Saturday, November 7, 2009

CON ĐƯỜNG VỀ NGUỒN CHO TUỔI TRẺ HẢI NGOẠI

Con đường về nguồn cho tuổi trẻ hải ngoại
Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 07/11/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4290
Trong đề mục “Tìm thân nhân 30 năm yên giấc quê người”, báo Người Việt số phát hành ngày 16 tháng 10 năm 2009 đã đăng tải một bài viết mang tựa đề “Ba về khi Má vừa ra đi” của tác giả Chiêm Minh Nhựt. Bài viết này cho biết: Năm lên một tuổi, Chiêm Minh Nhựt được cha mẹ mang đi vượt biên tới Indonesia. Trên đảo tị nạn, Chiêm Minh Nhựt lâm trong bệnh. Ba Mẹ của bé Nhựt phải dùng thuyền đi mua thuốc cho con tại một hòn đảo khác. Trên chuyến đi vừa kể, thuyền chìm, người cha của Chiêm Minh Nhựt qua đời. Từ đó, mẹ con Chiêm Minh Nhựt sống gắn bó với nhau từ Indonesia qua đến Hoa Kỳ. Bà mẹ làm đủ loại công việc để nuôi con ăn học: Bán bánh kẹo ở See’s Candy, chủ tiệm nail, chủ siêu thị... Trong tình yêu thương của Mẹ, Chiêm Minh Nhựt chăm chỉ học hành. Anh tốt nghiệp đại học UC Davis, thủ phủ Sacramento, với chuyên ngành giao tế nhân sự. Suốt thời gian trên 30 năm qua Chiêm Minh Nhựt vừa ân cần chăm sóc Mẹ, vừa không ngưng nghỉ tìm kiếm mộ phần của người cha. Mộ cha tìm chưa ra thì ngày 20/04/2009 bà mẹ của Chiêm Minh Nhựt qua đời vì chứng ung thư phổi. Thế rồi thật là kỳ lạ: Ngày 12/10/2009, một người bạn của gia đình báo cho Nhựt biết: mộ phần của người cha với đầy đủ bia mộ đã được tìm thấy. Vô cùng xúc động trước tin tức vừa kể, Chiêm Minh Nhựt viết bài “Ba về khi Má vừa ra đi”, trong bài này Nhựt tâm sự: “ Tôi đã bật khóc ngay khi tôi nhìn thấy (hình chụp những dòng chữ trên bia mộ của Ba tôi), cũng như tôi đang khóc khi viết những dòng này. Vào thời điểm má tôi mất thì tôi lại được tìm thấy ba, hai thứ cảm xúc hòa quyện, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và cũng cảm thấy lòng thật buồn”.

Tin tức từ Yokosuka, Nhật Bản cho biết: Ngày 23/04/2009, Trung tá hải quân Lê Bá Hùng, 39 tuổi, được cử làm hạm trưởng chiến hạm USS Lassen. Chiến hạm này thuộc lực lượng tác chiến tiền phương của hạm đội 7, Hoa Kỳ. Trung Tá Hùng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nắm chức vụ hạm trưởng của hải quân Mỹ. Lê Bá Hùng quê quán ở cố đô Huế, rời Viêt Nam ngày 02/05/1975. Lúc bấy giờ Hùng là cậu bé 5 tuổi. Năm 1992 Hùng tốt nghiệp ưu hạng học viện Hải Quân Hoa Kỳ. Đơn vị phục vụ đầu tiên của ông Hùng là tuần dương hạm USS Ticonderoga. Trong vài ngày tới chiến hạm do Lê Bá Hùng chỉ huy sẽ ghé thăm Việt Nam. Được hỏi cảm nghĩ của ông về chuyến thăm Việt Nam này, hải quân trung tá Lê Bá Hùng trả lời: “ Đây là một kinh nghiệm không thể tin được cho cá nhân tôi, lần đầu tiên trở về nơi tôi ra đời. Các kỷ niệm về Việt Nam của tôi rất ít nhưng tôi vẫn cảm thấy rất gần gũi với văn hoá và với con người Việt Nam”.

Hai bản tin trích dẫn ở trên là tiêu biểu cho vô số tin tức khác đều minh định rằng: Tình cha con, mẹ con, tình gia đình, tình dân tộc là những tình cảm bẩm sinh. Dầu xa quê hương từ tuổi nhi đồng hoặc sinh trưởng bên ngoài Việt Nam, giới trẻ Việt Nam hải ngoại, ở mức độ nhất định, vẫn mang trong tim óc tâm tình hướng về quê hương. Đó là gốc rễ của tâm lý về nguồn. Kinh nghiệm trên ba thập niên sinh sống tai hải ngoại cho phép người Việt ly hương nhận ra hai hình thái về nguồn:


1) Về nguồn bằng chân: một số đông đảo giới trẻ Việt Nam sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học đều theo người nhà hoặc bạn bè về thăm Việt Nam một chuyến cho “biết sự tình”. Sự tình kia gồm hai trở ngại sau đây:
a) Từ lớp mẫu giáo cho đến suốt học trình trung học và đại học, người trẻ Việt Nam tại hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, ngoài kiến thức chuyên môn, họ thường xuyên được tôi luyện để: có một đời sống độc lâp, tôn trọng tự do của những người chung quanh và của chính mình, tôn trọng công bằng, không chấp nhận bất công. Tại Việt Nam ngày nay: Người dân không thể tiến thân nếu không sống bám vào đảng, không là đảng viên. Như vậy còn đâu là đời sống độc lập? Báo chí phải là báo quốc doanh, phải viết theo “lề phải” do nhà nước qui định. Như vậy, còn đâu là tự do? “Đại gia đỏ” là giai cấp thống trị tự phong. Không đồng ý với đại gia đỏ có nghĩa là tự chọn lấy con đường đối mặt với công an và du đãng do công an đào tạo. Như vậy, còn đâu là công bằng?
b) Tại Việt Nam: trong mọi ngành nghề, phải là đảng viên đảng CS mới là cấp chỉ huy có uy quyền. Đảng viên CS trình độ học vấn rất hạn chế so với giới trẻ hải ngoại. Làm thế nào giới đại gia tiến sĩ giấy lại có khả năng chỉ huy hàng ngũ trí thức hải ngoại? Thêm vào đó, do mặc cảm thua kém học vấn, do bị ám ảnh bởi “thế lực thù địch”, đảng viên CSVN không bao giờ thực tâm tin dùng trí thức hải ngoại.

Từ hai trở ngại nêu trên, cuộc về nguồn bằng chân (về nguồn bằng cách đặt chân lên đất nước Việt Nam để phục vụ quê hương) không thể hoăc chưa thể thực hiện được.
Về nguồn bằng chân thất bại, nhưng tâm lý về nguồn, ước vọng về nguồn vẫn còn đó, giới trẻ Việt Nam hải ngoại đã làm gì để giải quyết nhu cầu về nguồn? Câu trả lời xin được trình bày như sau:

2) Về nguồn bằng quả tim:
Tối ngày 30/08/2009, lễ trao giải Sóng Vàng lần thứ ba đã được đài Little Saigon Radio, tuần báo Việt Tide, Hồn Việt TV tổ chức tại Nam California. “Sóng Vàng” là giải thưởng do thính giả và độc giả của ba cơ quan truyền thông vừa kể cùng với toàn thể đồng hương bầu chọn. Sóng Vàng vinh danh những cá nhân và đoàn thể nào xuất sắc trong việc phục vụ đồng hương, làm vẻ vang cộng đồng trên các lãnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội, khoa học, chính trị…Đặc biệt năm nay, 2009, cá nhân thắng giải Sóng Vàng là bác sĩ Huỳnh Gia Bảo, thành viên của ban giám đốc hội Project Motivate. Hội đoàn thắng giải Sóng Vàng là hội Project Motivate. Như vậy Project Motivate đã thắng một lượt hai giải Sóng Vàng.
Từ 12 năm qua, Project Motivate đã xuất hiện trong cộng đồng Việt Nam. Sự ra đời này xuất phát từ hoàn cảnh: các thập niên 1980 và 1990 đông đảo gia đình người Việt nhập cư vào Hoa Kỳ qua cửa ngõ thuyền nhân hoặc qua chương trình HO. Phần lớn, phụ huynh của những gia đình này do bận rộn với nỗ lực lập nghiệp trên đất khách đã không quan tâm đúng mức công việc học hành của con cái. Từ đó cộng đồng Việt Nam có một số người trẻ chưa hội nhập được vào xã hội Hoa Kỳ, khủng hoảng do xung đột văn hoá, xao lãng học hành, gặp khó khăn tâm lý trong gia đình, tại trường học, ngoài xã hội, tệ hơn nữa, có thể rơi vào cuộc sống bê tha.
Project Motivate là người dẫn đạo thân mến của những thanh thiếu niên kể trên. Nhờ vào sự dẫn đạo hữu hiệu kia những “thân chủ” của Project Motivate đã bình thường hoá đời sống. Gia đình, trường học và bạn bè là những nơi cung cấp học viên cho đoàn mentor của Project Motivate. Mentors là những sinh viên hoặc là những người đã tốt nghiệp các Đại Học Hoa Kỳ. Họ trực tiếp dìu dắt học viên từ lớp 9 đến lớp 12 trung học. Công việc dìu dắt này nhằm hai mục tiêu.: giúp học viên đủ năng lực trúng tuyển vào các đại học Hoa Kỳ. Giúp học viên có được đời sống tập thể cảm thông và đoàn kết. Tuy là làm việc thiện nguyện nhưng những mentors này vẫn phải trải qua một thủ tục tuyển chọn rất cẩn thận của Project Motivate. Đó là lý do quan trọng giải thích tại sao Project Motivate thành công và được đồng hương mến mộ.

Sự ra đời và phát triển vững vàng của Project Motivate là một thông điệp lớn gửi đi từ giới trẻ Việt Nam hải ngoại. Thông điệp rằng:

Thứ nhất: Tư tưởng cốt lõi của hành động về nguồn là người Việt tìm đến người Việt, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Những nhiễu nhương của hiện tình quê hương làm cho ước mong về nguồn bằng cách đặt chân lên đất nước Việt Nam không thể thực hiện được. Vì vậy, giới trẻ Việt Nam hải ngoại quyết định về nguồn ngay tại hải ngoại, gọi tắt là về nguồn bằng quả tim. Project Motivate là mô thức về nguồn bằng quả tim tinh vi và tuyệt hảo.
Thứ hai: Về nguồn ngay tại hải ngoại vừa duy trì và phát triển văn hoá yêu nước của người Việt hải ngoại vừa là cơ hội biểu tỏ cho các sắc dân khác trong xã hội quốc tế thấy rằng: dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và yêu nước bền bỉ .
Thứ ba: Nói với chế độ Hà Nội: sự chuyển đổi từ về nguồn bằng chân qua về nguồn bằng quả tim là lời cảnh báo nghiêm khắc và dứt khoát: Mọi hình thức cai trị độc đoán và gian dối đều phải bị khước từ. Chỉ có thể chế dân chủ nhân quyền đích thực mới là lời mời gọi về nguồn thực sự chân thành và hữu hiệu.

Đỗ Thái Nhiên
© Thông Luận 2009


--------------------------------------------
Những Bài Liên Quan:

Tìm thân nhân '30 năm yên giấc quê người' (Monday, October 12, 2009 6:38:17 PM)Ðối với đa số thuyền nhân được đón nhận vào quốc gia thứ ba từ các trại tị nạn ở Indonesia cách đây hơn ba mươi năm, danh xưng như Kuku, Terampa và Telung, có lẽ giờ đây đã dần dà lui vào quên lãng.

Tìm được thân nhân từ bài báo '30 năm yên giấc quê người': Em về, bằng tên trên bia mộ (Wednesday, October 14, 2009 12:28:42 PM)Ông Lê Giang Trần, một cư dân Quận Cam, California, kể lại chuyện gia đình ông đã bất ngờ khi tìm thấy tên của người em gái út, một trong 17 ngôi mộ chưa có người nhận ở Ðảo Kuku và Telung, Indonesia, sau khi đọc được bài báo “30 năm yên giấc quê người” trên Người Việt

Carina Oanh Hoàng, người đi tìm mộ ở Indonesia: ‘Có sự ràng buộc bởi những tâm linh’ (Wednesday, October 14, 2009 7:37:55 PM)Cảm xúc bi thương đó cùng với niềm tin có một sự “màu nhiệm linh thiêng” khi chị “bàng hoàng” đào đúng ngôi mộ người anh họ “nằm san sát và rất giống nhau giữa bao nhiêu ngôi mộ khác” sau gần 20 năm.

Ba về khi má vừa ra đi! (Friday, October 16, 2009 6:34:20 PM)Tôi đã bật khóc ngay khi tôi nhìn thấy tên ba, cũng như tôi đang khóc khi ngồi viết những dòng này. Vào thời điểm má tôi mất thì tôi lại được tìm thấy ba, hai thứ cảm xúc hòa quyện, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và cũng thấy lòng thật buồn.






No comments: