trước khi báo cáo lên chủ tịch COBSEA trong hai năm tới là Việt Nam. Một số dự án về môi trường biển được đưa ra bàn thảo với sự cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Bức tranh ảm đạm về các hệ sinh thái biển
Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển Đông Á, được COBSEA chuẩn bị trong ba năm ròng, các hệ sinh thái biển ở khu vực này đang ở nguy cơ báo động, với 90% nằm trong tình trạng rủi ro, và 40 – 50% ở tình trạng rủi ro cao. Cũng theo báo cáo, đối với nguyên nhân của ô nhiễm, ngoài sự cố tràn dầu, khu vực này chịu tác động nhiều của rác thải biển do khách du lịch và thuỷ thủ vứt, đổ xuống biển.
Một điều đáng lo ngại khác là sự xâm hại của các sinh vật lạ. Các tác giả báo cáo cho rằng có ba nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Thứ nhất là do việc nuôi trồng thuỷ sản ven bờ không được quản lý đã gây ra những loài lạ, thứ hai là sự giao lưu hàng hải đã đưa vi khuẩn từ vùng nước này qua vùng nước khác qua nước thải rửa tàu, và sinh vật lạ có thể xâm nhập ngay tại cảng biển.
Để giải quyết những vấn nạn đó, hội nghị cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên phải lồng ghép các kế hoạch hành động về ô nhiễm biển và lục địa với các dự án liên quan đến rác thải. Các đại diện của các tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), hay quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã hứa trong hội nghị sẽ hỗ trợ phát hiện và ngăn ngừa các sinh vật lạ gây hại thông qua các dự án cụ thể.

Sự tham gia của bên ngoài vào dự án Biển Đông
Trong số các dự án đáng chú ý được nêu ra trong hội nghị là dự án chống suy thoái Biển Đông (giai đoạn 2). Trong giai đoạn 1, với tổng tài trợ hơn 20 triệu USD của UNEP và các tổ chức quốc tế khác, đã có sự tham gia của bảy quốc gia liên quan, đã kết thúc với kết quả cao nhất là một kế hoạch hành động chiến lược được thông qua. Lần này UNEP và GEF đã cam kết sẽ tài trợ khoảng 15 triệu USD để các nước thực hiện kế hoạch hành động chiến lược này trong vài năm tới.
Các thành viên ngoài Biển Đông của COBSEA, bao gồm Úc, Hàn Quốc và Singapore, đã thể hiện mong muốn được tham gia, với tư cách quan sát viên, và họ đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước ASEAN còn lại trong COBSEA. Quan điểm của các quốc gia này là dự án này nằm trong khuôn khổ COBSEA, nên từ kinh nghiệm của Biển Đông có thể nhân rộng ra để các khu vực khác ở Đông Á có thể học tập, chia sẻ. Ngược lại, các nước ASEAN trong COBSEA cũng muốn tranh thủ sức mạnh, đặc biệt là tài chính, của ba quốc gia này để việc cùng nghiên cứu, khảo sát có hiệu quả hơn.
Đoàn Trung Quốc, mặc dù không có ý kiến gì trong khi thảo luận, đã dứt khoát không chấp nhận thông qua điều khoản này trong nghị quyết hội nghị, khiến cho chủ toạ hội nghị phải đợi đến 10g15 đêm 4.11 mới có thể bế mạc hội nghị, thay vì vào 5g30 chiều như dự kiến. Họ lý luận, ba nước trên không liên quan gì đến Biển Đông.
Chủ toạ hội nghị, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, cho biết rằng sau đó phía Trung Quốc đề nghị ghi trong nghị quyết là “một số thành viên COBSEA đã đồng ý” với việc này, nhưng các thành viên còn lại không chấp nhận, và nói rằng “9 thì phải ghi là 9, chứ không thể ghi là một số được”. Ông Hồi kể: “Tôi phải nói với đoàn Trung Quốc rằng nếu muốn duy trì sự hoạt động của hiệu quả của COBSEA, rất cần có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Và trước khi họ quyết định điều này, chúng ta phải chứng tỏ với họ là chúng ta có năng lực điều hành và đoàn kết”.
Cuối cùng, điều khoản đó của nghị quyết đã được thông qua với câu: “Hội nghị chào đón sự tham gia của Hàn Quốc, Australia và Singapore với tư cách quan sát viên”. Ông Hồi nói: “Nhiều đại biểu hỏi tôi có mỗi câu đơn giản như thế mà Trung Quốc lại quyết định khó khăn như vậy. Tôi chỉ nhún vai, vì tôi hiểu cái khó của họ, khi không muốn bên ngoài can dự vào việc nghiên cứu, quản lý Biển Đông”.
Huỳnh Phan
--------------------------------


ĐÔNG Á SẼ RA SAO ?


No comments: