Chậm còn hơn không !
Trần Bình Nam
Đăng ngày 17/11/2009 lúc 16:18:30 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4332
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến vùng Biển Đông, một vùng biển giới hạn phiá bắc bởi đảo Hải Nam, phía đông bởi Phi Luật Tân, phía tây bởi Việt Nam, phiá Nam bởi Singapore, Nam Dương, Mã Lai Á và Brunei trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một vấn đề vẫn còn nhiều câu hỏi. Nhiều câu hỏi được dành cho Việt Nam.
Từ năm 1958 khi Trung Quốc chính thức công bố bản đồ vùng Biển Đông [1] trong đó Trung Quốc khoanh một khoảng lớn có hình như một cái lưỡi bò [2] bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nói thuộc chủ quyền của họ thì Việt Nam đã phản ứng một cách khó hiểu. Mãi đến ngày 10/11/2009 vừa qua chính quyền đảng cộng sản Việt Nam mới có thái độ tương đối rõ ràng và công khai.
Ngày 4/9/1958 Trung Quốc ra thông cáo tuyên bố lãnh hải Trung Quốc 12 hải lý thay vì 3 hải lý như vẫn được áp dụng [3], và đính kèm thông cáo là bản đồ vùng biển hình lưỡi bò như đã nói ở trên.
Lúc đó Việt Nam còn ở tình trạng chia đôi qua vĩ tuyến 17 bởi Hiệp định Geneva năm 1954. Tại miền Nam tổng thống Ngô Đình Diệm không đếm xỉa gì đến tuyên bố của Trung Quốc vì Nam Việt Nam không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác vì tính cách đòi chủ quyền một vùng biển của Trung Quốc không có tính pháp lý.
Nhưng miền Bắc dưới quyền của chính phủ cộng sản do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đáp ứng công bố về chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Ngày 14/9/1958 thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm công nhận và hứa tôn trọng tuyên bố lãnh hải mới của Trung Quốc. Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng không đả động gì đến vùng biển hình lưỡi bò.
Điều này vẫn còn là một nghi vấn không biết ý của ông thủ tướng Phạm Văn Đồng như thế nào. Tuy thế dư luận cho rằng chính quyền miền Bắc qua công hàm 14/9/58 đã bán đứng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Và lẽ dĩ nhiên Trung Quốc cũng “giả mù làm mưa” hiểu như vậy.
Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nhân buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992 đã nói với Thông tấn xã Việt Nam và được phổ biến ngày 3 tháng 12 năm 1992 rằng: “Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này . [4]
Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.
Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả.”
Như vậy về mặt thực tế cũng như pháp lý công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể hiểu là văn kiện Hà Nội công nhận vùng biển hình lưỡi bò là của Trung Quốc.
Thực tế là từ năm 1991 sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất tốt đẹp và Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế cũng như chính trị một cách nặng nề, Việt Nam vẫn luôn khẳng định bằng lời hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bằng lời là vậy nhưng Hà Nội chưa bao giờ công bố lập trường của mình đối với vùng biển hình lưỡi bò một cách chính thức trước quốc tế bằng văn bản.
Hôm 10/11/2009 nhân Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam triệu tập “Hội nghị tuyên truyền biển đảo và phân giới cắm mốc” có tính nội bộ do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh chủ tọa, một bản tin do VietnamNet một cơ sở thông tin “online” của chính quyền Hà Nội phổ biến tiết lộ rằng trong tháng 5/2009 Việt Nam đã gởi văn thư đến Uỷ ban Ranh Giới thềm Lục địa Liên hiệp quốc bác bỏ yêu sách vùng biển hình lưỡi bò của Trung Quốc.
Văn kiện phản bác của Việt Nam gởi Liên Hiệp Quốc ngày 8/5/2009 sau khi Việt Nam và Mã Lai Á chính thức gởi hai báo cáo quốc gia, một của Việt Nam (VNM-N) và một viết chung với Mã Lai Á (MYS-VNM) đến Uỷ ban Ranh Giới thềm Lục địa Liên hiệp quốc xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [5] và bị Trung Quốc phản đối.
Bản tin VietnamNet viết: “Sau khi Việt Nam nộp Báo cáo thềm lục địa ra Liên Hiệp Quốc, phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc đã gởi các công hàm đến ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối hai báo cáo trên và yêu cầu Uỷ ban Ranh Giới thềm Lục địa Liên hiệp quốc không xem xét báo cáo chung (MYS-VNM) và báo cáo khu vực phía Bắc (VNM-N) của Việt Nam và đồng thời và cũng là lần đầu tiên chính thức khẳng định yêu sách vùng biển hình lưỡi bò trên Biển Đông.
Bản tin VietnamNet viết tiếp: “Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gởi công hàm phản đối công hàm của phía Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ yêu sách vùng biển hình lưỡi bò, coi đây là yêu sách phi lý, không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.
Như vậy, về đảo, qua Báo cáo quốc gia trình Uỷ ban Ranh Giới thềm Lục địa Liên hiệp quốc, Việt Nam đã chính thức tuyên bố trước thế giới bằng văn bản rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Và về biển qua văn thư gởi Liên Hiệp Quốc ngày 8/5/2009 Việt Nam đã bằng văn bản bác bỏ yêu sách vùng biển hình lưỡi bò trên Biển Đông của Trung Quốc. Một điểm đáng lưu tâm là trong tháng 5/2009 Việt Nam đã không tiết lộ rằng Việt Nam đã gởi công hàm phản bác sự đòi hỏi chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc.
Việt Nam hoặc quá nể Trung Quốc hoặc quá tế nhị về ngoại giao nên không công khai tiết lộ lập trường của Việt Nam đối với vùng biển hình lưỡi bò, hồi tháng 5/2009 vừa qua. Chờ cho đến ngày 10/11/2009 vừa qua mới công bố.
Trễ 6 tháng! Nhưng trễ còn hơn không.
Chuyến công du Á châu của tổng thống Obama từ ngày 13 đến ngày 17/11 cho thấy Hoa Kỳ dù bận tay đối phó với các vấn đề cấp thiết khác như chiến tranh Iraq, Afghanistan, vấn đề Iran đang chế tạo vũ khí nguyên tử và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ cũng không quên vai trò của mình tại Á châu là cân bằng quyền lực với lực lượng đang lên của Trung Quốc.
Khó nói được chuyến đi của tổng thống Obama có ảnh hưởng gì đến thái độ mới của Việt Nam đối với Trung Quốc không. Nhưng nếu có cũng không thay đổi được gì tư thế của Việt Nam trong cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc nếu chính quyền đảng cộng sản Việt Nam chưa phát huy nội lực của toàn dân.
Bài học của tiền nhân là sống cạnh nước lớn, chúng ta phải khiêm nhường và khéo léo để tồn tại. Vua Lê Lợi giết Liễu Thăng giành được độc lập vẫn phải làm một Liễu Thăng bằng vàng để triều cống Trung Quốc. Vua Quang Trung sau khi đánh tan 10 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị vẫn phải xin Bắc Triều phong vương. Nhưng vua Lê Lợi cũng như vua Quang Trung đều cho người Trung Hoa hiểu rằng nếu Trung Quốc còn manh tâm xâm chiếm Việt Nam họ sẽ bị đánh tan. Tiền nhân đã chứng tỏ Việt Nam nhún nhường phận nước nhỏ nhưng không hèn nhát.
Việt Nam hôm nay đứng trước một thử thách lịch sử là lại đứng trước người khổng lồ phương Bắc đang triển khai sức mạnh với tâm lý nước lớn ngàn đời không thay đổi. Và sự đe doạ lần này có vẻ nghiêm trọng hơn bất cứ sự đe doạ nào trong 2000 năm qua.
Nhưng Việt Nam không phải không có lối để tồn tại như một quốc gia độc lập. Ngoài nội lực phong phú của dân tộc, khung cảnh toàn cầu liên đới quyền lợi cũng là một vũ khí của chúng ta.
Biết khai thác thế nhân dân, biết khai dụng thế liên kết thế gìới vì quyền lợi hỗ tương, Việt Nam còn có rất nhiều đường để thoát hiểm.
Nhiều người cho rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã để cho Trung Quốc bắt nạt quá lố và quá trễ để còn có thể phản ứng tự vệ.
Nhưng cứ nên xem bát nước đầy một nửa và… trễ còn hơn không.
Trần Bình Nam
16/11/2009
[1] Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa và thế giới quen hiểu theo tiếng Anh là South China Sea.
[2] Từ đây sẽ gọi là vùng biển hình lưỡi bò.
[3] Theo phong trào chung của nhiều nước trên thế giới.
[4] Ý của ông Nguyễn Mạnh Cầm là: có thuộc về chúng tôi đâu mà bán hay không bán!
[5] Xem Trần Bình Nam, “Chung quanh vấn đề Việt Nam đăng ký thềm lục địa ngoại biên” (tiểu luận số 311, www.tranbinhnam.com)
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment