Saturday, November 7, 2009

TẬP ĐOÀN NHÀ NƯỚC và CỖ XE KINH TẾ VIỆT NAM

Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế Việt Nam
Nguyễn Trần Bạt
Ngày đăng: 02/07/2008 15:21 GMT+7
http://tuanvietnam.net/tap-doan-nha-nuoc-va-co-xe-kinh-te-viet-nam
Nền kinh tế VN hiện nay được vận hành như một cỗ xe ngựa. Cỗ xe ấy phải loại bỏ những yếu tố đã quá lạc hậu để tạo điều kiện cho con ngựa chạy với tốc độ phát triển mà đời sống đòi hỏi. Ngược lại, con ngựa cũng phải lường hết được những "ổ gà" trên đường, để điều chỉnh tốc độ kéo cỗ xe của mình phù hợp với năng lực chịu đựng của cỗ xe ấy - Ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch, Tổng giám đốc InvestConsult Group.

- Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu thì có ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam, cụ thể là tới các vấn đề tiền tệ, tăng trưởng ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một hiện tượng có thật. Nó chịu ảnh hưởng của sự bột phát trong giai đoạn gần đây của cuộc khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra với những mức độ khác nhau, ở những vùng lãnh thổ, địa lý khác nhau. Việt Nam cũng nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này.
Việt Nam đã rất cố gắng để trở thành một quốc gia xuất khẩu, nhưng phải nói rằng cố gắng ấy chưa có kết quả nhiều lắm. Trên thực tế chúng ta nhập siêu. Một nền kinh tế nhập siêu đương nhiên phải chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhưng theo tôi, hiện tượng suy thoái của nền kinh tế Việt Nam vẫn là vấn đề của bản thân nó, là hiện tượng của chính nó, tức là "nội tật". Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30%.
Ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới là kết quả của năng lực đề kháng của nền kinh tế, trong đó có năng lực đề kháng của sự điều hành vĩ mô. Vấn đề đặt ra là chúng ta có đủ dũng khí để giải quyết tất cả những "nội tật" của chính nền kinh tế hay không? Ở các nền kinh tế đã trưởng thành thì chính phủ phải dự đoán được trước tất cả những diễn biến ấy và có biện pháp đối phó.
Theo tôi, các khó khăn tồn tại ở Việt Nam là những khó khăn không thuần kinh tế. Các tiêu chuẩn chính trị phải tạo ra không gian cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

- Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các tập đoàn nhà nước hiện nay?

Hiện nay, các DNNN đầu tư dàn trải và được tài trợ một cách vô nguyên tắc, gây mất cân đối cho nền kinh tế.
Khi DNNN đầu tư ồ ạt vào thị trường tài chính và chứng khoán, đồng vốn bị kéo vào khu vực ấy dẫn đến trống vốn ở các khu vực sản xuất kinh doanh, do đó, khu vực sản xuất, khu vực kinh tế vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân trở nên lép vế, gây mất cân đối tiền - hàng hai chiều.
Có lẽ điều mà chính phủ cần phải làm bây giờ là lấy lại cân bằng cho nền kinh tế bằng cách siết chặt kiểm soát các tập đoàn kinh tế.

- Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chưa đủ mạnh thì các tập đoàn kinh tế lớn trong tầm kiểm soát nhà nước sẽ trở thành công cụ mạnh để nhà nước có thể can thiệp một cách có hiệu quả vào thị trường. Ông thấy thế nào?
Nhà nước can thiệp mạnh thì được cái gì? Cái chính là các tập đoàn nhà nước có một ưu thế mà các công ty khác không thể làm được: Đó là tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như điện, khai thác tài nguyên khó, cơ sở hạ tầng, luyện kim...
Việc đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như vậy sẽ đảm bảo cho xương sống của nền kinh tế không bị thao túng. Đáng lẽ phải làm như vậy thì trên thực tế, các tập đoàn KT lại không làm được. Kết quả là chúng ta thiếu nguyên, nhiên liệu để sản xuất như điện, xi măng... Tôi nghe nói chúng ta còn phải nhập cả muối, than...
Các tập đoàn lớn được thành lập với mục đích cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nó lại cạnh tranh với nhau và với các công ty nhỏ trong nước. Nói hình ảnh là chúng ta nuôi một đàn ngỗng lớn, để hy vọng khi diều hâu đến thì chúng ta có thể đối phó được với nó, nhưng thực tế chúng ta lại đối phó với gà nhà.
Rõ ràng là cần có những TĐKT lớn chịu sự quản lý của nhà nước, nhưng chỉ nên phát triển nó cùng với năng lực chịu đựng của xã hội. Tức là nền kinh tế phát triển tới đâu thì các tập đoàn KT phát triển tới đấy, cả về số lượng và quy mô. Đồng thời, Chính phủ phải ý thức được những rủi ro lớn mà các TĐKT nhà nước mang lại.
Trong điều hành vĩ mô, chúng ta đã không kiểm soát được chuyện này dẫn đến ra đời quá nhiều TĐKT, chúng cạnh tranh với nhau, mà lại chủ yếu cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán để kiếm lời và rút vốn của xã hội.
Như vậy, bản thân các tập đoàn nhà nước đã rút vốn của xã hội, lại được nhà nước cấp vốn, thì các khu vực kinh tế khác trống vốn và mất cân đối sản xuất. Tức là lượng hàng giảm xuống. Hàng hiếm mà tiền vẫn giữ nguyên thì sinh ra lạm phát.
Hiện nay, Chính phủ đang vừa phải giải quyết đề kháng sự tăng giá bên ngoài, vừa phải chống đỡ sự tăng giá cục bộ vì thừa tiền do kết quả của việc buôn bán chứng khoán ở các đô thị.

- Vậy giải pháp nào cho tình trạng này?
Các tập đoàn kinh tế NN phải bình đẳng giống như các doanh nghiệp khác, không được nhận ưu đãi. Chúng ta phải kiên trì phá bỏ thế độc quyền của DNNN, không tạo ra cộng đồng các DNNN cạnh tranh với nhau. Chúng ta tuyên bố không độc quyền nữa nhưng thực tế, kinh tế nhà nước vẫn độc quyền bởi các tập đoàn kinh tế vẫn trực thuộc nhà nước.
Sự độc quyền của một công ty nhà nước làm suy thoái chính công ty ấy. Nhưng sự không độc quyền của các công ty nhà nước sẽ chia rẽ nhà nước bằng sự cạnh tranh giữa các tập đoàn kinh tế.

- Quan sát các nền kinh tế đang phát triển, ông có thấy nước nào gặp phải những vấn đề mà chúng ta đang trải qua không?
Có, ví dụ như Indonesia. Sau thời Tổng thống Suharto, nền chính trị của Indonesia bị chia rẽ. Khi có nhiều TĐNN thì chính những TĐNN ấy làm tan rã khối thống nhất chính trị của một đảng cầm quyền. Điều này thực sự nguy hiểm bởi nó là tiền đề phá vỡ sự thống nhất chính trị.
Hiện nay, các TĐKT đang chiếm giữ trong tay hàng chục nghìn tỷ, và đã dần trở thành các thế lực trong xã hội. Và đó là những nhóm lợi ích tồn tại bất hợp pháp mà có năng lực chi phối trong đời sống chính trị - xã hội.

- Nhưng như ông vừa phân tích, chúng ta có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tạo ra các cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân. Về mặt lý thuyết có phải làm ăn bình đẳng không?
Không có lý thuyết làm ăn bình đẳng. Hiện nay các TĐNN chiếm tới khoảng 70-80% vốn tín dụng, khoảng gần 100% tài nguyên nhưng giải quyết lao động bằng một nửa khu vực tư nhân thì làm sao bình đẳng được.

- Nhưng các TĐNN lại cho rằng mục đích của DN là làm ra lợi nhuận, làm những ngành nghề mà nhà nước không cấm, trong khi thị trường thì bình đẳng?

Đồng ý. Nhưng với điều kiện Nhà nước không cấp vốn cho anh, không ưu tiên tín dụng cho anh, không cho anh sử dụng các trái phiếu nhà nước vay từ bên ngoài... Khi đó mới có cạnh tranh bình đẳng.
Bình đẳng phải được hiểu là bình đẳng về cả vốn, tài nguyên, đất đai... Theo tôi, cần phải tách các ngân hàng ra khỏi các tập đoàn kinh tế. Ngân hàng phải là những tổ chức trung lập trong đời sống tài chính và tiền tệ. Có nhiều cách quản lý tính trung lập xã hội của các tổ chức dịch vụ tín dụng. Đó là nội dung mấu chốt của Luật quản lý ngân hàng.
Không thể chỉ chống độc quyền trong phạm vi quốc gia mà còn chống độc quyền trong phạm vi một tổ chức. Hầu hết Chủ tịch các ngân hàng không phải là người sở hữu nhiều nhất cổ phần của ngân hàng đó, mà là những người có uy tín và có giá trị trung lập nhất.
Không nên thấy nền kinh tế suy yếu mà đổ tại việc mất giá tiền đồng là do tâm lý đầu cơ, cổ phiếu giảm giá là do tâm lý đám đông... Tất cả nội dung các chính sách điều hành vĩ mô là phân tích tâm lý đám đông. Không thể lấy tâm lý đám đông để giải thích cho sự điều hành kém.
Nhiều khi chúng ta không dám thừa nhận ngã ngựa là do không đủ năng lực cưỡi ngựa mà đổ tại con ngựa dở. Tâm lý đám đông là con ngựa bất kham của bất cứ nền kinh tế nào. Toàn bộ nội dung của kinh tế học là nghiên cứu tâm lý đám đông về kinh tế.

- Theo ông, bao giờ thì tình hình kinh tế Việt Nam được cải thiện?
Tôi từng trả lời báo Lao động rằng, các khuyết tật hiện nay không giết chết được nền kinh tế Việt Nam, cũng không làm suy trầm, đóng băng toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Nhưng nó đẩy nền kinh tế vào một cái bẫy: Đó là trở thành một nền kinh tế phát triển chậm. Nền kinh tế của chúng ta cứ non trẻ mãi, cứ mãi ở giai đoạn "vị thành niên".
Và nếu chúng ta xem nền kinh tế vị thành niên là tiêu chuẩn của sự phát triển thì chúng ta không hề suy thoái gì hết. Nghĩa là nền kinh tế được kìm hãm ở mức phát triển này mà không có sức bật nào.
Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vận hành như một cỗ xe ngựa. Có 2 yếu tố quan trọng: Thứ nhất là cỗ xe ấy có đạt trình độ hoàn hảo về mặt kỹ thuật hay không? Thứ hai là con ngựa kéo cỗ xe có đủ năng lực để đưa cỗ xe tiến về phía trước với tốc độ cao mà vẫn tránh được những "ổ gà" hay không?
Hiện nay chúng ta không lường được cỗ xe chính trị xã hội không thuận lợi chạy với tốc độ cao như chúng ta mong muốn. Cỗ xe ấy phải loại bỏ những yếu tố đã quá lạc hậu để tạo điều kiện cho con ngựa chạy với tốc độ phát triển mà đời sống đòi hỏi.
Ngược lại, con ngựa cũng phải lường hết được những "ổ gà" trên đường, để điều chỉnh tốc độ kéo cỗ xe của mình phù hợp với năng lực chịu đựng của cỗ xe ấy. Nghĩa là chính phủ phải lường hết được những tác động từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong đối với nền kinh tế để có biện pháp đối phó.
Đó là nguyên lý không cần phải chối bỏ và chúng ta phải đối mặt để đưa cỗ xe kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng là "cỗ xe" có đủ dũng khí để tự nâng cấp mình lên đáp ứng với yêu cầu của thời cuộc, để "con ngựa" có cơ hội kéo cả cỗ xe vươn lên phía trước hay không.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Hải Lan (thực hiện)



No comments: